7 Loại Hình Thông Minh – Thomas Armstrong

Lần cập nhật gần nhất December 11th, 2019 – 11:38 pm

Giá gốc 119.000 | Tiki 83.199 | Fahasa 89.250

Cuốn sách này phản ánh rất đúng trí thông minh của con người gắn liền với sự đa dạng về ngành nghề trong cuộc sống hiện nay. “7 loại hình thông minh” giải thích một thực tế là có nhiều người IQ cao nhưng vẫn không thành công trong cuộc sống và ngược lại, cũng như cách thức để phát hiện và phát triển các loại hình thông minh vượt trội của chính bạn và người thân; để chúng ta có thể hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Trí tuệ con người không chỉ được đánh giá thông qua các bài trắc nghiệm IQ, có rất nhiều dạng thông minh khác nhau và có thể mỗi chúng ta đều đang sở hữu một hoặc vài loại trí thông đó.

“Con người trong thực tế luôn luôn sở hữu tất cả 7 loại trí thông minh với ‘mức độ’ khác nhau.”

Review (2)

Không phải bàn cãi rằng đây là một trong những cuốn sách nền tảng để tìm hiểu về thuyết “đa thông minh”. Ngày nay, ý tưởng cho rằng có rất nhiều loại trí thông minh khác nhau tồn tại bên trong con người đã rất phổ biến, được nhiều nhà khoa học và tâm lí học trên khắp thế giới quan tâm nghiên cứu và phát triển ngày một phong phú. Tất cả bắt đầu với những nghiên cứu của Tiến sĩ Howard Gardner, cha đẻ của học thuyết “trí thông minh đa dạng”, được giới thiệu đến công chúng thông qua quyển sách của ông – Frames of Mind. Hứng thú với việc khám phá bản thân cũng như để hiểu thêm về khái niệm “7 loại hình trí thông minh” (hiện nay đã được cập nhật là 9 loại hình trí thông minh), mình đã tìm đọc quyển sách cùng tên của Thomas Armstrong. Đây là một quyển sách kế thừa những nghiên cứu của Giáo sư Howard Gardner, cùng nhiều kiến thức về trí thông minh được tổng hợp và cả những phương pháp để một cá nhân tự phát triển những khả năng của riêng mình.

Lời nói đầu của tác giả trong cuốn sách này vô cùng hữu ích, nó giúp bạn có một cách tiếp cận và sử dụng quyển sách này sao cho hợp lý, đồng thời cũng là một lời động viên để chúng ta tìm cách phát triển những trí thông minh của riêng mình. Đây là một cuốn sách không phải để đọc từ đầu chí cuối (cũng như rất nhiều quyển self-help khác), hãy chỉ đọc những gì bạn thấy cần thiết cho bản thân, sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và sự tập trung của bạn. Sau khi đã đọc xong các mục trí thông minh mà bạn quan tâm (mà phần này theo mình thấy là hơi chung chung và dễ gây chán), hãy bắt đầu đọc tiếp từ chương 9. Bắt đầu từ đây sẽ có nhiều bàn luận chung cho các loại hình thông minh, cũng như giới thiệu thêm về 2 loại hình thông minh mới. Tác giả cũng đưa ra tiêu chí để có thể phân chia ra các loại trí thông minh khác nhau. Có thể thấy được Giáo sư H. Gardner rất cởi mở và hào phóng khi bàn luận về học thuyết của mình, cho phép người đọc có thể tiếp tục tìm hiểu và phát triển những loại hình trí thông minh còn chưa được khám phá. Mong rằng bạn cũng sẽ tìm được bản thân mình và tiếp tục con đường phát triển bản thân một cách thành công nhất.

– Đức Bùi (Goodreads)

Lý thuyết về trí thông minh đa dạng được TS. Howard Gardner, giáo sư về giáo dạc tại đại học Harvard đề xuất năm 1983. Lý thuyết này cho rằng cách đo đạc trí thông minh của con người căn cứ trên chi số I.Q là một phương pháp hạn chế. Phát triền tiếp lý thuyết này, trên cơ sờ phân tích những bằng chứng liên quan tới não và học thuyết về phân loại trí thông minh cũa TS. Howard Gardner, tác giả cuốn sách, TS.Thomas Armstrong, đã mô tá 7 loại hình trí thông minh của con người:

1. Trí thông minh logic toán: Đây là loại trí thông minh liên quan tới con số (toán học) và mối quan hệ logic giữa các sự vật. Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lình vực liên quan tới con số (toán, vật lý, hóa học, ngân hàng, tài chính…)
2. Trí thông minh ngôn ngữ: Đây là loại trí thông minh liên quan tới năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Những người có trí thông minh này thướng là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội…
3. Trí thông minh không gian: Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, địa chất, vật lý thiên văn…
4. Trí thông minh cơ thể: Đây là loại trí thông minh liên quan tới vận động của thân thể thường có ớ những vận động viên thể thao, nghệ sĩ múa…
5. Trí thông minh âm nhạc: Lọai trí thông minh này thể hiện ớ khả năng nghe nhạc, ghi nhớ nhanh giai điệu, sáng tạo ra các bán nhạc…
6. Trí thông minh về nội tâm: Thể hiện ớ khá năng khám phá chiều sâu của bản thân…
7. Trí thông minh trong tương tác cá nhân: Những người có năng lực quan hệ với mọi người, nầm bắt được suy nghĩ của người khác, giỏi hợp tác, tập hợp mọi người, lãnh đạo…

Bằng chứng thể chất của các loại trí thông minh này là khi có một tổn thương nào đó trong não thì một loại trí thông minh tương đương bị ánh hướng nặng nề, trong khi những loại trí thông minh khác vẫn tồn tại. Tác giá cùng cho rằng một người có thể sớ hữu đồng thời nhiều loại trí thông minh với những mức độ khác nhau. Điểu này lý giải tại sao có những người xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Dựa trên phân loại trí thông minh và các bài trắc nghiệm cùa tác già, người đọc, hoặc cha mẹ, các nhà giáo dục có thể áp dụng các nguyên tắc giáo dục và học tập phù hợp.

Trong cuốn sách cùa mình, TS. Thomas Armstrong thề hiện sự hi vọng sẽ có các cài cách rộng rãi và mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục để mớ đường cho các loại trí thông minh này được phát hiện và nuôi dường.

– HPU.EDU.VN

Tóm tắt

Không có một kỹ năng nào được sắp xếp sẵn từ trước có thể định nghĩa được toàn bộ trí thông minh của bạn. Mặc dù vậy, bạn có thể tiến gần đến việc hiểu được kiểu suy nghĩ của bạn bằng cách khảo sát một sự kiện tiêu biểu trong số các sự kiện vẫn diễn ra thường xuyên trong cuộc đời mình. Danh sách kiểm tra với những đề mục sau đây sẽ giúp bạn làm việc này. Có một khoảng trống ở cuối mỗi mục để viết về những khả năng khác đã không được nhấn mạnh trong danh sách kiểm tra. Đừng coi danh sách kiểm tra này như là những gì quyết định cuối cùng về bảy loại hình trí tuệ của bạn. Còn có nhiêu bài tập và các hoạt động khác nhau trong cuốn sách này, chúng sẽ bổ sung thêm vào vốn hiểu biết của bạn cách làm thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Hãy coi danh sách kiểm tra này đơn giản chỉ là một cách để bắt đầu khám phá khi bạn muốn tìm đáp số thực về trí thông minh của bản thân mình.

Danh sách kiểm tra các loại trí thông minh

Với từng loại trí thông minh, bạn hãy kiểm tra xem những quan điểm dưới đây có đúng khi bạn áp dụng hay không:

TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

  • Những quyển sách rất quan trọng đối với tôi.
  • Tôi có thể nghe thấy những từ vang lên trong đầu mình trước khi đọc, nói hay viết chúng ra.
  • Tôi nghe đài hoặc nghe băng nhiều hơn là xem ti vi hay xem phim.
  • Tôi có khả năng từ ngữ trong các trò chơi như sắp chữ, đảo chữ hay mật khẩu.
  • Tôi thích giải trí hoặc chơi những trò phải tập uốn lưỡi, có những âm điệu vô nghĩa hay có chơi chữ.
  • Đôi khi những người khác phải dừng lại và đề nghị tôi giải thích ý nghĩa của những từ ngữ mà tôi sử dụng khi viết và nói.
  • Trong thời gian tôi còn đi học phổ thông, tiếng Anh, các môn học xã hội đối với tôi dễ hơn nhiều so với môn toán và khoa học.
  • Khi lái xe thong thả trên xa lộ, tôi thường chú ý vào những từ ngữ viết trên biển quảng cáo nhiều hơn chú ý quang cảnh xung quanh.
  • Cuộc nói chuyện, trao đổi của tôi thường liên quan đến những thông tin tham khảo mà tôi vừa được đọc hoặc nghe thấy.
  • Gần đây tôi đã viết về một số điều đã làm tôi đặc biệt tự hào hoặc những điều giúp tôi nổi bật giữa đám đông.

TRÍ THÔNG MINH LOGIC

  • Tôi có thể dễ dàng tính toán các con số trong đầu.
  • Toán và những môn khoa học được tôi yêu thích nhất khi còn học ở nhà trường.
  • Tôi thích thú với các trò chơi hay giải các câu hỏi hóc búa mang tính trí óc mà chúng đòi hỏi phải có suy nghĩ logic.
  • Tôi thích nghĩ ra và làm các thí nghiệm tìm kiếm “cái gì sẽ xảy ra” (Ví dụ như: “Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi tăng gấp đôi số lượng nước tôi tưới hàng tuần vào bụi hoa hồng”).
  • Suy nghĩ của tôi là tìm tòi những khuôn dạng, luật lệ hay những trật tự có tính logic trong các sự vật, sự việc.
  • Tôi ham thích và hứng thú với những phát triển, tiến bộ mới của khoa học.
  • Tôi tin tưởng rằng, hầu hết mọi thứ đều có một cách lý giải hợp lý, chặt chẽ.
  • Đôi khi tôi tư duy bằng những khái niệm trừu tượng, tách biệt rõ ràng, không có từ ngữ và hình ảnh.
  • Tôi thích tìm kiếm những thiếu sót mang tính logic trong những thứ mà mọi người nói và làm ở nhà hay trong công việc.
  • Tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi có một việc gì đó để đo đạc, xếp loại, phân tích và định lượng theo một phương pháp nào đó.

TRÍ THÔNG MINH KHÔNG GIAN

  • Tôi thường thấy được rõ ràng hình ảnh hiện lên khi tôi nhắm mắt lại.
  • Tôi nhạy cảm với màu sắc.
  • Tôi thường sử dụng máy quay phim hoặc máy ảnh để ghi lại những gì tôi nhìn thấy xung quanh.
  • Tôi thích việc giải câu đố, xếp hình, mê cung hay những câu đố khác sử dụng hình ảnh.
  • Tôi có những giấc mơ đầy hình ảnh sống động vào ban đêm.
  • Nói chung, tôi có thể tìm thấy đường cả ở những khu vực, địa bàn không quen biết.
  • Tôi thích vẽ hoặc viết nguệch ngoạc một cách lơ đãng.
  • Khi còn học phổ thông, đối với tôi môn hình học dễ hơn nhiều so với môn đại số.
  • Tôi có thể thoải mái tưởng tượng về hình ảnh của một sự vật hoặc một cảnh bất kỳ nào đó sẽ được hiện ra như thế nào, khi được nhìn từ trên cao xuống bằng đôi mắt của một con chim đang bay.
  • Tôi thích nhìn ngắm một tài liệu có nhiều hình ảnh minh họa hơn là đọc nó.

TRÍ THÔNG MINH VẬN ĐỘNG CƠ THỂ

  • Tôi tham gia ít nhất một môn thể thao hoặc hoạt động thân thể đều đặn và thường xuyên.
  • Tôi thấy thật khó khăn khi phải ngồi lì một chỗ trong một khoảng thời gian dài.
  • Tôi thích làm việc bằng tay với những công việc, hoạt động có tính cụ thể như nghề làm may, nghề thêu, chạm khắc, nghề thợ mộc hoặc tạo mẫu.
  • Những ý tưởng tốt nhất thường đến với tôi khi đang đi dạo hoặc chơi đùa ở bên ngoài, hoặc khi tôi tham gia vào một hoạt động cơ thể nào đó
  • Tôi thường thích dùng thời gian rỗi rãi đi dạo bên ngoài.
  • Tôi thường sử dụng các cử chỉ phức tạp của tay hoặc các dạng khác của ngôn ngữ cơ thể khi đối thoại, nói chuyện với một người nào đó.
  • Tôi cần được chạm vào các đồ vật để có thể hiểu rõ hơn về chúng.
  • Tôi ham thích được chơi các trò chơi tiêu khiển liều lĩnh, táo bạo hoặc tham gia những hoạt động thân thể tương tự, có thể đem lại cảm giác mạnh, hồi hộp, sợ hãi cho người chơi.
  • Tôi có thể tự vận động tốt cũng như dễ dàng phối hợp với người khác.
  • Tôi cần được thực tập một kỹ năng mới nhiều hơn là chỉ đơn thuần đọc về nó hay xem một băng video mô tả về nó.

TRÍ THÔNG MINH ÂM NHẠC

  • Tôi có giọng hát dịu dàng.
  • Tôi có thể nhận biết và phân biệt được khi một nốt nhạc bị lạc điệu.
  • Tôi thường nghe nhạc ở đài phát thanh, đĩa hát, băng từ hay đĩa CD.
  • Tôi chơi được một nhạc cụ.
  • Cuộc sống của tôi sẽ thật nghèo nàn, đơn điệu nếu thiếu âm nhạc.
  • Đôi khi tôi tự nhận thấy mình đang đi bộ trên đường phố với những đoạn quảng cáo trên ti vi được lặp đi lặp lại trong đầu hoặc những giai điệu nào đó đang lướt qua trong ý nghĩ.
  • Tôi có thể dễ dàng dành thời gian để nghe một đoạn nhạc được chơi chỉ với một dụng cụ gõ đơn giản.
  • Nếu tôi nghe một bản nhạc được tuyển chọn nào đó, sau một hoặc hai lần, tôi thường có thể hát lại tương đối chính xác.
  • Tôi thường tạo ra các âm thanh gõ nhè nhẹ hoặc hát những giai điệu nhỏ trong khi làm việc, nghiên cứu hoặc làm một điều gì mới.

TRÍ THÔNG MINH TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN

  • Tôi thuộc dạng người mà những người khác thường tìm đến để được nghe lời khuyên và tư vấn về công việc hoặc về những người hàng xóm.
  • Tôi thích những môn thể thao có tính đồng đội như cầu lông, bóng chuyền… hơn là những môn thể thao mang tính cá nhân như môn bơi lội hoặc cưỡi ngựa.
  • Khi gặp phải rắc rối, khó khăn, tôi thích đi tìm một người khác giúp đỡ hơn là cố gắng tự mình giải quyết những vướng mắc, khó khăn.
  • Tôi có ít nhất là ba người bạn thân.
  • Tôi yêu thích những trò tiêu khiển có nhiều người tham gia như chơi bài brít hoặc bài Monopoly hơn là những trò chơi trên máy hoặc trò đánh bài một người.
  • Tôi thấy thích thú khi có cơ hội được dạy người khác hoặc hướng dẫn một nhóm người làm những điều gì tôi thành thạo.
  • Tôi tự coi mình là người lãnh đạo (hoặc những người khác gọi tôi như vậy).
  • Tôi cảm thấy thoải mái khi ở giữa một đám đông.
  • Tôi thích tham gia vào những hoạt động xã hội có liên quan đến công việc của mình, liên quan đến nhà thờ hoặc cộng đồng.
  • Tôi muốn dành buổi tối tham gia các cuộc hội họp đông người sống động hơn là ở nhà một mình.

TRÍ THÔNG MINH NỘI TÂM

  • Tôi thường dành thời gian một mình nghiền ngẫm, trầm ngâm hoặc suy nghĩ về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.
  • Tôi đều đặn đến dự các buổi tư vấn hoặc các cuộc hội thảo về sự trưởng thành của con người để hiểu biết nhiều hơn nữa về bản thân mình.
  • Tôi có những chính kiến khác hẳn đám đông khiến tôi tách biệt với họ.
  • Tôi có một sự hứng thú hoặc sở thích đặc biệt trong việc giữ bí mật thật nhiều điều tốt đẹp cho bản thân.
  • Tôi có một cách nhìn thực tế về những mặt mạnh và điểm yếu của bản thân mình (những điều này đã được khẳng định nhờ thông tin phản hồi từ nhiều nguồn tin khác nhau).
  • Tôi thích được ở một mình suốt thời gian cuối tuần trong một căn nhà nhỏ ở giữa rừng hơn là ở một khu nghỉ mát hấp dẫn có rất nhiều người xung quanh.
  • Tôi tự coi mình là người có ý chí mạnh mẽ hoặc là người có khuynh hướng độc lập.
  • Tôi giữ một cuốn sổ nhật ký cá nhân hoặc một cuốn sổ ghi lại những sự kiện trong đời sống nội tâm của mình.
  • Tôi tự tạo việc làm cho mình hoặc ít nhất là có những suy nghĩ nghiêm chỉnh về việc bắt đầu công việc hoặc nghề nghiệp của riêng mình.

Trước khi tiếp tục với phần còn lại của cuốn sách này, dù sao đi nữa, bạn hãy ghi nhớ trong đầu những ý kiến sau đây:

  • Hãy nhìn vấn đề một cách toàn cảnh
  • Hãy yêu quý và biết ca ngợi những năng lực sẵn có của bạn
  • Hãy tập trung chú ý vào những trí thông minh còn ẩn giấu trong con người bạn
  • Hãy lạc quan về những năng lực còn yếu của bạn

BẢY LOẠI HÌNH THÔNG MINH

“Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có tài năng thiên phú; nhưng đáng tiếc là 9.999 trong số 10.000 đứa trẻ đó đều đánh mất tài năng của bản thân một cách mau chóng khi chúng trưởng thành” – Buckminster Fuller

1. Thông minh ngôn ngữ: là trí thông minh của các phóng viên, người kể chuyện, các nhà thơ và luật sư. Người có khả năng về ngôn ngữ có thể tranh cãi, thuyết phục, làm trò hay làm hướng dẫn có hiệu quả bằng việc sử dụng lời nói. Họ thường yêu thích các cách sử dụng âm thanh của từ ngữ, thông qua sự chơi chữ, trò đố từ và cách uốn lưỡi. Đôi khi họ cũng hay đưa tin vặt bởi vì họ có khả năng nhớ các sự kiện. Họ có thể trở thành các bậc thầy về đọc và viết. Họ đọc một cách tham lam, có khả năng viết một cách rõ ràng và có thể phóng đại ý nghĩa lên theo các cách khác nhau từ những tin bài báo, bức ảnh bình thường.

2. Thông minh logic toán học: là trí thông minh đối với những con số và sự logic. Đây là trí thông minh của các nhà khoa học, kế toán viên và những nhà lập trình máy tính. Những nét tiêu biểu nhất của người thiên về trí thông minh lô-gic – toán học gồm có khả năng xác định nguyên nhân, chuỗi các sự kiện, cách tư duy theo dạng nguyên nhân – kết quả, khả năng sáng tạo các giả thuyết, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên các khái niệm, đồng thời ưa thích các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.

3. Thông minh không gian: liên quan đến suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng và khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo lại những góc độ khác nhau của thế giới không gian trực quan. Đó là mảnh đất sáng tạo của các kiến trúc sư, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ, các phi công và các kĩ sư cơ khí máy móc. Những cá nhân sở hữu loại trí thông minh về không gian ở mức độ cao, thường có một độ nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan và có thể hình dung được một cách sống động, vẽ ra hay phác họa những ý tưởng của họ dưới dạng hình ảnh, đồ hoạ, cũng như họ có khả năng tự định hướng bản thân trong không gian 3 chiều một cách dễ dàng.

4. Thông minh âm nhạc: khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các tiết tấu và nhịp điệu. Ngoài ra, trí thông minh về âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn là người đó có khả năng nghe tốt, có thế hát theo giai điệu, biết dành thời gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục âm nhạc khác nhau với sự chính xác và sáng suốt của các giác quan

5. Thông minh vận động cơ thể: là loại thông minh cả chính bản thân cơ thể. Nó bao gồm tài năng trong việc điều khiển các hoạt động thân thể của một người và trong cả thao tác cầm nắm các vật thể một cách khéo léo. Các vận động viên thể thao, những người làm nghề thủ công, những thợ cơ khí và các bác sĩ phẫu thuật là những người sở hữu khả năng này của tư duy. Các cá nhân thuộc loại tài năng vận động thân thể có thể rất khéo léo và thành công trong nghề thêu may, nghề thợ mộc hay nghề tạo mẫu. Hoặc họ có thể ham thích và theo đuổi những hoạt động của cơ thể như đi bộ đường dài, khiêu vũ, chạy bộ, cắm trại, bơi lội hoặc đua thuyền. Họ là những người thực hành, nhạy cảm, thường xuyên muốn vận động cơ thể của họ và có “phản ứng bản năng” với các tình huống, sự vật.

6. Thông minh tương tác cá nhân: là năng lực hiểu và làm việc được với những người khác. Đặc biệt là, điều này yêu cầu có khả năng cảm nhận và dễ chia sẻ với tâm trạng, tính cách, ý định và mong muốn của những người khác. Trí thông minh này cần cho một nhà quản lý của một tổng công ty lớn. Một cá nhân có trí thông minh về giao cảm có thể rất giàu lòng trắc ẩn và đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, chẳng hạn như Mahatma Gandhi hoặc là người có sức lôi cuốn và khéo léo như Machiavelli, nhưng họ đều có khả năng nhìn thấu suốt vào bên trong của những người khác và từ đó nhìn ra viễn cảnh của thế giới bên ngoài bằng chính cặp mắt của những con người đó. Trong thực tế, họ rất tuyệt vời với vai trò của người môi giới, quản trị mạng, người hoà giải hoặc là thầy giáo.

7. Thông minh nội tâm: là năng lực tự nhận thức bản thân. Một người mạnh mẽ về loại trí tuệ này có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn rõ được những cảm xúc của chính bản thân mình, phân biệt được giữa nhiều loại trạng thái tình cảm bên trong và sử dụng chính những hiểu biết về bản thân mình để làm phong phú thêm và vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Các thí dụ về những người có trí thông minh thiên về kiểu này gồm có các nhà cố vấn, nhà thần học, những thương nhân. Họ có thể là người rất hay tự xem xét nội tâm và ham thích được trầm tư suy nghĩ, được ở trong trạng thái tĩnh lặng hay trong các trạng thái tìm hiểu tinh thần một cách sâu sắc khác. Mặt khác họ có thể là người có tính độc lập mạnh mẽ, tính thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, có kỷ luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ thuộc dạng tự lập và thích làm việc một mình hơn là làm việc với người khác.