Không Gia Đình – Hector Malot

Lần cập nhật gần nhất December 25th, 2019 – 02:04 pm

Giá gốc 128.000 | Tiki 76.800 | Fahasa 85.760

Cuốn sách xây dựng hình ảnh cậu bé Rémi như một tấm gương sáng cho các bạn nhỏ về khả năng sống tự lập. Chính sự “không gia đình” của Rémi là cơ hội cho cậu được học cách tự đứng trên đôi chân của mình và tránh khỏi trường hợp bị gia đình bao bọc, nuông chiều quá mức thành ra yếu ớt, dựa dẫm và hư hỏng. Tất nhiên, đổi lại cho sự trưởng thành đó là cái giá không hề nhỏ – Rémi phải chịu đựng sự cô đơn, buồn tủi hoặc phải đối mặt với khả năng trở thành một con người gỗ đá, chai lỳ, đóng băng cảm xúc. Người đọc sẽ luôn phải cuốn theo những cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn, đầy cam go, thử thách, để rồi thấy được cái ý chí, nghị lực của những nhân vật trong truyện nói riêng và con người trong xã hội nói chung.

Review (3)

Chắc cũng khá lâu rồi mới lại có một quyển sách làm tôi rơi nước mắt. Gần đây nhất nếu nhớ không lầm là tác phẩm Thời Thơ Ấu của Marxim Gorki.

Không Gia Đình mở đầu bằng lời giới thiệu trực tiếp, gây ấn tượng đặc biệt với đứa như tôi, có lẽ bởi đôi nét tương đồng về hoàn cảnh mà ngay cái tựa đề đã gây thu hút. Câu mở đầu của tiểu thuyết: “Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.”

Hành trình phiêu lưu không gia đình của cậu bé Rémi và lối kể của tác giả khiến tôi rơi nước mắt nhiều lần. Tình cảm giữa người và người, giữa người và vật, sự thấu hiểu, bao dung, giúp đỡ và chia sẻ. Tất cả như những khúc ca, khi thì reo vui réo rắt, lúc lại sâu lắng dịu dàng, khi thì tràn đầy cảm xúc khiến người đọc thổn thức theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật và từng tình tiết diễn biến câu chuyện.

Là một đứa bẩm sinh sợ động vật, không dám lại gần thú nuôi tuy tôi không ghét chúng. Đọc tiểu thuyết Không Gia Đình, tôi lại ao ước phải chi mình đừng sợ thú nuôi, phải chi mình có thể có một chú chó có tình có nghĩa hay một chú khỉ lém lỉnh đáng yêu để bầu bạn, để chăm chút như em, như con. Nếu những đoạn mô tả các trò hài ngộ nghĩnh của các chú thú nuôi trong tác phẩm làm tôi cười khinh khích thì những hành động biểu lộ tình cảm giữa Capi và Rémi hay đoạn ngài Joli-Coeur chết đã làm tôi thấy nước mắt vòng quanh mi. Rồi tôi cũng ấn tượng và thèm thuồng vô cùng cái cách mà hai chú bé thi nhau hôn hít lên mũi chú bò sữa như hôn một người bạn.

Phải nói Hector Malot là một người từng trải. Ta có cảm giác ông thấu hiểu tường tận từ cuộc sống của nghệ sĩ đường phố cho đến người làm vườn, hay người công nhân quanh năm làm việc dưới hầm mỏ, gánh xiếc, cho đến những kẻ trộm cắp trôi nổi đầu đường xó chợ. Kiến thức sâu rộng của nhà văn đã cho người đọc những góc nhìn thực tế về những vui buồn nghề nghiệp, những khó khăn gian truân, lòng yêu nghề, thấm thía cái câu “sinh nghề tử nghiệp”, và còn cả những kiến thức phong phú và trải nghiệm quý giá đâu phải ai cũng may mắn được trải qua tất cả trong một cuộc đời. Mà nói thế cũng bằng thừa, vì nhà văn viết kiệt tác văn học hay tác phẩm kinh điển nào chẳng là người từng trải. Các văn, nghệ sĩ, hầu hết cuộc đời họ trải qua nhiều đoạn trường, lắm gian truân, ăn nằm với những người đau khổ, những thân phận thấp hèn dưới tận cùng của đáy xã hội. Để rồi cái khổ, cái tình đó thấm sâu, lan rộng trong ngòi viết, tạo sức lay chuyển lòng người cho các tác phẩm của họ. Những trải nghiệm trên hành trình của cậu bé Rémi, hay chính sự trải đời của nhà văn, cho ta nhiều bài học về triết lý nhân sinh sâu sắc:

Đó là lời dạy của cụ Vitalis: “Cháu ơi, cháu cần có ý chí và ngoan ngoãn phục tùng. Phải làm cái gì thì cháu cố làm cho hết sức. Ở đời tất cả mọi thành công là ở đó”.

“Khi mọi việc yên ổn thì ta cứ cặm cụi đi con đường của ta, không thèm quan tâm đến những kẻ cùng đi với ta. Nhưng khi mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấy đương gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua và không tin ở ngày mai nữa, thì ta cần tựa vào những người chung quanh ta. Ta hết sức sung sướng được nhìn thấy họ bên cạnh mình.”

Hay như chiêm nghiệm của chính Rémi: “Biết bao đứa trẻ tự nhủ: “Ôi chao! Giá ta được tự ý làm cái gì thì làm tùy thích! Giá ta được tự do! Giá ta làm chủ lấy ta!”. Biết bao nhiêu đứa sốt ruột trông cho mau tới cái ngày tuyệt sướng ấy, cái ngày mà nó được tự do… làm những điều dại dột! Tôi thì tôi lại tự bảo: “Chao ôi! ước gì có người để chỉ bảo ta, hướng dẫn ta!” Là vì giữa những đứa trẻ ấy với tôi có một sự khác nhau ghê gớm…”

Qua văn phong của Hector Malot, cách xây dựng lời thoại nhân vật, và diễn dịch thành công của giáo sư Huỳnh Lý, tôi thú vị nhận ra phong cách lịch lãm, trịnh trọng tình cảm trong lời ăn tiếng nói của người Pháp, hay là phong cách đón đưa thưa rào của người Ý được hiện lên rõ rệt.

Tác phẩm có nhiều nhân vật là tấm gương về đạo đức và lối sống dũng cảm, tình nghĩa và sự cao quý trong tâm hồn, xứng đáng là một tác phẩm lớn dành cho thiếu nhi. Kết thúc rất có hậu của tác phẩm cũng phù hợp để gieo vào lòng các bạn nhỏ những mầm cây niềm tin ở con người và những điều tốt đẹp trên cuộc đời.

– Trúc Chi

Câu chuyện cảm động về tuổi thơ lưu lạc của Remi cùng cụ Vitalis

“Không gia đình” là một cuốn sách đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp. Chuyện kể về tuổi thơ cậu bé Remi được sống yêu thương trong vòng tay cha mẹ nuôi Barberin, cho đến một ngày cậu bị chính lão Barberin đem bán cho một gánh xiếc. Kể từ đó Remi sống với cuộc đời không cha không mẹ lang thang khắp mọi nơi từ nước Anh cho đến nước Pháp để kiếm sống cùng với cụ Vitalis nhận hậu và gánh xiếc. Tất cả sự khốn khổ: lang thang không chút gì trong bụng, suýt chết rét giữa cái mùa đông tuyết rơi vừa lạnh vừa đói hay bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mấy ngày đêm đều được tái hiện chi tiết qua lời kể của nhà văn nổi tiếng người Pháp – Hector Malot. Thứ quý giá cậu đã học được rằng phải lao động mới có miếng ăn nhưng không vì thế mà phải bất chấp thủ đoạn.

Một cuộc hành trình tuy điều kiện khắc nghiệt nhưng tôi vẫn thấy ấm áp, một tình thương không phân biệt giữa người và người, người và vật. Tôi thích hình ảnh cụ Vitalis điềm đạm, dù bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng điềm đạm lạ thường. Tôi nhớ có đoạn Remi lỡ làm mất chú chó, cứ ngỡ ông sẽ quát mắng nhưng trái ngược lại là một giọng ôn tồn khuyên bảo rồi bỏ qua khiến Remi và thậm chí cả tôi là người đọc cũng cảm thấy bất ngờ. Nhưng sự yêu thương của cụ dành cho cậu mấy chốc đã chấm dứt khi cụ qua đời. Cũng kể từ đó Remi phải sống tự lập, cậu dần trưởng thành hơn, dần khôn ngoan hơn, phải suy nghĩ nhiều hơn để kiếm sống, phải xoay sở để kiếm đủ tiền. Dù đôi lúc may mắn cậu có gặp được sự yêu thương hay bất hạnh phải đối mặt với khó khăn cậu vẫn nhớ lời dạy của cụ Vitali giữ phẩm chất làm người, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn làm người có ích.

Tôi nhớ tôi đã đọc cuốn sách này từ năm tôi 11 tuổi, nhưng dấu ấn của cảm xúc vẫn còn mãi. Và tôi đã quyết định đọc lại nó để có thể trải nghiệm lại một lần nữa: cảm động, bất ngờ, hồi hộp, lắm lúc tuyệt vọng và cuối cùng vui sướng bởi một kết thúc có hậu. Mặc dù “Không gia đình” đã được chuyển thể thành phim, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ thích được trải mình, muốn thỏa sức tưởng tượng mọi khung cảnh trong từng câu chữ của tác giả. Bằng lối kể dẫn dắt, tác giả khiến người đọc được hòa mình vào cốt truyện đầy cảm xúc thậm chí rơi nước mắt. Góp phần cho sự thành công đó cũng nhờ dịch giả Huỳnh Lý đã thể hiện rõ hết phong cách của Hector Malot để đưa người đọc tiếp cận được mọi cảm xúc từ phiên bản gốc. “Không gia đình” được xem là tác phẩm kinh điển giàu tính nhân văn cũng có lý của nó bởi không chỉ khiến người đọc cảm động mà còn vô vàn triết lý nhân sinh trong đó.

Một cuốn sách hay dành cho mọi lứa tuổi, nếu bạn là thiếu nhi bạn có thể cảm nhận trọn vẹn cái hay bởi mọi sự việc đều được nhìn nhận dưới góc độ của cậu bé 9 tuổi. Nếu bạn là người trưởng thành có lẽ bạn sẽ nhận thấy sự sâu sắc của bối cảnh, thông điệp mà tác giả gửi gắm.

– Nguyễn Thanh Trà

Không gia đình (Sách hay cho con)

Để nói về “Không gia đình”, kẻ mới tập tành #Review như tôi thật chẳng dám múa bút.

Là người đọc sách, ai cũng biết rằng “Không gia đình” là cuốn tiểu thuyết siêu kinh điển của Hector Malot và tầng tầng lớp lớp những ý nghĩa nhân văn, nội dung giáo dục lối sống, phẩm chất làm người cũng như rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ, gai góc cho các bạn nhỏ.

Chính vì thế, tôi xin phép viết về những hụt hẫng, những điều mà tôi cảm thấy chưa thỏa mãn với cuốn sách thay vì viết về những điều mà rất nhiều người đã viết.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi chê sách, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, những chi tiết mà tôi sắp nói ở dưới đây là sự hụt hẫng nho nhỏ của cá nhân tôi.

Trước tiên, là cái kết màu hồng. Một cái kết quá hoàn hảo, đẹp như tranh vẽ làm cho tôi cảm thấy có đôi chút muốn quên. Cái kết mà tất cả những người thân, bạn bè yêu thương Rémi đều được giàu sang và hạnh phúc, những kẻ ác thì tù tội hoặc phải sống cuộc đời đáng thương, bi thảm khiến cho cuốn tiểu thuyết kinh điển dường như lại mang chút sắc màu cổ tích chứ không phải là viết về hiện thực nữa.

Gấp cuốn sách lại, tôi đã lén đem nó so sánh với cái kết mở trong “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Mà nói đúng hơn là nó chưa hề có cái kết, đó là câu chuyện bỏ dở với những cuộc đời cũng còn dang dở. Ở đó, nó khiến cho độc giả cứ thấp thỏm mong chờ và tự do thả hồn với những suy nghĩ, những mộng tưởng, những lo lắng, hay những hạnh phúc về cuộc đời của các nhân vật. Thì ở đây, trái tim tôi lại chỉ muốn dừng lại với một Rémi không gia đình, một Rémi sau khi rời bỏ gia đình giả mạo ở sân Sư Tử Đỏ sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu khắp nước Pháp và nhiều đất nước khác nữa.

Tôi muốn thấy một Rémi bé nhỏ nhưng quật cường, không gục ngã, không tuyệt vọng trước một xã hội có sự phân chia giai cấp, tầng lớp nặng nề. Tôi muốn một Rémi bản lĩnh sẽ cùng những người bạn, những đồng chí đồng cam cộng khổ, và động lực tình yêu dù có thể cậu còn chưa kịp nhận ra với em Lisa mà vượt qua thời đại, xây dựng lên tên tuổi của đoàn nghệ sỹ hát rong, một gánh xiếc đầy tình nhân ái, một gánh xiếc mà không có sự phân biệt đối xử giữa con người và động vật, không có sự phân biệt giữa tôi và tớ, mà ở đó là tình đồng đội, đồng chí tình thân, và tình người. Tôi muốn Rémi phải là một người truyền cảm hứng, vượt thời đại để truyền thông nước Pháp và thế giới không thể làm ngơ. Và rồi cuối cùng cậu sẽ trở về tìm kiếm người mình yêu, rồi họ sẽ cùng nhau gánh vác trách nhiệm trong công cuộc cải cách đầy gian truân đó…

Như vậy, thì có lẽ câu chuyện sẽ phải rất rất dài, nhưng thà phải chờ đọc, tôi vẫn hạnh phúc hơn là phải nhìn thấy bé Rémi vốn dĩ gan dạ, rất ham lao động và đầy tự trọng, đồng thời sở hữu bao nhiêu là phẩm chất tốt đẹp của một anh hùng thời đại lại được đặt trong thân phận là con cháu của một nhà đại tư sản với khối gia tài kếch sù rồi chỉ việc mang số tiền sẵn có, “muốn bao nhiêu cũng được” đó đi để đền ơn, để giúp đỡ những người quan trọng đối với cuộc đời cậu. Thứ giàu sang xa hoa đó dường như làm hạn chế, kiềm hãm mất bao nhiêu tài năng của Rémi, làm giới hạn không gian phát triển của cậu cũng như là những bạn nhỏ đã, và sẽ đọc cuốn sách này.
Điều thứ hai, đó là việc tôi nhìn thấy một nước Pháp với những con người đầy tàn nhẫn, đặc biệt ở phân đoạn cái đêm mà cụ Vitalis vĩnh viễn ra đi vì chết rét. Người ta “không mở cửa giữa đêm” là vì sợ những mối nguy khác đến từ những kẻ vô gia cư, hay vì họ không muốn bị làm phiền sau một ngày lao động vất vả mưu sinh mà nhẫn tâm mặc kệ sự sống chết của những cuộc đời lang thang cơ cực – không chỉ riêng ông cháu Vitalis và Rémi với những con chó? Tôi cũng không biết nữa.

Có lẽ vì tôi không được sống, không được cảm, và không được hiểu về sự bần hàn thời ấy, bởi biết đâu nó cũng giống như nạn đói năm 1945 của ta, ngay cả những đứa con họ rứt ruột đẻ ra mà ngày mai còn được sống hay sẽ chết vì không có gì bỏ bụng người ta còn không biết thì nào dám cưu mang ai – nên tôi đã có những suy nghĩ và cảm nhận nông cạn như thế đấy. Chỉ đơn giản vì tôi thấy buồn, và nghĩ, nếu là ở đất nước Việt Nam tôi, có lẽ cụ Vitalis kính yêu đã không phải ra đi trong hoàn cảnh đau buồn, đáng tiếc và nhiều nước mắt như thế.

– Phương Bá Ngôn

Trích dẫn

“Vậy ra tôi chỉ yêu thương và được yêu thương để rồi phải xa lìa một cách phũ phàng, những người tôi cứ muốn sống suốt đời bên cạnh. Không có cách gì để có thể đoàn tụ họ lại được sao?”

“Nếu ông đánh đập chúng nó, chúng nó sẽ sợ sệt, mà sự sợ hãi thì làm tê liệt óc thông minh đi. Vả chăng nếu ông cứ cáu gắt với chúng thì ông đã là khác chứ không được như thế này đâu. Ông đã luyện được lòng kiên nhẫn bất chấp mọi thử thách, và chính nó đã làm cho cháu tin ông. Ấy, khi mình dạy kẻ khác thì cũng là tự dạy cho chính mình…”

“Khi ông hát thì cháu hoàn toàn tùy quyền ông, ông bắt buồn thì cháu khóc, ông cho vui thì cháu cười. Cháu còn muốn nói với ông một điều mà có lẽ ông cho là ngu xuẩn: khi ông hát một điệu êm ái hay một điệu buồn thì điệu hát đó đưa cháu trở về với má Barberin. Cháu nghĩ đến má cháu, cháu trông thấy má cháu ở trong nhà cháu, ấy thế mà nào cháu có hiểu những lời ông hát đâu, ông hát bằng tiếng Ý kia mà! …”

“Khi mọi việc yên ổn thì ta cứ cặm cụi đi con đường của ta, không thèm quan tâm đến những kẻ cùng đi với ta. Nhưng khi mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấy đương gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua không tin ở ngày mai nữa, thì ta cần tựa vào những người chung quanh ta. Ta hết sức sung sướng được nhìn thấy có họ bên cạnh mình. Nói rằng ông tựa vào cháu thì cháu lấy làm lạ lắm có phải không? Ấy thế mà đúng như thế đấy. Chỉ có một việc thấy cháu nghe ông nói mà mắt cháu nhòa lệ, ông cũng đã nhẹ bớt phiền não một phần…”

“Tôi ấy à, tôi chỉ thích người ta nói ngọt với tôi thôi, nghe những lời dịu ngọt, tôi cảm động đến ứa nước mắt và chính lúc ấy là lúc tôi sung sướng đấy. Ngốc quá! Phải không anh?”

Tóm tắt

“Không gia đình” kể về cuộc đời của cậu bé Rémi xoay quanh những nhân vật như má Barberin, cụ Vitalis, bà Milligan, Arthur, bé Lise, người bạn Mattia,… cùng đoàn xiếc thú gồm 3 chú chó Capi, Zerbino, Dolce và “ngài” khỉ Joli-Cœur. Rémi từ bé đã bị người ta đánh cắp rồi bỏ rơi ở Paris, sau đó được gia đình Barberin mang về nuôi. Dù là con nuôi nhưng em vẫn được yêu thương và chăm sóc cẩn thận trong vòng tay má Barberin, cho đến một ngày nọ, khi người chồng làm việc ở Paris – lão Barberin bị thương tật do tai nạn trở về, ông đã đem bán Rémi cho gánh xiếc của cụ Vitalis. Hai người đã cùng với đoàn xiếc thú lang thang khắp mọi miền nước Anh và nước Pháp để kiếm sống.

Trên con đường thiên lý ấy, em đã gặp được những người tốt, rồi cũng có những kẻ xấu. Cuộc đời chú bé Rémi đã thay đổi khi cụ Vitalis mất đi trong một đêm giá rét. Em đã được gia đình bác Acquin cưu mang và nhận làm con nuôi, đổi lại em cũng phải tự lao động để kiếm ăn. Những ngày sống ở gia đình bác Acquin là những ngày em cảm thấy bình yên và hạnh phúc, bởi em được yêu thương và có quyền yêu thương những anh chị em trong gia đình, và cả bác Acquin. Nhưng, cuộc sống êm đềm chưa được bao lâu thì biến cố lại đến với em. Bác Acquin bị thiếu nợ, phải ở tù, bác nhờ người em là cô Cartherin lên sắp xếp chỗ ở cho những đứa con của bác. Thế rồi, mỗi người một ngả, chỉ riêng Rémi là chọn trở lại kiếp sống lang thang, trở thành một chủ gánh với gánh xiếc gồm anh và con chó Capi. Lúc này, em đã gặp Mattia – một cậu bé em đã từng gặp trong gánh trẻ em của ông Garofoli. Mattia xin vào gánh xiếc của Rémi, thế rồi cả hai cùng nhau bước đi trên con đường thiên lý.

Con đường lần này gian khổ hơn, đã có lúc em may mắn thoát nạn trong một vụ sập hầm mỏ, đã có lúc em bị người khác nghi oan và tống vào nhà giam. Nhưng sau cùng, em đã tìm lại được gia đình của mình, một gia đình mà em sẽ được nuôi nấng đàng hoàng, được học hành tử tế, và quan trọng nhất là được yêu thương những người trong gia đình. Rémi, dù bất kì đâu, bất kì hoàn cảnh nào, vẫn luôn noi theo nếp sống thanh cao mà cụ Vitalis đã dạy em: có lòng tự trọng, dũng cảm, thương người và thương động vật, không dối trá, không ngửa tay xin xỏ và phải biết trở thành một con người có ích.

– AONOUMI