Bồ Câu Không Đưa Thư – Nguyễn Nhật Ánh

Bồ câu không đưa thư là một trong những câu chuyện viết xoay quanh ba nhân vật nữ sinh Xuyến, Thục và Cúc Hương. Những câu chuyện về tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng mang đến cho người đọc những cảm xúc vui tươi, hồn nhiên, trong sáng. Trong truyện này, ta lại bắt gặp những tình cảm nam nữ ở tuổi mới lớn, ngây ngô, vụng dại, sến mà lại rất đáng yêu. Kết thúc đượm buồn, đóng cuốn sách lại mà thấy lòng nhiều trăn trở, mỗi nhân vật một số phận nhưng tóm lại vẫn là một tác phẩm hay của Nguyễn Nhật Ánh.

Review Bồ câu không đưa thư (2)

Nhan đề cuốn sách khá hấp dẫn, khi chú chim luôn mang thư bỗng một ngày dừng công việc. Đó có lẽ chính là những cảm xúc không thể nói lên lời chỉ gói gọn tâm tư qua những con chữ. Giọng văn và cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã không có gì quá xa lạ với độc giả Việt Nam, vậy bồ câu không đưa thư là một cuốn sách có gì thú vị?

Nằm trong bộ ba series nữ sinh nhưng có lẽ đây là cuốn sách để lại nhiều tâm tư tình cảm nhất cho người đọc. Bộ ba Xuyến, Thục và Cúc Hương lần này được vào vai thám tử truy tìm nhân vật hay nói đúng hơn là người thầm thương trộm nhớ gửi thư cho Thục. Cái cách viết có phần trinh thám nhưng lại không phải vậy khiến người đọc luôn trong trạng thái tò mò hồi hộp và mong ngóng như từng tập truyện của Kính Vạn Hoa cùng tác giả. Trong những lần cố gắng truy tìm tung tích của Phong Khê, chàng trai bí ẩn gửi thư tình thì bộ ba nữ sinh luôn nhờ đến Phán củi, người có khả năng làm thơ trong lớp. Những bài thơ đối đáp đều có những mục đích riêng và cái hay ở đây chính là bí mật không phải bí mật khi mọi thứ luôn ở quanh mà không nhận ra đó thôi. Khi bồ câu mang lá thư của người con trai tới người con gái mình thích là những tình cảm thuần khiết thời học sinh mãi mãi qua không lấy lại được.

Trinh thám tìm nhân vật lãnh mạn hay đơn thuần là tình cảm thời áo trắng sân trường. Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ nó không thuộc hai thứ kể trên mà là sự đặc biệt của chính chú bồ câu trong truyện. Được nói qua thư và ẩn danh nhưng cái chính là được bên cạnh làm bạn và dành thời gian với người mình thích là quá đủ. Như trong tác phẩm Thư tình của Shunji Iwai, cậu học sinh thầm thương trộm nhớ người bạn nữ cùng tên Itsuki nhưng không thể nói và đến cả lời tỏ tình cuối cũng không đến được. Hành động và cách biểu hiện như một tình yêu không nói lên lời mà chỉ có thể cảm nhận. Nói là ẩn danh nhưng thực chất Phong Khê đã luôn tìm những cách ẩn dụ như bài thơ Cô em hiền thục hoặc chính cái tên đã nói lên tất cả. Nếu tinh ý sẽ để ý rằng cái tên là nơi đóng đô của An Dương Vương, và qua đó đã nói lên nhân vật bí ẩn là ai. Cái vẻ đẹp mộc mạc chân chất chỉ muốn được dành thời gian dù không nhiều có lẽ đã cho thấy được cái nét đẹp của bồ câu không đưa thư. Phải chăng cái tình yêu nó đơn giản đến vậy? Tại sao không thể thổ lộ mà chỉ muốn được ở bên cạnh? Liệu có thể nào vì lí do nào đó mà với bồ câu đây chính là lựa chọn tốt nhất? Và cái kết khi mọi thứ được tiết lộn mang lại sự tiếc nuối cho mọi người, nhất là “cô em hiền thục” được nói tới ở đây. Nếu như trong mảnh trăng cuối rừng, cậu Lãm nhận ra được người ngồi cùng xe mình chính là cô Nguyệt bằng cảm nhận và niềm tin qua hành động với cái kết mở nhưng có phần viên mãn thì với tác phẩm này có phần ngược lại. Chú chim bồ câu trong truyện không thể đoán biết được và còn bị nhận nhầm người, dù đã có gợi ý nhưng không thể cảm nhận cũng như một cái kết qua bức thư cuối để lại nỗi niềm mà hối tiếc có lẽ đã muộn.

Gấp cuốn sách lại xong có lẽ chúng ta đã cảm nhận được sự nuối tiếc thời thanh xuân khi bỏ lỡ điều gì đó. Tình yêu không cần lời nói và có lẽ những bức thư đã thay thế cho mọi tâm tư tình cảm dồn nén bấy lâu nay. Trước và sau khi đọc hãy thử sờ xuống bàn xem có lá thư nào được bồ câu mang đến. Đã đến lúc để đi tìm những cảm xúc và tình yêu chôn kín trong tác phẩm bồ câu không đưa thư.

– Oba Ashoka Meghishima Somei

Tiếp nối sự thành công của “nữ sinh”, “bồ câu không đưa thư” tiếp tục được tác giả của những quyển sách viết về tuổi mới lớn cho ra đời nhằm khơi nguồn cảm xúc cho bạn đọc. Đến với tập truyện này, chúng ta lại một lần nữa được tiếp cận với ba nữ nhân vật chính: Thục, Xuyến và Cúc Hương. Vẫn là tính cách hiền dịu, trong sáng của Thục; năng động, hoạt bát của Xuyến và Cúc Hương. Không chỉ có thế, một số nhân vật mới như Phán củi hay Hoàng Hòa trong mạch kể lần này được lồng ghép khiến câu chuyện học trò trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bao giờ hết. Thục là một nữ sinh được kha khá bạn nam mến mộ, quan tâm. Trong đó, anh chàng “Phong Khê” là người thường “lén lút” gửi những bức tâm thư của mình vào hộc bàn của Thục. Cùng với Xuyến và Cúc Hương, ba cô gái nhí nhảnh lần đầu hóa thân vào vai trò thám tử để tìm ra lai lịch của Phong Khê. Lấy bối cảnh năm 12 cuối cấp, cùng với lá thư bí ẩn khiến họ quyết tâm lột mặt nạ của người giấu mặt. Dường như, những điều thú vị nhất được bùng phát vào chương cuối của “bồ câu không đưa thư”. Nhân vật trong bóng tối ấy dần được tiết lộ làm cho mọi người vô cùng bất ngờ. Người ta thường nói “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt” quả thực không sai. Cũng chính thời điểm biết được người ấy, quãng đời học sinh của các cô, các cậu học trò sắp phải khép lại, Thục ngậm ngùi mà nhớ lại bài thơ Phán củi đăng trên báo Mực Tím:

“Cô em hiền thục
Gặp từ hôm qua
Nhớ từ hôm trước
Thương em nhất nhà…”

Có lẽ, chỉ những ai vừa đọc vừa ngẫm mới thấu được những tâm tư mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong từng trang chữ. Đó không chỉ là hoài niệm mà còn là những lời nhắn nhủ giản dị, chân thật nhất dành tặng đến bạn đọc. Cảm giác bồi hồi, xao xuyến vẫn còn đọng lại trên từng mặt chữ, phảng phất đâu đây kí ức tuổi học trò thơ ngây.

Đừng bao giờ hối hận về những gì mà chúng ta đã làm, hãy hãnh diện vì ta đã bản lĩnh để thực hiện nó. Cũng giống như người giấu mặt trong câu chuyện, dám ẩn mình và cũng dám tự bước ra ánh sáng!

– Điểm Đọc Việt Nam – Huế