Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh

Lần cập nhật gần nhất August 28th, 2020 – 09:33 am

“Mắt Biếc” là một câu chuyện tình buồn, và kết thúc của nó cũng thật buồn, buồn đến nao lòng. Ẩn chứa trong đó là một bài học sâu sắc về tình yêu quê hương, xóm làng. Ngôi làng trong truyện là một ngôi làng miền núi nghèo nhưng sinh ra những đứa con mạnh mẽ: Ngạn, Hà Lan, Trà Long, thằng Hòa, chị Quyên,… Thế nhưng cuộc sống thay đổi làm con người làng Đo Đo thay đổi theo lần lượt rời bỏ làng quê, rời bỏ mảnh đất nghèo nàn, rời bỏ những trò chơi thời còn thơ dại, đi tìm những chân trời mới…

Review Mắt biếc (4)

Với mình thì đây là một quyển khá là đặc biệt của Nguyễn Nhật Ánh, quyển sách này thật khó để nói là mình thích nó hay không, có lẽ nó ở cái quãng của sự phân vân giữa yêu và ghét. Nó không phải là quyển hay nhất, cũng không phải dở nhất của bác ấy, nhưng nó sẽ là một quyển lạ nhất và dễ gây tranh cãi nhất của bác Ánh. Quyển sách vẫn là câu chuyện về những mối tình đầu trong trẻo, thế nhưng nó không còn tươi vui như những quyển khác.

Nhân vật Ngạn (nam chính), được xây dựng hình ảnh một chàng trai luôn gặp bi kịch trong tình yêu, ngay từ lúc anh bắt đầu kể câu chuyện của mình đã luôn thấy nỗi buồn ngự trị trong đó, và nhiều lúc anh buồn nhiều quá khiến người đọc mệt mỏi nhiều hơn là đồng cảm.

Điểm hay của nhân vật này chính là sự hy sinh trong tình yêu, và tấm lòng gắn với quê cha đất tổ, thế nhưng chính vì vậy cũng tạo thành một con người hèn nhát và ích kỉ, một con người chỉ biết chìm trong những kỉ niệm của mối tình thơ ấu, không dám đối diện với sự thật rằng “người mình thương nào có thương mình” hoặc là “đã hết thương mình”. Mình chắc rằng nhân vật nữ chính cũng vì vậy mà luôn khó xử, bị một cảm giác tội lỗi ám ảnh vì không thể đáp lại chân tình đó.

Chính vì sự cố chấp đó của mình mà sau này anh không chỉ làm tổn thương mình mà còn cả nhân vật Trà Long (con gái của nữ chính Hà Lan). Đây là chi tiết mà nếu đem ra mổ xẻ, nó chắc hẳn sẽ gây ra nhiều tranh cãi, với mình chính vì nỗi ám ảnh của mối tình ngày thơ đó, đã khiến cho Ngạn nảy sinh ra những cảm xúc “không lành mạnh” với một cô bé đang tuổi mới lớn, mặc dù tình cảm của Ngạn vẫn rất thuần khiết, nhưng vẫn không thể nào tránh khỏi yếu tố “lolita”.

Anh nuôi nấng và chăm sóc cô bé như con, nhưng khi cô bé lớn lên anh lại yêu cô bé bằng một tình cảm nam nữ? Thật sự mình thấy Ngạn hơi bị “bệnh” ở điểm này.

Nhân vật Hà Lan là nhân vật nữ nhạt nhất trong tất cả các truyện của Nguyễn Nhật Ánh cho tới thời điểm này, mình không thể tìm ra được điểm nào đặc sắc trong tính cách của Hà Lan. Suốt cả quyển sách, ngoài đôi mắt biếc thì cô chỉ lướt qua nhàn nhạt, không để lại được ấn tượng nào. Không khiến người đọc đồng cảm được với những quyết định của mình, lúc nào cũng lập lờ và nửa vời. Nhân vật nữ thất bại nhất của bác Ánh.
Ít ra, nam chính Ngạn còn được làm kẻ si tình chính hiệu.

Nhân vật Trà Long, có lẽ là nhân vật có sức sống nhất trong tác phẩm, với mình thì cô bé chính là điểm sáng cứu lấy tác phẩm, nếu cô bé không xuất hiện thì Ngạn và Hà Lan vẫn mãi chơi trò đuổi bắt lập lờ.

Nhưng cho dù có tràn đầy năng lượng đến thế nào thì với Ngạn cô vẫn chỉ là cái bóng của Hà Lan, không hơn không kém. Ngạn yêu cô không phải vì cô là Trà Long mà vì cô là con gái của Hà Lan, mang trong minh những đường nét của mẹ cô.

Điều mà mình không thật sự thấy logic ở Trà Long đó là tình cảm cô bé dành cho Ngạn, rõ ràng cô xem Ngạn như là ba của mình nhiều hơn là tình yêu nam nữ, cô thậm chí còn thích thú khi được ghép cặp cho chú Ngạn và mẹ. Thế nhưng tác giả lại biến cô thành vật hy sinh cho mối tình ích kỉ của ông chú già.

Cả hai nhân vật chính, quả thật mình không thích được nhân vật nào. Nếu Ngạn là một kẻ ích kỉ và không chấp nhận lớn lên, thì Hà Lan lại là nhân vật ích kỉ để làm người lớn khi chưa sẵn sàng.

Tuy bài review chê nhiều hơn khen, nhưng cá nhân mình không thấy đây là một tác phẩm dở, chỉ là nó chưa đủ chiều sâu để làm mình hài lòng.
Dù gì mọi người cũng nhớ ra rạp để ủng hộ tác phẩm của bác Ánh và đoàn phim nhé!

– Ninh Đăng Đạt

Mắt Biếc có lẽ cái tên đã không còn quá xa lạ với nhiều người qua tác phẩm truyện dài của nhà văn Nguyễn nhật Ánh vào những năm 2011. Đôi mắt ngày nào lại một lần nữa phải khiến bao người say đắm nhờ vào sự chuyển thể thành phim của đạo diễn Victor Vũ.

Cái nào cũng có cái hay riêng của nó, phim thì truyền cảm xúc một cách mạnh mẽ qua sự thể hiện của các nhân vật, nó đã lấy không ít nước mắt của tôi, nhưng thời gian có hạn nó không lột tả được hết những vẻ đẹp của làng ĐO ĐO, khu rừng Sim tím rịm, những ngày hai đứa cùng nhau tìm Bông Dủ Dẻ, những niềm vui những trò chơi đơn sơ mà lũ trẻ ở quê đã trải qua, ở đó có tình cảm trong sáng của Ngạn và Hà Lan.

Chắc có lẽ ai cũng có người mình thầm thương thầm yêu mến, điều đó thật mai mắn khi được sinh ra cùng nhau trong một ngôi làng hằng ngày được ở cạnh nhau như ở làng Đo Đo ngôi làng nghèo “Cơm còn ít hơn sỏi” và những lần chen lấn chui xuyên qua vòng tròn đám đông để được xem mãi võ, những người không ở lại làng mà vài tháng quay lại một lần, các thầy cô ở làng nữa Thầy Cải thích câu cá, Cô Thung thì hay khát nước trong giờ lên lớp mà đứa nào cũng tranh nhau đi lấy nước cho Cô.

Tôi như đắm mình vào con đường làng không khác gì tranh vẽ. Rừng Sim với những màu tím biếc của hoa, mùi hương ngọt ngào của Bông dủ dẻ, và mỗi lần ăn những trùm Trâm chín mọng thì lưỡi như lá Duối Nước mà chẳng dám về nhà ngay.

Những lần lặng lẽ bên nhau, mắt bâng quơ nhìn trời ngắm đất xuyên qua bìa rừng đến chổ tảng đá phẳng dưới gốc cây bàng Ngạn vừa đàn vừa hát những bản tình ca do chính anh sáng tác cho Hà Lan nghe, nhờ lời hát mà tỏ lòng mình. Lớn lên khi nhịp sống xô bồ, của phố thị, những cạm bẫy cuộc đời đã khiến Hà Lan dẫm phải. “Bà nói đúng sao này Mắt Biếc sẽ khổ” nhưng bà đã không còn để nghe tâm tư của Ngạn. Hồng Nhan bạc phận cuộc sống của cô gái trẻ sớm làm mẹ đơn thân phải trải qua bao nhiêu khó nhọc. Mai mắn thay ông trời đã mang Trà Long con gái cô , đến để an ủi và cũng từ đó tưới mát tâm hồn Ngạn như cây đã khô héo từ lâu. Khoảng thời gian bên Trà Long chăm sóc nó Ngạn như sống lại những ngày của tuổi trẻ, hình ảnh Mắt biếc ngày nào lại ở bên Anh.

Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời khi Ngạn nhận ra “mối tình dành cho Trà Long chẳng qua là sự nối dài của mối tình với Hà Lan qua một hình bóng khác”. Anh quyết định ra đi mãi mãi.

– Hưng Karik

Mắt biếc là tác phẩm đầu tiên mà mình đọc của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, mà nguyên nhân bởi sau khi xem teaser quá đẹp của phim “Mắt biếc”, và bài hát “Có chàng trai viết trên cây” thì quá hay và hợp với cả truyện và phim.

Ở một làng quê nghèo với cái tên ngồ ngộ là làng Đo Đo, có cậu bé Ngạn sống những tháng ngày tuổi thơ trong trẻo, vô tư mà cũng không kém phần “iêng hùng”. Háo hức xem buổi diễn mãi võ, mê mải chìm đắm trong thế giới đầy màu sắc sống động ở ngôi chợ làng, nhặt những quả thị trong khu vườn có con chó giữ như một thử thách, ăn xong thị lại xé những mảnh vỏ dán lên bờ tường đất như những bông hoa dã quỳ vàng thơm thơm, rồi nhặt trứng chim trên mái nhà, đi câu nhái cho thầy giáo, thi nhau lấy dùi để được đánh trồng trường, và cả biết bao lần đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Thời thơ ấu của Ngạn đầy thú vị hay ho, khiến mình còn cảm thấy ghen tị vì ngày bé mình chẳng có được lắm trò như thế!

Những ngày thơ bé đó, có cô bé tên Hà Lan bước vào thế giới của Ngạn, mà có lẽ chính cậu cũng chẳng ngờ “tình yêu những đứa trẻ con thì, vu vơ nhanh qua đâu biết tương tư mang theo dài đến thế”. Chỉ vì “đôi mắt mở to, lo âu và đẹp lạ lùng – mắt biếc”. Chỉ vì đôi mắt khi thơ dại Ngạn “soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt, những viên bi “quý tộc”. Chỉ vì đôi mắt khi lớn lên gợi cho Ngạn “nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu”.

Và sau này, cũng đôi mắt đó, như lời bộc bạch của Ngạn “làm khổ tôi ghê gớm”. Bởi đôi mắt biếc năm đó, “nhưng giờ đã biết buồn đau”. Vì người khác, không phải Ngạn.

Đọc Mắt biếc, mình thương Ngạn. Có lẽ bởi vì cũng từng là kẻ ôm một mối tình đơn phương. Nhưng như Ngạn, là cao cả hay khờ dại và cả phiền phức, mình không dám khẳng định. Mình ngưỡng mộ tình cảm day dứt mà bền chặt của Ngạn, yêu thương một người từ khi còn là một đứa trẻ, đến cả khi người ta có người khác, khi người ta có con vẫn tận tuỵ, luôn chờ đợi, luôn là một bờ vai cho Hà Lan gục vào mỗi khi cô đau đớn, vì kẻ khác. Nhưng càng dốc tâm dốc sức như thế, thì người mà Ngạn thương – Hà Lan có lẽ càng khó xử, vì Ngạn không phải người cô yêu, đến với Ngạn chỉ là sự dối lòng mà để Ngạn mãi ôm mối tình cũng thật tội nghiệp.

Đọc Mắt biếc, mình thương Hà Lan. Có lẽ bởi vì cũng từng là một kẻ yêu đến mù quáng và bất chấp. Biết rằng có lẽ người không tốt và không nên tiến đến, nhưng vì con tim át lý trí mà vẫn lao theo để mà tự mình ôm đau khổ. Buồn nhất là sau bao lần trái tim bị dày vò, sau cả những bể dâu đau xót, khi có cơ hội chọn lại, Hà Lan vẫn chọn một người, chỉ vì họ có nét gì đó giống với người mà cô dốc ruột dốc gan dại khờ thương yêu năm xưa.

Đọc Mắt biếc, mình thương Trà Long – cô gái trong trẻo, dễ thương và có lẽ cũng mạnh mẽ nhất truyện. Trà Long biết chứ, mối tình của Ngạn với Hà Lan. Trà Long biết chứ, bao năm Ngạn vẫn ôm nỗi ngóng trông. Trà Long biết chứ, Ngạn chăm lo cho Trà Long cũng bởi vì Ngạn muốn Hà Lan yên lòng. Thương một người mà biết hết thảy những điều ấy, biết trái tim người ta còn thổn thức vì ai, không phải buồn biết bao nhiêu sao? Nhưng sự tươi sáng của Trà Long như lan toả một thứ sức sống át đi cả những mối buồn hiu hắt ấy. Để rồi có những lúc Ngạn ngỡ rằng “ít lâu có cô gái làm dịu êm hồn đã khô”.

Nhưng…
“Câu chuyện đáng lẽ xa xôi
Niềm riêng không ai nhắc tới
Nhưng rồi ngăn cách xa khơi
Một hôm cơn mưa dẫn lối
Thấy cô gái năm ấy khiến thổn thức như lúc đầu
Vẫn nơi đó đôi mắt biếc nhưng giờ đã biết buồn đau…”
Mối tình Ngạn dành cho Hà Lan
Mối tình mà Hà Lan dành cho Dũng
Mối tình mà Trà Long dành cho Ngạn
Yêu thương thật lòng.
Nhưng mãi dở dang…

– Hozuki Maru Dinh

Hôm nay, một ngày có nắng ấm và gió nhẹ, mình xin gửi đến các bạn bài cảm nhận về một quyển sách lay động trái tim mình từ cái nhìn đầu tiên. Mình không chắc là nó mang lại kinh nghiệm sống hay giá trị ý nghĩa lớn lao nào đó, nhưng tin mình đi, bạn sẽ chẳng hối hận khi đọc nó đâu. Bỏ chút thời gian để thấy mình trong những sự rung động đầu đời, để cảm nhận nhiều tâm tư dang dở hay chí ít là để thở cùng nhịp thở sâu lắng của nhân vật. Tóm lại là vô cùng, vô cùng đáng đấy!
***
Nói sao nhỉ, lúc cầm sách trên tay, đoạn trích ở bìa sau đã ngay lập tức ghi điểm cộng với mình.
“Tôi thẫn thờ đạp xe đi và nghe lòng quặn thắt. Trái tim tôi bỗng run lên khúc hát ngày nào:
Gửi mùa hè giữ hộ chút tình yêu
Khi chia xa
Vẫn nhớ ngày gặp lại
Lúc ấy
Em có là cô gái
Đốt tôi bằng ngọn lửa
Của riêng em…”

Mình xin dành lời khen ngợi cho những bài thơ xuất hiện trong quyển sách này, điển hình là đoạn mình trích ở trên. Nhẹ nhàng mà sao thật sâu lắng! Nói không ngoa thì chính những vần thơ ấy đã giúp cho câu chuyện khắc sâu vào trong tiềm thức độc giả với hình ảnh nỗi buồn man mác. Có lẽ từ khi đọc “mắt biếc”, mùa hè trong mình trở thành điều gì đó mà chẳng thể gọi tên. Một chút buồn, một chút nhớ, một chút cuồng nhiệt, một chút hoài vọng hay đợi chờ. Cái mùa sinh ra để ấp iu những câu chuyện tình đơn phương bi thảm nao lòng, dù vậy, theo một cách nào đấy vẫn rất đẹp đẽ.
Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng, đúng là vậy. “Mắt biếc” thực sự là một tác phẩm khiến người ta phải nghẹn ngào lúc gấp trang sách cuối cùng. Ai mà chưa từng yêu đơn phương, nhỉ? Nhưng để mà yêu điên cuồng, dài đằng đẵng như Ngạn thì rất hiếm. Mình đồng cảm với Ngạn, và mình tin tất cả độc giả khi đọc cũng sẽ đồng cảm với Ngạn. Thương cái sự si tình ấy, mãi chẳng thể dứt ra nổi bóng hình của một người. Thương luôn cả sự hi sinh của anh dành cho cuộc sống của Hà Lan nữa.

Ngạn và Hà Lan là hai người bạn thời niên thiếu với nhau. Hà Lan là người bạn con gái đầu đời của Ngạn, cũng là rung động thuở niên thiếu của anh.Ngạn thả tâm tư của mình vào lời ca tiếng đàn, và chỉ dám làm điều đó.Cả năm trời hát cho người mình thích nghe nhưng lại chả có lấy một lời thổ lộ, mãi sau này vẫn vậy. Cũng bởi điều này mà mối tình đơn phương của Ngạn mới kéo dài dai dẳng, trong thầm kín. Ta cũng không trách được Hà Lan, ừ thì cô biết tình cảm của Ngạn, nhưng một lời bày tỏ cũng không có thì hồi đáp thế nào đây?

Năm cấp III, sóng gió rồi cũng ập tới. Hà Lan bắt đầu ra thành phố học. Cô tình cờ quen biết Dũng. Hắn học dở, và cũng rất lười học. Được cái, Dũng mạnh bạo chứ chả nhút nhát như Ngạn. Có vẻ vì những điều đó, nên Hà Lan đem lòng cảm mến Dũng. Nhanh chóng như cái cách cô yêu thích sự xa hoa thành phố vậy. Tất nhiên Ngạn biết, và anh đã chọn cách im lặng chúc phúc cho cô, ôm nỗi buồn riêng mình. Còn làm gì được nữa đây, người mình thương thương người khác rồi! Ở khúc này, ta sẽ thấy rất rõ cách hành văn xuất sắc của tác giả, câu cú gián tiếp nhẹ nhàng, nhưng đủ để ta cảm nhận được tâm trạng của Ngạn sầu bi thế nào. “Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ. Có ngôi sao nào mang tên gọi Hà Lan?”
Mình thật sự thấy tội cho Ngạn. Phải chứng kiến cảnh người mình yêu đau khổ vì một người khác, và hơn thế nữa, Ngạn bị đem ra làm nơi để Hà Lan có thể khóc, và chỉ cần khi khóc mà thôi. Hà Lan vì yêu Dũng quá dại khờ nên trót bồng bột, cô có thai với Dũng khi chỉ mới lớp 11. Vì thế nên cô phải nghỉ học để sinh con. Khỏi nói cũng đủ hiểu Ngạn sốc như nào, nhưng hơn hết là anh thương cho Hà Lan. Cả tương lai của cô gần như phải gác lại do cái sai lầm ấy, giờ phải lầm lũi nuôi con. Dũng thì lật mặt, anh chẳng chịu trách nhiệm với Hà Lan mà lại cưới người con gái khác. Mà cũng tại Hà Lan, tại cái sự dại dột trước cám dỗ của cô. Chuyện của mình thì mình buồn là hiển nhiên, nhưng có một người khác vì mình mà buồn hơn cả mình thì mới đáng nói.

Con gái của Hà Lan đặt tên là Trà Long. Sau khi sinh một thời gian, Hà Lan để cô bé cho ông bà ngoại ở quê chăm sóc. Vừa lúc, Ngạn cũng về làng để hành nghề thầy giáo. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, anh đồng hành cùng Trà Long từ lúc cô bé xíu đến lớp 1, lớp 2, lớp 3,.. đến khi cô bé là một thiếu nữ. Cô bé cũng biết chuyện của chú Ngạn và mẹ, biết việc mẹ cô dù có độc thân cả đời cũng không lấy chú đã khiến chú đau lòng ra sao. Và một sự thật khó tránh khỏi, đó là Trà Long càng lớn càng giống mẹ, giống tới mức Ngạn chẳng thể phân biệt nổi cô bé và người mình thương năm nào. Nhưng Trà Long khác Hà Lan. Cô bé yêu Đo Đo như Ngạn, cô bé mạnh mẽ chứ không yếu đuối, đặc biệt Trà Long luôn làm Ngạn vui. Chính Ngạn đôi khi cũng bỡ ngỡ: Có phải chăng cô bé này sinh ra là để thực hiện những điều anh hoài công chờ đợi ở Hà Lan? Không biết đó có phải nguyên do không, mà Ngạn bắt đầu có cảm xúc đặc biệt với Trà Long. Trà Long như ánh mặt trời ấm áp, cô bé thổi hơi ấm đến bên đời Ngạn, làm cho chúng ta hoài mong về một cái kết đẹp cho chàng nam chính si tình. Những kỉ niệm của hai “chú cháu” trên đồi sim hay suối Lá, những mùa phượng đỏ ứa máu khi Trà Long rời làng đi học đã âm thầm tạo nên một chuyện tình đẹp mà ai cũng hiểu, có lẽ vậy.Nhưng buồn thay, ở kết truyện, Ngạn đã vô tình nhận ra mối tình của anh với Trà Long chỉ là sự nối dài của bóng hình Hà Lan. Và anh đã chọn cách lặng lẽ ra đi. Như thể hiện sự ghê rợn với bản thân, để trốn tránh Trà Long, trốn tránh thực tại, hơn hết là để bày tỏ sự hối lỗi trước cô bé, trước những điều mà cô bé đã làm cho anh mà anh chẳng thể hồi đáp…

Cái kết dù hay nhưng vẫn làm mình hụt hẫng. Về Trà Long, mình thích sự thuần khiết, trong trẻo, chân thành ấy, bằng cách riêng của bản thân, cô bé mong có thể bù đắp được vết thương lòng mà mẹ mình gây ra cho Ngạn. Tình cảm của cô bé dành cho anh là cả một quá trình hình thành từ tình thương gắn bó cộng thêm sự rung động đầu đời, là thứ tình cảm quý giá khó thể tả nên thành câu chữ.Chờ đợi qua từng mùa phượng vĩ, Trà Long hạnh phúc khi đến ngày cô được sải bước về làng, vậy mà, chỉ trong tích tắc, người đàn ông cô yêu nhất trên đời biến mất khỏi cuộc sống của cô, mang theo những ấp ủ dở dang và miền kí ức đậm sâu ấy, còn gì đau lòng hơn đây?

Bài viết của mình không quá xuất sắc, nhưng mình rất hi vọng đã truyền tải được phần nào cái “hồn” của tác phẩm đến mọi người. Một quyển sách đậm chất thơ, bình dị không quá cao trào mà vẫn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng độc giả.

Hãy nuôi dưỡng trái tim, nâng niu tâm hồn với “Mắt biếc”, bạn nhé!

– Dương Xanh

Trích dẫn Mắt biếc

“Điều chán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết họ có yêu lại mình hay không.”

“Hà Lan đã dẫm lên trái tim tôi bằng đôi guốc đinh nhọn như trong giai thoại về học sinh trường Nữ. Nó giẫm lên và không hề ngoái lại. Nó chẳng buồn biết trái tim tôi còn đập nữa hay không.”

“Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi biết Hà Lan hẳn đã hiểu rõ lòng tôi từ lâu. Nó cũng biết tình tôi dành cho nó không bến không bờ. Nhưng nó thích xa đi, tôi thích quay về, hai người hai thiên hướng khác nhau, đời chia hai ngả, gần hai mươi năm qua khổ ai nấy chịu. Hà Lan đã tự chọn lấy con đường riêng cho mình, con đường đó không có tôi. Bây giờ, sau hai lần gãy đổ, mộng ước không thành, chút duyên lỡ nó không nỡ dành cho tình tôi vằng vặc. Hèn gì đôi mắt nó đêm nào nhìn tôi chan chứa. Nhìn một lần rồi mãi mãi quay lưng. Tình bạn thuở thiếu thời bao năm qua vẫn chỉ là tình bạn, lòng tôi cứ hoài trinh bạch quạnh hiu.”

“Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ”