Lần cập nhật gần nhất July 23rd, 2020 – 01:50 pm
Trích lời giới thiệu của Stephen R. Covey: “Sau những trải nghiệm, tôi đúc kết được một bài học sâu sắc trong cuộc sống: Nếu muốn vượt qua mọi thách thức để đạt được những khát vọng lớn lao, bạn phải biết nhận diện và vận dụng đúng các nguyên lý hay quy luật tự nhiên vào các mục tiêu của mình. Vận dụng thành công một quy luật nào đó phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ, khả năng và sự sáng tạo của từng người, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết kết hợp hài hòa các nguyên tắc với nhau.”
Review 7 thói quen của người thành đạt
Có những người chúng ta tin tưởng tuyệt đối bởi vì chúng ta biết tính cách họ. Dù họ có nói năng hay hoặc dở, dù họ có kỹ năng giao tiếp hay không, chúng ta vẫn tin tưởng và cùng làm việc để hướng tới thành công với họ.
Và nếu phải tìm một nhà quản lý thì hãy tìm một người có ba phẩm chất sau: Chính trực, nghị lực và thông minh. Nhưng lưu ý rằng, nếu không có phẩm chất thứ nhất, hai phẩm chất còn lại sẽ đẩy chúng ta xuống vực sâu.
Cuốn sách cho rằng tính chính trực là nền móng khi chúng ta muốn xây lâu đài thịnh vượng. Chính trực có nghĩa là một giá trị cốt lõi không thay đổi ở bên trong. Một người có tính chính trực sẽ sống thực với giá trị của họ, mong muốn là người biết lắng nghe, hiểu rằng hạnh phúc là khi cho đi và cống hiến một thứ gì đó còn lớn lao hơn cả bản thân.
Như tác giả nhắn nhủ rằng khi tạo ra sự hòa hợp để điều hành hiệu quả một công ty hay một gia đình hoặc một cuộc hôn nhân đều đòi hỏi khả năng và sự can đảm rất lớn từ bản chất của con người.
Không có kỹ năng quản lý nào có thể bù đắp cho việc thiếu cao thượng trong tính cách khi phát triển các mối quan hệ. Chính trực rất cần thiết và cơ sở cho quy luật căn bản của tình yêu cũng như cuộc sống.
Thay đổi từ bên trong
Covey giải thích rằng sự phát triển của con người thường là kết quả của việc làm một việc gì đó không mới nhưng nhìn việc đó bằng một cách khác. Tất cả chúng ta đều có sẵn bản đồ kho báu trong đầu về thế giới chúng ta đang sống.
Nếu hiện tại chúng ta đang thấy không hạnh phúc cũng như không hài lòng nhưng vẫn nhất quyết bám vào tấm bản đồ cũ thì chúng ta sẽ nối dài chuỗi ngày thất bại khi không nhìn thấy được con đường thật sự và bị lạc hướng.
Nếu chúng ta cố gắng thay đổi bên ngoài nhưng vẫn giữ mọi thứ bên trong như cũ thì cũng không tiến xa được. Khi đó, chúng ta cần thay đổi thế giới quan về cách căn bản nhìn thế giới.
Để dẫn chứng, cuốn sách có đề cập đến nhà khoa học lừng danh Albert Einstein với câu nói, “Những vấn đề đáng kể mà chúng ta đang đối mặt không thể được giải quyết ở cùng mức độ tư duy như khi chúng ta tạo ra chúng”.
Chính vì vậy để thay đổi từ bên trong, Covey gợi ý nên bắt đầu với thói quen bởi vì việc chúng ta làm hoặc suy nghĩ trong phần lớn thời gian khiến chúng ta trở thành con người mà tất cả đang có và trở thành lăng kính mà qua đó chúng ta nhìn nhận sự việc.
Bí quyết để thành công
Covey nói rằng khi chúng ta xây nhà, chúng ta thường lên kế hoạch chi tiết và lập kế hoạch trước khi động thổ. Trong khi đó, quy tắc của người thợ mộc là đo hai lần, cắt một lần. Tương tự trong kinh doanh, chúng ta không thể ngồi đó chờ sung rụng.
Mỗi sản phẩm hay dịch vụ phải được suy nghĩ cẩn thận, có chiến lược chi tiết cho tiếp thị, nhân viên và phân bổ nguồn lực hợp lý. Điều này cũng đúng trong cuộc sống. Thành công trường tồn thường là kết quả của nhiều năm lên kế hoạch nghiên cứu, thực hành, học hỏi và sự hình dung tạo ra kết quả như mong muốn.
Tất nhiên không điều gì là không thể. Chúng ta vẫn có thể gặp vận may bằng con đường khác nhưng nó có thể không vững chắc và lâu bền. Khó có thể đạt được mục tiêu bền vững khi chúng ta không chăm chỉ và nhập cuộc bằng thái độ thụ động thiếu sự đầu tư chi tiết.
– Đinh Lộc (Trithuctre)
Trích dẫn 7 thói quen của người thành đạt
“Nếu muốn vượt qua mọi thách thức để đạt được những khát vọng lớn lao, bạn phải biết nhận diện và vận dụng đúng các nguyên lý hay quy luật tự nhiên vào các mục tiêu của mình. Vận dụng thành công một quy luật nào đó phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ, khả năng và sự sáng tạo của từng người, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết kết hợp hài hòa các nguyên tắc với nhau.”
“Con người luôn khao khát thành công nhưng nếu không nhận thức được bản chất của thành công mà cứ mù quáng theo đuổi thành công thì thật vô nghĩa.”
Tóm tắt 7 thói quen của người thành đạt
“7 Thói Quen Của Người Thành Đạt” được Stephen R Covey tóm tắt lại trong cuốn “Sống Mạnh Mẽ”
Thói quen 1: Chủ động
Chủ động không chỉ có nghĩa là đi bước đầu tiên. Đó là nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình (trong quá khứ, hiện tại và tương lai) và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc và giá trị, hơn là cảm xúc và hoàn cảnh nhất thời. Người chủ động đại diện cho sự thay đổi, họ lựa chọn không trở thành nạn nhân, hoặc ở vào thế thụ động hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ làm điều đó bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người, đó là: nhận thức bản thân, lương tâm, trí tưởng tượng và ý chí độc lập, theo cách tiếp cận từ trong ra ngoài để tạo sự thay đổi. Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình, đó là quyết định quan trọng nhất mà một người có thể đưa ra.
Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí
Tất cả mọi thứ đều được sáng tạo hai lần – lần đầu tiên bằng tinh thần và lần thứ hai bằng vật chất. Các cá nhân, gia đình, tập thể và tổ chức định hình tương lai của mình bằng cách tạo ra một tầm nhìn và mục đích cho bất kỳ công việc nào. Họ không sống ngày qua ngày mà không có mục tiêu rõ ràng. Họ xác định và cam kết với các nguyên tắc, giá trị, các mối quan hệ, và những mục tiêu quan trọng nhất đối với họ. Tuyên ngôn sứ mệnh là hình thức cao nhất của lần sáng tạo bằng tinh thần của một cá nhân, gia đình hoặc tổ chức. Đó là quyết định quan trọng nhất vì nó chi phối tất cả những quyết định khác. Tạo ra nền văn hóa đằng sau một sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị chung chính là cốt lõi của sự lãnh đạo.
Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
Ưu tiên cho điều quan trọng nhất là lần sáng tạo thứ hai hoặc sáng tạo bằng vật chất. Đây là lúc bạn tổ chức và hành động xung quanh việc sáng tạo tinh thần (mục đích, tầm nhìn, giá trị và những ưu tiên quan trọng nhất của bạn). Những việc thứ yếu không được đến trước. Những việc chính yếu không bị xếp lại phía sau. Các cá nhân và tổ chức tập trung vào những gì quan trọng nhất, bất kể nó có khẩn cấp hay không. Điều quan trọng nhất là giữ cho những việc quan trọng nằm ở vị trí quan trọng.
Thói quen 4: Tư duy cùng thắng
Tư duy cùng thắng là khi khối óc và con tim tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác. Đây chính là suy nghĩ về sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi người, chứ không phải sự khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn. Đây không phải là kiểu suy nghĩ ích kỷ (thắng-thua) hoặc nhượng bộ (thua-thắng). Trong công việc và cuộc sống gia đình, các thành viên suy nghĩ một cách tương thuộc – theo nghĩa “chúng ta” chứ không phải “tôi”. Tư duy cùng thắng thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn và giúp các cá nhân tìm kiếm giải pháp đem lại lợi ích chung. Đó là sự chia sẻ thông tin, quyền lực, sự công nhận và phần thưởng.
Thói quen 5: Lắng nghe để được thấu hiểu
Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và gầy dựng mối quan hệ. Khi người khác cảm thấy mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy được ủng hộ và tôn trọng, hàng rào phòng thủ được hạ xuống, cơ hội nói chuyện cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Muốn thấu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế đó.
Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực
Đồng tâm hiệp lực nghĩa là tạo ra giải pháp thứ ba – không phải cách của tôi, không phải cách của bạn, mà là cách thứ ba tốt hơn cách mà mỗi người có thể tự nghĩ ra. Đó là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và thậm chí tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giải quyết vấn đề, và nắm bắt cơ hội. Những tập thể và gia đình đồng tâm hiệp lực phát triển mạnh mẽ dựa trên sức mạnh của từng cá nhân, khiến cho sức mạnh tổng thể mạnh hơn từng phần cộng lại. Những đội nhóm và các mối quan hệ kiểu này phản đối sự cạnh tranh thù địch (1+1 = ½). Họ không chấp nhận sự thỏa hiệp (1+1 = 1 ½) hoặc thậm chí cộng tác thuần túy (1+1 = 2). Họ tiến đến sự hợp tác sáng tạo (1+1 = 3, hoặc hơn).
Thói quen 7: Không ngừng rèn luyện
Không ngừng rèn luyện là việc liên tục đổi mới bản thân trên bốn lĩnh vực cơ bản của đời sống: thể chất, xã hội/tình cảm, tinh thần và tâm hồn. Đó chính là thói quen giúp chúng ta tăng khả năng áp dụng những thói quen hiệu quả khác. Đối với một tổ chức, Thói quen 7 nâng cao tầm nhìn, đổi mới, sự cải thiện liên tục, tránh tình trạng quá tải, kiệt quệ và đặt doanh nghiệp vào một lộ trình phát triển mới. Đối với gia đình, nó tăng cường tính hiệu quả trong những hoạt động thường lệ giữa các cá nhân, ví dụ như việc thiết lập truyền thống nuôi dưỡng sự đổi mới trong gia đình.