Đa Năng Trong Thế Giới Phẳng – Amilie Wapnick

Lần cập nhật gần nhất April 16th, 2021 – 02:00 pm

Trong cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng”, Emilie Wapnick không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các định nghĩa, lý thuyết suông về người đa năng lực (multipotentialite), mà còn đưa ra 3 tiêu chuẩn để những người thuộc nhóm đa năng lực có thể sử dụng làm thước đo thiết kế cuộc đời đáng sống. 3 tiêu chuẩn đó là: Tiền bạc, Lý tưởng hóa và Sự đa dạng. Ngoài những chiến lược tuyệt diệu, cuốn sách còn giúp bạn khám phá chìa khóa thành công của những con người đa năng.

Review Đa năng trong thế giới phẳng (3)

Bạn thích nhiều lĩnh vực trong cuộc sống? Và bạn thấy mình có đủ những tố chất để theo đuổi những lĩnh vực đó? Nhưng bạn lại sợ rằng việc này sẽ làm mất nhiều thời gian của bạn? Và bạn không biết làm thế nào để theo đuổi tất cả những sở thích của mình. Hay như mọi người thường nói nhất định phải trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó thì mới có cơ hội để thành công, rồi người khác sẽ không thể phớt lờ bạn. Bạn sợ rằng mình đang đi sai đường so với phần thành công còn lại của thế giới. Rồi khi niềm hứng thú, đam mê trong một công việc bạn từng rất yêu thích đã không còn như trước, bạn rất ngại theo đuổi một lĩnh vực mới. Và bạn tự dằn vặt bản thân mình rằng: Liệu lĩnh vực mới tiếp theo này có thật sự là niềm đam mê của mình và mình sẽ gắn bó với nó suốt đời?

Cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng” sẽ giúp bạn trả lời tất cả những câu hỏi trên. Mình tình cờ xem được bài diễn thuyết của tác giả cuốn sách trên trang Ted talks (https://www.ted.com/talks/emilie_wapnick_why_some_of_us_don_t_have_one_true_calling) và mình đã thực sự bị cuốn hút bởi câu hỏi mà chị đặt ra ở đầu video: Chúng ta là một người có nhiều niềm đam mê, điều đó có gì sai không và tại sao chúng ta không thể thành công được như mọi người? Và câu trả lời là: Điều đó là hoàn toàn bình thường! Và có rất nhiều người thành công khi sống với nhiều niềm đam mê khác nhau trong cuộc sống. Sau đó, mình nhanh chóng tìm được đến cuốn sách này. Như một “liều thuốc tiên”, nó gỡ được nút thắt trong tư duy của mình và đem lại cho mình rất nhiều cảm hứng, những thay đổi thiết thực trong hiện thực cuộc sống. Không những khẳng định rằng việc có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống là bình thường và chúng ta không nhất thiết phải trở thành “chuyên gia trong một lĩnh vực” mà hơn nữa mình thấy điểm mấu chốt mà cuốn sách đã giải quyết được đó là: Cách mà chúng ta phát triển tốt nhất những sở thích của mình! Với lối viết đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu nhóm tác giả đã đưa ra những biện pháp thiết thực, cụ thể để những người đa tài có thể áp dụng vào cuộc sống của chính mình. Và những biện pháp, bài học, kiến thức trong sách đề cập là tâm huyết của tác giả khi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phỏng vấn và phân tích những người đa tài thành công đi trước để tóm gọn lại trong hơn 200 trang sách. Tác giả còn là chủ tịch một hội những người đa năng, xây dựng cộng đồng đó hằng ngày với mong muốn lan tỏa giá trị nhiều hơn đến thế giới (https://puttylike.com/: mọi người có thể tham gia để test bài kiểm tra xem mình có là người đa năng không, hơn nữa có thể học hỏi trong cộng đồng đó để cùng phát triển).

Và còn chần chừ gì nữa mà không tậu về cho mình cuốn sách này, đọc và thực hiện những bà tập nhỏ ở cuối mỗi chương sách, mình tin rằng bạn sẽ bước thêm một bước trên con đường đến thành công, hạnh phúc của chính bản thân mình!

– Hải Lit

Năm vừa rồi, trong khung chương trình hoạt động mình có đề xuất một series talk được gợi ra từ ý tưởng của Bar stories. Nội dung của những buổi talk “kín” mà “không kín” này sẽ bàn về vấn đề “định kiến giới” ở môi trường ĐH và chủ đề “Tìm mình trong thế giới phẳng”. Đó là những điều mình mong muốn được trao đổi. Thế rồi đợt dịch covid đến và kéo theo chuỗi ngày dài hoạt động online trên tất cả phương diện. Mình khép lại những khúc mắc cá nhân để hòa mình vào cuộc chiến chống “giặc” thời bình.

Khoảng thời gian này thật không mấy dễ chịu đối với sinh viên năm cuối như mình. Bạn bè xung quanh cứ hỏi thăm nhau “ra trường muốn làm gì?”. Trở về 10 năm trước, câu hỏi này được hỏi một cách đơn giản hơn và thời gian nghĩ ra câu trả lời cũng ngắn ngủi. Năm tháng cấp một, mình có thể dõng dạc nói với ba mẹ muốn trở thành một diễn viên. Lớn hơn một chút, khép lại quyển sách luật của ông ngoại, mình tự tin nói rằng “Con sẽ trở thành luật sư nổi tiếng”. Hiện tại, mình vẫn xác định được bản thân sẽ làm gì nhưng câu trả lời không còn sự khảng khái và tự tin của thời trẻ con nữa. Bởi vì mình nghĩ liệu mình có thể mãn nguyện với một công việc nào đó trong thời gian dài được không hay sẽ nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để cảm thấy hạnh phúc.

Trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay, thành công được biểu hiện bằng một sự nghiệp cố định với một chuyên môn nhất định được xã hội nhìn nhận. Ta cứ nghe mãi về một bác sĩ nào đó luôn biết cô ta muốn trở thành bác sĩ, hay một nhà văn nào đó đã xuất bản được cuốn sách đầu tay khi mới lên 10. Điều đó càng mặc định rằng, bản thân chúng ta sinh ra đều để làm một điều vĩ đại nào đó dành riêng cho đời mình. Nhưng nếu như chúng ta không thuộc “kịch bản” đó thì sao? Giả sử như bạn tò mò về nhiều lĩnh vực và thích làm nhiều điều với cuộc sống của mình mà không phải an phận với một con đường duy nhất? Chắc hẳn rằng bạn sẽ lo sợ mình đang sống một cuộc đời thiếu mục đích, không có lý tưởng cá nhân.

Mình đã từng suy nghĩ và lo sợ điều đó, cho đến khi mình được tặng quyển sách này từ một người bạn. Mình nhận ra, khuynh hướng xê dịch từ việc này sang việc khác, lĩnh hội kiến thức mới, kinh nghiệm mới, tất cả đều có một lý do chính đáng, còn lý do như thế nào thì cùng đọc qua quyển sách hay ho này nha. Dù không tổ chức được talk như mình mong muốn nhưng quyển sách khép lại cũng quá đủ cho những nhìn nhận rõ ràng về chính con người mình.

– Nương Huỳnh

Năm vừa rồi, chúng ta đang trong những đợt cách ly xã hội, hứng chịu những biến đổi của cuộc sống và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.

Riêng cá nhân, mình cảm thấy may mắn, dù mọi thứ có sự chuyển dịch, nhưng mình có thêm cơ hội trải nghiệm nhiều công việc khác nhau: Tham gia tình nguyện viện tại CLB về sách, thực tập sinh tại công ty về truyền thông, trải nghiệm gia sư tại trung tâm…

Nhưng sau những chênh vênh “chạm ngõ” của tuổi trẻ, mình chưa biết bản thân thực sự yêu thích công việc gì và chưa có những định hướng tập trung đào sâu vào một lĩnh vực cụ thể…

Có khi nào, các bạn có cảm giác băn khoăn giống như mình, kiểu như:
– Bạn có thấy mình mỗi thứ biết một ít, không muốn dành cả đời để theo đuổi một việc cố định?
– Bạn thường xuyên muốn trải nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau, đam mê nhiều thứ?
– Bạn có thể kiếm thu nhập từ một “nghề tay trái” và bạn yêu nó?

Nếu bạn thấy mình có những điểm nêu trên thì rất có thể bạn thuộc tuýp người “đa năng” – kiểu người mà Emilie Wapnick đề cập trong quyển sách “Đa năng trong thế giới phẳng”.

Từ những gợi ý mà tác giả chia sẻ, mình nhận ra, “đa năng” ở đây là việc bạn có nhiều tiềm năng, khả năng hay năng lực để có thể làm được nhiều ngành nghề khác nhau: Ví dụ, bạn vừa có thể làm kinh doanh, lại vừa có thể dạy gia sư. Hay thời gian rảnh, bạn có thể sáng tạo nội dung Youtube, viết blog…

Sau khi “khai sáng” cho mình thoát khỏi những sự mông lung trằn trọc bấy lâu nay, tác giả sẽ tiếp tục đưa ra định hướng, giúp mình dễ dàng tiếp nhận tính cách bản thân và lựa chọn hướng đi tiếp theo. Thiết nghĩ, mỗi người có quyền lựa chọn học nhiều môn, sách đọc nhiều thể loại, ăn được nhiều món, nghe được nhiều loại nhạc… Vậy tại sao cứ phải chọn một việc duy nhất khi chúng ta còn chưa biết khả năng của mình?

Theo Emilie Wapnick, sự thử nghiệm là con đường ngắn nhất để cho ta biết liệu một lĩnh vực hoặc nghề nghiệp nào đó có mang lại cho ta cảm giác ý nghĩa hay không… Đồng thời, sự thử nghiệm giúp chúng ta giản lượt danh sách hàng loạt đam mê cùng lúc… để dành thời gian cho những công việc ưu tiên.

Cá nhân đánh giá, với “Đa năng trong thế giới phẳng”, Emilie Wapnick đã rất thành công khi viết cho một nhóm người trong xã hội, thay vì những cuốn “self-help” dàn trải “một cho tất cả”.

Không chỉ vậy, tác giả còn diễn giải rất chi tiết từ khái niệm đến các chiến thuật để giúp “người đa năng” biết cách nắm bắt cơ hội, xây dựng thành công trong công việc lẫn cuộc sống. Đây là một trong những cuốn sách mà mình cảm thấy vô cùng hữu ích. Đọc có thể áp dụng ngay mà không bị “động lực ảo”. Nếu bạn cũng giống mình thì nhất định nên đọc một lần nhé!

– Bình Nguyễn