Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie

Lần cập nhật gần nhất December 23rd, 2020 – 09:25 am

Bản thân Dale Carnegie đã trải nghiệm rất nhiều khó khăn khi áp dụng các cách thức ứng xử này và chính ông cũng biết được những trở ngại khiến cho không ít người cảm thấy sách ít có tác dụng. Thế nên, ông đã đưa ra giải pháp, đó là hãy đọc cuốn sách nhanh một lượt để nắm các phương pháp. Sau đó đọc kỹ lại từng phần một, từng mục một cho thấm nhuần những giá trị đó, sau đó thì áp dụng những gì bản thân người đọc học hỏi được vào từng tình huống cụ thể nhất trong đời sống hằng ngày. Hơn hết, vẫn là lòng kiên trì và quyết tâm để thay đổi bản thân, cách ứng xử với người khác. “Những đức tính tốt được phát triển và rèn luyện từ rất nhiều công sức và lòng quyết tâm”. (Ralph Waldo Emerson).

[Review - Tóm tắt] Đắc Nhân Tâm - Dale Carnegie
Đắc nhân tâm Ebook

Review Đắc nhân tâm (2)

Cảm nhận về cuốn sách Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie

Có lẽ mỗi chúng ta không ai dám tự tin cho rằng cách hành xử của mình luôn khiến cho mọi người xung quanh hài lòng. Tôi cũng thế, nhưng có khi nào bạn đã suy ngẫm những việc mình làm khiến mọi người phật ý hay không? Hay chỉ là nghĩ người ta đã làm gì không tốt với bạn… Con người chúng ta mấy ai không có lòng ích kỉ, chỉ muốn nhận mà không muốn cho.

Khi còn nhỏ tôi cũng hay có tính ích kỉ như vậy, lại còn hay tìm ra nhược điểm để chỉ trích người khác nữa chứ. Nhưng sau này khi ra xã hội phải tự bươn trải tôi mới ngộ ra nhiều điều. Và từ từ thay đổi theo thời gian…Một yếu tố làm cho tính cách cũng như lối suy nghĩ của tôi trưởng thành hơn đó là những cuốn sách về cuộc sống.

Tôi đã đọc nhiều sách về các cư xử trong cuộc sống. Tuy mỗi cuốn sách có nội dung chi tiết khác nhau nhưng chúng có một điểm chung là đều thuật lại những tình huống xử lí khéo léo của những người thành công, được cả thế giới biết tới. Tuy nhiên, điểm hạn chế của những cuốn sách này là không cho độc giả cái nhìn tổng quát. Và gần đây tôi đã tìm được một cuốn sách khác phục được nhược điểm này, đó chính là Đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Ngoài việc đưa ra dẫn chứng, Đắc nhân tâm còn tổng kết lại cho bạn đọc những kinh nghiệm một cách logic, gồm 4 nội dung (chi tiết trong phần tóm tắt):

  • 6 cách gây thiện cảm.
  • 7 cách khiển trách mà không mất lòng người.
  • 12 cách dẫn dụ người.
  • 9 cách tăng hạnh phúc trong gia đình.

Không biết những độc giả của Đắc nhân tâm cảm nhận như thế nào về quyển sách này, nhưng với tôi, tôi cảm nhận trong cuốn sách có lòng vị tha, tình thương và tính nhẫn lại.

Trong bất kì hoàn cảnh nào, cách xử trí của các bậc vĩ nhân được lòng người đều dựa trên nền tảng đó. Tiêu biểu là cách xử trí của cựu tổng thống Mỹ Lincoln, trong lần ông rất bực mình với đại tướng Hooker vì đã thất bại liên tục trong các trận đánh nhưng ông đã hồi tâm bình tĩnh lại mà nhắc bảo nhẹ nhàng: “Ông đã làm vài việc mà tôi không hoàn toàn vừa ý…” khiến tướng Hooker không hề phật lòng nhưng vẫn nhận ra lỗi lầm để rút kinh nghiệm… Hỏi trên thế giới ai làm được như vậy nếu không biết nhẫn lại và lòng vị tha.

Trong Đắc nhân tâm có trích dẫn lời của Woodrow Wilson: “Nếu bạn đưa hai quả đấm ra nói chuyện với tôi, thì bạn có thể tin chắc rằng tôi cũng đưa hai quả đấm ra nói chuyện với bạn liền. Nhưng nếu bạn nói: “Chúng ta hãy ngồi xuống đây và ôn tồn nói chuyện với nhau. Vì ý kiến ta khác nhau, cho nên phải ráng tìm nguyên nhân chỗ bất đồng đó”, nếu bạn nói như vậy, thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng ý kiến của chúng ta rốt cuộc không khác xa nhau lắm, những chỗ bất đồng ý rất ít, còn những chỗ đồng ý thì nhiều, và nếu chúng ta thật tình và kiên tâm muốn hòa giải với nhau cũng dễ”.

Hãy luôn mỉm cười…

Đúng như thế, và chính bản thân tôi cũng đã thử qua nhiều lần. Từ việc đơn giản như: nếu tôi nở một nụ cười thì ngay tức thì tôi cũng nhận lại một nụ cười của ai đó. Hay đến tình bạn lâu dài: Tôi quan tâm đến bạn tôi, có mặt những khi bạn tôi cần chia sẻ hay giúp đỡ. Thì khi tôi như vậy bạn cũng quan tâm, giúp đỡ tôi. Nhưng bạn đừng nghĩ đó là sự trả ơn hay đáp lại mà đó là xuất phát từ trái tim, tình thân ái…

Trong Đắc nhân tâm ngoài sự cảm nhận về cuộc sống, tôi còn học được rất nhiều bài học, và tập rèn luyện.

Trước tiên, tôi sẽ cố gắng xây dựng lại hình ảnh bản thân mình, cố gắng thân thiện hơn với mọi người, cố gắng mở lòng. Tôi còn tự đặt cho mình một cách sống “Tự khắt khe với chính mình hơn, nhưng sẽ tha thứ bao dung cho mọi người”.

Và tôi nhận ra một điều vô cùng quan trọng đó là : Hãy làm cho mọi người vui vẻ, bạn cũng sẽ có niềm vui.

Đó là những suy nghĩ và cảm nhận của riêng tôi, bạn thì sao? Hãy đọc, cảm nhận và trải nghiệm với Đắc nhân tâm.

– Nguyễn Hoàng Anh Khoa

ĐẮC NHÂN TÂM VÀ LỖ HỔNG THẾ KỶ

Không thể phủ nhận rằng Đắc Nhân Tâm là cuốn sách được bán chạy nhất từ nửa đầu thế kỷ 19 cho đến tận bây giờ do nhà văn Dale Carnegie viết. Dù đã xuất bản được hơn tám mươi năm nhưng độ nóng của nó vẫn không ngừng được lan toả. Một phần là cuốn sách được viết ra để áp dụng cho những tình huống đối nhân xử thế, từ mọi tầng lớp khác nhau trong cuộc sống đời thường. Nội dung cuốn sách là những câu chuyện xoay quanh các cách ứng xử & giao tiếp để có được thành công và đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống hàng ngày.

Tính đến thời điểm hiện tại thì cuốn sách đã được xuất bản hàng triệu lần với nhiều phiên bản khác nhau và được dịch sang hàng trăm thứ tiếng. Phải thú thực rằng, cá nhân mình cũng là người đọc tác phẩm này 2 lần, song song với đó là thực hành những phương pháp được nêu trong cuốn sách vào những tình huống cụ thể ngoài đời. Sau những lần đọc và thực hành đó thì kết quả mà mình nhận lại cũng khá khả quan, đa phần đều đem đến sự tích cực. Duy nhất chỉ có một lần là cách đây vài năm, mình có áp dụng phương pháp “tạo thiện cảm với người đối diện” và nhận lại kết quả bất ngờ ngoài mong đợi (đương nhiên là theo chiều hướng hơi tiêu cực một chút). Đó là khi mình giao tiếp với một vị khách nữ, trên cương vị là một người nhân viên phục vụ nói chuyện với khách hàng. Cụ thể là mình và người khách nữ đó đã trao đổi qua lại khi người phụ nữ đó ra về. Mình có tán gẫu dăm ba câu, nói chung với hàm ý là “chào và hẹn gặp lại, sau có dịp thì lại ghé thăm quán mình nhé!!!”. Ấy thế mà người khách nữ đó đã chốt hạ một câu mà khiến mình nhớ đến tận bây giờ, đó là “cậu đúng là Đồ Lẻo Mép”

Kể từ khi nghe được câu nói đó, nó khiến tôi nhận ra rằng khoảng cách giữa “ứng xử khôn khéo” và “một tên lên Lươn Lẹo, Ba Hoa, Chích Choè” là rất mong manh. Có khi tùy thuộc vào định nghĩa, hoàn cảnh hoặc tư duy của người đối diện. Có khi tuỳ thuộc vào ngữ điệu, thái độ cũng như trường hợp áp dụng của người nói ra tại thời điểm đấy.

Không giấu gì chúng bạn, mình cũng phải chia sẻ thật rằng, đã từ lâu trong quan niệm của tôi đã hình thành một suy nghĩ là không chiều lòng nhiều người một lúc. Không vì những câu nói của người đời mà làm lay động tâm can, nên cũng không quan tâm câu nói của Vị Khách Nữ kia cho lắm. Dù sao đó cũng chỉ là nhận định của một người thôi mà…!

Dạo gần đây, tôi có đọc lại Đắc Nhân Tâm một lần nữa và có cho mình một số câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra khi mọi người đều đọc và áp dụng quyển sách này vào cuộc sống hiện tại, nhưng lại thiếu đi sự chân thành, thiếu đi cái tâm sáng?

Sẽ ra sao khi con người nói chuyện với nhau chỉ toàn là ĐẮC NHÂN TÂM?
Sẽ ra sao khi mọi người giao tiếp với nhau chì nhằm mục đích để thu phục người đối diện?

Và cuối cùng, sẽ ra sao khi tôi chọn Mình là một phần của cuốn sách?” vì thiết nghĩ rằng tựa đề gốc của cuốn sách là “How to win Friends & Influence People” (dịch thô là Làm thế nào để chiến thắng người đối diện & chi phối con người).

Kể từ đó, tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn về cuốn sách này “THAY VÌ ĐỌC NÓ VÀ ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY, TÔI ĐỌC ĐỂ BIẾT BẠN ĐANG ÁP DỤNG CHƯƠNG NÀO TRONG CUỐN SÁCH VỚI TÔI”. Vậy nên nếu bạn là một độc giả của cuốc sách, mà muốn tiếp cận với tôi thì nên dè chừng nhé! Thay vì thu phục lòng người, thì bạn cứ thoải mái bộc lộ hết quan điểm của bạn, cứ thoái mái thể hiện cái tôi và thể hiện những điểm xấu – đẹp của bạn ra, cứ chân thành đi đã. Vì lúc đó, tôi mới thấy được rằng, mình đang giao tiếp với bạn, chứ không phải Ngài Dale Breckenridge Carnegie như ai kia.

(P.s: Đây là quan điểm trái chiều của cá nhân mình về cuốn sách, sau những lần đọc & thực hành chứ cũng ko phê phán gì. Sách cũng chỉ là sách, người dùng, người đọc hiểu và áp dụng nó thế nào vào cuộc sống mới quan trọng)

– Giang Hoàn

Tóm tắt Đắc nhân tâm

Phần 1 : Những thuật căn bản để dẫn đạo người…

  • Bí quyết của sự thành công đó là không bao giờ chỉ trích ai hết và chỉ thành thực ca tụng đức tính của người thôi. Chỉ trích người oán trách người, buộc lỗi cho người thì ai cũng biết. Nhưng hiểu người và tha thứ cho người thì có tâm hồn cao cả và sức tự chủ mạnh mẽ mới được. Cũng như trong kinh doanh, khi giao tiếp với nhân viên mình cũng như khách hàng, khi thấy họ làm đúng nói đúng thì nên khen ngợi, còn khi họ làm sai nói sai thì không nên chỉ trích họ, mà phải từ từ nói cho họ nghe họ đúng và không đúng chỗ nào.
  • Đừng tiếc những lời cảm ơn và khuyến khích. Hãy khen thành thật và phải từ tâm ta phát ra. Vì những lời khen đó, ta có thể quên được, nhưng những người được khen ấy sẽ luôn hoan hỉ và nhắc nhở ta.
  • Muốn dẫn dụ người khác theo ý mình là phải lựa cách nói sao cho lời yêu cầu của mình hạp với sở thích của họ, khiêu gợi cho người đó có lòng ham muốn nhiệt liệt với công việc.

Phần 2 : Sáu cách gây thiện cảm

  • Thành thật quan tâm tới người khác thì chỉ trong hai tháng sẽ có nhiều bạn thân hơn là hai năm gắng công bắt người khác quan tâm tới bạn. Muốn được người khác yêu ta, ta phải vì họ, đừng sợ mất công, mất thì giờ.
  • Hãy luôn giữ nụ cười trên môi mình, mỉm cười với tất cả mọi người, gạt bớt những kẻ thù trong suy nghĩ của bạn. Với giá trị mà nụ cười này mang lại, giờ đi đâu, ta cũng được đón tiếp niềm nở.
  • Loài người cho tên mình là vinh dự lắm, đối với người đó là một âm thanh quan trọng và êm tai hơn thết thảy những âm thanh khác, cho nên chúng ta phải giành ra ít thời gian của mình để ghi chép lại, lặp lại nhiều lần, cho nó in vào trong đầu óc chúng ta.
  • Khả năng biết nghe là khả năng hiếm thấy nhất, vì đa số trong chúng ta ưa gặp một người biết nghe hơn là một người biết nói chuyện. Vậy nếu bạn muốn người ta coi là nói chuyện có duyên thì bạn phải biết cách lắng nghe và khuyến khích người khác nói tới họ.
  • Bạn hãy nói với người ấy về những sở thích và hoài bão của họ, cũng như trong kinh doanh, chúng ta phải biết cách kiếm những thị hiếu, mong muốn, nhu cầu của khách hàng khi đến với công ty mình.
  • Nếu bạn muốn được lòng người đó, hãy khéo léo cho họ thấy rằng ta thành thật nhận sự quan trọng của họ trong địa vị của họ, những gì họ làm, những gì họ nói.

Phần 3 : Mười hai cách dẫn dụ người khác cho họ nghĩ như mình

  • Để thắng cuộc tranh biện là bạn nên tránh hẳn nó đi. Tranh biện không phá tan được sự hiểu lầm. Phải biết khéo léo, có lòng hòa giải và khoan hồng, tự đặt mình vào địa vị đối thủ của ta mới có thể thu phục họ được.
  • Phải biết trân trọng ý kiến người khác, có nghĩa là đừng tranh biện với người khác, dù người đó là khách hàng, hay là bạn trăm năm, là kẻ thù của mình. Đừng chỉ cho họ thấy rằng họ lầm lộn, đừng làm cho người ta tức giận, trái lại phải biết khôn khéo, như vậy mới đạt được mục đích dễ dàng.
  • Khi chúng ta biết rằng chúng ta đang mắc lỗi thì hãy can đảm nhận lỗi. Mình tự khiển trách mình còn hơn để người khác khiển trách mình, chẳng những có những kết quả bất ngờ mà như vậy lại còn thấy vui hơn khi bạn tự tìm cách bào chữa cho lỗi của mình.
  • Với thái độ khoan hồng, ôn tồn và những lời nói ngọt ngào sẽ khiến cho khách hàng cũng như nhân viên của bạn sẽ làm theo ý bạn một cách tự nguyện và nghiêm túc.
  • Bạn hãy đặt những câu vấn cho những đối thủ của bạn ngay từ đầu câu chuyện và dẫn dụ họ vào những câu đáp “ Phải” ngay từ đầu khi tiếp xúc và chất vấn.
  • Ta tỏ vẻ hơn bạn, thì bạn sẽ thành kẻ thù của ta, chịu nhường bạn, thì bạn sẽ liên kết với ta. Hãy để cho họ nói những điều về bản thân họ, lúc đó mình sẽ hiểu rõ hơn con người, tính cách, nhu cầu, mong muốn của họ.
  • Luôn hỏi ý kiến những người cộng tác, khách hàng và hãy tôn trọng ý kiến đó, để cho họ tin vào những hành động đó là hoàn toàn theo sáng kiến của họ.
  • Không nên áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác, hãy hợp tác với họ và họ sẽ hành động theo hướng chúng ta muốn, hãy tôn trọng những quan điểm của họ.
  • Hầu hết chúng ta đều cần thiện cảm, như được người khác khen, khuyến khích hoặc an ủi. Khi có những ý kiến và ước vọng của họ được đưa ra thì chúng ta nên tỏ rằng ta có nhiều thiện cảm với những điều ấy.
  • Gợi lên tình cảm cao thượng của khách hàng mình, tự cho họ thấy được họ là người trọng danh dự, biết lời hứa. Mình cứ xem họ như một người ngay thẳng, thành thật, có thiện chí và họ sẽ ngượng, không gian lận nữa.
  • Để dẫn dụ người khác theo ý bạn, bạn hãy kích thích thị giác và óc tưởng tượng của họ như vậy mới chiếm được sự chú ý của mọi người.
  • Muốn có kết quả, bạn phải khuyến khích lòng ganh đua cao thượng của những người thật sự tâm huyết, lòng muốn mỗi ngày mỗi tiến, chẳng những thắng người mà thắng cả chính bản thân họ.

Phần 4: Chín cách sửa tính người mà không làm họ giận dữ, phật ý

  • Khi chỉ trích một ai đó thì hãy bắt đầu câu chuyện bằng cách tặng cho người đó một vài lời khen chân thật nhất.
  • Muốn thay đổi hành động của một người mà không làm phật ý họ và cũng không gây thù oán thì bạn hãy gợi và nói ý cho họ nhận ra và hiểu lỗi sai của họ, nghĩa là vừa khen vừa chê, chứ không nên la lối, chữi rủa thẳng vào mặt họ.
  • Nếu ta khiêm tốn nhận trước ra những lỗi lầm, khuyết điểm của mình rồi mới chỉ trích kẻ khác thì họ không khó chịu lắm, và lúc đó họ sẽ vui vẻ nhận ra lỗi của mình và tự giác thay đổi thái độ của chính họ.
  • Hãy để tự cho những khách hàng, nhân viên của mình có nhiều sáng kiến, đừng bắt buộc họ phải làm theo những ý của mình, mà hãy để họ hành động theo ý họ.
  • “Giữ thể diện” cũng rất quan trọng. Nó giúp chúng ta biết giữ thể diện cho người khác trước đám đông, vì nếu la lối, chữi rủa họ trước mặt người khác thì họ sẽ nghĩ rằng lòng tự ái của họ đang bị chà đạp nặng nề, lúc đó, mâu thuẫn cũng sẽ tăng cao và không thay đổi được con người của họ.
  • Công nhận những sự cố gắng của họ, hãy thành thật khuyến khích, khen ngợi và khả năng cho họ thấy được những năng lực tiềm tàng trong chính bản thân mình.
  • Muốn sửa đổi một người mà không làm phật ý họ thì hãy tin cậy họ, xem họ như một công dân lương thiện và đáng trân trọng, lúc này có lẽ họ sẽ gắng sức để được xứng đáng với sự tin cậy ấy.
  • Khuyến khích họ nhiều vào, hãy nói rằng công việc ấy rất dễ làm. Hãy tỏ ra rằng ta tin vào khả năng và tài năng của họ, trong thời gian không xa, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của họ.
  • Bạn hãy xử trí làm sao đó cho người ta vui sướng khi làm việc mà bạn đã đề nghị cho họ, có thể bạn thử giới thiệu công việc mà bạn không thể nhận được cho một người đang cần hoặc có nhiệt huyết, bạn có thể nâng cao tầm quan trọng và giá trị tài năng của họ. Khi đó, họ sẽ làm công việc một cách hăng hái, hài lòng và nhiệt tình hơn.

Trích dẫn Đắc nhân tâm

“…mỗi người một đặc điểm riêng không ai giống ai… không thể đòi hỏi mọi người hành xử giống nhau và đều biết tự phế phán mình khi họ làm một điều gì đó không tốt.

99% trong chúng ta không bao giờ tự phê phán mình vì bất cứ điều gì, cho dù chúng ta có sai lầm đến đâu đi nữa.

Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa… Nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của con người, gây tổn thương tới ý thức về tầm quan trọng của họ và kết cuộc chỉ tạo nên sự tức giận, căm thù.”

Nhà tâm lý học lỗi lạc Hans Selye cho biết: “Nỗi sợ bị lên án ở con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng.”

“Dễ khi nhận nhưng khó khi cho. Dễ là khi nghĩ xấu về người khác nhưng khó là khi tặng cho họ niềm tin. Dễ là khi dập tắt đi ước mơ của người khác và khó là khi gợi cho người khác một mong muốn thiết tha. Vậy tại sao ta không làm một điều “khó” mà hiệu quả thật tốt như khơi gợi mong muốn thiết tha ở một con người?”