Bằng cách nào mà loài chó có thể lấy lòng người được chỉ trong vài giây khi vừa gặp? Câu trả lời thật đơn giản: tình yêu vô điều kiện. Một con cún luôn yêu thích bạn, và thể hiện tình cảm đó một cách nồng nhiệt. Chúng ta đáp lại hành vi này, bởi ta thấy trân trọng khi ta được yêu thương. Điều này nâng đỡ lòng tự tôn của ta và khiến ta hạnh phúc.
Vậy đâu là bài học ta có thể vận dụng vào cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thường nhật? Nếu bạn muốn được lòng người, hãy thể hiện với họ sự trân trọng trọn vẹn và cả thái độ nồng nhiệt của mình. Hãy bày tỏ rằng bạn rất quan tâm đến họ cũng như những điều họ nói, và hãy cố gắng ghi nhớ những điều mà họ đã nói với bạn.
Trong thực tế có nghĩa là: bạn nên luôn đón chào người khác một cách niềm nở, hãy là người biết lắng nghe và hãy đảm bảo rằng bạn nhớ những thông tin cá nhận như tên gọi và sinh nhật họ. Điều này cũng đòi hỏi một chút nỗ lực – ví như, bạn có thể cần đến vài mẩu giấy ghi nhớ sau mỗi lần gặp gỡ với ai đó – nhưng về lâu dài những điều nó đem lại còn đáng giá hơn nhiều.
Mẹo đơn giản nhất để gây được thiện cảm chính là ghi nhớ và thường xuyên nhắc tên của người khác, bởi ai ai cũng thích được nghe thấy tên mình. Bất cứ khi nào bạn gặp ai đó lần đầu, hãy ghi nhớ tên của họ và cố gắng nhắc đến nó trong khi nói chuyện. Người đối diện trò chuyện với bạn ắt sẽ mến bạn ngay.
Theodore Roosevelt được tất cả các nhân viên hết lòng quý mến bởi ông có một thói quen chào hỏi họ bằng cách nhắc tên họ. Ông cũng chú tâm dành thời gian lắng nghe và cố gắng ghi nhớ những điều họ nói. Bằng cách này, ông thể hiện cho người ta thấy sự trân trọng, và đổi lại điều ông nhận lại được còn lớn hơn nhiều.
8: Hãy tránh xa tất cả các cuộc tranh cãi – sẽ chẳng có người thắng kẻ bại.
Hãy nghĩ xem: rút cuộc thì tranh cãi với người khác có ý nghĩa gì? Mười lần thì đến chín lần, sau khi trận khẩu chiến kết thúc, cả hai bên đều cảm thấy quả quyết với quan điểm của mình, thậm chí còn hơn cả trước đó.
Những cuộc tranh cãi chẳng đem lại điều gì. Cho dù kết quả ra sao, người kia cũng chẳng đồng ý với quan điểm của bạn; đúng hơn là họ còn lấy làm bực mình với bạn cũng như các lý lẽ của bạn. Do đó, giải pháp duy nhất là tránh mâu thuẫn ngay từ đầu.
Khi gặp phải những điều trái ý mình, thường thì bạn không cần phải tìm được sự đồng thuận. Đã thật đáng quý khi có ai đó lật lại quan điểm của bạn để xem xét đúng sai, đâu cần phải áp đặt ý kiến của mình lên họ nữa. Hãy cảm thấy biết ơn vì những thông tin từ họ, và hãy nghĩ về cái lý của họ, thay vì cuốn vào tranh cãi để bênh vực quan điểm của mình.
Nếu hai con người luôn luôn nhất trí với nhau trong mọi việc, thì một trong hai người đó thật thừa thãi. Nhưng dù sao, nếu hai người chỉ suốt ngày tranh cãi và kêu gào với nhau, cũng sẽ chẳng thể có một cuộc trao đổi thực sự nào.
Do đó, hãy tránh xa những cuộc tranh cãi, tuy nhiên khi chắc chắn tranh luận là cần thiết và không thể bỏ qua, hãy tách rời những cảm xúc của bạn. Ban đầu, cả hai bên nên giữ khoảng cách với nhau để trước hết có thể suy nghĩ về vấn đề đó trong một không gian riêng. Hai bên chỉ nên gặp nhau trực tiếp sau khi đã xua tan những phản ứng xúc động ban đầu.
9: Đừng bao giờ nói với người khác là họ đã sai; họ sẽ chỉ bực mình với bạn thôi.
Mỗi khi bạn nói với ai đó rằng họ đã sai, về cơ bản chẳng khác gì bạn nói “Tôi khôn hơn anh.” Đây quả là cú đòn trực diện vào lòng tự tôn của họ. Họ cảm thấy bị tổn thương, và họ sẽ muốn trả đũa.
Nói chung, mỗi khi bạn muốn thể hiện quan điểm ngược lại với quan điểm của người khác, đừng bao giờ dùng những cách diễn đạt mang tính tuyệt đối như “Rõ ràng là…” hay “Hiển nhiên, trong chuyện này…”, bởi nó ám chỉ “Tôi khôn hơn anh.” Ngay cả khi quả thật bạn nghĩ bạn khôn ngoan hơn, cũng đừng bao giờ thể hiện thái độ đó với người khác.
Để khiến cho ai đó xem xét lại quan điểm của bản thân họ, sẽ thực sự hiệu quả hơn khi bạn thể hiện sự khiêm nhường và cởi mở; ví như nói: “Tôi có suy nghĩ hơi khác nhưng cũng có thể là tôi nhầm. Tôi thì cũng hay nhầm lắm, hay là ta cùng xem lại vấn đề lần nữa nhỉ?”
Nếu bạn lựa lời đưa ra quan điểm trái chiều theo cách ấy, người khác sẽ rất khó có thể thấy buồn lòng hay bực mình với bạn trước khi nghe những điều bạn phải nói. Chỉ thêm một chút may mắn nữa, cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng khôn khéo sẽ nhanh chóng biến đối thủ thành đồng minh, và bạn có thể thay đổi quan điểm của họ.
Benjamin Franklin tập một thói quen là không bao giờ công khai đối đầu với người khác. Khi nói chuyện cùng người khác, ông thậm chí còn “xóa sổ” những cách diễn đạt chắc nịch ra khỏi vốn từ của mình, như những cụm từ “chắc chắn là” và “chẳng nghi ngờ gì nữa”. Ông cảm thấy rằng chúng quá cứng nhắc và thể hiện một tư duy kém linh hoạt. Thay vào đó, ông ưa dùng những cụm từ như “Tôi nghĩ rằng” hay “Tôi hình dung”.
11: Để thuyết phục được người khác, hãy tạo cho họ thật nhiều cơ hội để nói “đồng ý”.
Nếu bạn muốn thuyết phục ai thay đổi quan điểm, đừng bao giờ cho họ biết đó là điều bạn định làm. Chẳng ai muốn phải thay đổi quan điểm của mình; bởi vậy, bạn phải thuyết phục họ bằng cách đi đường vòng.
Trước hết, hãy cố gắng lấy lòng người khác bằng cách cư xử tử tế, lịch sự và kiên nhẫn với họ. Nếu bạn hành động gay gắt và quyết liệt, người đối diện sẽ thôi không lắng nghe và sẽ cảm thấy cần đáp trả cũng như thủ thế cho mình. Để tránh tình trạng này, hãy luôn nhấn mạnh đến những lợi ích chung. Hãy thể hiện rõ rằng cả bạn và người đối diện đều có những mục tiêu chung Đừng bao giờ hé lộ quan điểm của bản thân cho đến khi đảm bảo rằng người kia tin tưởng rằng bạn hướng tới lợi ích chung. Một khi người kia đã nhìn thấy rằng hai bên có cùng một đích đến, cách hiệu quả nhất để thuyết phục họ là dần dần khiến họ đồng thuận với bạn càng nhiều càng tốt. Hãy xây dựng lý lẽ của mình bằng cách hỏi người kia nhiều câu hỏi nho nhỏ mà câu trả lời chỉ có thể là “đồng ý”.
Cách tiếp cận này, còn được biết đến với cái tên “phương pháp Socratic”, ẩn chứa lý luận thật đơn giản: trong suốt cuộc trao đổi, bạn càng nhận được nhiều câu trả lời “đồng ý”, bạn càng có nhiều cơ hội nhận được sự đồng thuận khi cuối cùng bạn tiết lộ quan điểm thực sự của mình về vấn đề đó.
Bằng cách vận dụng phương pháp Socratic, thậm chí bạn có thể khiến người khác đồng ý với những quan điểm mà chỉ một phút trước họ còn hăng hái phản bác.
Tổng kết
Thông điệp chính của cuốn sách này:
Hãy đảm bảo có thể khiến người khác quý mến bạn bằng cách mỉm cười, lắng nghe và thể hiện sự trân trọng với họ. Điều này sẽ khiến họ thêm sẵn lòng lắng nghe và giúp đỡ bạn.
Lời khuyên thiết thực:
Hãy mỉm cười!
Lần tới khi bạn mới gặp ai đó, hãy chủ ý cố gắng cười thật tươi khi hai người bắt tay nhau. Điều này giúp tăng đáng kể cơ hội tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho bạn, và ai ai cũng đều biết, ấn tượng ban đầu có ý nghĩ biết bao.
Nên đọc thêm cuốn Những đòn tâm lý trong thuyết phục của tác giả Robert B. Cialdini
Cuốn Những đòn tâm lý trong thuyết phục (Influence: The Psychology of Persuasion) giải thích cặn kẽ những nguyên tắc nền tảng của sức thuyết phục khiến ta đồng thuận, trong đó có nói đến cách mà những nguyên tắc này được các bậc thầy về thuyết phục áp dụng với chính chúng ta. Họ có thể là người bán hàng, người làm quảng cáo, hay những kẻ lừa đảo… Hiểu biết về những nguyên tắc này sẽ một mặt giúp bạn trở thành người có sức thuyết phục mạnh mẽ, mặt khác cũng bảo vệ bạn khỏi những mánh khóe từ người khác.
Du Học Đồng Thịnh
Cảm ơn bản Dịch: Dung Ngọc, bản Biên tập: Hà Trần, từ Sách Lược
Theo Blinkist