Ác Ý – Keigo Higashino

Lần cập nhật gần nhất May 4th, 2020 – 10:22 am

Từ xuất phát điểm là vụ sát hại một nhà văn nhân cách vàng trong khu phố giàu sang, Keigo Higashino kéo tuột người đọc vào một lịch sử được viết lại bằng gian dối, một ma trận được vận hành theo nguyên tắc lấy oán trả ơn. Nhưng ở “Ác Ý” vụ giết người không phải là tâm điểm của cốt truyện mà là việc truy tìm động cơ, tại sao thủ phạm làm vậy. Và nó lại liên quan đến quá khứ của từng nhân vật, 1 người cất giữ quá khứ còn 1 người lại muốn chôn vùi quá khứ của mình, xóa sạch quá khứ.

Review (3)

Trong 1 vụ án mạng, có phải khi tìm ra hung thủ thì mọi chuyện dường như sẽ kết thúc ?

Câu trả lời là: không hoàn toàn.

Tiểu thuyết “Ác Ý” là tác phẩm của nhà văn trinh thám nổi tiếng người Nhật Higashino Keigo mới được nhà xuất bản IPM phát hành cách đây vài hôm.

Truyện kể về vụ sát hại nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh ta bị giết tại phòng làm việc ở nhà riêng trước hôm ra nước ngoài sinh sống cùng vợ mình. Người phát hiện ra thi thể chính là người vợ và cậu bạn “thân”, cũng là một nhà văn viết truyện thiếu nhi. Thú vị ở chỗ, cậu bạn nhà văn đã quyết định “ghi chép” lại những tình tiết của vụ án…

Từ những chương đầu của cuốn sách, ta cứ ngỡ đây chỉ là một vụ án mạng đơn giản bởi cảnh sát đã bắt được hung thủ dựa vào những “ghi chép” của anh bạn kia. Nhưng động cơ giết người của thủ phạm chưa được làm sáng tỏ nên cảnh sát vẫn phải nỗ lực tiếp tục điều tra. Đấy cũng là lúc độc giả bước vào thế giới cao trào đầy mê hoặc của cuốn tiểu thuyết.

Cuốn sách được viết theo dạng hồi kí và ghi chép của 2 nhân vật từng quen biết trong quá khứ: anh bạn “thân” và viên cảnh sát điều tra. Từ đó, người đọc có thể hiểu thêm về tâm lý của nhân vật khi được đặt dưới góc nhìn của nhân vật đó. Nhưng mặt trái ở đây chính là liệu những “ghi chép” đó có đúng sự thật? Chúng ta luôn có suy nghĩ bảo thủ trong vô thức rằng “nó là đúng”, vậy nên độc giả dễ dàng lạc vào mê cung mà hung thủ giăng ra hay có thể nói do chính tiểu thuyết gia Keigo tạo dựng. Bước từng bước trong tác phẩm, có lúc ta sẽ nghĩ mình có thể đoán được tình tiết của câu chuyện, song ở bước tiếp theo ta buộc phải gạt đi những suy luận đó để rồi đắm mình vào mê lộ cho đến khi mọi sự được sáng tỏ. Ngỡ rằng động cơ giết người là do bộc phát nhưng thực tế nó đã được lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ và được gài gắm những cái bẫy hòng lừa cảnh sát cũng người đọc một cách tài tình. That is “cú lừa”.

Bước tới cửa ra của mê cung, độc giả có thể thấy được sự đáng sợ của cái “ác ý” trong con người. Nó làm trỗi dậy phần “con” trong mỗi chúng ta, điều khiển ta thực hiện những điều xấu xa với người khác, cho dù người đó có là ân nhân của ta đi chăng nữa. Sự thật rằng cái “ác ý” ấy luôn tồn tại bên trong mỗi con người nhưng niêm phong nó lại hay để nó bộc phát ra thì đó lại là lựa chọn của mỗi người… Cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, một trong những vấn đề nhức nhối và chưa có biện pháp triệt để ở hầu hết các trường học.

Đọc xong cuốn tiểu thuyết, mình có cảm nhận được một Higashino Keigo với cái mới ở mặt hình thức nhưng không vì thế mà làm lu mờ cái chất cũ. Chúng bổ trợ cho nhau một cách khéo léo để tạo nên một tác phẩm trinh thám lôi cuốn, đầy mê hoặc. Nó như 1 cơn gió mát lạnh thổi tan cái nóng nực của những ngày hè oi bức. Nếu là fan của tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt lại là fan của nhà văn Keigo thì thật sự không nên bỏ qua “cú lừa” này.

– Kỳ Nam

Akui (Ác ý) – “Thành kiến của con người nặng tựa núi cao”, từ thành kiến mà tạo ra ác ý, từ ác ý mà tạo nên tội ác

Không thể nói rằng đã đọc hết tất cả các tác phẩm của Higashino Keigo, nhưng cũng là người thường xuyên đọc, cập nhật tiểu thuyết mới của ông xuất bản ở Việt Nam, tôi vẫn luôn kiếm tìm một tác phẩm đủ lôi cuốn để có thể khơi dậy trong tôi niềm hứng khởi hay cảm giác lạnh toát sống lưng như khi đọc Phía sau nghi can X hay Bạch dạ hành. Tiếc rằng, một thời gian tôi cứ kiếm tìm rồi lại thất vọng. Tôi không nói các tác phẩm về sau tôi đọc không hay, chỉ là những điều Keigo-sensei thể hiện trong đó, không đủ chạm tới đáy sâu tâm hồn tôi mà thôi. Nhưng với Akui – Ác ý thì khác. Cuốn sách nhỏ gọn, vừa đủ để “cày” trong một buổi tối ấy đã đưa tôi đi từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, đồng thời để lại trong tôi những trăn trở, day dứt khôn nguôi.

Akui – Ác ý là câu chuyện về cái chết của một nhà văn đang ăn khách: Hidaka Kunihiko. Tên sát nhân nhanh chóng bị tóm gọn, chính là một trong hai người đầu tiên phát hiện án mạng, cũng là bạn thân của nạn nhân: Nonoguchi Osamu. Và dường như, mọi chống cự của hắn với cảnh sát đều vô cùng yếu ớt. Kể cả động cơ gây án mà hắn cố gắng che giấu, lấp liếm cũng được cảnh sát phụ trách vụ án: Kaga Kyoichirotìm ra khá dễ dàng. Đọc tới đây, tôi bỗng nghĩ: Mọi thứ đều đơn giản, dễ dàng như vậy thì Akui chẳng phải sẽ kết thúc nhanh lắm sao? Mà như thế thì đâu còn gì hấp dẫn nữa? Nhưng rồi Keigo tiên sinh đã có màn “lật kèo” vào phút chót, cũng là việc lật lại toàn bộ suy luận trước đấy, chỉ trong một chương cuối cùng. Để độc giả, như tôi, như bạn giật mình nhận thấy, hóa ra, mọi điều ta được tác giả dẫn dắt, ngay chương đầu tiên đã “tưởng vậy mà không phải vậy”, ngay trong những tình tiết tưởng chừng chỉ là tiểu tiết cũng đóng vai trò quan trọng hình thành plot twist cho tác phẩm. Đó đều là những cái bẫy tinh vi của Nonoguchi giăng ra nhằm đánh lạc hướng điều tra của cánh sát, và là cái bẫy của Keigo-senseidẫn dắt độc giả bước vào ma trận plot twist ông xây dựng.

Bằng kết cấu khá đặc biệt, là sự tập hợp của nhiều thể loại: vừa là hồi ký, vừa là ghi chép, vừa là lời trần thuật được viết bởi nhiều lời kể, điểm nhìn khác nhau; tác giả Higashino Keigo đã đưa đến cho người đọc – các độc giả trinh thám những cách nhìn nhận vụ án hết sức đa chiều, đa diện. Và đó cũng là tiền đề làm nên những cú cua khét lẹt của ông trong tác phẩm. Thông thường, cấu trúc câu chuyện được viết bằng nhiều điểm nhìn, mỗi chương lại là lời kể của một người khác nhau như vậy rất dễ làm cho tác phẩm bị cắt vụn, tạo sự mệt mỏi cho độc giả.

Nhưng với một dung lượng vừa phải, cô đọng trong hơn ba trăm trang truyện, nhất là Keigo-sensei không “nhồi nhét” quá nhiều tình tiết, vấn đề ngoài lề “đao to búa lớn” như nhiều tác phẩm khác nên Akui không chỉ tập trung được vào vụ án mà còn đi được tận sâu tới tâm lý, suy nghĩ để tạo lên những hình tượng nhân vật có chiều sâu trong nội tâm lẫn hành động. Một nhà văn Hidaka, hiện lên qua những tín hiệu, qua lời kể của Nonoguchi đã bị khúc xạ thành một “phản diện”, người bị hại bỗng chốc như trở thành hung thủ, căn nguyên của mọi bi kịch. Kẻ sát nhân, mang nặng chấp niệm ác ý Nonoguchi lại bỗng trở thành một nạn nhân đầy yếu đuối nhận được sự đồng cảm của truyền thông, công chúng. Và người cảnh sát Kaga, không phải ngẫu nhiên anh dành nhiều tâm huyết đến thế cho vụ án này.
Mỗi nhân vật xuất hiện trên trang văn của Keigo tiên sinh, đều như mang một lớp mặt nạ, do tự thân hoặc do người khác cố tình tạo dựng để che đậy bí ẩn trong quá khứ không dễ dàng chia sẻ, càng không thể phơi bày nó ra trước ánh sáng. Để từ đấy, Higashino Keigogợi lên những giá trị hết sức nhân bản trong giá trị con người lẫn cách làm người.

Đó là tận sâu của thứ chấp niệm mang tên “ác ý” mà Nonoguchi hướng tới Hidaka mà ta có thể hiểu: “Thành kiến trong lòng người khác như ngọn núi lớn, cho dù ngươi có cố dịch chuyển thế nào cũng chỉ là mơ mộng hão huyền.” (Thân Công Báo – Na Tra Ma đồng giáng thế). Qua cách giáo dục của người lớn, qua những mối quan hệ xung quanh mà thành kiến mỗi lúc mỗi lớn. Thành kiến, ác ý truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và đối diện với thành công của người khác, ác ý chuyển thành ghen tị, thù ghét rồi thành sát ý lúc nào không hay. “Cách cư xử trong quá khứ của anh và mẹ anh khiến tôi cảm thấy như hai người có thành kiến với anh Hidaka và mọi người ở quanh đó. […] Vì tôi nghĩ có lẽ một trong những lý do khiến anh hồi nhỏ ghét anh Hidaka có liên quan đến suy nghĩ đáng khinh mà mẹ anh gieo vào đầu lúc đó, nên nói vậy thôi.”

Nói vậy mới thấy, Akuilà một tác phẩm cảnh tỉnh về cách giáo dục con cái, giáo dục một đứa trẻ của phụ huynh như thế nào. Tùy vào cách giáo dục mà đứa trẻ ấy trở thành người nghĩa hiệp như Hidaka hay trở thành một kẻ sống cô lập, ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ như Nonoguchi. Và thành kiến đó, vừa là nghi kị, thù ghét; cũng chính phản ánh sự nhỏ bé, yếu đuối của kẻ mang ác ý. Bởi, tôi tin, trong nội tâm Nonoguchi, một kẻ từ bé đến lớn chỉ biết trốn tránh, hẳn không dưới một lần, muốn được trở thành Hidaka: tài năng, hòa đồng và không chịu khuất phục.

Bên cạnh câu chuyện chuyện “trồng người”, giáo dục trong Akui – Ác ý của tác giả Higashino Keigo còn được khắc họa ở khía cạnh thực tế, gần gũi và nghiệt ngã hơn: vấn đề bạo lực học đường, mà bạo lực không chỉ trên phương diện thể xác mà còn là bạo lực trên phương diện tinh thần. Có thể thấy, bóng ma mang tên “bắt nạt” đã nhen nhóm, xuyên suốt tiểu thuyết Akui như thế nào. Từ thấp thoáng hiện lên qua bóng hình thấp thoáng cuốn sách Vùng cấm săn bắt của Hidakađến quá khứ của Kaga và rồi là bức màn phía sau sự thật của Nonoguchi. Để rồi, gấp trang sách lại, hẳn không ai là không cảm thấy day dứt, không ai là không cảm thấy ám ảnh: Làm thế nào để chấm dứt bạo lực học đường đây? Thờ ơ, vô cảm nhưng sự quan tâm không đúng cách, như càng đẩy bạo lực tăng cao và giết chết tâm hồn người học trò.

Và rộng hơn nữa, là câu chuyện giáo dục trong cách ứng xử của con người nói chung trước một sự kiện. Xã hội phát triển kéo theo sự phát triển của truyền thông cùng hệ thống tin tức. Vậy đứng trước những tin tức vàng thau thật giả lẫn lộn đó, con người cần có cái nhìn đa chiều, phản biện như thế nào để không trở thành con rối giữa biển tin tức? Như trong vụ án Hidaka, dường như tất cả đều đã bị Nonoguchi dẫn dắt, chỉ có Rei cùng Kaga, những người đã quá rõ về nạn nhân lẫn kẻ sát nhân mới có được sự sáng suốt.

Nhờ tập trung gần như trọn vẹn dung lượng cuốn sách vào một đề tài, xoáy sâu xung quanh một vụ án nên Akuikhắc phục được không chỉ điểm yếu chí mạng trong cách kể mà còn khắc phục được phần nào điểm yếu mang tên dàn trải trong nhiều tác phẩm của Higashino Keigo. Tuy nhiên, dẫu khắc phục được những yếu điểm đó thì Akui – Ác ý vẫn chẳng khiến tôi thật sự thỏa mãn. Bởi vẫn còn quá nhiều sự kiện, khía cạnh Keigo-sensei gợi ra nhưng bỏ ngỏ đấy chẳng có lấy một lời lý giải. Hidaka đã là người thiên cổ, mọi sự tái hiện về bóng hình con người này đều qua một là Nonoguchi Osamu hoặc Kaga Kyoichiro. Vì thế, người đọc chẳng hiểu được do đâu, Hidakalại nghĩa hiệp tới vậy với Nonoguchi? Do bản chất con người, nhưng không lẽ một nhà văn như Hidaka lại không đủ nhạy cảm để cảm nhận được ác ý của Nonoguchi?

Thứ nữa, về hình ảnh người vợ của Hidaka trong câu chuyện về Nonoguchi. Liệu có phải, mọi kỉ vật của người phụ nữ đó, Nonoguchi lấy được quá dễ dàng? Cũng không có lý giải thật thuyết phục bởi Nonoguchi không được phản biện mà tất cả cuối cùng, đều là sự kết tội gay gắt, đanh thép của Kaga dành cho tên sát nhân.

Và cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhất chính là mối quan hệ giữa Kagavới Nonoguchi. Quá khứ ngày còn giáo viên của Kaga được hé mở nhưng trong ngày Kaga còn giảng dạy, Nonoguchi đóng vai trò gì ở quá khứ đấy? Đã có chuyện gì xảy ra để bản thân Kaga,cũng có thể mang nặng “thành kiến” với Nonoguchi,nhờ vậy mà quyết theo đuổi vụ án này tới cùng? Nonoguchi, khi đã trở thành giáo viên, đứng trước hiện trạng bạo lực học đường, đã phản ứng thế nào? Tất cả mãi là bí ẩn bởi Keigo-sensei đặt dấu chấm kết thúc cho tác phẩm mà chẳng đưa cho tôi một manh mối để lý giải khúc mắc này. Tôi nhận ra, sự “không thỏa mãn” khi tiếp xúc với trinh thám của Higashino Keigo, không phải tới Akui mới xuất hiện. Mà ngay hai tác phẩm tôi đánh giá là thành công nhất của ông: Phía sau nghi can X và Bạch dạ hành; tôi cũng gặp trường hợp tương tự như vậy. Phải chăng, điều này đã trở thành thói quen, phong cách sáng tác của Keigo tiên sinh?

Tôi vẫn hay nói vui với bạn bè rằng: Sách do IPM xuất bản chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, cả về hình thức lẫn dịch thuật. Và Akui – Ác ý lần này cũng vậy. Bìa được minh họa rất đẹp và đầy ẩn ý với chú mèo góc trái trên cuồn sách cùng cành hoa anh đào bên phải đối diện. Đây đều là tiểu tiết trong tác phẩm mà có lẽ, có thể, độc giả rất dễ lãng quên. Nhưng tiểu tiết ấy lại chứa đựng những bất ngờ khó đoán lẫn thâm ý sâu xa của tác giả trong sự phát triển tình tiết, câu chuyện. Cùng khía cạnh hình thức, khía cạnh nội dung, dịch thuật của Akui – Ác ý, với cương vị lần đầu xuất bản sách của Higashino Keigo, IPM đã làm khá tốt. Một cuốn tiểu thuyết dung lượng vừa phải nhưng vẫn đảm bảo cuốn hút độc giả trong các “cú cua khét lẹt” được biên tập khá kỹ cả về mặt chính tả lẫn văn phong. “Sau đó, tôi chưa từng một lần gặp lại Maeno lẫn Yamaoka. Đặc biệt, theo lời mẹ của Maeno, tôi là “người nó không muốn gặp nhất trên đời.” Tháng Tư năm đó, tôi không còn đứng trên bục giảng nữa. Nói cách khác, tôi đã trốn chạy.”.

Được viết vào năm 2001, có thể nói không khí lẫn bối cảnh trong Akui đã khá cổ. Vì thế, thủ pháp gây án lẫn quá trình Kaga tìm động cơ thực sự của Nonoguchi trong câu chuyện có phần “chỉ có thế mà cảnh sát điều tra mãi không xong”. Nhưng trừ bỏ yếu tố về mặt thời gian sáng tác thì Akui – Ác ý là một cuốn sách còn nguyên giá trị đến ngày nay. Bởi, thành kiến vô lý của con người thời nào chẳng có, và thực trạng bạo lực học đường trong xã hội hiện đại, như càng có xu hướng trẻ hóa, leo thang.

– Mọt Mọt

“Ác ý” của Nhà văn Keigo Higashino. Đây thực sự là một cuốn sách nên đọc vì nó hoàn toàn đặc biệt.

Quyển sách kể về một vụ án tưởng chừng như đơn giản như bao vụ án khác nhưng nó lại làm cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và nhiều khi bạn trở nên rối loạn, mông lung và đặt câu hỏi: Tôi là ai và đây là đâu?

“Một nhà văn ăn khách bị sát hại tại phòng làm việc ngay trước hôm định ra nước ngoài sinh sống. Người phát hiện ra xác anh ta là cô vợ và cậu bạn thân từ thưở thiếu thời.

Nhờ các bản ghi chép chứng cứ và phân tích suy luận của viên cảnh sát điều tra, hung thủ mau chóng sa lưới.

Nhưng có đúng hắn là tội phạm? Và động cơ của hắn là gì?

Khoét đến tận cùng bề sâu căm hận.

Khiến người ta chấn động vì tính lưỡng cực của nhân tính và đây là một tác phẩm đỉnh cao của nhà văn xoay quanh hành vi ghi chép”

(Trích phần tóm lượt sau bìa sách).

Tưởng chừng như tóm lược đơn giản vậy, nhưng khi đọc, bạn sẽ được chìm sâu vào cuộc điều tra xuyên thời gian từ hiện tại về quá khứ để rồi tìm ra lời giải đáp về động cơ gây án.

Nếu như các tác phẩm trinh thám khác khi xây dựng câu chuyện sẽ theo mô tuýp nguyên nhân >> hành động >> kết quả và trùm cuối sẽ xuất hiện ở phần kết, nhưng với Keigo Higashino thì không như vậy, Ông đã cho người đọc biết hung thủ của vụ án ngay từ rất sớm nhưng vấn đề mà người đọc phải theo đến cuối đó là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Động cơ gây án là gì?
Đọc tác phẩm này mình lại liên tưởng đến 1 câu nói của Nam Cao:”Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương” và đến với Ác ý nếu như người cảnh sát (Kaga) có sự cẩu thả ấy thì cái kết được hạ màn một cách nhanh chóng và sự thật ẩn khuẩn đằng sau, danh dự nhân phẩm của người đã chết/ người thân/người sát hại sẽ mãi mãi là một ẩn số.

Đây cùng là tác phẩm để có thể rút ra được những bài học theo cảm nhận của từng người.

Theo mình, đó là:

(i) Làm việc cần phải tâm huyết và đi đến cuối cùng của vấn đề, lật ngang lật dọc tất cả các khía cạnh để có cái nhìn toàn diện và khách quan (Cứ tưởng vậy nhưng không phải vậy);

(ii) Ghi chép: là một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng nó không hề đơn giản. Và ghi chép nên tập thành 1 thói quen và nhất định nó sẽ có ích cho cuộc sống của mọi người.

(iii) Nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật.

……. và còn nhiều bài học sâu sắc nữa mà mọi người có thể khám phá khi đọc xong tác phẩm.

Nếu muốn đổi vị cho 1 tí muối, 1 tí bí hiểm thì bạn nên đọc cuốn sách này. Tác phẩm sẽ cho chúng ta một số cảm giác rùng rợn, ớn lạnh về các tình tiết nên mình không khuyến khích các bạn đọc trước khi đi ngủ, hoặc buổi tối khi bạn ở nhà 1 mình.

– Nguyễn Hào Quang