Trước đây mình không cảm thấy căn bệnh trầm cảm đáng sợ nhưng những năm trở lại đây, những idol mà mình yêu thích, yêu nụ cười và năng lượng tích cực của họ lại ra đi vì căn bệnh này, họ vẫn rất yêu cuộc sống này nhưng họ lại không kiểm soát được bản thân, thời điểm tinh thần rơi vào hố đen này họ đã ra đi. Hi vọng thông qua cuốn sách “Đại Dương Đen – Những Câu Chuyện Từ Thế Giới Của Trầm Cảm” sẽ giúp mọi người hiểu thêm về căn bệnh trầm cảm, thấu hiểu và quan tâm hơn với những người xung quanh mình.
Review Đại dương đen (2)
Cách đây 3 năm, một người anh có hỏi suy nghĩ mình về cái chết của những người trẻ, mình nhớ thời điểm đó trên mạng nhan nhản những câu chuyện các bạn trẻ trầm cảm dẫn đến tự tử, “Thật sự vô nghĩa” – mình chia sẻ suy nghĩ mình với anh, “Họ không thấy rằng cuộc đời thật sự là đáng trải nghiệm sao, tại sao chỉ vì một chút suy nghĩ nhất thời mà làm điều dại dột như thế”. Mãi đến sau này, và khi thực sự trải nghiệm cuộc sống của những người trầm cảm, mình mới hiểu hơn. Mình đang chỉ thấy cái mà mình thấy, không phải cái họ thấy, mình đang nhìn thế giới của họ bằng con mắt của mình thế nên đừng bao giờ vội vàng dùng lăng kính của mình áp đặt cho thế giới này, vì không phải ai cũng đang đeo cùng một loại kính như bạn.
Trầm cảm được xếp vào nhóm bệnh tâm thần, cứ nghe thấy tâm thần là tự nhiên người ta hình dung ra cái gì điên điên khùng khùng, một cái gì hạ thấp giá trị ghê lắm, có người thì từ chối chấp nhận sự tồn tại của nó “ Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được” (Nhân vật Xuân Thuỷ – Luật Sư) hay “Tôi cũng rất muốn nói chuyện này để họ hiểu biết hơn, nhưng không gặp vị nào thích nghe. Họ ác cảm khủng khiếp với bệnh tâm thần”. (Nhân vật Thạch – 83 tuổi). “Định kiến và kỳ thị tạo nên rào cản khiến người ta không tìm tới sự giúp đỡ”, chính điều đó đã tiếp tay cho bệnh ngày càng nặng.
Có lẽ ai cũng dễ dàng chấp nhận được một loại vi rút mang tên Corona, len lỏi và dần phá huỷ hệ hô hấp, và các cấu trúc khác dẫn đến tử vong, nhưng nếu mình nói bạn rằng một loại vi rút nào đó đã xâm nhập vào tâm trí rồi dần dần khống chế mình, điều khiển ý chí và tâm tư và dần phá huỷ niềm tin về giá trị của bản thân mình chứ mình không hề muốn vậy, mình không thể kiểm soát tâm trí mình được nữa, liệu bạn có dễ dàng đồng cảm, chả phải trước đây, mình cũng nghĩ rằng tâm trí mình mà mình không kiểm soát thì ai sẽ kiểm soát đây đấy sao. Khi đọc đến dòng tâm sự của Thuỳ Dương, cô sinh viên ngành tâm lý, tim mình bỗng thắt lại “Mình không muốn người ta nhìn mình và nói: “Nó đã tự tử”. Mình muốn người ta hiểu rằng, cuối cùng thì trầm cảm đã lấy đi mạng sống của mình, giống như ung thư hay các bệnh khác vậy”. Trong một so sánh mức độ khuyết tật của bệnh tâm thần với một số bệnh khác của trường Đại học Eramus Hà Lan, thì trầm cảm nặng được xem tương đương với tổn thương não vĩnh viễn hay ung thư vú đã di căn. Việc thừa nhận “Trầm cảm” là bệnh thật sự công bằng cho chính người rơi vào hoàn cảnh ấy. Còn điều gì đáng sợ hơn khi trên con đường chống chọi với bệnh tật lại không một ai đồng hành và đồng cảm.
Đại Dương Đen với mình nó còn hơn cả một quyển sách, là người bạn dẫn dắt mình đồng cảm với nhân vật, là nhà trị liệu để chữa lành tâm hồn, nó còn là nhà khoa học phân tích giúp mình hiểu rõ hơn về căn bệnh trầm cảm và nó biến chúng ta ai cũng đều có thể trở thành nhà trị liệu thật sự. Một cuốn sách mà đích thị có những đoạn, mình phải đọc đi đọc lại vì sợ bỏ qua một cảm xúc để hiểu nhân vật hơn, vì sợ bỏ qua một phương pháp để giao tiếp tốt hơn với người “trầm cảm”. Đặng Hoàng Giang là một trong những tác giả Việt mình dành nhiều sự kính trọng và ngưỡng mộ. Ông theo đuổi sự bình đẳng và kêu gọi sự công bằng, thấu hiểu. Khi ai đó đã sẵn sàng nói lên tiếng nói của họ thì họ nên xứng đáng để được thấu hiểu phải không?. Đặng Hoàng Giang chính là mang “tiếng nói” ấy đến với bạn đọc, vì họ xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
P/s Cuốn sách cũng chia sẻ một group hỗ trợ cho bạn trầm cảm, hãy liên hệ nếu bạn cần nhé: www.facebook.com/duongdaynongngaymai
– Lê Na
Mình đã khá trông chờ vào quyển sách này khi thấy tin phát hành trên facebook page của Nhã Nam, đáng tiếc là sách được phát hành trong lúc TP.HCM đang giãn cách. Khi các hoạt động ship hàng được nới lỏng mình đã phải nhanh chóng đặt mua ngay. Cảm giác đầu tiên sau khi mình đọc xong Đại dương đen là “tự hào”. Theo như mình biết, tính tới thời điểm hiện tại, đây có lẽ là quyển sách đầu tiên viết về “trầm cảm” mà tác giả là người Việt Nam và viết bằng Tiếng Việt. Đó là một tín hiệu đáng mừng vì chúng ta đang bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần của chính mình.
Nội dung sách chia làm hai phần lớn, phần một là tổng hợp mười hai câu chuyện có thật của các bệnh nhân bị trầm cảm, tác giả đã dành ra hai năm để liên lạc và phỏng vấn họ; phần hai là những kiến thức sơ bộ về phân loại, chẩn đoán, phương pháp điều trị trầm cảm cũng như các tâm bệnh khác có liên quan đến trầm cảm như rối loạn lưỡng cực, PTSD,…
Chướng ngại vật lớn nhất đối với mình trong suốt quá trình đọc sách là làm sao để đọc hết mười hai câu chuyện ở phần một. Mình đã tự nhủ với bản thân là chỉ mở sách ra đọc thôi, không phán xét, không phân tích đúng sai vì mình biết đó là những câu chuyện, nỗi đau mà mình chưa từng trải qua. Có những câu chuyện thực sự đã vượt xa trí tưởng tượng của mình, mình giật mình vì bản thân cũng từng có những suy nghĩ đen tối như thế.
Trầm cảm không phải là một, mà là một nhóm bệnh, mang tên Những rối loạn trầm cảm (Depressive disorders) bao gồm trầm cảm phổ biến, trầm cảm dai dẳng, rối loạn phiền muộn tiền kinh nguyệt (PMDD),… U buồn không phải là biểu hiện duy nhất của trầm cảm, người bị trầm cảm còn có những biểu hiện về thể chất như đau bụng, mất ngủ,… và có thể đánh mất những khả năng cơ bản như tự vệ sinh cá nhân, đi xe máy, check mail,… Trầm cảm nhẹ tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối, trầm cảm nặng tương đương với tổn thương não vĩnh viễn hay ung thư vú di căn. Căn bệnh này chia thành các giai đoạn (episode), người bị trầm cảm buổi sáng có thể đi làm, đến lớp học như người bình thường nhưng buổi tối có thể có ý định tự tử. Những episode trầm cảm đến một cách bất ngờ, không cần lí do. Người bệnh còn có thể rơi vào trường hợp “trầm cảm kép”. Trầm cảm có thể lấy đi mạng sống của người bệnh như bao căn bệnh khác như ung thư chẳng hạn, đó cũng là điều khiến bệnh nhân trầm cảm bị kì thị, bị dán nhãn “có tí mà cũng đòi tự tử”.
Vậy nguyên nhân gây ra trầm cảm là gì?
Có nhiều khía cạnh để giải thích, về mặt sinh học là gen, cấu trúc não bộ, các chất dẫn truyền xung động thần kinh; về yếu tố môi trường và tương tác xã hội có thể do những chấn thương tuổi thơ, các sự kiện tiêu cực,… Người bị trầm cảm như đang đeo một cái kính đen nhìn thế giới, căn bệnh này phá vỡ cảm giác họ thuộc về thế giới chung. Trầm cảm làm khủng hoảng niềm tin, khiến người bệnh không thể tin được là cuộc sống của họ sẽ khác đi. “Tự tử” chỉ là một trong vô vàn những sự lựa chọn để giải quyết tình trạng hiện tại của người bệnh, việc đó được lên kế hoạch sau khi những option khác thất bại và nó được “tập dợt” nhiều lần trước khi “thành công”, đó không hề là quyết định của những giây phút bồng bột nhất thời. Có một đoạn tác giả viết về hành vi tự hại đã khiến mình rất xúc động, người bệnh rạch tay để cảm thấy đau để chắc chắn là cơ thể này vẫn còn thuộc về mình, máu chảy từ vết cắt tượng trưng cho những giọt nước mắt không khóc được.
Nếu bạn có một nghìn người bạn trên Facebook thì bảy mươi người trong số đó mắc trầm cảm, cứ sáu sinh viên Y khoa (tại Việt Nam) thì có một người đủ các yếu tố của trầm cảm và gần một nữa số đó có ý định tự tử và còn nhiều số liệu khác (trong và ngoài nước) được đề cập ở phần hai đủ khiến người đọc giật mình. Trầm cảm có thể tấn công bất kì ai không phân biệt giới tính, tuổi tác (trầm cảm muộn trên người già), nghề nghiệp, tình hình tài chính cá nhân. Điều đáng tiếc tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân trầm cảm không được tiếp cận y tế kịp thời. Nguồn nhân lực y tế dành cho bệnh lí tâm thần tại Việt Nam còn thiếu và không được đào tạo bài bản, thiếu tính nhân văn, đôi khi họ vô tình tạo ra những trải nghiệm thăm khám tồi tệ với bệnh nhân và khiến tình trạng của bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn. Cũng như các chi phí điều trị mắc tiền tạo thêm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân và khiến họ bỏ dỡ quá trình điều trị. Trong các phương pháp trị liệu tâm lí mà tác giả gợi ý trong sách, mình cảm thấy phương pháp CBT có thể áp dụng được cho những người không bị trầm cảm nhưng muốn duy trì, cải thiện sức khỏe tinh thần của mình.
Quyển sách đã hoàn thành tốt vai trò “giáo dục tâm lí” cho người đọc nhưng không thể thay thế các phác đồ điều trị của bác sĩ tâm lí, chuyên viên trị liệu tâm lí. Tác giả và chuyên gia tâm lí Nguyễn Hà Thành đã khởi xướng đường dây nóng Ngày Mai hỗ trợ người trầm cảm, bạn có thể tìm hiểu thêm về tổ chức này.
Mình nghĩ mọi người nên đọc quyển sách này, mình đánh giá cao những thông tin ở phần hai, bạn có thể xem như đây là một cách tự chuẩn bị kiến thức “sơ cứu” cho bản thân nếu “chẳng may”. Mình tin là sau khi đọc xong Đại dương đen bạn sẽ trân trọng sức khỏe tinh thần của mình hơn, biết cách tiếp cận và thông cảm cho những người bị bệnh lí tâm thần và điều đặc biệt là không dùng từ “trầm cảm” một cách bừa bãi nữa. Việc dùng tên các bệnh lí tâm thần một cách bừa bãi, thiếu hiểu biết có thể tước mất cơ hội được nhận diện và điều trị của người bị bệnh thật sự.
À hãy đọc phần một vào những lúc tâm trạng bạn tốt nhất nhé.
– Thùy Giang