Ai Lấy Miếng Pho Mát Của Tôi – Spencer Johnson

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 05:58 pm

“Who Moved My Cheese? An Amazing Way to Deal with Change in Your Work and in Your Life” dịch sát nghĩa là “Ai lấy miếng pho mát của tôi? Phương cách tuyệt vời nhất để đối phó với sự thay đổi trong công việc và trong cuộc sống của chúng ta”. Thông qua câu chuyện ngụ ngôn về bốn nhân vật – đại diện cho những phần đơn giản và phức tạp trong con người của chúng ta – cuốn sách đưa ra thông điệp: “Miếng pho mát – những gì chúng ta đang sở hữu – sẽ luôn thay đổi, di chuyển. Chúng ta hãy di chuyển cùng với miếng pho mát, và tận hưởng nó”. Cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích và đánh giá cao. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng một số công ty đã lợi dụng ý nghĩa của cuốn sách để khuyến khích nhân viên tìm công việc mới nhằm giảm áp lực nhân sự của họ.

Review (4)

Sự thay đổi có thể mang lại hạnh phúc hay mang đến những điều không mong muốn, tất cả tùy theo cách đón nhận của mỗi người. Câu chuyện “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” mang đến một thông điệp rằng: Thay đổi sẽ là một dấu hiệu tốt lành nếu chúng ta hiểu được bản chất thật sự của “miếng Pho Mát” và vai trò của nó trong cuộc sống chúng ta.

Hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn trong câu chuyện không có nhiều khả năng phân tích và phán đoán, chúng vốn nhanh nhẹn, chúng chỉ cần pho mát. Còn đối với hai người tí hon Chậm Chạp và Ù Lì, pho mát không chỉ là nguồn sống mà còn là hạnh phúc và niềm tin. Cuộc sống và niềm tin của họ được xây dựng từ những miếng pho mát mà họ tìm thấy.

Bất kỳ ai trong chúng ta sau khi đọc xong cũng sẽ nhận ra rằng “Pho Mát” là một điều gì đó thân thuộc với cuộc sống chúng ta: đó có thể là công việc, là nghề nghiệp, sự thành công… là tình yêu, sự may mắn…

Giá trị ý nghĩa nhất của câu chuyện chính là: Chúng ta phải luôn sẵn sàng ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra trong công việc và trong cuộc sống của mình. Hãy học cách chấp nhận và chuẩn bị tinh thần để tiếp tục hành trình đi tìm nguồn pho mát mới một khi kho pho mát hiện tại không còn nữa. Thay đổi vẫn cứ diễn ra cho dù bạn có đón nhận hay không. Hãy dám đối mặt với sự thật, chấp nhận sự thay đổi và dũng cảm làm những gì mình có thể.

– Ji Jay

HÀNH TRANG KHI ĐỨNG TRƯỚC THAY ĐỔI CỦA CUỘC ĐỜI

Cuộc sống luôn luôn vận động, luôn luôn thay đổi theo từng ngày, hầu hết mọi người đều gặp phải những rắc rối riêng khi thế giới của chính mình “ đột nhiên” xảy ra những biến động. “Ai lấy miếng pho mát của tôi” được tiến sĩ Kenneth Blanchard viết như để giải quyết vấn đề của hầu hết mọi người khi phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống.

Câu chuyện được viết dựa trên 4 nhân vật với 4 tính cách đại diện cho những tính cách đơn giản và phức tạp của con người khi đối diện với thay đổi: chú chuột Đánh Hơi luôn sớm phát hiện những thay đổi, chú chuột Nhanh Nhẹn luôn nhanh chóng hành động trước một sự việc, chàng tí hon Ù Lì thường phản đối và chống lại những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể dẫn tới những việc tồi tệ hơn, chàng tí hon Chậm Chạp biết thích nghi đúng lúc khi thấy thay đổi sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Qua những hình ảnh đó tác giả muốn gửi gắm những thông điệp giúp độc giả đã, đang và sẽ gặp phải những chới với trước sự đổi thay có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho bản thân mình.

Nhà văn cho thấy cuộc đời chẳng có gì là đứng yên mãi mãi. Vì thế con người cũng phải luôn thay đổi, sáng tạo, có những suy nghĩ mới thoát ra những định kiến cổ hủ không còn hợp với thời đại. Chỉ khi ta biết thay đổi và thích ứng với những thay đổi ta mới có thể tìm thấy con đường đúng đắn cho bản thân.Đường đời không bao giờ là bằng phẳng, trên con đường đó luôn ẩn chứa muôn vàn chông gai thử thách. Để có thể tự tin vững bước, mỗi chúng ta cần mang cho mình một suy nghĩ tích cực, có niềm tin vào tương lai phía trước. Sẽ luôn có những lo lắng và sợ hãi bào mòn ý chí quyết tâm khi đi trên con đường mới, khi rời xa những gì đã quen thuộc. Nhưng sẽ chẳng có gì là an toàn cứ mãi đứng im dậm chân tại chỗ. Để không bị mất phương hướng trước đổi thay, con người cũng phải luôn vận động, luôn quan sát xã hội xung quanh, kể cả những gì nhỏ nhất để có thể nhìn ra những thay đổi và nhanh chóng thích ứng với nó. Cuối cùng bạn sẽ nhận ra đi theo những con đường mới sẽ giúp chúng ta thấy được những cơ hội mới.

“Khi vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, bạn sẽ cảm thấy không bị trói buộc nữa”. Con người đa phần cảm thấy chới với khi đứng trước thay đổi do bị nỗi sự từ bên trong con người kìm hãm. Nỗi sợ là thứ có sức mạnh vô cùng, nó điều khiển lý trí, sự minh mẫn, sự can đảm của con người. Chỉ khi vượt qua nỗi sợ người ta mới nhìn thấy một thế giới rộng lớn mở ra trước mắt mà khi xưa bị che mờ bởi màn sương mang tên “sợ hãi”. Nhà văn đã đưa ra những lời khuyên để giúp cho độc giả kéo tấm màn đó lên, bước ra khám phá thế giới.

Có rất nhiều người đã từng lạc lối và nản chí khi gặp phải những thay đổi “bất ngờ” trong cuộc sống. “Ai lấy miếng pho mát của tôi” là một cuốn sách khiến bạn có thêm động lực và giải pháp để sẵn sàng đương đầu với những thay đổi ấy. Cuốn sách mặc dù rất ngắn gọn, đơn giản nhưng những điều ẩn chứa bên trong là những bài học, kinh nghiệm vô cùng quý giá giúp thay đổi con người từ trong suy nghĩ đến hành động. Tác giả không hô hào người ta phải làm này hay điều kia khi đối diện với thay đổi, ông chỉ đưa ra những câu nói, những tư tưởng giúp con người có động lực, có niềm tin đối với con đường mà bản thân đã chọn. Cuốn sách không chỉ được các công ty lớn hay những nhà kinh doanh áp dụng mà nó cũng là một cẩm nang quý báu cho mọi người.

– Thanh Huyền

ĐƠN GIẢN TRONG SUY NGHĨ

“Ai lấy miếng pho mát của tôi?” mới đầu khi nghe tựa sách tôi tưởng cuốn sách sẽ mang đến một câu chuyện cười. Nhưng không ngờ đây lại là một câu chuyện ẩn chứa bên trong rất nhiều bài học trong cuộc sống, nó giúp tôi có cái nhìn khác về cuộc sống, cuộc sống vốn dĩ không phức tạp mà là chính chúng ta luôn làm cho nó phức tạp lên, đôi khi chỉ cần bình tĩnh đơn giản hóa vấn đề là chúng ta đã có những giải pháp tối ưu.

Lần thứ hai, tôi đọc lại vẫn rất tâm đắc và ấn tượng với “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” Bởi nó khiến tôi có cảm giác đâu đó có mình ở từng trang sách và những câu châm ngôn khiến tôi càng ngẫm càng thấy thấm. Lật giở những trang đầu tiên, tôi bị thu hút bởi câu nói của Allyson John: “Nếu có ai ban cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa.” Thật sự là vậy, nếu như coi cuộc sống là một biểu đồ nhịp tim thì nó phải lên lên xuống xuống thì chúng ta mới sống được, nếu biểu đồ ấy là một đường thẳng tắp thì trái tim của chúng ta sẽ ngừng đập và sự sống cũng sẽ kết thúc. Vì vậy, chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với khó khăn, bởi những khó khăn ấy là điều tất yếu của cuộc sống mà ta phải trải qua và khi vượt qua ta mới cảm nhận rõ rằng mình đang sống.

Lật tiếp những trang tiếp theo chúng ta sẽ được khám phá câu chuyện tìm pho mát của các nhân vật là hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn và hai con người tí hon: Chậm Chạp và Ù Lì. Các nhân vật đại diện cho những phần đơn giản, phức tạp trong con người chúng ta, thế nên khi đọc xong câu chuyện này, tôi tin bạn sẽ cảm nhận rõ ràng có đâu đó hình ảnh của mình trong câu chuyện này. Những miếng pho mát trong câu chuyện tượng trưng cho những ước muốn, là điều ta mong đạt được trong cuộc sống. Còn mê cung chính là con đường ta phải đi qua để đạt được ước muốn đó, trong mê cung các nhân vật sẽ gặp rất nhiều thử thách để đi tìm kho pho mát cho mình và mỗi nhân vật lại có cách xử lí riêng theo tính cách riêng của họ. Cách xử lí của từng nhân vật là điểm chính mà câu chuyện mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.

“Ai lấy miếng pho mát của tôi?” là một câu chuyện tưởng như giản dị, gần gũi, vậy mà nó lại mang đến cho tôi những bài học ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Và không chỉ riêng tôi cảm thấy may mắn, biết ơn khi biết đến cuốn sách mà đó cũng là cảm xúc của rất nhiều độc giả khác khi đọc sách. Hơn hết một số còn bày tỏ những cảm xúc, nhận xét của đọc giả được trích dẫn ở cuối sách, đọc những dòng ấy khiến tôi nhận ra cuốn sách không chỉ khiến thay đổi tư duy về cuộc sống của một số ít người mà là rất rất nhiều người, “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” rất xứng đáng là cuốn sách best seller. Nếu như trước đây tôi hay hoài niệm lại quá khứ và tiếc nuối đủ điều những việc mình không làm được, thì bây giờ câu hỏi mà tôi đặt ra khi gặp vấn đề là: “Mình có thể làm gì ở hiện tại để vấn đề này tốt hơn?” Đôi khi chúng ta đừng nên phức tạp quá vấn đề ở hiện tại, đừng tự trách móc mình khi nhận được kết quả không mong muốn mà hãy nghĩ xem giờ đây chúng ta bước tiếp như thế nào, lại tiếp tục tiến về phía trước và thực hiện ước mơ của mình.

“Lưu ý tới những thay đổi nhỏ sẽ giúp bạn thích ứng tốt hơn với những thay đổi lớn hơn.” – trích “Ai lấy miếng pho mát của tôi”. Câu nói ấy khiến tôi nhận ra đưa ra cách giải quyết vấn đề rất quan trọng nhưng việc cẩn thận trong từng hành động nhỏ còn quan trọng hơn, hãy chú ý đến những biến chuyển của công việc dù là nhỏ nhất, hạn chế sai lầm để bạn có thể thành công mà không mất quá nhiều thời gian.

Hãy thử một lần đọc “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”, tôi tin bạn sẽ có những sự thay đổi tư duy lớn về cuộc sống này đấy!

– Nguyễn Hải Yến

“Ai lấy miếng pho mát của tôi?” là một câu chuyện giản dị chứa đựng những triết lý sâu sắc về cách vượt qua những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống.

Câu chuyện kể về hai chú chuột và hai con người tí hon cùng chung sống trong một mê cung rộng lớn luôn tất bật đi tìm những miếng phó mát để nuôi sống mình và để cảm thấy hạnh phúc. Hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn chỉ có bộ não đơn giản của loài gặm nhắm, vốn không có óc phân tích và phán đoán, nhưng chúng lại có bản năng rất nhanh nhạy và sắc sảo. Như các con chuột khác, chúng đặc biệt rất thích pho mát và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có pho mát.

Trong khi đó, Chậm Chạp và và U Lì là những con người tí hon – một sinh vật cũng nhỏ như chuột nhưng có hình dạng và cách suy nghĩ giống như con người bây giờ. Họ dùng khả năng tư duy và trí thông minh vốn có của loài người để tìm ra những loại phó mát đặc biệt. Cho đến một ngày kia, cả bốn nhân vật phải đối mặt với sự thay đổi, một biến cố khủng khiếp: Đó là toàn bộ số pho mát trong kho của họ đã biến mất. Và mỗi nhân vật có những phản ứng khác nhau tùy theo tính cách riêng của mỗi người.

– Minh Khanh

Tóm tắt

“Ai lấy miếng pho mát của tôi” kể về bốn nhân vật: hai chú chuột Sniff và Scurry, và hai người tí hon Haw và Hem. Họ có tính cách và suy nghĩ khác nhau nhưng cùng chung sống trong một mê cung. Chú chuột Sniff luôn nhanh chóng phát hiện ra những thay đổi. Chú chuột Scurry luôn phản ứng, hành động nhanh chóng trước các sự việc. Người tí hon Haw tuy chậm nhưng lại biết thích nghi đúng lúc khi nhận thấy thay đổi. Người tí hon Hem luôn phản đối, chống lại những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể sẽ dẫn đến những sự việc tồi tệ hơn. Hàng ngày bốn nhân vật này tìm kiếm pho mát – đó vừa là món ăn hàng ngày, vừa là niềm vui và hạnh phúc của họ.

Thời gian đầu họ chia thành hai nhóm, một nhóm gồm hai chú chuột và nhóm còn lại là hai người tí hon, để đi tìm pho mát. Hai chú chuột Sniff và Scurry chỉ có bộ não đơn giản, nhưng lại có bản năng nhanh nhạy và chính xác. Chúng thường sử dụng phương cách thử sai đơn giản “có-hay-không?” để tìm pho mát. Chú chuột Sniff sử dụng chiếc mũi cực kỳ thính của mình để nhắm đến nơi nào có thể có miếng pho mát, còn Scurry thì chạy, lùng sục rất nhanh. Có khi chúng bị lạc hướng, va đầu vào tường. Nhưng rồi chúng nhanh chóng tìm được đường đi mới của mình. Trong khi đó, hai người tí hon Haw và Hem dùng khả năng tư duy của mình và biết rút kinh nghiệm từ các sai lầm mà họ đã trải qua. Khi thất bại trong việc tìm pho mát, họ hay dùng bộ não và cảm xúc để suy diễn ra những chuyện rắc rối trong hành trình. Điều này làm cuộc sống của họ trong mê cung trở nên phức tạp và thách thức.

Vào một ngày đẹp trời, cả bốn nhân vật bằng cách tìm kiếm riêng của mình đều tìm thấy loại pho mát mà họ yêu thích tại kho pho mát P. Kể từ đó, ngày nào họ cũng vận đồ thể thao và chạy theo con đường riêng của mình đến kho pho mát P. Khác với hai chú chuột Sniff và Scurry luôn chuẩn bị gọn gàng và chạy ra kho P từ sáng sớm để ăn pho mát và lùng sục, quan sát chung quanh; hai người tí hon Haw và Hem mỗi ngày lại dậy muộn hơn một chút, mặc quần áo chậm hơn một chút, và thong thả đi bộ đến kho pho mát P. Họ luôn nghĩ rằng những miếng pho mát sẽ luôn còn ở đó cho họ ăn hàng ngày. Thời gian sau, hai người tí hon chuyển hẳn vào kho pho mát P để ở. Họ mời bạn bè đến chơi và khoe những miếng pho mát mà họ đang tận hưởng hàng ngày.

Lúc này cuộc sống đối với Haw và Hem thật là hạnh phúc, và họ trở nên tự mãn với những gì họ đang có.

Một ngày nọ, hai chú chuột Sniff và Scurry phát hiện không còn miếng pho mát nào trong kho P cả. Chúng rất ngạc nhiên nhưng không hề lúng túng, bởi vì chúng đã dự cảm trước điều này dựa vào việc quan sát sự sụt giảm hàng ngày của kho pho mát. Sau khi nhận ra sự thật, thay vì phân tích sâu, suy nghĩ nhiều, chúng nhanh chóng quyết định phải khẩn trương thích ứng với hoàn cảnh và bắt đầu chạy đi tìm kho pho mát mới.

Thái độ của hai người tí hon hoàn toàn ngược lại. Người tí hon Haw thì buồn bã không muốn tin vào điều trước mắt, còn người tí hon Hem thì rất lo lắng và hoảng hốt. Hem giận dữ la lớn, “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”. Đêm hôm đó, hai người tí hon quay trở về nhà với bụng đói meo. Haw viết lên tường dòng cảm nghĩ của mình: “Miếng pho mát càng quan trọng bao nhiêu thì chúng ta càng muốn giữ chặt nó bấy nhiêu”.

Ngày hôm sau Haw và Hem quay lại kho P để xác nhận sự thật không thể chối cãi: không còn miếng pho mát nào trong kho cả. Người tí hon Hem vẫn không chấp nhận chuyện này. Hem nhất quyết tin rằng nếu ai đã đem những miếng pho mát đi thì phải trả lại cho cậu ta, vì cậu là người phát hiện ra kho pho mát P và phải được tiếp tục tận hưởng những miếng pho mát thơm ngon. Những ngày tiếp theo Hem đã thuyệt phục Haw ở lại kho P với mình để tiếp tục tìm kiếm. Tìm hoài không ra, họ bắt đầu đục, đập vỡ các bức tường với hy vọng ai đó giấu pho mát phía trong. Ngày qua ngày, bao nhiêu tường đã bị đục lỗ, đập vỡ nhưng những miếng pho mát vẫn không chịu xuất hiện.

Trong khi đó, hai chú chuột, sau một thời gian chạy tìm kiếm cực nhọc, cuối cùng đã tìm ra kho pho mát M. Kho này có nhiều pho mát hơn bất cức nơi nào mà chúng từng biết.

Tìm hoài không ra pho mát, Haw tự hỏi bản thân tại sao mình không xông pha vào mê lộ để tìm kiếm pho mát như hai chú chuột. Hem, ngày càng giận dữ và mệt mỏi, không ủng hộ ý tưởng này của Haw.

Tuy vậy Haw vẫn nhất định rời bỏ kho P để dấn thân vào mê cung tìm kho pho mát mới. Haw viết lên tường câu sau với mong muốn Hem sẽ thay đổi suy nghĩ và cùng đi tìm nguồn pho mát mới, như cậu sắp bắt đầu: “Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta có thể bị đào thải.”

Vừa mới bắt đầu khởi hành, với ý chí mới, Haw cảm thấy rất hứng khởi. Nhưng sau khi đi được một thời gian mà không tìm được pho mát, Haw lại cảm thấy sợ hãi, vì đã đi khỏi nơi chốn quen thuộc, vì có thể sẽ không bao giờ kiếm được pho mát. Sự sợ hãi này cứ lặp đi lặp lại trong hành trình. Cứ mỗi lần nản chí, sợ hãi Haw lại lên dây cót cho chính mình bằng những suy nghĩ tích cực:

  • Để vượt qua sợ hãi: “Khi vượt lên nỗi sợ của chính mình, chúng ta sẽ có những cảm nhận tốt”
  • Khi tìm được kho pho mát nhưng chỉ có vài miếng: “Càng nhanh chóng quên đi pho mát cũ, thì chúng ta càng sớm tìm thấy những miếng pho mát mới”
  • Để có thêm sức mạnh trên đường tìm kiếm: “Việc tưởng tượng ra mình đang thưởng thức những miếng pho mát mới – ngay cả khi chưa tìm ra – cũng sẽ giúp ta đến đích nhanh hơn”
  • Chặn đứng nỗi sợ hãi và tăng thêm cảm hứng: “Đi vào mê cung và tìm kiếm những miếng pho mát mới thú vị hơn nhiều so với việc chỉ ngồi yên và chợ đợi trong tình trạng không có miếng pho mát nào”
  • Khi tìm theo phương pháp cũ mà chưa ra pho mát mới: “Cứ bám vào những suy nghĩ, phân tích cũ sẽ không thể nào tìm được pho mát mới”
  • Khi nhận ra rằng thay đổi niềm tin sẽ tạo ra những hành động tích cực: “Khi người ta nhận thấy rằng họ có thể tìm và thưởng thức những miếng pho mát mới, người ta sẽ thay đổi hành động của mình”.

Cuộc hành trình dài và cam go của Haw đã kết thúc một cách bất ngờ. Một ngày nọ, Haw vào đúng ngay kho M, nơi có rất nhiều các loại pho mát ngon. Sau khi chào hai chú chuột, cậu tháo giày ra và đeo lên cổ để có thể bắt đầu chạy vào bất kỳ lúc nào. Sau khi đã chén no nê các loại pho mát mới, cậu hô to “Cám ơn sự thay đổi”. Cậu cũng tự phân tích những gì đã xảy ra với mình và hai chú chuột, rồi rút ra hai tổng kết: “Hãy lưu ý đến những thay đổi nhỏ để có thể chuẩn bị và thích ứng tốt hơn cho thay đổi lớn,” và “Hãy đơn giản hóa mọi sự việc để linh động và phản ứng nhanh chóng hơn. Đừng phức tạp hóa vấn đền và làm rối trí mình với những suy nghĩ sợ hãi.”

Với mong ước sẽ thay đổi được suy nghĩ của Hem và hy vọng một ngày nào đó Hem cũng sẽ tự dấn thân đi tìm kho pho mát mới. Haw đã viết những thông điệp cho Hem trên một miếng pho mát:

  • THAY ĐỔI SẼ XAY RA: Những miếng pho mát luôn bị người khác lấy đi.
  • DỰ ĐOÁN SỰ THAY ĐỔI: Hãy chuẩn bị để sẵn sàng khi miếng pho mát bị người khác lấy đi.
  • CHUẨN BỊ CHO NHỮNG SỰ THAY ĐỔI: Hãy luôn theo dõi những miếng pho mát để biết khi nào nó không thể ăn được.
  • THÍCH ỨNG NHANH CHÓNG VỚI SỰ THAY ĐỔI: Càng nhanh chóng quên đi pho mát cũ, chúng ta càng nhanh chóng tìm được pho mát mới.
  • THAY ĐỔI: Hãy di chuyển cùng với những miếng pho mát.
  • TẬN HƯỞNG SỰ THAY ĐỔI: Thưởng thức hành trình đi tìm và tận hưởng hương vị của miếng pho mát mới.
  • SẴN SÀNG CHO NHỮNG SỰ THAY ĐỔI MỚI VÀ LUÔN THÍCH THÚ VỚI SỰ THAY ĐỔI: Những miếng pho mát sẽ bị lấy đi bất cứ lúc nào.

Haw đang có một lượng pho mát lớn và tiếp tục ra ngoài mê cung để khám phá những khu vực mới, và tìm hiểu những gì đang xảy ra. Haw hy vọng rằng một ngày nào đó Hem sẽ hiểu được thông điệp: “Hãy di chuyển cùng với miếng pho mát, và tận hưởng nó”.

– Lâm Minh Chánh