Đàm Phán Với Chính Mình
Tác giả : William Ury
Cuốn sách Đàm phán với chính mình (2015) do nhà đàm phán, hòa giải chuyên nghiệp William Ury viết dựa trên những trải nghiệm ấn tượng của mình trong việc dàn xếp các mâu thuẫn chính trị từ vùng Trung Tây Hoa Kỳ tới Trung Đông. Chúng ta hãy cùng học cách giải quyết các xung đột cá nhân một cách hiệu quả, cách cải thiện các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống và tạo dựng ảnh hưởng tích cực lên chính mình và mọi người xung quanh.
Ai nên đọc cuốn sách này?
Những ai mong muốn thăng tiến trong công việc hoặc xây dựng các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp
Các nhà quản lý, doanh nhân muốn tăng năng suất kinh doanh
Những người ghiền tin tức, luôn tò mò về những mánh khóe do các nhà đàm phán chuyên nghiệp sử dụng
Tác giả cuốn sách này là ai?
Nhà nhân chủng xã hội học William Ury từng tư vấn cho nhiều chính phủ các nước về các vấn đề mâu thuẫn, thậm chí còn từng khẳng định vai trò góp phần ngăn chặn hai cuộc nội chiến. Ông là đồng tác giả của cuốn sách bán chạy Getting to Yes (Để đạt được thỏa thuận) và là đồng sáng lập Dự án Harvard Negotiation Project, một khoa nghiên cứu về đàm phán nổi tiếng trên toàn thế giới của Đại học Harvard.
1: Cuốn sách này có gì dành cho tôi? Hãy trở thành người có ảnh hưởng nhiều hơn trong các tranh cãi và mâu thuẫn hàng ngày của bạn.
Cuốn sách này áp dụng một vài trong số các mẹo đàm phán thành công được phổ biến qua cuốn Getting to Yes (Để đạt được thỏa thuận) vào các tình huống hay gặp thường ngày. Đó là việc đối phó với các mối quan hệ khó nhằn nơi công sở hay trong gia đình, hay giải quyết các vấn đề lặp đi lặp lại mà chúng ta hay mắc phải. Không ai có thể hoàn toàn tránh được các mâu thuẫn, vì thế mà cuốn sách này là dành cho tất cả chúng ta.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ biết được:
- Cách Tylenol xử lý một cách hoàn hảo một khủng hoảng truyền thông lớn nhất từng xảy ra của họ
- Tại sao phải cho đi để nhận lại
- Tại sao một người thiếu chân lại hạnh phúc không kém gì một người trúng xổ số
2: Nếu đi theo bản năng đầu tiên trong khi tranh luận, bạn sẽ trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình
Những phản ứng có tính phản xạ như vậy thường rất khó cưỡng lại. Chúng còn gây hại và phản tác dụng rất cao.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một người mẹ muốn gần gũi hơn với cô con gái bốn tuổi của mình. Bà ấy rất yêu cô bé, nhưng việc cô bé lại không chịu đi ngủ sớm mỗi tối khiến bà rất bực mình.
Nếu bà mẹ để cho cơn giận lấn lướt và quát cô bé, đứa trẻ có lẽ sẽ dần tạo khoảng cách để tự vệ. Rốt cục, bà mẹ tự hủy hoại những ấp ủ nuôi dưỡng mối quan hệ mẹ-con gần gũi với cô bé.
Khi chúng ta đánh giá người khác thay vì cố gắng hiểu họ, chúng ta thường quên mất mối quan tâm thật sự của mình. Phản ứng trong cơn giận hoặc do niềm kiêu hãnh bị tổn thương chỉ khiến tình huống trở nên tệ hơn.
Bạn có thể tránh được điều này bằng cách tập trung vào thấu hiểu bản thân – quan sát bản thân từ một góc độ tâm lý và tình cảm lành mạnh dựa trên sự đồng cảm và tự chủ.
Thấu hiểu bản thân cho phép chúng ta xác định những suy nghĩ và cảm xúc đang trôi qua rồi trung hoà ảnh hưởng của chúng. Điều này giúp chúng ta giữ được trạng thái bình tĩnh và cân bằng.
Vì vậy thậm chí khi bà mẹ nản lòng, sự thấu hiểu bản thân cũng có thể giúp bà mẹ nhận ra những quy luật tính cách của con gái và lựa chọn không phản ứng ngay lại.
Một điều cốt yếu trong thấu hiểu bản thân chính là tự quan sát chính mình, lắng nghe những suy nghĩ của mình với sự chia sẻ và kiên nhẫn, như cách bạn sẽ làm với một người mà bạn yêu quý vậy. Điều này đặt nền tảng cho tính tự chủ.
Trong trường hợp của bà mẹ, sự quan sát bản thân giúp bà mẹ nhận ra cơn giận để giữ lại bình tĩnh và quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng một mối quan hệ tốt và tích cực với cô con gái.
3: Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh khi xảy ra sự việc không như ý muốn
Chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho người khác vì điều đó tạo cho chúng ta cảm giác vô tội, có lý và tốt hơn họ khi phản lại mọi tội lỗi hay trách nhiệm – nhưng rốt cục điều này lại làm giảm sức mạnh của chính chúng ta.
Sam, một người bạn của tác giả, chính là một ví dụ tốt cho điều này. Anh ta bị vướng vào các vụ tai nạn khi lái chiếc xe tải gia đình, sau đó là một xe jeep và cuối cùng là gặp tai nạn khi lái chính chiếc xe của mình. Mỗi lần anh ta đều đổ lỗi cho các tình huống nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình – cho việc không quen lái xe khác, cho tình trạng đường xá hay cho những biển báo không rõ ràng. Anh ta không bao giờ là người phải chịu trách nhiệm.
Kiểu đổ lỗi này cũng có cái giá của nó: nó khiến chúng ta chìm đắm trong tư tưởng nạn nhân thay vì tìm cách khai thác sức mạnh để thay đổi tình thế. Tai nạn của Sam cũng như sự thiếu trách nhiệm của anh ta đã dẫn tới rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình.
Thừa nhận lỗi của mình thay vì phủ nhận điều đó thật ra có thể tạo nên sức mạnh. Hãy đón nhận những phẩm chất tiêu cực của bạn cùng với những điều tích cực – bạn sẽ trở nên chú tâm hơn khi làm việc.
May thay, Sam đã cố gắng lắng nghe những cảm xúc bên trong. Anh ta nhận ra rằng những vụ tai nạn trên thật ra là do kiểu lái xe hung hăng của mình gây nên, điều vốn sinh ra bởi cảm giác bất an và giận dữ. Khi anh ta chấp nhận những cảm xúc này, anh ta cũng nhận ra rằng bản thân phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.
Khi anh ta đàm phán thành công với chính mình, anh ta cũng có thể làm điều tương tự với bố mẹ. Đồng thời, anh ta cũng không còn lái xe gây tai nạn nữa!
Nhận trách nhiệm không chỉ quan trọng ở mức độ cá nhân – trong kinh doanh, điều này cũng rất quan trọng, như chúng ta có thể thấy từ một bi kịch xảy ra năm 1982 với sáu người thiệt mạng do uống thuốc giảm đau Tylenol có chứa cyanide. Thay vì cố gắng tránh né những lời phê bình, CEO của hãng Tylenol đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và thu hồi sản phẩm, đồng thời cũng không gắng ngăn chặn việc công ty đang mất hàng triệu đô la sau sự việc đó. Chỉ vài tháng sau, Tylenol đã thành công ra mắt một loại chai chống giả mạo hoàn toàn mới. Vì hãng đã nhận toàn bộ trách nhiệm nên người dân lại tiếp tục đặt niềm tin vào họ.
4: Bạn có sức mạnh bồi dưỡng sự hạnh phúc và tính tích cực qua chính thái độ và hành vi của mình.
Mâu thuẫn xảy ra vì chúng ta căn bản nhìn thế giới như một chốn đầy thù địch với những nguồn tài nguyên khan hiếm. Khi chúng ta nhìn người khác như những đối thủ đang cạnh tranh nguồn tài nguyên đó, tự nhiên sẽ có những thái độ đối kháng với họ – chúng ta thấy lo sợ hoặc không tin cậy. Điều này dẫn tới các mâu thuẫn xã hội.
Bạn có thể thay đổi thái độ này bằng cách tái cấu trúc lại thế giới quan một cách lạc quan và có tinh thần hợp tác. Điều này cho phép bạn nắm lấy quyền tự chủ sự hạnh phúc của mình.
Khi bạn nhìn nhận thế giới là một nơi thân thiện, bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận người khác như những người bạn hay đối tác tiềm năng thay vì như những kẻ thù.
Bạn nghĩ ai sẽ hạnh phúc hơn: một người vừa thắng xổ số hay một người vừa mất cả đôi chân? Đây là câu hỏi do nhà tâm lý học Daniel Gilbert tại trường đại học Harvard đặt ra. Có thể bạn nghĩ câu trả lời thật hiển nhiên, nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy sau một năm, cả hai người đều hạnh phúc như nhau giống như trước khi sự việc đó xảy ra.
Điều này cho thấy những biến cố hay tổn thương gần như không có ảnh hưởng tới sự hạnh phúc của hiện tại. Hạnh phúc là do chúng ta định đoạt – đó là một trạng thái tồn tại.
Chúng ta cho rằng hạnh phúc được quyết định bởi các ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng thật sự đó là điều chúng ta có thể làm được từ bên trong. Đây là lý do vì sao việc thay đổi thái độ về thế giới lại có sức mạnh to lớn như vậy.
Khi bạn điều chỉnh thái độ, bạn có thể nhìn nhận môi trường sống một cách lành mạnh hơn. Tự nhiên bạn sẽ mong muốn kết nối với mọi người theo những cách tích cực hơn.
Đây là lí do lực lượng cảnh sát hiện đại không phản ứng bằng cách sử dụng súng và hơi gas gây chảy nước mắt trong các tình huống đe dọa con tin. Thay vào đó, họ cố gắng đàm phán một cách lịch sự với sự kiên trì và nhẫn nại. Đàm phán với sự tôn trọng sẽ tạo nhiều khả năng giúp giải cứu con tin hơn – đó là kiểu đàm phán mà thậm chí những tên tội phạm cũng đáp lại.