Ánh Sáng Vô Hình – Anthony Doerr

Lần cập nhật gần nhất June 4th, 2020 – 11:28 am

“Ánh sáng vô hình” kể về hai con người có định mệnh gắn kết với nhau qua Chiến tranh thế giới II. Cô gái Pháp tên là Marie-Laure, bị mù. Chàng trai là người Đức, tên Werner, có tài năng thiên phú về thiết bị điện tử, nhất là các loại điện đài. Chính những phẩm chất bù trừ cho nhau này đã mang hai người lại gần nhau. Dù viết về chiến tranh nhưng tác giả lại chọn một cách rất khác biệt. Hai con người ở hai thế giới khác nhau được số mệnh dẫn dắt đến cùng một thành phố. Có những ánh sáng mà ta không thể thấy những lại khiến tâm trí và cuộc đời ta thay đổi hoàn toàn.

Cuốn sách đứng vững trong danh sách bán chạy nhất của New York Times gần như suốt cả năm 2014.

Review Ánh sáng vô hình (3)

ÁNH SÁNG VÔ HÌNH (All The Light We Cannot See) – ANTHONY DOERR
Hay siêu hay luôn mọi người ơi!!! Recommend cực mạnh, must-read luôn đó huhu.
5/5 tròn trĩnh luôn, tuyệt vời!
CẢNH BÁO: Review có spoil nhẹ nhẹ!

“Ánh sáng vô hình” – một câu chuyện lấy bối cảnh là Thế chiến thứ 2, có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Trong mỗi thời điểm đó, tác giả lại xây dựng nên 2 mạch truyện song song về cuộc sống giữa hai con người ở hai địa điểm khác nhau. Đó chính là Marie-Laure và Werner. Marie-Laure – một cô gái bị mù vì bị đục thủy tinh thể, sống ở Pháp với người cha làm thợ khóa tại bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia. Một cô gái thông minh, thơ mộng và yêu thích đọc sách… Còn Werner, một chàng trai thông minh sống tại Đức, lớn lên ở một trại trẻ mồ côi cùng với cô em gái Jutta. Cứ ngỡ rằng, cuộc đời của hai con người này sẽ là hai đường thẳng song song, nhưng dần dần lại có mối liên hệ kì lạ và giao nhau ở gần cuối câu chuyện bằng cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhân duyên trời định. Hai con người, trong hai hoàn cảnh khác nhau, người đến Pháp trong vai trò kẻ chiếm đóng của quân đội Phát xít, người chỉ là một thường dân bé nhỏ chạy trốn những kẻ xâm lược nhưng sao đến lúc gặp nhau họ lại trở nên thân quen đến thế, như thể đang chờ đợi nhau vậy!

Ở Pháp, câu chuyện một người cha gà trống nuôi con thật gây xúc động cho người đọc. Làm nghề thợ khóa trong viện bảo tàng quốc gia, tận trung, tận tín và cũng hết mực yêu thương đứa con bất hạnh bị mù của mình. Luôn dành cho con tình cảm yêu thương nhất, kiên nhẫn, nhẹ nhàng với con hết mực. Quân Phát xít tấn công vào Paris, buộc hai cha con phải chạy trốn. Chạy trốn khỏi bom đạn, đúng vậy! Nhưng đó còn là hành trình chạy trốn một gã sĩ quan người Đức với tham vọng điên cuồng đi tìm một viên kim cương báu vật trần gian. Viên kim cương có tên Lửa Biển là một hình tượng đẹp đẽ kì ảo mà tác giả đã xây dựng nên, có mối quan hệ mật thiết đến cuộc sống của Marie-Laura, xuất hiện xuyên suốt mạch truyện. Viên đá với lời nguyền được truyền tụng, vừa làm tăng thêm tính kịch tính của câu chuyện, vừa góp phần thể hiện những nét đẹp nhân văn mà câu chuyện gửi gắm đến người đọc.

Còn tại nước Đức, cuộc đời của Werner từ một cậu bé thông minh, yêu khoa học đến một ngày, bị lợi dụng sự thông minh ấy để trở thành một con bài hủy diệt của hệ thống Phát xít tàn bạo. Nhưng trong thâm tâm Werner vẫn hiện hữu nhân tính con người, cậu vẫn luôn nhớ về em gái, day dứt trước những lời mà Jutta đã từng nói với cậu, xót xa trước hình ảnh xác người rải rác hay bị bắn trước mắt mình, vẫn có cái nhìn rung cảm trước sự hồn nhiên, thơ ngây chơi đùa của những đứa trẻ trên đường phố đã bị đổ nát phần nào… Và thật tốt đẹp khi Werner chuộc lỗi lầm của mình bằng cách cứu Marie-Laure thoát khỏi kẻ muốn kiếm tìm cô, giúp cô đến nơi an toàn…
Chỉ có người đọc mới thấy được bao quát mạch truyện, cuộc sống, sự thay đổi của hai nhân vật và phát hiện ra những sự liên kết ngấm ngầm giữa hai con người này.

Chắc chắn rồi, trong bối cảnh WW2 thì không thể thiếu mưa bom bão đạn. Những máy bay cứ vun vút trên bầu trời nước Pháp, những tiếng nổ liên tiếp không ngừng, những đám cháy cứ thế bùng lên làm tan hoang nhà cửa, đường xá, tiếng súng thì vang lên không ngừng nghỉ… Nhưng trên nền không gian đó, vẫn hiện hữu những điều giản dị thật đẹp đẽ trong câu chuyện này.

Là hình ảnh mô hình thành phố tuyệt hảo mà người cha đã kiên trì cần cù đục đẽo không sai một li cho đứa con gái mù của mình, là hình ảnh cô gái mù vẫn tiếp tục đọc “Hai vạn dặm dưới đáy biển” giữa binh biến loạn lạc, là cậu trai trẻ say mê những loài chim được vỗ cánh bay tự do, là một ông già vẫn miệt mài mở những đoạn nhạc cổ điển, cùng đứa cháu gái khiêu vũ dù hiểm nguy vẫn đang rình rập… hay là tình bạn sáng ngời của Werner trong câu này, là cảnh Marie cùng cậu cùng ngồi cạnh nhau, cùng ăn chung món đào đóng hộp mặc cho không hề quen biết trước đây…

Từng câu chuyện riêng lẻ, được kể ở những thời điểm khác nhau, nhưng tất cả đều nhất quán, mạch lạc. Những trang văn thật đẹp và cuốn hút, tất cả mọi thứ từ khung cảnh đến tâm trạng, nội tâm nhân vật đều được miêu tả một cách cặn kẽ, cặn kẽ hết mức có thể. Ai cũng có những quá khứ, câu chuyện của riêng mình và chính điều đó tạo nên một con người. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn tồn tại một thứ ánh sáng vô hình soi rọi chúng ta, một nhân cách tốt đẹp, một tấm lòng trắc ẩn giàu vị tha, một gương mặt trong sáng, hồn nhiên… hay chính đó là bản tính con người.
Kết thúc câu chuyện, đã mấy chục năm sau Thế chiến, khi những người năm ấy còn sống, mỗi người nắm giữ những kỉ niệm, kỉ vật của người đã chết, tìm đến nhau, kết nối những mảnh ghép để hồi tưởng, lưu giữ kỉ niệm hay chỉ để trả lại những thứ thuộc về một người nào đó. Còn sống, chắc sẽ vẫn còn nhớ… Thật sự xúc động!

Một lần nữa, qua những câu chuyện, những mảnh đời, ta thấy được tội ác của Phát xít đức cũng như hiện thực hết sức dã man khủng khiếp trong Thế chiến thứ 2 trên đất nước Pháp. Ta thương cảm, xót xa cho những mảnh đời bất hạnh và cũng thật trân quý, yêu mến những điều đẹp đẽ, giản dị, những con người mạnh mẽ, kiên cường chống chọi, đấu tranh trong thời điểm lúc bấy giờ.

Nói rằng “Ánh sáng vô hình” là một câu chuyện về thế chiến cũng đúng, mà bảo rằng đây là một câu chuyện về khoa học cũng chẳng sai. Suy cho cùng, khoa học sinh ra cũng chỉ để con người khám phá và để đáp ứng mục đích con người!

– Nguyễn Nữ Cẩm Vân

Ánh Sáng Vô Hình xứng đáng là một quyển sách hay!

Lấy bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II, với 2 nhân vật chính là cô gái mù Marie Laure người Pháp và cậu bé mồ côi Werner Pfennig người Đức. Từ khi còn là những đứa trẻ đến khi lớn lên, những biến cố mà họ đã gặp phải. Tiểu thuyết đã pha trộn vị “huyền bí” vào, đó chính là viên kim cương Lửa Biển trong bảo tàng quốc gia – viên kim cương có thể làm cho người giữ nó bất tử nhưng lại mang đến xui rủi cho những người xung quanh. Trong thời đại mà mỗi con người đều chả có lấy một đức tin, đâu đó những tin đồn ấy lại xuất hiện, đó là niềm tin, khiến cho những con người ấy mù quáng chấp nhận tin tưởng nó.

Giữa sự đấu tranh Pháp – Đức, sau rất nhiều biến cố, Werner đã chọn tin tưởng vào cô gái mù Marie chỉ sau một ngày quan sát ngắn ngủi, chàng trai người Đức này đã quyết định giúp đỡ cô. Cậu cho rằng đế chế mà mình đang phục tùng là một đế chế giả dối, một đế chế tạo nên bởi những lời đồn thổi, những thông tin không thể xác nhận một cách cụ thể.

Ánh Sáng Vô Hình có điểm sáng tạo hơn những quyển sách khác đó là đi từ khi nhân vật chính chỉ là những đứa trẻ đến khi trưởng thành, độ tuổi nhận thức được chuyện gì đang xảy ra nhưng chẳng đoán trước được hậu quả là gì. Họ không biết rõ mình là ai. Họ phải đi tìm chính bản thân mình.
Điểm cộng nữa cho quyển sách này nằm ở cái bìa khá đẹp, cách diễn đạt không quá khó hiểu nhưng lại rất tinh tế, dễ đọc. Các sự vật, tình huống được Anthony Doerr sắp xếp và miêu tả vô cùng hợp lí tạo nên mạch truyện đầy hấp dẫn.

Điểm trừ ở quyển sách này có vẻ là giấy, giấy ở cuốn sách của mình căn chẳng đều.

Ánh Sáng Vô Hình xứng đáng cho giải Pulitzer cho Tác phẩm hư cấu, là một quyển sách đáng để các bạn bỏ thời gian để đọc và suy ngẫm một số chi tiết trong sách.

Điểm: 8.5/10

– Trí Tô

5/5 LẠY CHÚA TÔI ĐÂY CHÍNH LÀ TUYỆT TÁC CÁC BẠN ƠI!

Ánh sáng vô hình thực sự là một cuốn tiểu thuyết quá tuyệt vời và sống động viết về đề tài chiến tranh, cụ thể là bối cảnh Thế chiến thứ II trong lịch sử. Đây là lần đầu tiên tớ đọc thể loại historical fiction mà phải nói là quá thực và tràn đầy cảm xúc như thế này.

Ánh sáng vô hình được khắc hoạ với điểm nhìn chính thuộc về hai nhân vật. Marie Laure là một cô gái mù đam mê đọc sách và khám phá thế giới, cô sống cùng với người cha làm nghề thợ khoá tài năng cho viện bảo tàng tại Paris. Tuy nhiên không lâu sau đó Paris bị Đức quốc xã chiếm giữ, hai cha con phải chạy trốn tới Saint Malo đem theo mình viên đá quý với lời nguyền khủng khiếp và sống ẩn dật tại một ngôi nhà ven biển cùng người chú vẫn còn mang nỗi ám ảnh không nguôi từ Thế chiến thứ I.

Trong khi đó, ở một khu mỏ than toạ lạc tại nước Đức, Werner là một cậu bé mồ côi mang màu tóc bạch kim sống ở Trại trẻ cùng cô em gái Jutta. Số phận đã buộc những đứa trẻ này với khu mỏ than, tuy nhiên cuộc đời của Werner đã rẽ sang một hướng khác khi cậu đã tìm thấy một chiến điện đài thô sơ, khiến cậu bé phát hiện ra niềm đam mê đối với tụ điện, những mạch trở và ước mơ được trở thành một kỹ sư tài giỏi khi trưởng thành. Nhưng sở hữu trí óc thông minh đã khiến cậu được đưa vào Đoàn Thanh niên Hitler, nơi bọn họ sẻ dụng trí tuệ của Werner thành một vũ khí huỷ diệt. Werner đã sa lầy vào vũng bùn của chính mình, lạc lối trong chiến tranh và tưởng như hoàn toàn không có lối thoát nơi khói lửa bom đạn mịt mờ.

Câu chuyện ngay từ đầu mở ra với hai số phận và hai mảnh đời khác nhau, nhưng Anthony đã làm rõ cái đau thương của chiến tranh không chỉ gây ra vết thương nhức nhối với người lớn mà cả những nỗi đau âm ỉ với những đứa trẻ. Tuy vậy, vượt qua cả những tiếng bom rung, những mái nhà đổ nát hay mùi thuốc súng cùng bóng tối bủa vây, đâu đó sáng lên tình yêu thương giữa con người với con người, niềm khát khao hy vọng hoà bình và đâu đó loé lên những ánh sáng vô hình dẫn lối cho con người thoát ra khỏi sự lầm than.

Điểm nổi bật của cuốn tiểu thuyết này là cách kể xen kẽ mảnh đời của hai đứa trẻ, đưa chúng ta đồng hành từ khi Marie và Werner chỉ còn là một đứa bé cho đến lứa tuổi thiếu niên. Chúng ta được hoà mình vào những suy nghĩ của các em về chiến tranh, về nỗi đau khổ của con người và cả sự độc ác tàn bạo mà Werner đã phải chứng kiến hay hứng chịu khi em còn ở trong học viện.

Trong câu chuyện này tớ rất thích Frederick, cậu bé là bạn thân của Werner khi ở học viện. Sự khác biệt của em được làm nổi bật khi em không quan tâm đến súng hay bom đạn, mặc kệ chiến tranh và Frederick lại có một niềm yêu thích đặc biệt với các loài chim. Và ẩn sâu trong cậu bé này là những mộng mơ và lòng trắc ẩn đối với những con người mà đế chế của Lãnh tụ xem như kẻ thù. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã biến cuộc đời của Frederick chỉ còn là một linh hồn mục ruỗng, chiến tranh vô tình ấy không bỏ sót một ai.

Đặc biệt, tớ còn ấn tượng với nhân vật bà Manec khi trong tâm hồn bà lão cũng sục sôi ngọn lửa nổi dậy, muốn cống hiến cho quân đội chống lại Đức quốc xã và cách bà lão chăm sóc cho Marie hay cả cách củng cố tinh thần cho ông chú Etienne của cô bé mù. Chi tiết tớ cực kì thích là việc Manec tập hợp cả một “Hội những bà lão nổi dậy” để tham gia bàn bạc về kế hoạch tác chiến. Phải nói là quá ngầu luôn!

Và tớ ấn tượng hơn bởi tình yêu của người cha dành cho cô bé Marie yêu dấu, bởi ông chính là người đã làm ra tỉ mỉ mô hình thành phố để giúp Marie thuộc đường đi lại, mua cho Marie những cuốn sách hay để cho cô bé nhận ra thế giới này vẫn to lớn và chờ cô bé khám phá. Và tớ yêu cả cái cách mà người chú Etienne kể cho Marie nghe về những kỷ niệm đẹp đẽ về mình và anh trai ngày xưa, và cả tình yêu thương của người chú dành cho bà Manec và cô cháu gái cũng rất cảm động.

“Cháu là điều tốt đẹp nhất từng đến với cuộc đời ông.”

Mỗi nhân vật là một mảnh đời khác nhau nhưng trái tim họ đều đập chung nhịp đập của lòng vị tha và cái nhìn quả cảm luôn hướng về phía trước, điều này thực sự làm tớ rất xúc động xuyên xuốt tác phẩm.

Trên tất cả, Marie và Werner dường như đã được kết nối với nhau bởi một sợi chỉ số phận, khi hai người cuối cùng đã gặp được nhau qua giọng nói tưởng như vô hình. Werner bên trong tâm hồn dường như đã thức tỉnh khi nhìn thấy cô bé lần đầu tiên, khiến cậu chỉ muốn dùng cái mạng sống duy nhất của mình để bảo vệ cô bé ấy, chẳng hứa hẹn, chẳng mơ mộng mà chỉ cùng nhau tận hưởng cái hiện tại quý giá khi hai đứa trẻ nắm lấy tay nhau. Nhưng chiến tranh thì vẫn tàn bạo như thế, cho đến cuối cùng. Vẫn mất mát và vẫn đau đớn đến vô cùng.

Tớ đã như sống trong cái không khí đầy khói lửa ấy, Anthony không miêu tả trực tiếp những cái chết tàn bạo mà chỉ thể hiện qua điểm nhìn của các nhân vật trong câu chuyện nhưng vẫn tạo ra cảm giác rất thật và rất cảm động về tình người.

Tóm lại, đây là một cuốn tiểu thuyết quá xuất sắc về đề tài chiến tranh. Và là một review dài nhất trong các review mà tớ từng viết, vì nó mang lại quá nhiều cảm xúc đến độ không thể diễn tả được. Ánh sáng vô hình rất xứng đáng với giải Pulitzer và thực sự là một cuốn sách các cậu nên đọc không chỉ một lần trong đời.

– Nguyen Tam Anh