“Biết bao nhiêu đau khổ trên thế gian này đều đến từ yêu và hận. Chúng ta nên có lòng yêu nhưng đừng quá cố chấp vì nó. Cũng đừng thề rằng tình này không đổi. Cầm lên được, buông xuống được. Trao nhau vừa đủ, cũng lãnh đạm vừa đủ, sống sẽ đỡ một phần đớn đau, một phần không cam lòng hơn.”
Review Ba nghìn năm trước đóa sen nở trong đêm thanh vắng (2)
Một trang rồi một trang lật ra, chẳng biết bao giờ tôi lại đắm chìm vào từng câu văn như thế. Giữa chốn phồn vinh hối hả như vậy, tôi giấu mình trong bức họa tĩnh lặng của Bạch Lạc Mai.
Một thoáng vô tình radio phát lên “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi” Bạch Lạc Mai, dừng một chút để lắng nghe. Cảnh đẹp như nước, người tựa như tranh, thanh đạm an nhàn, đó là những gì tôi phác họa trong đầu. Song một ngày lướt ngang qua quầy sách, được một chị giới thiệu quyển “Ba nghìn năm trước đóa sen nở trong đêm thanh vắng”, là quyển sách xuất bản mới nhất gần đây. Cầm trên tay quyển sách ấy, hình ảnh một nàng thiếu nữ tựa như hoa mai đang thưởng thức vị trà hiện ra trong suy nghĩ. Bạch Lạc Mai, có lẽ tôi và nàng ấy rất có duyên.
“Vạn vật đều có duyên phận, hoặc như cha mẹ và con cái, hoặc như tri kỷ núi cao sông dài, hoặc như vợ chồng bình thường giữa nhân gian. Mỗi mối duyên tình đều như hoa nở tháng ba, trang nghiêm yên ổn, nhưng cuối cùng sẽ có lúc kết thúc.”
Tôi cũng chẳng biết mối duyên này kéo dài trong bao lâu, hoặc là rất dài, hoặc là thoáng qua. Tôi biết thế gian rộng lớn này đã sắp đặt cho chúng tôi gặp gỡ, tôi biết đời người có tụ có tan. Nhưng gặp nhau ắt có duyên số, thôi thì đành trân trọng từng khoảnh khắc cùng nhau. Theo nàng phiêu bạc nhân gian, ngắm cảnh vật hữu tình, tách biệt khỏi cuộc sống xô bồ tham sân si của hiện tại.
Nàng yêu quê hương non sông nước biếc, yêu cuộc sống thanh bình ấm no, và đặc biệt là thơ ca bởi “Thơ có thể bày tỏ tình cảm, xem tình đời, khơi thông lòng người, cũng có thể phê phán chính sự. Thơ có thể dấy động nhật nguyệt sơn hà, có thể xem tháng năm sông núi, có thể biểu đạt tình đời phong tục, có thể ghi lại tan hợp yêu hờn.”
Trong “Ba nghìn năm trước đóa sen nở trong đêm thanh vắng”, nàng mượn Kinh Thi để bộc lộ nổi niềm. Có thể sơ lược qua Kinh Thi là “sách giáo khoa” toàn xã hội thời Chiến Quốc, được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú. Vốn là đứa con của Giang Nam, lại là một người hết lòng tín ngưỡng Phật pháp, đối với việc nàng yêu thích Kinh Thi như thế cũng là lẽ thường tình.
Lối đi văn nhẹ nhàng, bình thản, xem nhân tình thế thái chỉ là nước cuốn mây trôi. Đôi khi nghĩ nàng thật lạnh lùng nhưng thực ra lại mang nhiều tâm tư. Vì cuộc đời dài đằng đẳng “Mọi sự trên đời đều là ảo ảnh, giàu sang tột bậc, sắc nước hương trời cũng trôi theo dòng nước thành tro bụi. Nhưng những chuyện từng trải lại đều là thật, bước qua mưa gió kiếp người, những chuyện từng xảy ra đều sẽ nhạt nhòa dần theo thời gian cho tới khi chẳng còn dấu tích”. Nàng tự ví mình như một hoa mai nhỏ trước sân nhà, trải qua bốn mùa cây trái xuân về, an nhiên nhìn ngắm sự đời như một lữ khách theo dòng thời gian.
Ở tiết trời Sài Gòn nóng bức của mùa hạ, tôi lại đắm mình trong quyển sách ấy mà ngẩn ngơ tưởng nhớ về mùa xuân. Về những dịp tết đến xum vầy cùng gia đình, kì thực chẳng có gì mới mẻ ngoài việc một năm đã kết thúc nhưng tôi chưa từng dám bỏ lỡ. Tiết trời se lạnh sắp đến xuân, mái tóc phủ sương của ba mẹ ngày một bạc dần theo ngày tháng, tuổi tác của ông bà cũng gần đất xa trời. Nhưng chỉ trông mỗi dịp như thế chúng tôi mới có thể cùng nhau ngồi ăn chung mâm cơm, kể nhau nghe những chuyện trong năm vừa qua.
Như cách Bạch Lạc Mai hay nhắc đến bà ngoại và mẹ của nàng trong hầu hết tác phẩm vậy. Nhờ những người như thế nên mới có Bạch Lạc Mai của hôm nay. Nàng nói rằng ai trên đời cũng giống như một loài hoa, nếu nàng là một hoa mai nhỏ trước sân nhà thì bà ngoại sẽ là hoa nhài thơm ngát, dịu dàng. Bà ngoại từng là một tiểu thư khuê cát, áo gấm lụa là cho đến khi gặp được ông ngoại mà buông bỏ tất thảy về an cư trong xóm nhỏ, dành trọn yêu thương cùng nhau bầu bạn đến cuối đời. Còn nàng không biết mẹ mình sẽ là loài hoa nào mới thích hợp, một người phụ nữ tài giỏi, mạnh mẽ và đảm đang khiến nàng luôn mang lòng ngưỡng mộ.
Đôi khi, người ta chẳng ham chi lang tài nữ sắc, chỉ cầu mong chàng cày nàng dệt cùng nhau cạnh bên là được rồi. Đời người bởi tu hành mới luân hồi chuyển kiếp thành người “hoa núi cỏ hoang, sâu kiến chim thú đều có thể làm sính lễ, vạn vật đất trời, núi sông nhật nguyệt đều là mối mai. Chọn ngày lành tháng tốt, lạy trời đất, cha mẹ, từ nay sống chung dưới một mái nhà, sớm chiều bên nhau, má tựa môi kề. Tháng ngày bình lặng mà tình tứ, năm năm tháng tháng, lặp đi lặp lại một tư thái, xuân sinh hạ trưởng, thu thu đông giấu.” Không hờn dỗi ganh đua, không toan tính thiệt hơn, so với thời đại của tôi hiện giờ tuy có phần cổ xúy nhưng lại làm tôi thật ghen tị.
Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình lao động, tôi nào dám mộng tưởng đến thế giới an lạc như vậy. Lăn lộn trong xã hội phù phiếm, giả dối, tấp nập và vội vã. Nếu tôi không đương đầu với xã hội ồn ả này thì nửa đời sau cũng chẳng thể lo được cho bản thân huống hồ gì nói đến ba mẹ. Nhưng may thay, nhờ duyên số cho tôi gặp được Bạch Lạc Mai. Tuy chẳng biết duyên dài hay ngắn nhưng cũng vô cùng hạnh phúc vì một lần được dạo chơi chốn phiêu bồng, hoang sơ nhưng bình dị của nhân thế. Chỉ là một tách trà thô, một chén cơm nhạt nhưng lại thanh đạm vô cùng. “Đời người như hoa, tươi đẹp mà chóng tàn. Nở hoa kết quả, cành lá um tùm trong những tháng năm ngắn ngủi, đẹp đến tĩnh tại trong trẻo.”
“Trăng tròn có thơ, trăng khuyết có họa. Có lẽ thế gian huyên náo mà lạnh lẽo này xưa nay chẳng thiếu những điều đẹp đẽ. Mỗi người chỉ là hạt bụi có cũng được không cũng xong, vô vị vãng lai, tùy ý đi đến. Hết thảy danh lợi tình ái, khi nồng như rượu, khi nhạt như gió, song cuối cùng đều sẽ trôi qua. Nếu chăm chăm vào đó ắt sẽ tổn thương, có nuối tiếc cũng chưa hẳn là không được.”
Một mình đi đến thế gian, dẫu bao trăm bề đắng cay cũng cố vượt qua. Gấp trang sách lại, thoát khỏi nơi tiên cảnh nhân tình, tôi trầm ngâm nghĩ về cuộc đời. Hóa ra bao lâu nay tôi vẫn chạy đua theo số phận, chưa một lần ngồi lại nhìn ngắm thế giới chuyển dời. Cuối cùng, cảm ơn tất cả cũng như cảm ơn Bạch Lạc Mai. Nhờ vần thơ câu chữ của nàng dẫn tôi đến nơi khoái lạc như thế, giúp lòng tôi được thanh tĩnh lạ thường.
– An Thụy
Có thể ví cuốn sách này của Bạch Lạc Mai như một cô gái mĩ miều nhưng lại không hào nhoáng, một cô gái trong trẻo nhẹ nhàng như giọt sương mai nhưng phảng phất đâu đó nỗi buồn xa xôi, một cô gái lạnh lùng nhưng rất đỗi dịu dàng.
Đây là một cuốn sách gây ấn tượng mạnh với tôi ngay từ những câu chữ đầu tiên. Tôi ngỡ ngàng không ngờ rằng chúng được sắp đặt cạnh nhau một cách hoàn mĩ như vậy.
“Ba nghìn năm trước, thời gian như một cái chớp mắt, tháng năm xa xưa khúc khuỷu, hoang liêu mà đẹp đẽ. Nhật nguyệt tỏ mờ, cây cỏ khô tươi, thế gian tan hợp, đều chung vui buồn.”
“Suốt ba nghìn năm, bóng thời gian đan xen, vật đổi sao dời, từ cổ kinh bao la đến liễu rủ phồn hoa, từ núi sông lặng lẽ đến mây vần gió nổi.”
“Ba nghìn năm trước đóa hoa sen nở trong đêm thanh vắng” là tập tản văn mang đậm dấu ấn của Bạch Lạc Mai mà ở đó nàng đã mượn Kinh thi để tỏ bày nỗi niềm. Kinh thi là hợp tuyển thi ca đầu tiên của Trung Quốc do Không Tử biên soạn, sáng tác cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm. Đây là kết tinh của nền văn học miền bắc Trung Quốc cổ thời. Kinh thi là một bộ “sách giáo khoa” về chính trị, một cuốn dạy tu thân, tề gia rồi trị quốc, bình thiên hạ. Chẳng vậy, nó còn là một bộ sử học, vạn vật học…
Khổng Tử nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán; nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chí ư điểu thú, thảo, mộc chi danh”, nghĩa là: xem Kinh thi có thể phấn khởi đến ý chí, xem xét được việc hay hoặc dở, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán; gần thì học việc thờ cha, xa thì học việc thở vua; lại biết nhiều tên chim, muông, cỏ, cây. Dân tộc nào cũng luôn trân trọng giữ gìn những thi ca cổ của mình. Tại Hy Lạp là hai bộ Iliade và Odyssée của Homère, tại Pháp là những anh hùng ca ở thời Trung cổ, tại Ấn Độ là thánh ca Véda, tại Việt Nam là ca dao và tại Trung Quốc thì chính là Kinh thi.
Bạch Lạc Mai yêu Kinh thi như vậy cũng là điều bình thường bởi người Trung Quốc vốn rất yêu thơ ca. Lần theo dòng suy nghĩ của nàng về Kinh thi, bạn sẽ bị lạc vào một thế giới yên ả, non nước hữu tình. Ở đó tâm hồn ta được nghỉ ngơi, được thư giãn, thoát ly khỏi cuộc sống xô bồ, phù phiếm, tham sân si của hiện tại.
Vừa cảm thơ, nàng vừa vẽ ra một bức bích họa về cuộc sống thanh bình, có sông núi, câu cỏ, chim thú – một cuộc sống tự do tự tại, thanh thản, phiêu bạt nhân gian, ngắm nhân tình thế thái, nước cuốn mây trôi. Hãy tưởng tượng một ngày ở ngoài làm việc mệt mỏi, căng thẳng, chúng ta có thể trở về nhà rồi thả hồn vào những câu thơ, vào thế giới của Bạch Lạc Mai thì còn gì tuyệt bằng.
Khổng Tử nói: “Thơ có thể khơi gợi, có thể xem xét, có thể kết giao, có thể trách oán.” Với Bạch Lạc Mai, “thơ có thể dấy động nhật nguyệt sơn hà, có thể xem tháng năm sông núi, có thể biểu đạt tình đời phong tục, có thể ghi lại tan hợp yêu hờn.”
Có lẽ vì yêu thơ nên nàng cũng có lối văn rất giàu chất thơ, nhẹ nhàng mà bay bổng, bình thàn mà sâu sắc như vậy. Giọng văn khá cổ điển, mang thiên hướng người xưa, vậy nên mới nói tưởng hoa mĩ mà lại mang cho người đọc cảm giác ấm áp, chân tình.
Đọc “Ba nghìn năm trước đóa sen nở trong đêm thanh vắng”, ban đầu bạn có thể cảm thấy có chút khó hiểu, nhưng ngẫm kĩ từng lời văn bạn sẽ ngộ ra nhiều triết lý cuộc đời.
“Mọi sự trên đời đều là ảo ảnh, giàu sang tột bậc, sắc nước hương trời cùng trôi theo dòng nước thành tro bụi. Nhưng những chuyện từng trải lại đều là thật, bước qua mưa gió kiếp người, những chuyện từng xảy ra đều sẽ nhạt nhòa dần theo thời gian cho tới khi chẳng còn dấu tích.”
Thời gian này nghỉ dịch ở nhà, tôi cũng có cơ hội sống chậm hơn, có thời gian nhìn ngắm thế gian, và cũng khiến tôi đồng cảm hơn với cuốn sách này. Cuộc sống cứ vội vã, tấp nập, cuốn đi những khoảnh khắc đẹp đẽ đáng trân trọng. “Trăng tròn có thơ, trăng khuyết có họa.” Thế gian vốn xưa nay huyên náo lắm chuyện hỉ, nộ, ái, ố đủ cả nhưng tất cả cũng sẽ tan biến cùng gió mây. Nếu cứ chỉ nghĩ đến cái họa, thì cuộc sống nhân gian này sẽ chẳng thể nào bình thản được.
Nếu bạn là người yêu thơ, yêu những điều xưa cũ, hoặc tìm sách hướng về thiền, Phật pháp thì cuốn sách này và các tác phẩm của Bạch Lạc Mai là sự lựa chọn tuyệt vời đấy!
– Phương Giang