Lần cập nhật gần nhất October 5th, 2020 – 08:40 am
“Ông còn nửa năm để sống…”. Tại một bệnh viện nọ, bác sĩ Kiriko – người được mệnh danh là thần chết – đã nói với bệnh nhân như vậy. Theo anh, khi biết khoảng thời gian mình còn có thể sống và đón nhận cái chết, ta sẽ trân trọng những ngày còn lại.
Tuy nhiên, phó viện trưởng Fukuhara lại tin vào điều kỳ diệu, anh sẽ không ruồng bỏ ‘sự sống’ cho đến phút cuối cùng.
Kết cục của cuộc đối đầu trong thời gian có hạn giữa hai con người đối lập này là?
Review Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào (3)
2 bác sĩ – 2 tư tưởng trái ngược nhau, đâu mới là cái đúng?
Với nhiệt huyết cháy bỏng muốn cứu bệnh nhân, khăng khăng ôm lấy cái gọi là “kì tích”, vậy những người bệnh chỉ khao khát tận hưởng cuộc sống quý giá bên gia đình trước khi rời đi mãi mãi phải làm sao?
Ngược lại, nếu bệnh nhân muốn chiến đấu để được sống, để được ở bên những người mình trân trọng mãi đến khi già yếu và rồi mất đi, nhưng lại bị phán cho câu rằng hãy từ bỏ vì thật sự không thể chữa trị nữa, họ sẽ thế nào?
Thật ra, lúc đầu đọc lướt qua thì mình đã nghĩ đương nhiên người mang tư tưởng đúng hẳn là vị bác sĩ mang tư tưởng chữa hết mình kia, nhưng sau khi đọc từng câu chuyện trong cuốn sách này thì mới nhận ra, vị bác sĩ còn lại cũng chẳng phải vô lí.
Mọi thứ đều là tương đối, khi đặt nó vào hoàn cảnh riêng sẽ có ý nghĩa khác nhau, cũng như câu nói mà mình rất ấn tượng trong cuốn sách này:
“Ánh sáng lấp lánh của sự sống được vẽ theo cách sống của từng người.”
Bản thân mình thấy cuốn sách này khá dễ đọc, dễ thấm, bởi vì mỗi cái trong đó ngoại trừ phần liên quan kiến thức y học chuyên ngành ra thì từng cảm xúc, từng hành động, suy nghĩ và từng câu chuyện đều rất quen thuộc.
Nếu mình nhớ không nhầm thì có lần tìm hiểu về quyển này thấy nó còn được giải nhất giải thưởng văn học do độc giả Nhật bình chọn nữa.
Các bạn có thể tìm đọc thử, đặc biệt các bạn theo ngành y và các bạn thích tiểu thuyết tâm lí – y học đều có thể xem ạ, rất phù hợp đấy.
– Hanamura Hatsumi
“Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào” của tác giả Atsuto Ninomiya là cuốn tiểu thuyết tâm lí – y học mình mới mua gần đây và đọc thấy khá thích.
Ngoài phần mở đầu ngắn, cuốn sách gồm 3 chương chính tương ứng với 3 cái chết đặc biệt của nhân viên văn phòng, sinh viên và bác sĩ (được thể hiện ngay ở tên chương).
Ung thư hay các bệnh về tế bào thần kinh… nếu chỉ nghe qua hay chưa từng chứng kiến thì sẽ không thể nào tưởng tượng được hết sự kinh khủng, nguy hiểm và cả những xúc cảm mãnh liệt của bệnh nhân.
Fukuhara – Viện phó bệnh viện với trái tim nồng cháy, luôn hết mình với bệnh nhân, mong muốn và tin tưởng vào cái gọi là “kỳ tích”: giống như sau cơn mưa trời lại sáng, trải qua hành trình chống bệnh gian khổ dài đằng đẵng, kỳ tích nhất định sẽ xuất hiện, căn bệnh quái ác nhất định sẽ bị đập tan.
Kiriko – Bác sĩ có biệt danh “Tử Thần”, với suy nghĩ sống mà phải chịu đau đớn, dày vò thì thà lùi lại 1 bước để ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp xung quanh và tận hưởng tháng ngày quý báu ít ỏi còn lại sẽ tốt hơn nhiều.
2 bác sĩ, 2 tư tưởng, 2 định hướng… nhưng lại có chung mục đích: tất cả là vì bệnh nhân. Nghe thật lạ lùng nhưng sự thật chính là vậy!
Sẽ có người vì không muốn gia đình thương tổn mà chấp nhận chịu đau để thực hiện hóa – xạ trị, sẽ có người lại chấp nhận hy sinh để sống một cuộc sống đúng nghĩa trước khi quá muộn… Lựa chọn theo tư tưởng của vị bác sĩ nào thì cũng chẳng có gì là sai trái hay bất hợp lí cả, vì mỗi bệnh nhân sẽ có thứ đáng giá để coi trọng và suy nghĩa riêng biệt.
Cách viết của tác giả vô cùng chân thực và giàu cảm xúc khiến cho người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được những chiêm nghiệm và ý nghĩa sâu sắc về sự sống, sức khỏe và thời gian mà tác giả muốn truyền đạt.
Theo mình tìm hiểu thì sách này được đánh giá gần 5 sao trên Amazon và được giải nhất trong giải thưởng do người đọc bình chọn.
– Quoc Trung Dang
BÁC SĨ CUỐI CÙNG DƯỚI TÁN HOA ANH ĐÀO – CUỐN SÁCH CẢM ĐỘNG VỀ NGHỀ Y
Với thể loại tâm lí – y học, cuốn “Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào” này được xây dựng nên bởi 2 nhân vật chính – cũng chính là 2 bác sĩ có vai trò cực kì quan trọng trong truyện.
Kiriko: bác sĩ trẻ tuổi với biệt danh Tử thần. Anh có biệt danh như vậy không phải vì đã phẫu thuật hỏng cho nhiều người, mà anh mang tư tưởng bệnh nhân có quyền lựa chọn cái chết. Cũng vì vậy mà rất nhiều bác sĩ khác cùng người nhà bệnh nhân căm ghét anh. Nhưng lí do vì sao anh lại suy nghĩ như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì anh thấy quá nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa đang từng ngày từng giờ chống chọi một cách đau khổ nhưng mà lại vô ích. Thay vì đau khổ như vậy, đối với Kiriko, thà từ bỏ để đổi lấy quãng thời gian hạnh phúc ít ỏi cuối cùng bên gia đình còn hơn.
Nhân vật còn lại là Fukuhara – viện phó bệnh viện. Dù anh trước đây là bạn thân của Kiriko nhưng vì không thể chịu được lí tưởng quái dị kia nên anh đâm ra ghét bỏ Kiriko. Fukuhara một lòng tin vào kì tích. Đối với anh, chỉ cần bác sĩ và bệnh nhân cùng nhau cố gắng, nhất định kì tích sẽ xảy ra. Cũng chính vì lẽ ấy mà anh không ngừng học tập và rèn luyện, không ngừng thuyết phục bệnh nhân theo phác đồ điều trị mà anh cho là tốt nhất, tuyệt vời nhất.
Mỗi người có một lí tưởng sống, một quan điểm và một cách thực hiện, song, cả 2 lại đều vì bệnh nhân. Mình cảm giác dù có lựa chọn thế nào, thì trong một tình huống cụ thể nào đó, người đúng có thể sai, mà người tưởng sai lại cũng có thể đúng.
Bản thân mình mới đầu đọc quyển này rất sợ những kiến thức y khoa bị sai lệch so với thực tế, nhưng khi đọc lại ưng cực kì (vì theo như tìm hiểu thì tác giả khi viết còn nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ có tiếng tại Nhật Bản nữa).
Ngoài ra, cuốn “Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào” này còn đạt giải cao nhất của giải thưởng do độc giả bình chọn tại Nhật và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả nên mình thấy rất an tâm khi đọc một cuốn có thể loại tâm lí – y học như này.
Nếu các bạn yêu thích tiểu thuyết kiểu này hoặc muốn hiểu rõ hơn về nghề y, các bạn hoàn toàn có thể đọc “Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào” (vì bản thân mình cũng đã thấy rất nhiều bạn học y khen quyển này rồi đó ạ).
Bài viết hơi dài một xíu nhưng mình hy vọng có thể giúp các bạn biết được thêm một cuốn sách hay.
– Anh Phan
Trích dẫn Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào
“Bác ấy muốn đến căn nhà gỗ nhỏ, tưới nước cho chậu hoa trong vườn, buổi sáng nấu cháo, buổi tối nướng cá, ngày ngày đọc sách. Bác ấy bảo, đó mới là cuộc sống của tôi. Dù có ngã xuống vì bệnh tật thì đó vẫn là cuộc sống.”
“’… Nếu bác sĩ không chịu từ bỏ kỳ tích, ai sẽ cùng bệnh nhân từ bỏ đây?’
Không thể xem cái chết là thất bại. Nếu chết đồng nghĩa với thất bại, vậy thì những người sắp ra đi đều không đáng để được nhắc đến sao…”
“Kỳ tích có thật. Chỉ cần chúng ta chiến đấu đến cùng và không từ bỏ, kỳ tích sẽ xuất hiện.”