Bàn Cờ Lớn – Zbigniew Brzezinski

Lần cập nhật gần nhất October 2nd, 2020 – 02:07 pm

“BÀN CỜ LỚN” xuất bản lần đầu năm 1997, là một trong những tài liệu quan trọng liên quan đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong một giai đoạn dài. Brzezinski phân tích và xác định trọng tâm cuộc chơi quyền lực thế giới ở hiện tại và tương lai chính là toàn bộ lục địa Á-Âu; từ đó chỉ ra những hành động ngoại giao và các chính sách liên quan của Hoa Kỳ cần được hoạch định và thực thi khôn khéo nhưng cứng rắn ra sao để lôi kéo đồng minh, giữ vững mối quan hệ liên minh với các đối tác chiến lược thân thiết ở châu Âu và Thái Bình Dương, cẩn trọng trước các đối thủ tiềm năng đang trỗi dậy và kiểm soát những không gian trung tâm vốn hay thay đổi về quan điểm chính trị (như Trung – Đông Âu).

Tất cả nhằm khẳng định và duy trì vị thế của Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất trong lịch sử thế giới đạt đến tầm ảnh hưởng ở phạm vi toàn cầu.

Review (2)

“Bàn cờ lớn” đọc cái tên thôi đã gây tò mò cho người đọc rồi ha.
Bàn cờ lớn là tác phẩm tiêu biểu của Zbigniew Brzezinski về địa-chính trị thế giới, đề cập đến những vấn đề quốc tế hậu chiến tranh lạnh, mô tả và lý giải chiến lược toàn cầu của nước Mỹ trong thế kỷ XXI dưới lăng kính lợi ích chính trị và khả năng duy trì vị trí siêu cường của quốc gia này.

Zbigniew Brzezinski đã viết “Đại lục địa Á-Âu là bàn cờ mà cuộc đầu giành quyền thống trị toàn cầu vẫn đang tiếp tục”. Nhà khoa học chính trị mỹ cho rằng, đại lục địa Á-Âu là phần lục địa quan trọng nhất của thế giới, và sự xuất hiện của bất kỳ lực lượng chính trị nào có thể thiết lập quyền kiểm soát của mình đối với đại lục địa Á-Âu thì điều đó có nghĩa là vai trò toàn cầu sẽ được tự động chuyển cho thế lực đó.

Muốn đạt được điều đó, Hoa Kỳ phải giữ/ kiểm soát được các khu vực ngoại vi ở cả châu Âu (thông qua NATO) và châu Á (thông qua Hiệp ước an ninh Mỹ Nhật, đồng thời chung sống với chế độ nhà nước Trung Hoa). Ngoài ra, hai cực chính trong chiến lược địa chính trị của Brzezinski là châu Âu và Trung quốc phải được kết nối và có sự cân bằng quyền lực dưới tác động và định hướng của Hoa Kỳ, tức là Hoa Kỳ phải có sự gắn bó mật thiết với hai khu vực này. Khi sự gắn bó của Hoa Kỳ với hai cực này đủ lớn thì các đối thủ chính là Nga, Đức, Pháp, Trung quốc và Anh sẽ bị cuốn theo lối chơi của người Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuốn sách này, Brzezinski đã đánh giá chưa đúng vai trò của Trung Quốc, tuyệt đối hóa vai trò của Mỹ trong trật tự thế giới ngày nay.
Những lời đánh giá dành cho cuốn sách này như sau:

“Giá trị lớn của cuốn sách nằm ở phần phân tích về viễn cảnh chiến lược và những nan đề chính sách đặt ra cho “ người chủ sự” ở lục địa Á-Âu. Phân tích của Brzeinski về thế chân vạc giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ – cùng với những đề xuất chính sách khởi xuất từ đây – đặc biệt hay.” – Foreign Affairs

“Với Brzeinski, đây là một cuộc chơi chiến thuật, không hoàn toàn giống cờ vua, nhằm vượt lên các đối thủ tiềm năng… Brzeinski khẳng định nhiều lần mối quan ngại của ông. Sách ông viết dành sẵn cho bất cứ lãnh đạo chính trị nào, để dùng như một tài liệu làm nên các tuyên ngôn, chính sách tương lai.”

Còn bạn, bạn đánh giá như thế nào về cuốn sách này. Hãy đọc và cảm nhận nhé!

Và để trả lời câu hỏi cuốn sách này phù hợp với ai? Thì mình sẽ trả lời ngay là phù hợp với các bạn mơ ước trở thành sỹ quan hay nhân viên ngoại giao hoặc các bạn đang nghiên cứu lịch sử thế giới. Nhưng những ai yêu thích về chính trị thế giới thì vẫn có thể tìm đọc để hiểu thêm nhé!

– Minh Nguyệt

Từ trước đến giờ, tôi chỉ biết đến thuật ngữ chính trị “Bàn cờ lớn” do Huân tước Rediard Kipling, nhà văn và là nhà tình báo Anh, đưa ra lần đầu tiên trong thế kỷ XIX, khi bàn về sự đối đầu chiến lược giữa đế quốc Anh và Nga hoàng ở Trung Đông. Lúc này Hoa Kỳ vẫn là nước chưa có vị thế gì.

Tuy nhiên, mãi gần đây tôi mới biết thuật ngữ này còn được nhà nghiên cứu chính trị Mỹ, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Cater sử dụng lại trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề “Bàn cờ lớn”. Lịch sử chính trị và quân sự thế giới chính là lịch sử của khu vực Á – Âu. Thế nên sẽ không bất ngờ khi Brzezinski vẽ Á-Âu thành một bàn cờ lớn.

“Bàn cờ lớn” cho người đọc một định nghĩa mới về Bá quyền là gì?, hành trình của Hoa Kỳ vươn tới vị thế này. Lịch sử chính trị và quân sự thế giới chính là lịch sử của khu vực Á – Âu. Thế nên sẽ không bất ngờ khi Brzezinski vẽ Á-Âu thành một bàn cờ lớn; từ đó chỉ ra những hành động ngoại giao và các chính sách liên quan của Hoa Kỳ cần được hoạch định và thực thi khôn khéo nhưng cứng rắn ra làm sao để lôi kéo đồng minh, giữ vững mối quan hệ liên minh với các đối tác chiến lược thân thiết ở Châu Âu và Thái Bình Dương, cẩn trọng trước các đối thủ tiềm năng đang nổi dậy và kiểm soát những không gian trung tâm vốn hay thay đổi về quan điểm chính trị. Tất cả nhằm khẳng định và duy trì vị thế của Hoa Kỳ (siêu cường toàn cầu đầu tiên và duy nhất nằm ngoài khu vực Đảo Trung tâm). Tuy nhiên, Brzezinski phớt qua vai trò các khu vực ngoại vi như Trung đông, Nam Á, Đông Nam Á…Có lẻ những khu vực này không đáng lo ngại?

Bàn cờ lớn là nơi người chơi cờ cũng là quân cờ mà quân tốt có thể hóa Hậu khi đạt đến hàng thứ 8.Và người chơi cờ vua lâu năm như tôi hiểu điều này. Vì thế mà không ai chiếm ưu thế hoàn toàn và thực tiễn minh chứng cho việc này. Sau khi “Bàn cờ lớn’ ra đời, vai trò của các khu vực Trung đông, Nam Á, Đông Nam Á ngày trở nên quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Cuốn sách này rất quan trọng cho các bạn mơ ước trở thành sỹ quan hay nhân viên ngoại giao hoặc các bạn đang nghiên cứu lịch sử thế giới. Mình không làm sỹ quan hay nhân viên ngoại giao nhưng vẫn hay tìm hiểu về chính trị thế giới để xem nước mình đang ở đâu trong Bàn cờ này. Để xem có ngày nào đó nước ta cũng sẽ là nhưng quân bài chủ lực chứ không phải là những quân tốt nhỏ bé!

– Thuong Diep