Bàn Về Hạnh Phúc – Matthieu Ricard

Với một tâm hồn phong phú bởi hai nền văn hóa, với những cuộc gặp gỡ với những nhà minh triết lớn, với sự hiểu biết kinh sách linh thiêng cũng như nỗi thống khổ của con người, Mathieu Ricard – nhà tu hành Phật giáo được nhiều người biết đến nhất và nổi tiếng nhất về đạo Phật tại Pháp – chia sẻ với chúng ta trong cuốn sách này những suy ngẫm say mê về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để đạt được nó.

Review

Hạnh phúc không phải là những thoả mãn thoáng qua mà đó là sự bình yên tĩnh tại đến từ sâu bên trong tâm hồn.

Matthieu Ricard là nhà nghiên cứu về tế bào di truyền nhưng đồng thời ông cũng theo đạo Phật và là một nhà sư rất được kính trọng. Ông sống trong rặng núi Himalaya từ hơn 30 năm nay bên cạnh những vị thầy tâm linh lớn.
Cuốn sách là quan điểm của ông dưới góc nhìn nhà Phật về hạnh phúc – mà theo ông là “mục đích lớn của cuộc sống con người”. Với ông “Hạnh phúc nằm ở tự do nội tâm” trên cơ sở xem hạnh phúc là một cách sống, mà đã là cách thức thì đều phải học.

Ông cũng chỉ ra rằng hạnh phúc hoàn toàn khác với khoái lạc. Khoái lạc luôn gắn liền với một hành động, thuộc kinh nghiệm cá nhân và chủ yếu tập trung vào bản thân. Trái lại, hạnh phúc nảy sinh từ nội tâm, không gắn liền với hành động và đó là một “trạng thái sinh tồn” nhờ hiểu biết tinh tế về cách vận hành của tâm thức để “chuyển hoá khổ đau”.

“Những điều thoáng qua thì chúng ta cho là vĩnh viễn và những điều chỉ là nguồn gốc của khổ đau thì chúng ta lại cho là hạnh phúc”. Matthieu Ricard đã chỉ ra “bốn sự thật về khổ” để con người hiểu rõ bản chất khổ đau và cách đối trị lại chúng – ông cũng coi nó như một quá trình chữa bệnh “rũ bỏ độc tố trong tâm thức”. Cách diễn giải tứ khổ của ông đều trên nền tảng Phật giáo nhưng khoác một lớp ngôn ngữ dễ đọc, dễ hiểu và bám sát thực tế cuộc sống nên tất cả chúng ta đều cảm được sâu sắc những tư duy Phật pháp rất tự nhiên dù có theo đạo Phật hay không.

Bản thân tôi chưa đồng ý hết hoàn toàn những biện pháp mà Matthieu Ricard đưa ra trong sách – ông gọi là “Quản trị khổ đau” vì tôi cảm thấy hình nó như vẫn chưa nhổ được tận gốc vấn đề. Vẫn có một cái gốc rễ sâu hơn những điều ông trình bày. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm coi hạnh phúc là một trạng thái đến từ bên trong và chúng ta có thể học cách để đạt được hạnh phúc.

Cuốn sách thật sự là một ngọn đuốc sáng bừng trong tối tăm cuộc đời cho bất kỳ ai vô tình đọc được nó. Tôi tìm thấy nó khi bản thân quay cuồng trong công việc ở những vị trí không nhỏ tại công ty và không ngừng tăng thêm lợi ích sau mỗi năm nhưng bản thân vẫn không thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Các bạn sẽ học cách sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc những điều bản thân mong muốn và nhìn rõ dáng hình của hạnh phúc bằng dòng ngôn ngữ dễ hiểu và chạm đến trái tim của rất nhiều người.

– Nhung Hà