Cuốn sách soi sáng các chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong những thời kì quan trọng như lần va chạm đầu tiên của Trung Hoa với các cường quốc phương Tây, chiến tranh Triều Tiên, chuyến ghé thăm lịch sử của Richard Nixon đến Bắc Kinh… Bàn về Trung Quốc mang lại cho độc giả một góc nhìn lịch sử sâu sắc về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm của một trong những chính khách nổi bật nhất của thời đại chúng ta.
Tóm tắt Bàn về Trung Quốc
1. Khổng Tử, Tôn Tử và cờ vây
Tiến Sỹ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, vốn là một nhân vật “có duyên nợ” với Việt Nam từ gần 40 năm nay. Tháng 5-2011 nhà ngoại giao nổi tiếng này cho ra mắt cuốn sách về nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam: Bàn về Trung Quốc.
Ông đã dành nhiều trang để nhắc tới Việt Nam, với tư cách một láng giềng gần gũi nhưng không phải là không có con đường riêng độc lập với Trung Quốc.
On China của Henry Kissinger, về căn bản, không hẳn là một cuốn hồi ký chính trị của nhà ngoại giao bởi tác giả xưng “tôi” không nhiều và không thường xuyên gắn mình vào từng tình huống, sự kiện, câu chuyện kể trong sách. Tuy nhiên, On China cũng không thuần túy là sách lịch sử. Nhiều chương được mở đầu bằng những đoạn tác giả phân tích về chính trị, quan hệ quốc tế, trong đó ông đưa ra những quan điểm mà có lẽ nhiều người đọc Việt Nam sẽ thấy mới mẻ.
Trung Hoa với tư tưởng đại Hán
Trong chương I (về tính độc tôn của Trung Quốc), mô tả quan niệm của người Trung Hoa về quan hệ quốc tế, Kissinger viết:
“Trung Quốc có tới hơn 1.000 năm áp dụng một hệ thống quan lại được thiết kế hoàn hảo, các quan được tuyển từ những cuộc thi mang tính chất cạnh tranh; hệ thống này thâm nhập và điều chỉnh tất cả khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Do đó, cách hiểu của người Trung Quốc về trật tự thế giới rất khác biệt với phương Tây. Quan niệm phương Tây hiện đại về quan hệ quốc tế được hình thành từ thế kỷ 16-17, khi cấu trúc của xã hội Âu châu thời Trung cổ bị phá vỡ thành một nhóm các nhà nước với sức mạnh tương đương và nhà thờ Thiên chúa phân chia thành nhiều giáo phái khác nhau. Ngoại giao để cân bằng quyền lực các bên không phải là sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Không nhà nước nào đủ mạnh để áp đặt ý chí của mình; không tôn giáo nào giữ được đủ quyền lực để có thể duy trì tính phổ biến. Khái niệm quyền tự quyết và bình đẳng về mặt pháp lý giữa các nhà nước trở thành cơ sở của công pháp quốc tế và ngoại giao.
Còn Trung Hoa, ngược lại, chưa bao giờ quan hệ với một nước nào trên cơ sở bình đẳng, vì lý do đơn giản là họ chưa bao giờ tiếp xúc với những xã hội có nền văn hóa hay có quy mô tương đồng với họ. Việc đế quốc Trung Hoa chiếm địa vị vượt trội so với các nước ở cùng mặt bằng địa lý được coi gần như luật trời vậy. Đối với các hoàng đế Trung Hoa, luật trời không nhất thiết hàm ý một mối quan hệ thù địch với các dân tộc láng giềng; tốt hơn hết là không nên như thế. Cũng giống như Mỹ, Trung Quốc tự cho là mình đóng một vai trò đặc biệt”.
Đó là cách Kissinger chỉ ra và giải thích sự tự tin thái quá trong tư duy của người Trung Quốc (mà trong nhiều trường hợp, tâm lý đó đã biến thành tư tưởng nước lớn, bá quyền). Ông cũng cho rằng về điểm này thì Trung Quốc và Mỹ có nét tương đồng.
Triết học Khổng Tử, binh pháp Tôn Tử
Henry Kissinger cũng tỏ ra là một nhà ngoại giao tài năng khi ông cho người đọc thấy mình đã tìm hiểu thấu đáo đến thế nào về nền văn hóa có bề dày 4.000 năm của Trung Quốc. Ông nghiên cứu về triết học Khổng Tử và tóm tắt nó lại trong một phần của chương I. Qua diễn giải của Kissinger thì do Khổng Phu Tử sống vào thời loạn nên triết gia này luôn hướng đến một xã hội cân bằng, hòa hợp từng tồn tại trước đó và nhiệm vụ tinh thần của mỗi con người là phải tái lập trật tự cũ đã bị mất đi kia.
Không phải ngẫu nhiên mà Kissinger đề cập tới Khổng Tử ngay từ chương đầu cuốn sách. Đó là vì ông cho rằng Khổng giáo có ảnh hưởng rất lớn tới một nhân vật đặc biệt của Trung Quốc thế kỷ 20 và cũng là nhân vật nổi bật trong On China : Mao Trạch Đông. Điều kỳ lạ ở đây, theo Kissinger nhận xét là tuy Mao Trạch Đông chống Khổng Tử một cách nhiệt thành và công khai nhưng đường lối điều hành đất nước của Mao lại rõ ràng là một phiên bản của triết học Khổng Tử. Mao tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ nhưng lại dựa rất nhiều vào những thể chế truyền thống của Trung Hoa, gồm cả cách điều hành như của triều đình phong kiến lẫn hệ thống cán bộ, quan chức được Mao sử dụng theo cách chẳng khác gì hoàng đế ngày xưa sử dụng quan lại: khinh ghét, thích thì dùng không thích thì cách chức đi, sau đó lại cất nhắc trở lại, cứ thường xuyên như thế.
Cờ vây và lợi thế tương đối
Kissinger quan tâm đến binh pháp Tôn Tử và viết khá tỉ mỉ về cờ vây (wei qi), trò chơi trí tuệ lâu đời nhất của người Trung Quốc. Ông dụng công so sánh: Nếu ở bộ môn cờ tướng và cờ vua người chơi phải giành chiến thắng tuyệt đối thì ở cờ vây, người chơi tìm kiếm lợi thế tương đối. Cờ tướng, cờ vua nhằm vào tiêu diệt từng quân của đối phương trong những thế đối đầu trực tiếp, còn trong cờ vây, người chơi di chuyển vào chỗ trống và dần dần làm tiêu hao sức mạnh chiến lược của đối thủ. Nghệ thuật cờ vây được áp dụng vào quân sự: Theo Kissinger, tư duy chiến lược của người Trung Quốc hướng đến chiến thắng thông qua lợi thế về tâm lý hơn là qua đối đầu trực tiếp.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Kissinger nghiên cứu và giải thích tương đối tỉ mỉ về Tôn Tử và cờ vây. Ấy là bởi vì theo ông, Mao Trạch Đông cũng chính là một “môn đồ” trung thành của Tôn Tử. Thậm chí, ông viết: “Những bí kíp của Tôn Tử được thể hiện sống động trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc thế kỷ 20 dưới tay người học trò của Tôn Tử là Mao Trạch Đông và trong chiến tranh Việt Nam, với việc Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp áp dụng các nguyên lý tấn công gián tiếp, chiến tranh tâm lý đối với Pháp và kế đó là Mỹ”.
Một trong các gương mặt nổi bật của On China là Mao Trạch Đông, người mà Kissinger – trên cương vị ngoại trưởng Mỹ – từng có nhiều dịp tiếp xúc. Trong cuốn sách “nửa hồi ký” của mình, Kissinger cũng đưa ra (dù không nhiều) nhận xét và cả phán đoán cá nhân về vị lãnh đạo đặc biệt này của Trung Quốc – một trong 20 chính trị gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 theo bình chọn của tạp chí Time năm 2000.
On China có 18 chương, bắt đầu với một chương khái quát về cổ sử Trung Quốc, trong đó có những phần luận bàn về Khổng giáo, quan điểm chính trị thực dụng của người Trung Quốc (realpolitik) và binh pháp Tôn Tử. Sau đó, sách lướt nhanh qua giai đoạn sử cận đại với sự biến Chiến tranh nha phiến giữa Anh và Trung Quốc. Còn lại gần như toàn bộ tác phẩm dành để nói về lịch sử quan hệ quốc tế của Trung Hoa từ thời Mao Trạch Đông đến nay, những tương tác của họ với Mỹ, Liên Xô, hai miền Triều Tiên, Đông Dương và Việt Nam…
2. Ý chí Mao Trạch Đông
On China của Henry Kissinger dành tới xấp xỉ chín chương trong tổng số 18 chương để viết về Mao Trạch Đông và những biến cố, sự kiện ở Trung Quốc thế kỷ 20 liên quan đến vị lãnh tụ của cách mạng Trung Quốc.
Như thế đủ thấy đối với Kissinger, Mao Trạch Đông để lại một ấn tượng sâu sắc tới mức nào.
Ông mở đầu chương sách đầu tiên về Mao như sau: “Ở vị trí người đứng đầu của triều đại mới, triều đại mà vào năm 1949 đã tràn từ nông thôn ra tiếp quản thành phố, sừng sững một người khổng lồ: Mao Trạch Đông. Độc đoán, ảnh hưởng bao trùm, tàn nhẫn và xa cách, vừa là nhà thơ vừa là chiến sĩ, vừa là người đưa ra chủ trương vừa là nhà phê bình, ông thống nhất toàn Trung Quốc và đưa cả đất nước này vào một hành trình gần như hủy diệt xã hội dân sự”. Điều kỳ lạ là cho tới cuối hành trình, Trung Quốc đã trở thành một trong những siêu cường của thế giới. Vậy Mao Trạch Đông có vai trò “xây và phá” tới mức nào trong sự nghiệp của Trung Hoa thế kỷ 20? Với sự khôn ngoan và thận trọng cố hữu của một nhà ngoại giao, Kissinger không đưa ra câu trả lời trực tiếp, song người đọc có thể tự rút ra một nhận định của riêng mình.
Thần tượng Tần Thủy Hoàng
Kissinger bình luận: “Các nhà cách mạng, về bản chất, đều là những người có cá tính mạnh mẽ và luôn theo đuổi chỉ một mục đích. Gần như tất cả họ đều bắt đầu từ một vị trí yếu thế, đối lập với môi trường chính trị đương thời và đều thành công nhờ sức thu hút đối với quần chúng và vào khả năng huy động lòng thù hận, khả năng tận dụng sự sa sút về tâm lý của đối phương”. Theo những tiêu chí này thì Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng đúng nghĩa.
Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng đưa ra một nhận định có tính khái quát hóa khác: “Hầu hết các cuộc cách mạng đều được thực hiện nhân danh một sự nghiệp cụ thể. Một khi thành công thì cách mạng sẽ được thể chế hóa thành một trật tự mới, một hệ thống mới. Cuộc cách mạng của Mao không có điểm dừng chân cuối cùng; mục tiêu tối cao của nó mà Mao tuyên bố – “đại đồng” – là một ảo ảnh mơ hồ, giống như một sự tán dương tinh thần hơn là một cuộc tái thiết thật sự về chính trị. Các cán bộ của Đảng Cộng sản TQ giống như giới tăng lữ, chỉ có điều giới tăng lữ thì sứ mệnh của họ là thập tự chinh chứ không phải là hoàn thành một kế hoạch định sẵn”.
Kissinger ví cán bộ thời Mao với tăng lữ Âu châu thời Trung cổ là có lý do: Điểm chung lớn giữa họ là sự khắc khổ, nhu cầu vật chất được duy trì ở mức tối thiểu, như thể họ hành hạ thể xác để giữ gìn phần hồn.
Một cách thẳng thắn, Kissinger viết rằng tất cả những người thân cận của Mao trong cách mạng cuối cùng đều bị thanh trừng. chẳng phải ngẫu nhiên mà vị hoàng đế Trung Hoa được Mao Trạch Đông ngưỡng mộ nhất chính là Tần Thủy Hoàng. Có lần Mao nhận xét, để lãnh đạo Trung Quốc phải kết hợp được phương pháp của Mác và Tần Thủy Hoàng.
400 năm dồn nén trong 40 năm
Năm 2005, nhà văn nổi tiếng của nền văn học đương đại Trung Quốc – Dư Hoa – gây chấn động văn đàn với cuốn tiểu thuyết hai tập Huynh Đệ, tập I viết về cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Dư Hoa bảo đó là “một thời đại, tương đương thời trung cổ ở châu Âu”. Điều đặc biệt của cuốn tiểu thuyết là nó cô đọng lại một lịch sử dài dằng dặc: “Muốn trải qua hai thời đại một trời một vực như thế, một người phương Tây phải sống đến 400 năm, một người Trung Quốc thì chỉ cần 40 năm đã trải qua rồi. Những biến động của 400 năm được dồn nén trong 40 năm”.
Nếu tìm hiểu về Mao Trạch Đông qua cuốn On China của Henry Kissinger thì sẽ thấy lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20 quả thật buộc phải khốc liệt như thế, với một người cầm lái như Mao. Không thể khác được.
Kissinger viết: “Nước Trung Hoa của Mao là một đất nước chìm trong khủng hoảng vĩnh viễn; ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Mao đã tung ra hết đợt sóng đấu tranh này đến đợt sóng đấu tranh khác. Người Trung Hoa không được phép nghỉ ngơi trên các thành quả của mình. Số phận của họ do Mao thiết kế. Ý chí của Mao thể hiện ở sự quyết liệt đoạn tuyệt với quá khứ để thanh lọc bằng được xã hội”.
Kissinger tiến hành so sánh để cho thấy sự khác biệt đến đối lập giữa Mao Trạch Đông và Khổng Tử. Theo ông, Mao đã tấn công thẳng thừng vào tư tưởng chính trị truyền thống của Trung Quốc: Trong khi Khổng Phu Tử đề cao “đại đồng” tức là một sự hòa hợp trên tổng thể, thì Mao cổ súy sự dịch chuyển, cổ vũ xung đột giữa các mặt đối lập. Triết học Khổng Tử nhấn mạnh cân bằng, hòa hợp, trung dung, nếu tiến hành cải cách thì phải dần dần và hướng tới phục hồi lại các giá trị cũ. Còn Mao Trạch Đông luôn muốn thay đổi một cách quyết liệt, ngay lập tức, chấm dứt hoàn toàn với quá khứ.
Thế nhưng con mắt phân tích của Kissinger lại nhận thấy rằng cuối cùng đằng sau sự đối lập đó, đường lối lãnh đạo của Mao vẫn là của một con người chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo: Vẫn thể chế ấy, cách dùng người ấy, hệ thống “có trên có dưới” ấy… Ông không viết ra nhưng độc giả có thể cảm nhận, Trung Hoa thời Mao Trạch Đông vẫn có màu sắc của một triều đại phong kiến.
Những cuộc gặp gỡ cuối cùng
Hai cuộc gặp cuối cùng giữa Kissinger và Mao diễn ra vào tháng 10 và 12-1975. Trong On China, Kissinger cũng hé lộ đôi chút về nội dung đối thoại trong các cuộc tiếp xúc này, càng cho thấy rõ hơn cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của vị lãnh tụ tối cao của Trung Quốc.
Khi ấy Mao đã rất yếu, phải có hai y tá kèm bên mới có thể đứng dậy và cần một phiên dịch “viết” vì bản thân ông nói không còn rõ tiếng nữa.
Mao: Giờ tôi 82 rồi. (Chỉ tay vào Ngoại trưởng Kissinger). Ông bao nhiêu tuổi? Chắc 50?
Kissinger: 51.
Mao: (Chỉ tay vào Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình) Anh này 71. (Xua tay) Và sau khi chúng tôi – tôi, anh này (Đặng), Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh – chết hết thì các ông vẫn sống đúng không? Thấy không? Chúng tôi già cả rồi chẳng làm được gì. (…) Ông biết đấy, tôi bây giờ là để triển lãm cho khách đến xem thôi.
Nói vậy nhưng Mao Trạch Đông vẫn mạnh mẽ và dữ dội như vậy, nhất là khi cuộc đối thoại kết thúc, ông đột ngột thách thức như để khẳng định tinh thần kiên định cách mạng:
Mao: Tôi muốn mọi người chửi vào mặt tôi (cao giọng, đập tay vào thành ghế). Ông phải nói, rằng Mao Chủ tịch là một ông lãnh đạo quan liêu thì tôi mới muốn gặp ông. Khi ấy tôi sẽ vội vàng gặp ông ngay. Nếu ông không chửi thì tôi chẳng gặp ông đâu, tôi đi ngủ cho yên.
Kissinger: Như vậy khó cho chúng tôi quá, nhất là lại gọi ông là lãnh đạo quan liêu.
Mao: Tôi khẳng định thế đấy (đập mạnh vào thành ghế). Tôi sẽ chỉ thích thú khi tất cả những người ngoại quốc đều đập bàn đập ghế và chửi tôi.
Mao chuyển sang giọng hăm dọa.
Mao: LHQ có thông qua một nghị quyết, do Mỹ tài trợ, nói rằng Trung Quốc tham gia xâm lược Triều Tiên.
Kissinger: Chuyện đó là từ 25 năm trước rồi.
Mao: Phải. Như thế tức là không liên quan trực tiếp đến ông. Đấy là vào thời Truman.
Kissinger: Vâng, đã lâu rồi và chúng tôi đã thay đổi quan niệm.
Mao: (Chạm tay vào trán) Nhưng nghị quyết vẫn chưa bị bãi bỏ. Tôi vẫn còn phải đội cái mũ “xâm lược”. Tôi vẫn coi đấy là vinh dự lớn nhất mà chẳng vinh dự nào to lớn hơn được. Tốt, tốt lắm.
Kissinger: Vậy chúng ta có cần thay đổi nghị quyết của LHQ không?
Mao: Thôi, không làm thế. Chúng tôi chưa bao giờ đề nghị như thế… Chúng tôi không có cách nào phủ nhận. Quả thật chúng tôi đã đưa quân vào Đài Loan và cả bán đảo Triều Tiên. Ông có thể giúp tôi ra một tuyên bố công khai (về việc này) không?
Kissinger: Tôi sẽ giúp ông công bố. Có thể tôi đã không nhận được bản tuyên bố nào chính xác cho đến nay.
Ngày 9-9-1976, Mao Trạch Đông qua đời – theo như Kissinger viết thì phải tới lúc đó vị chủ tịch mới đầu hàng bệnh tật. Ông để lại một nước Trung Hoa thống nhất, với nhiều di sản của quá khứ bị tàn phá tan hoang trong Cách mạng Văn hóa. Nhưng cho đến giờ vai trò của Mao Trạch Đông đối với Trung Quốc hiện đại vẫn là vấn đề để lịch sử phán xét, luận công định tội. Với Kissinger, vai trò ấy có phần giống như của Tần Thủy Hoàng: Con người vĩ đại sáng lập ra cả một triều đại, thống nhất đất nước, đồng thời cũng kéo dân tộc vào những hành trình khủng khiếp, nơi lịch sử 400 năm bị ép lại chỉ còn 40 năm…
3. Tầm nhìn Đặng Tiểu Bình
Cuộc cách mạng không ngừng nghỉ của Mao Trạch Đông để lại một nước Trung Hoa thống nhất nhưng ngổn ngang với những công xã nông thôn đói nghèo, một nền kinh tế trì trệ.
Nhưng theo cách nói của một số người lạc quan thì “phải có phá mới có xây”; chính từ xuất phát điểm là cái xã hội bị “thanh lọc” sạch sẽ đó mới có Trung Quốc ngày nay.
Như Kissinger tổng kết trong cuốn On China của ông thì Mao đã tàn phá Trung Hoa truyền thống và để toàn bộ đống đổ nát đó lại cho Đặng Tiểu Bình xây nên những tòa nhà mới. “Đặng can đảm tiến hành công nghiệp hóa từ những sáng kiến và sự bền bỉ của mỗi người dân Trung Quốc. (…) Trung Hoa ngày nay – với nền kinh tế lớn thứ hai và dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới – là sự chứng thực cho tầm nhìn, ý chí của Đặng”.
Con người bé nhỏ, tầm nhìn rộng lớn
Với thân hình thấp bé, Đặng Tiểu Bình bị xếp vào danh sách những chính khách có thân hình khiêm tốn trong lịch sử thế giới, cùng Napoleon, Hitler… Nhưng tầm nhìn và tham vọng của ông thì không thấp bé chút nào. Henry Kissinger nhắc đến và trích dẫn một bài diễn văn của Đặng, tháng 5-1977, trong đó Đặng kêu gọi toàn dân Trung Quốc phải phấn đấu vượt cả cải cách Minh Trị của Nhật Bản. Đó là một cách nói khôn ngoan, vì nó vừa kích thích lòng tự hào dân tộc của người Trung Hoa (nhất là trước Nhật Bản), vừa có phần thực dụng: Trong khi Mao bao nhiêu năm trời hô hào dân chúng chịu đựng để tiến tới xã hội “đại đồng” – một khái niệm rất mơ hồ – thì Đặng chỉ thúc giục họ tiến lên, vượt qua đói nghèo lạc hậu.
“Chìa khóa để hiện đại hóa là phải phát triển khoa học công nghệ. Mà nếu chúng ta không dành sự chú ý đặc biệt cho giáo dục, thì sẽ không thể phát triển khoa học công nghệ được. Những cuộc thảo luận rỗng tuếch sẽ chẳng đưa chương trình hiện đại hóa của chúng ta về đâu hết; chúng ta phải có kiến thức, phải có nguồn nhân lực được đào tạo…”. Và Đặng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: “Giờ đây Trung Quốc đi sau các nước phát triển tới 20 năm, về khoa học, công nghệ và giáo dục”.
Đặng nói những lời thẳng thắn ấy vào năm 1977. Tháng 3-1978, ông chủ trì Đại hội Khoa học Toàn quốc, nhắc lại một lần nữa rằng Trung Quốc đã lạc hậu so với thế giới từ 15 đến 20 năm trên tất cả các mặt, đồng thời đưa ra một kế hoạch phát triển khoa học đầy tham vọng với 108 dự án trọng điểm nghiên cứu của giới khoa học toàn quốc. Gần đây, Ngô Hiểu Ba (Wu Xiaobo), nhà báo nổi tiếng thuộc Tân Hoa xã, đã viết trong cuốn 30 năm sóng gió (vừa ra mắt độc giả Việt Nam tháng 11 vừa qua) rằng: “Lịch sử sau này đã chứng minh những mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng tại thời điểm lúc bấy giờ thì những kế hoạch này quả thật đã gây chấn động xã hội Trung Quốc, đến mức dường như người ta đang mơ hồ nghe thấy âm thanh rầm rập chuyển bánh của chuyến tàu thời đại”.
Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Mỹ 1979.
Tầm nhìn và ý chí của Đặng Tiểu Bình, chứ không phải cái gì khác, đã thổi bùng niềm cảm hứng mới cho nhân dân Trung Quốc. Henry Kissinger nhận định: “Các xã hội vận hành theo những tiêu chuẩn trung bình. Chúng duy trì được sự tồn tại là nhờ thực hiện những điều bình thường, quen thuộc. Thế nhưng chúng tiến lên được là nhờ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, biết phát hiện ra điều cần phải làm và có lòng can đảm để thực hiện một sự nghiệp mà ích lợi của sự nghiệp ấy, ban đầu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tầm nhìn của họ”.
Đời tư khép kín
Cuốn sách On China của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng đưa ra một nhận xét thú vị về con người Đặng Tiểu Bình, nhất là trong tương quan với phương Tây. Theo Kissinger, ở các nền văn hóa Tây phương, giới cai trị muốn củng cố sức mạnh của mình đều phải thông qua truyền thông, giao tiếp với dân chúng bị trị. “Đó là lý do tại sao ở Athens, Rome và nhiều nhà nước đa nguyên ở phương Tây khác, nghệ thuật diễn thuyết, hùng biện được xem như một tài sản quý báu của chính khách. Ở Trung Quốc thì không có truyền thống (xem trọng) hùng biện đó, trừ Mao phần nào là một ngoại lệ” – Kissinger viết.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong lịch sử không củng cố quyền lực dựa vào kỹ năng diễn thuyết hay giao tiếp với công chúng. Theo truyền thống quan lại phong kiến của mình, họ hoạt động nói chung là kín đáo, không lộ cho dân biết và hợp thức hóa tính chính thống thông qua hành động, việc làm. Đặng không có văn phòng lớn; ông từ chối tất cả các danh xưng cung kính; ông gần như không bao giờ xuất hiện trên truyền hình và làm chính trị hầu như hoàn toàn là sau rèm. Ông điều hành đất nước không giống như hoàng đế mà giống một ông quan lớn”.
Điều lý thú là phong cách lãnh đạo kín đáo, “khuất mắt” công chúng này tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay. Trong một bài viết gần đây trên tờThe Nation, nhà phân tích Joshua Kurlantzick nhận định: “Thiếu một nhân vật có tài thống nhất thiên hạ như Đặng hay Mao, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày nay về căn bản là một nhóm không diện mạo, gồm những kỹ sư – đảng viên lâu năm, lên được chức vụ cao không phải kinh qua chiến đấu hay nhờ đã phát triển các tư tưởng chính trị, kinh tế mà bằng việc nuôi dưỡng hệ thống quan liêu ở cấp cao hơn họ và hé lộ càng ít càng tốt các tư tưởng cũng như dự định của họ. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là điển hình của đường lối kín như mật mã này. Trước khi có được quyền lực vào năm 2004, Hồ rất hiếm khi bàn về bất kỳ chủ đề nào quan trọng, đến nỗi cả phe bảo thủ lẫn phe tự do ở Trung Quốc đều coi ông ta là người của phe mình. Kể từ đó, ông Hồ thể hiện tình cảm ở mức tối thiểu trước công chúng và tránh tiếp xúc – ngay cả khi theo sát kịch bản nhất – với báo chí và những người ngoài đảng”.
“Cải cách và mở cửa”
Kissinger cũng không bỏ lỡ một dịp so sánh Đặng Tiểu Bình với lãnh tụ Mao Trạch Đông. Ông cho rằng Mao lãnh đạo Trung Quốc nhờ vào việc tận dụng, khai thác tính bền bỉ, chịu đựng của người Trung Quốc – nếu không phải dân tộc này mà là một dân tộc cứng đầu nào đấy thì họ đã chẳng chấp nhận sự áp đặt lên họ. Còn Đặng điều hành đất nước bằng việc giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, để họ tự xây dựng viễn cảnh cho riêng mình.
Mao phấn đấu phát triển kinh tế với niềm tin mãnh liệt rằng quần chúng nhân dân Trung Hoa sẽ vượt qua bất kỳ vật cản nào bằng ý chí và sự trong sạch về ý thức hệ (thế nên mới cần phải tiến hành “thanh lọc” xã hội triệt để như thế). Trong khi đó, Đặng thẳng thắn nhìn nhận tình cảnh nghèo đói khốn khổ của Trung Quốc, đưa ra những khẩu hiệu rất rõ ràng: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội”, “Làm giàu là vinh quang” và đỉnh cao là khẩu hiệu của Đại hội Đảng lần thứ ba, tháng 12-1978: “Cải cách và mở cửa”.
Suy cho cùng, chính Đặng Tiểu Bình là một người Trung Quốc điển hình. Ngô Hiểu Ba viết: “Con người gốc Tứ Xuyên có dáng vóc nhỏ nhắn này luôn ẩn chứa sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn đáng kinh ngạc cùng một khả năng quyết đoán chính trị thấu suốt tất cả”. Với sức chịu đựng bền bỉ đặc trưng của tính cách Trung Hoa ấy, ông là nhà lãnh đạo có tới ba lần bị hạ bệ trong những đợt “thanh trừng” của cách mạng Trung Quốc.
Kissinger trích lời Đặng: “Trên thực tế, cuộc tranh luận hiện nay về việc thực tiễn có phải là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý hay không, cũng là cuộc tranh luận về việc trí tuệ con người có cần được giải phóng không… Khi mọi thứ đều phải được tiến hành y như sách, khi tư duy trở nên xơ cứng và niềm tin mù quáng thịnh hành, thì một đảng hay một quốc gia, sẽ không thể tiến bộ được. Đời sống của nó sẽ chấm dứt ở đây và đảng hay quốc gia đó sẽ tàn lụi”. Ở tuổi 73 (năm 1978), Đặng đã viết như thế và thổi luồng gió cải cách vào đất nước với những tuyên bố mà người dân Trung Quốc chưa từng được nghe trước đó.
4. Cải cách và mở cửa
Trong On China, Henry Kissinger đã dành cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình một phần dung lượng lớn. Điều thú vị là ông không khi nào bỏ lỡ dịp so sánh hai nhà lãnh đạo này với nhau để người đọc nhìn thấy sự khác biệt của Trung Quốc qua hai thời kỳ dưới tay hai người cầm lái khác nhau.
Thật khó mà khái quát hóa tính cách của mỗi con người trong một vài từ nhưng qua On China ta có thể mơ hồ thấy rằng dù cả Mao và Đặng đều chia sẻ tính cách quyết liệt, ý chí mạnh mẽ nhưng trong khi Mao cuốn cả nước vào cuộc phiêu lưu đến một “xã hội đại đồng” thì Đặng tỏ ra rất thực dụng.
Khác biệt giữa Mao – Đặng
Trong đối ngoại, Mao giữ thế như một vị hoàng đế, chỉ ngồi trên ngai chờ nước ngoài tìm đến với mình. Còn Đặng ngược lại: Chủ động công du ra nước ngoài. Trong hai năm 1978-1979, ông đã đến Mỹ, Nhật Bản, Singapore… nỗ lực làm thay đổi hình ảnh Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Time vào tháng 2-1979, Đặng tuyên bố: “Nếu muốn kiểm soát con gấu Bắc cực (chỉ Liên Xô), hành động thực tiễn nhất chúng tôi có thể làm là đoàn kết lại. Nếu chúng tôi phụ thuộc vào sức mạnh của duy nhất Mỹ thì không đủ. Nếu chúng tôi phụ thuộc vào EU cũng không đủ. Chúng tôi là một nước nghèo, chẳng quan trọng gì nhưng nếu chúng tôi đoàn kết thì điều đó sẽ đem lại sức nặng”. Đặng cũng nhấn mạnh sự lạc hậu của Trung Quốc so với thế giới và bày tỏ mong muốn tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Bắt đầu từ tư duy
Người ta hay nói đến “sự thần kỳ Nhật Bản” nhưng nếu nói Trung Quốc đã có một sự mở cửa diệu kỳ thì cũng không sai. Với nước Nhật, truyền thống, văn hóa, tư tưởng trải qua hai thời kỳ trước và sau chiến tranh vẫn được duy trì căn bản, còn với Trung Quốc, những thay đổi trong đường lối lãnh đạo của đất nước này thật là chóng mặt.
Kissinger cho rằng những chuyến công du của Đặng và việc Đặng nhiều lần công khai nói về cái nghèo đói của Trung Quốc là sự khác biệt quá lớn so với truyền thống lãnh đạo ở nước này.
“Hầu như không có vị vua Trung Quốc nào từng đi nước ngoài. (Tất nhiên, bởi vì theo quan niệm truyền thống của họ thì họ là bậc thiên tử thống trị cả thiên hạ rồi, còn lấy đâu ra “nước ngoài” mà đi). Đặng sẵn sàng công khai rằng Trung Quốc lạc hậu và cần học hỏi từ các quốc gia khác” – Kissinger viết – “Đây là điều tương phản sâu sắc với thái độ xa lánh thế giới của các vị hoàng đế Trung Hoa và sự quan liêu của họ khi giao thiệp với nước ngoài. Chưa bao giờ có nhà cai trị nào ở Trung Quốc tuyên bố với người ngoại quốc là họ cần hàng hóa nước ngoài cả”. Mao Trạch Đông sinh thời luôn nhấn mạnh là phải tự lực, kể cả khi cái giá phải trả là đói nghèo và bị cô lập.
Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: “Đặng Tiểu Bình rời khỏi Singapore mấy tuần thì có người cầm tờ Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh đăng bài liên quan đến Singapore cho tôi xem. Giọng điệu của bài báo đã thay đổi so với trước đây, nó sôi nổi bàn luận, hình dung Singapore là một thành phố vườn hoa. Nó nói rằng sự xanh hóa, nhà ở công cộng và ngành du lịch ở đây đều đáng được nghiên cứu. Chúng tôi không còn là “chó săn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ” như vẫn từng bị họ gán”.
Trong cuốn hồi ký Đặng Tiểu Bình vực dậy Trung Quốc, cựu đại sứ Nhật Bản Yosuke Nakae cũng kể lại chuyến thăm Nhật của Đặng. Theo đó, khi Yosuke hỏi Đặng quan tâm điều gì ở đây, Đặng đáp, do dân Trung Quốc sử dụng than đá để sưởi nên thường xảy ra những vụ ngộ độc khí Co2; ông muốn biết Nhật Bản có loại than đá nào không tạo ra CO2 hay không. Nếu so với những tư tưởng “thanh lọc xã hội”, làm “cách mạng không ngừng” trước kia khiến cho dân chúng cả nước không lúc nào yên ổn thì suy nghĩ của Đặng Tiểu Bình giờ đây thật sự là hoàn toàn hướng tới con người.
Quả thật, mọi sự chuyển đổi ở Trung Quốc bắt đầu từ tư duy của lãnh đạo, của tầng lớp trí thức: Đêm 26-12-1978, nhóm 50 nhà khoa học đầu tiên sang Mỹ du học đã rời Bắc Kinh. Trong số đó, người trẻ nhất 32 tuổi, người già nhất 49. Trước khi họ lên đường, Phó Thủ tướng Phương Nghị, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học toàn quốc Chu Bồi Nguyên, Bộ trưởng Giáo dục Lý Kỳ Phó đã thân chinh ra tận sân bay tiễn họ.
Giải phóng tài năng
Nhà báo Ngô Hiểu Ba (Tân Hoa xã) tổng kết rằng trước năm 1978, thu nhập trung bình của người Trung Quốc ở các đô thị trong suốt 20 năm chưa đạt 4 nhân dân tệ (khoảng 14.000 VND theo tỉ giá thời nay), còn ở nông thôn thì chưa tới 2,6 nhân dân tệ, “vật tư toàn xã hội thiếu hụt toàn diện, sức sống của các xí nghiệp không còn sót lại tí gì”. Đó là hậu quả của một mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, thành phần kinh tế tư nhân bị xóa sổ, mọi khâu sản xuất, phân phối đều do nhà nước nắm, hội nghị kế hoạch hằng năm phải kéo dài tới mấy tháng.
Chính phủ Trung Quốc làm gì để thay đổi? Theo Kissinger, Đặng Tiểu Bình và các cộng sự, đặc biệt là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đã tiến hành cuộc cách mạng dựa trên việc giải phóng tài năng của nhân dân Trung Quốc – “những người mà sự năng động kinh tế và tinh thần doanh nhân bẩm sinh của họ đã bị kìm hãm rất lâu vì chiến tranh, vì giáo điều ý thức hệ và vì những hạn chế nghiêm ngặt đối với đầu tư tư nhân”.
Hồ Diệu Bang được Kissinger mô tả là “có tính cương trực”, là lãnh đạo đầu tiên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên mặc complet và từng đề xuất nhân dân Trung Hoa bỏ đũa, chuyển sang dùng dao và nĩa khi ăn. Còn Triệu Tử Dương – nhân vật đi tiên phong trong phi tập trung hóa nông nghiệp khi còn là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, rất được lòng nông dân – thì có một câu nói “để đời” mà Kissinger nhắc đến trong sách: “Nếu các bạn muốn có gạo ăn, hãy triệu Tử Dương này” (một cách chơi chữ).
Việc phi tập trung hóa, mở cửa nền kinh tế được thực hiện bài bản và thu được kết quả ngoạn mục. Kissinger viết rằng, từ năm 1978 tới năm 1984, thu nhập của nông dân Trung Quốc tăng gấp đôi. Khu vực kinh tế tư nhân vươn dậy mạnh mẽ, làm ra gần 50% tổng sản lượng công nghiệp. GDP tăng trưởng trung bình 9% liên tục nhiều năm.
Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ra mặt trái của tấm huy chương: Cuộc cải cách kinh tế của Đặng, Hồ và Triệu đã làm thay đổi bộ mặt đời sống thường ngày của Trung Quốc, tuy nhiên cùng với đó lại là “sự tái xuất hiện những hiện tượng từng bị xóa sạch dưới thời Mao” như bất bình đẳng về thu nhập, hay việc tôn vinh những giá trị xa hoa, xa xỉ. Ông cho rằng khi hướng ra ngoài, Trung Quốc sẽ phải trả lời được câu hỏi: Họ muốn học gì (nếu có) từ những thể chế xã hội và chính trị phương Tây?
Tháng 3-1979, tạp chí The Economist đưa ra dự đoán táo bạo: “Về lâu dài, việc Trung Quốc xuất siêu ồ ạt sẽ trở thành tất yếu”. 23 năm sau, dự báo đó thành sự thực. Với Bàn Về Trung Quốc, độc giả cũng có thể thử tự đưa ra một lời tiên đoán của riêng mình về đất nước này.
5. Câu hỏi khó trả lời
Bàn về Trung Quốc, một trong những điều Kissinger muốn nói là khi hướng ra bên ngoài sau hàng thế kỷ đóng cửa tự coi mình là trung tâm của thế giới, người Trung Hoa sẽ phải trả lời được câu hỏi: Họ muốn học gì (nếu có) từ những thể chế xã hội và chính trị phương Tây?
Câu hỏi không đơn giản vì hóa ra nó lại gắn với một vấn đề rất phức tạp là xác định ranh giới (và giới hạn, nếu có) giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Theo những gì Kissinger ghi lại thì vào tháng 9-1987, Đặng Tiểu Bình bắt đầu nói với Kissinger về việc chuyển từ cải cách kinh tế sang cải cách chính trị. Có nghĩa là rất có thể ý nghĩ này đã ở trong đầu Đặng trước đó từ lâu.
Cải cách “có trật tự”
Đặng nói với Kissinger rằng cải cách chính trị sẽ phức tạp hơn nhiều do nó liên quan đến việc “phân công nhiệm vụ” giữa đảng và chính quyền. Nhiều đảng viên sẽ phải chuyển sang công tác khác (nói nôm na là có thể thất nghiệp) khi phải trao lại vị trí quản lý cho người chuyên nghiệp. Kissinger hỏi nếu vậy thì làm thế nào để phân định rạch ròi giữa hoạch định chính sách với quản trị kinh doanh? Đặng trả lời rằng đảng sẽ kiểm soát các vấn đề thuộc ý thức hệ, còn giới quản lý lo việc điều hành cụ thể.
Kissinger lại hỏi vậy thế nào là vấn đề thuộc ý thức hệ? Đặng lấy ví dụ, chẳng hạn đó là việc quyết định xem có nên chuyển hướng sang thiết lập quan hệ đồng minh với Liên Xô hay không. Ngoài ra, Đặng cũng nói rõ rằng các cuộc cải cách sẽ luôn phải diễn ra “một cách có trật tự”.
Những bất ổn
Mặc dù Đặng Tiểu Bình đã đưa ra những cơ sở lý luận như thế nhưng hóa ra mọi sự vẫn không đơn giản: Theo Kissinger, chẳng bao lâu sau, Đặng đã phải đương đầu với những bất ổn trong chương trình cải cách “có trật tự” của ông. Những năm đầu cải cách, vai trò của nhà nước vẫn còn mang tính khống chế; những vấn đề do kế hoạch hóa và điều hành vĩ mô gây ra cứ lẫn lộn với các vấn đề do thị trường gây ra. “Nỗ lực làm cho giá cả phản ánh đúng chi phí tất yếu dẫn đến làm giá cả gia tăng, ít nhất trong ngắn hạn. Cải cách giá thì lại dẫn đến việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa từ trước khi giá lên, tạo ra một cái vòng luẩn quẩn: Đầu cơ – lạm phát” – nhà ngoại giao Mỹ viết.
Trong một hội nghị vào tháng 9-1987, Triệu Tử Dương phác thảo một kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng làm gia tăng sự đóng góp của các lực lượng thị trường, lên mức khoảng 50% GDP cả nước. Trong cuốn hồi ký của mình, khi bàn về sự kiện này, Kissinger nhận định: “Ngoài các vấn đề thuần túy kỹ thuật về kinh tế học ra thì đây là việc đòi hỏi phải viết lại đáng kể giáo lý về hệ thống kinh tế chỉ huy. Sẽ phải chú trọng nhiều đến việc kiểm soát gián tiếp nền kinh tế thông qua sử dụng chính sách cung tiền và can thiệp để chặn trước suy thoái – giống như các nước châu Âu vẫn làm. Nhiều định chế trung ương sẽ phải bị giải tán, hoặc phải xác định lại chức năng”.
Muốn làm thế thì lại phải tiến hành thanh tra tư cách các đảng viên, thanh lọc đảng, tinh giản bộ máy hành chính, mà điều này thì có liên quan tới khoảng 30 triệu người và vấn đề lớn nhất là nó lại do chính những người cần được thanh lọc nhất tiến hành. Theo Kissinger, chính phủ có nguy cơ bị mất sự ủng hộ từ các cán bộ công chức trung thành – những người bị cải cách đe dọa.
Thế lưỡng nan nhà nước – thị trường
Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng bình luận như một nhà kinh tế thực thụ: “Quản lý hệ thống hai chế độ giá đã mở đường cho nạn tham nhũng và gia đình trị”. Ông lý giải: “Việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường làm tăng cơ hội tham nhũng, ít nhất trong thời kỳ quá độ. Sự tồn tại song song hai khu vực kinh tế – một bên là khối nhà nước tuy đang thu nhỏ nhưng vẫn rất lớn và một bên là nền kinh tế thị trường đang mở rộng dần – tạo ra hai chế độ giá cả. Do đó, đám công chức quan liêu và doanh nghiệp thiếu lương tâm ở vào vị trí hoàn toàn có thể buôn bán hàng hóa qua lại giữa hai khu vực kinh tế này nhằm trục lợi cá nhân”.
Biểu hiện của hai khu vực kinh tế nhà nước và thị trường là khối doanh nghiệp quốc doanh và công ty tư nhân (dân doanh). Nhà báo Ngô Hiểu Ba (Tân Hoa xã), sau khi dày công nghiên cứu về 30 năm cải cách ở Trung Quốc (1978-2008), đã nhận định rằng doanh nghiệp nhà nước “dựa vào sự ủng hộ về tài nguyên và chính sách, chiếm được vị thế có lợi mà không ai có được, cuối cùng dựa vào chiến lược độc quyền mạnh mẽ để đạt thành tựu”.
Trong khi đó, tư bản dân doanh “có cống hiến lớn nhất cho cải cách Trung Quốc” thì “vẫn luôn có một số phận long đong. Họ phát lên từ gốc rạ, hầu như chẳng có bất cứ sự ủng hộ nào, gặp phải nhiều giới hạn do cơ chế trong quá trình trưởng thành, đồng thời còn là đối tượng bị chỉnh đốn và hạn chế nhiều nhất, nặng nề nhất”. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng trong số các công ty Trung Quốc từng lọt vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, không một công ty nào trưởng thành trong môi trường cạnh tranh thực sự, mà chúng đều là kết quả của sự hưởng lợi về cơ chế, được thiên vị về tài nguyên và vốn…
Rất có thể thực tế ấy đã bắt nguồn từ những năm đầu cải cách, hay nói đúng hơn từ câu hỏi lớn về xác định ranh giới giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị, cùng giới hạn của chúng – câu hỏi mà Kissinger đã nêu ra với Đặng Tiểu Bình từ những năm 1980.
Học gì từ phương Tây?
Cải cách kinh tế ở Trung Quốc, theo Kissinger, đã tạo ra những niềm hứng khởi và hy vọng mới, rằng có thể nhờ đó mà gia tăng mức sống của người dân và tự do cá nhân. Nhưng rồi cải cách kinh tế cũng đã tạo ra bất bình đẳng, mâu thuẫn xã hội, mà ngày càng nhiều người Trung Quốc cho rằng điều này chỉ có thể được sửa đổi nhờ một hệ thống chính trị cởi mở hơn và vì dân hơn.
Năm 1988, Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng series phim tài liệu sáu phần Hà Thương (River Elegy). Bộ phim mượn hình ảnh con sông Hoàng Hà nước đục, trôi lững lờ để nói rằng nền văn minh Trung Hoa cũng đang trở nên dị biệt và tù hãm, và gửi gắm thông điệp: Nếu muốn phát triển, Trung Quốc cần hướng ra ngoài, tới “đại dương xanh” của thế giới, nhìn vào văn hóa Tây phương để có những tư tưởng mới như dân chủ, sáng tạo cá nhân.
Kissinger cho biết Hà Thương đã gây nên một làn sóng tranh cãi ở Trung Quốc, kể cả ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất: “Những người cộng sản truyền thống coi bộ phim là “phản cách mạng” và họ đã thành công trong việc vận động cấm chiếu lại phim này. Cuộc tranh cãi kéo dài qua nhiều thế hệ về số phận của nước Trung Hoa và quan hệ của nó với phương Tây lại tiếp tục bùng lên”. Và cựu ngoại trưởng Mỹ để ngỏ câu hỏi Trung Quốc muốn học gì từ những thể chế chính trị và xã hội Tây phương.
6. Chiến tranh biên giới với Việt Nam
Trong On China, Henry Kissinger dành riêng một chương nói về “chiến tranh Việt Nam lần thứ ba”, tức xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ông cho rằng có “ba cuộc chiến tranh Việt Nam”, chống Pháp, chống Mỹ và chống Trung Quốc.
Kisssinger ghi lại: Vào tháng 4-1979, hai tháng sau cuộc xâm lược chớp nhoáng của quân Trung Quốc vào Việt Nam, Hoa Quốc Phong, lúc đó là thủ tướng Trung Quốc, đã tổng kết “chiến tranh Việt Nam lần thứ ba” với một giọng điệu rõ là kiêu ngạo, nhằm cả vào Liên Xô: “Họ (Liên Xô) không dám động tay chân. Thế là cuối cùng chúng ta đã có thể sờ hông con hổ”.
Những điều ít người biết
Với tư cách người ngoài cuộc và là một nhà ngoại giao Mỹ, Henry Kissinger nhận định hành động đem quân vào Việt Nam của Trung Quốc là có ý đồ thách thức một hiệp ước phòng thủ chung được ký giữa Hà Nội và Matxcơva cách đó chưa đầy một tháng. Do vậy, việc “Liên Xô không dám động tay chân” có ý nghĩa rất lớn.
Ông viết: “Cuộc chiến đặc biệt tốn kém đối với lực lượng vũ trang Trung Quốc – vốn chưa được phục hồi hoàn toàn sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng hành động xâm lược đã đạt được hai mục tiêu căn bản của nó: Liên Xô không phản ứng nghĩa là họ đã bộc lộ sự hạn chế của mình trong khả năng vươn xa chiến lược. (…) Chiến tranh Việt Nam lần thứ ba cũng là đỉnh cao của hợp tác chiến lược Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh”.
Kissinger nhận thấy khi Việt Nam đương đầu với Trung Quốc, cả hai bên đều chịu một thách thức không hề nhỏ về địa chính trị và tâm lý, ấy là họ ở quá gần nhau và họ quá giống nhau. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đều quen thuộc với binh pháp Tôn Tử và họ đã từng áp dụng đáng kể các nguyên tắc của binh pháp này để chống Pháp và Mỹ” – Kisssinger viết. Đây có lẽ là một điều ít người phát hiện ra hoặc đề cập đến khi bàn về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Tháng 2-1976, Trung Quốc cắt đứt tất cả chương trình viện trợ cho Việt Nam. Việc này chỉ đẩy Việt Nam về phía Liên Xô hơn: Tháng 6-1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) của khối XHCN. Tháng 11-1978, Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó có cả các điều khoản về quân sự. Tháng 12-1978, quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Campuchia, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trước đó, một thời gian dài, lính Pol Pot đã không ngừng quấy phá Việt Nam. Suốt từ năm 1975, chính quyền Khmer Đỏ nhiều lần tấn công biên giới phía tây nam Việt Nam, tàn sát thường dân, đánh phá các cơ sở kinh tế và quân sự dọc biên giới. Tuy nhiên, điều này không được Kissinger nhắc tới trong cuốn sách của mình.
Nhìn vào cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, Kissinger nhận định: “Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của cộng sản (tức là các nước cộng sản – NV) cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc”.
Theo ông, mục tiêu của Trung Quốc là “giữ thế cân bằng chiến lược ở châu Á” và họ thực hiện chiến dịch quân sự của mình “với sự ủng hộ về tinh thần, ngoại giao và thông tin tình báo hợp tác từ Mỹ – “siêu cường đế quốc” mà Bắc Kinh giúp đuổi cổ khỏi Đông Dương năm năm về trước”.
Song Kissinger cũng tiết lộ một số chi tiết cho thấy thái độ của giới chức Mỹ không hoàn toàn ngả về Trung Quốc. Chẳng hạn, vào cuối tháng 2-1979, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Michael Blumenthal sang thăm Bắc Kinh đã kêu gọi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, vì lẽ Bắc Kinh đang “làm liều”. Đặng Tiểu Bình phản đối. Trao đổi với báo giới trước cuộc gặp với Michael Blumenthal, Đặng tỏ ra xem thường thái độ nước đôi và ông chế giễu “một số người nào đó” đang sợ chọc giận “Cuba của phương Đông” (ám chỉ Việt Nam).
Tinh thần dân tộc của người Việt
Trong On China, Henry Kissinger luôn nhắc tới Việt Nam với một thái độ ngưỡng mộ dành cho tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt. Dường như đối với ông, đó là đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách dân tộc Việt Nam.
Ông nhận định Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam nhiều trong kháng chiến chống Mỹ, một phần vì ý thức hệ, một phần là để đẩy các căn cứ quân sự của Mỹ ra xa khỏi biên giới Trung Quốc, càng xa càng tốt. Tháng 4-1968, Chu Ân Lai nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc bị bao vây chiến lược. “Phạm Văn Đồng đã đưa ra một câu trả lời mơ hồ – cái chính là bởi lẽ, ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc bị bao vây chưa bao giờ là mục tiêu của Việt Nam và các mục tiêu Việt Nam đặt ra thuần túy là những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa” – Kissinger viết.
Ông tường thuật lại cuộc đối thoại đó như sau:
Chu Ân Lai: Đã lâu rồi, Mỹ nửa bao vây Trung Quốc. Bây giờ Liên Xô cũng đang bao vây Trung Quốc. Vòng vây đang khép kín, chỉ còn trừ phần tiếp giáp với Việt Nam.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi hoàn toàn quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Chu Ân Lai: Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các đồng chí.
Phạm Văn Đồng: Việc chúng tôi chiến thắng sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với châu Á. Thắng lợi của chúng tôi sẽ mang đến những kết quả không thể dự tính trước.
Chu Ân Lai: Đồng chí nên nghĩ như vậy.
Điều thú vị là như Kissinger nhận định: “Mỹ thì chống miền Bắc Việt Nam, coi đó như mũi giáo xung kích của một liên minh Xô-Trung. Trung Quốc thì giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á. Cả hai đều nhầm. Hà Nội chỉ chiến đấu vì một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, chiến thắng vào năm 1975, sẽ là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”.
“Tổn thất to lớn cho Trung Quốc”
Kissinger trích dẫn cuộc đối thoại của ông với Đặng Tiểu Bình, một tháng sau khi Trung Quốc rút quân:
Đặng: Sau khi về nước (từ Mỹ), chúng tôi tiến hành chiến tranh ngay. Nhưng chúng tôi đã hỏi ý kiến Mỹ trước rồi. Tôi có nói chuyện với Tổng thống Carter và sau đấy ông ta trả lời rất hình thức và theo nghi thức. (…) Tôi bảo: Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề một cách độc lập và nếu có rủi ro gì thì Trung Quốc sẽ chịu một mình. Chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi tiến sâu hơn vào đất Việt Nam trong chiến dịch trừng phạt thì có khi còn tốt nữa.
Kissinger: Có thể.
Đặng: Là do quân lực của chúng tôi không đủ để đánh xuống tận Hà Nội thôi. Mà cũng không nên đi quá xa như thế.
Kissinger: Không nên, mọi chuyện có thể vượt ra ngoài khả năng tính toán.
Đặng: Phải, ông nói đúng. Nhưng chúng tôi đã đi sâu tới 30 km vào lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi chiếm được tất cả các điểm phòng thủ. Không còn một tuyến phòng thủ nào trên đường về Hà Nội.
Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979, với Henry Kissinger, là một dịp để thế giới chứng kiến tình yêu nước của nhân dân Việt Nam. Không chỉ thế, người ta còn thấy trong bản sắc dân tộc Việt Nam hai xu hướng gần như đối chọi nhưng lại song song tồn tại: một mặt, hấp thụ văn hóa Trung Quốc; mặt khác, chống lại ảnh hưởng chính trị và quân sự của Trung Quốc.
Ngày 5-3-1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân. Dù Hoa Quốc Phong và chính quyền Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng nhưng theo Henry Kissinger, đó là một cuộc chiến gây tổn thất to lớn cho Trung Quốc.
Ông viết: “Ảnh hưởng của việc chính trị hóa quân đội (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – PLA) trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa bộc lộ rõ ràng trong chiến dịch quân sự tấn công Việt Nam: trang thiết bị lạc hậu, hậu cần yếu kém, nhân lực thiếu, kỹ thuật kém linh hoạt. PLA tiến quân rất chậm và phải trả giá đắt. Theo thống kê của một số nhà phân tích, trong một tháng giao tranh với Việt Nam, số thiệt mạng của PLA ngang với số lính Mỹ bị giết trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam”.
Song cái mà Trung Quốc đạt được, theo Henry Kissinger, đó là cơ hội để họ hợp tác chặt chẽ với Mỹ hơn bất kỳ lúc nào khác trong Chiến tranh Lạnh. Ông cho rằng nếu không có sự hỗ trợ từ phía Mỹ, Trung Quốc sẽ không thể “sờ hông con hổ” (ám chỉ Liên Xô).
– Đoan Trang, Tổng thuật trên báo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh