Bắt Đầu Mỗi Ngày Bằng Nụ Cười Ngay Cả Tăm Tối Cũng Phải Tươi Rói – Orison Swett Marden

Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 – 01:45 pm

Cheerfulness as a Life Power hay Bắt đầu mỗi ngày bằng nụ cười, ngay cả tăm tối cũng phải tươi rói là những bài học và câu chuyện về cuộc sống tuyệt vời của một người lạc quan. Orison (1848 – 1924), được xem là một trong những tác giả truyền cảm hứng thời kỳ đầu tiên và xuất sắc nhất nước Mỹ cho rằng, chỉ có một tâm hồn luôn vui vẻ mới làm cỗ máy thân thể này luôn tươi trẻ và vận hành được tốt nhất. Có rất nhiều điều cần làm, vì vậy hãy biết cách bảo dưỡng để nâng cao năng suất cho cỗ máy làm việc của bạn bằng những nụ cười thật tươi

Review (2)

LO LẮNG CHẲNG BAO GIỜ GIÚP TA GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN
Lo lắng chính là một loại chất độc. Cùng với sự nản lòng, chúng là cặp đôi nguy hại nhất đối với thành công
Những ai thực sự biết sống sẽ không lãng phí năng lượng
….

..
.

Trong một cuộc phỏng vấn, bác sĩ Jacoby, một trong những bác sĩ não bộ hàng đầu của Mỹ đã cho rằng, “Lo lắng ảnh hưởng thế nào đến thân thể ta? Giống như bị súng bắn hay dao đâm, lo lắng có thể giết chết người ta trong âm thầm. Và dù không đến nhanh như cái chết vì súng bắn hay dao đâm, nhưng số người chết vì lo lắng còn nhiều hơn số đã bỏ mạng trên chiến trường.”

Ông nói, “Những năm gần đây, các nhà thần kinh học đã phát hiện ra một sự thật đáng quan tâm nhất, đấy là lo lắng có thể giết chết con người ta.” Đây là tuyên bố mới nhất của giới y khoa. Một nghiên cứu đặc biệt đã được thực hiện trên hàng trăm ca tử vong do các căn bệnh khác nhau tìm ra rằng nguyên do, xét đến cùng chính là lo lắng. Có thể giải thích đơn giản thế này, lo lắng gây nên những tổn thương không thể khắc phục ở các tế bào não. Nỗi lo lắng âm thầm hủy hoại đầu óc theo cách những giọt nước nhỏ liên tục rơi xuống đúng một điểm trên phiến đá. Giống như vậy, những suy nghĩ âu lo thường trực và liên tục, lặp đi lặp lại, sẽ hủy hoại các tế bào não. Một trí não lành mạnh có thể đối phó với nỗi lo lắng thỉnh thoảng nổi lên, nhưng không thể nào chống lại những suy nghĩ bất an lặp đi lặp lại.

Tác động của nỗi lo lắng lên não bộ có thể tưởng tượng giống như dùng một cái búa nhỏ liên tục đập vào một bộ não bị bóc trần, liên tục ngày này qua ngày khác, cho đến khi các màng bị dập nát và các chức năng bình thường bị hủy hoại.

Những ý nghĩ điên rồ không thể gạt bỏ, những nỗi ám ảnh không thể trục xuất nổi bằng nỗ lực của ý chí, chúng chính là những chiếc búa đập vào hệ thống các dây thần kinh nhạy cảm.

Theo thời gian những lo lắng lớn dần, cho đến khi nạn nhân của những nỗi lo đấy không thể vứt bỏ nó đi. Khi ấy, một tập hợp các tế bào đã bị ảnh hưởng. Bởi vì các tế nào thần kinh kết hợp với nhau bằng các sợi nhỏ, tế bào ở bộ phận này bị hủy hoại thì tế bào ở bộ phận kia cũng không thể vẹn nguyên.

“Lo lắng chính là một loại chất độc. Cùng với sự nản lòng, chúng là cặp đôi nguy hại nhất đối với thành công, hạnh phúc và cảm giác có ích của mỗi người. Để khắc phục, chúng ta phải tôi luyện một ý chí vững mạnh đủ khả năng gạt bỏ chúng đi và làm một hành động gì đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu mệt mỏi trong trí óc, tinh thần. Một tâm thế thanh thản là khắc tinh của nỗi lo lắng và, “Không buồn phiền” chính là bí mật quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe.

Sống trong lo lắng thường trực có khác nào việc đi lùi, quay trở lại sử dụng động cơ hơi nước thời đầu, loại động cơ mà đến giờ ta biết là nó làm lãng phí đến 90% lượng than đá đã đốt, thay vì dùng một máy phát điện tận dụng được 90% lượng nhiên liệu.

Cũng như vậy, nhiều người lãng phí năng lượng của họ vào việc ủ ê, chán nản, chìm trong những lo lắng vô ích, tự mắng chửi bản thân, phàn nàn về thời tiết và bất cứ thứ gì xung quanh. Còn những người tích cực, họ dành toàn bộ năng lượng của mình cho những việc làm đúng đắn. Những ai thực sự biết sống sẽ không lãng phí năng lượng cho những xô xát, mâu thuẫn, bởi chúng chẳng ích gì mà chỉ hủy hoại cuộc sống của ta.

Hãy loại chúng khỏi cuộc sống của bạn trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, đừng mang trong mình một người đàn ông nóng nảy hay một phụ nữ lo lắng.

Một người phụ nữ nói rằng, “Sáng nay, tôi đã vô cùng lo lắng. Rõ ràng đã có chuyện gì đó khiến tôi rất lo lắng, nhưng giờ tôi không thể nhớ nổi nữa.”

Một nữ minh tinh từng nói: “Lo lắng là kẻ thù của nhan sắc và là kẻ thù của sức khỏe.”

Một người mẹ nói, “Nhưng chẳng phải sẽ là vô tâm nếu tôi không lo lắng cho con mình hay sao?”

Thật ra, phụ nữ nuôi những rắc rối của họ, như những đứa con mình. “Rắc rối sẽ càng lớn hơn khi ta nuôi dưỡng nó.”

Một chàng Hiệp sĩ đã mang theo một cái bẫy chuột, vì sợ rằng anh ta sẽ gặp rắc rối với những con chuột trên hành trình của mình. Nỗi lo đấy thực chất không khác gì việc mong chờ những gánh nặng đè lên đời mình.

Một cô nàng âu sầu nói rằng, “Có những người đau buồn trước cả khi một điều gì không hay xảy ra. Họ đã làm một việc thừa.”

Một người đàn ông đã nói trong cơn hấp hối rằng “Các con ngoan, trong suốt cuộc đời mình ta đã lo lắng về rất nhiều rắc rối, mà hầu hết trong số chúng không bao giờ xảy ra.” Một doanh nhân nổi tiếng nói rằng cha ông đã lo lắng suốt 25 năm về một bất hạnh được đoán trước, và cho đến khi ông qua đời thì nó vẫn chưa xảy ra.

Chúng ta cứ muốn chạy theo nhiều thứ cùng một lúc, sống cùng lúc nhiều cuộc đời mà quên mất rằng ta chỉ phải sống ngay ở hiện tại. Cuộc sống này là một bức tranh ghép lại từ nhiều mảnh, hãy cứ kiên nhẫn, bắt đầu từ một mảnh ghép, rồi thêm một mảnh, lại thêm một mảnh nữa.

Một chiếc đồng hồ sẽ không còn là đồng hồ nếu nó thông báo thời gian của một năm tới chứ không phải hiện tại. Chúng ta lo lắng đến bạc đầu không phải vì những rắc rối phải đối mặt ngay hôm nay mà là những gì được dự báo sẽ xảy ra vào ngày mai, tuần tới hay năm sau. Nỗi lo đấy chẳng khác nào chiến đấu với không khí vì ta chẳng thể làm được gì, chỉ có thể chìm trong bế tắc quẩn quanh.

Một nhân viên mẫn cán nói rằng, “Đừng lo quá xa. Người ta cứ mải ngồi tưởng tượng rằng năm sau sẽ phải sống thế nào mà trông chừng ngọn lửa đang sưởi ấm cho mình, kết cục họ để nó tắt mất và phải chết vì lạnh giá ngay trong ngôi nhà của mình.”

Sự mệt mỏi trong tinh thần hiếm khi nảy sinh do những sự cố bạn đang phải đối mặt, mà vì lo lắng về những khó khăn trong tương lai. Những người mải nhìn về phía trước, tưởng tượng đến những khó khăn dường như quá sức, cuối cùng sẽ tự làm mình kiệt lực. Hãy sống trong hôm nay thôi, hãy làm điều cần thiết ngay lúc này. Quá khứ dù cho có khó khăn, lầm lẫn, có bao điều khiến bạn hối hận, nhưng nó đã kết thúc rồi.

Sao không làm một phép hoán đổi?

Đơn giản thôi. Thay vì lo cho một tương lai gian khó, hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận những tin vui, những phước lành đến không báo trước.

Thế giới này là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính bạn – “Cau có với nó, nó sẽ khó chịu với bạn, cười với nó, ta sẽ có một người bạn đồng hành vui vẻ.”

Chúc bạn một ngày an bình và vững mạnh!

– Thanh Bình

BẮT ĐẦU MỖI NGÀY BẰNG NỤ CƯỜI NGAY CẢ TĂM TỐI CŨNG PHẢI TƯƠI RÓI

Thật lòng, lúc đầu tôi mua em nó vì tôi thấy có màu đo đỏ nho nhỏ lấp ló chữ OOPSY. Mua xong rồi mới biết sách dịch, và bạn Thanh Bình (cái người được ghi trên bìa sách) là 1 tác giả của OOPSY chứ đây không phải sách OOPSY, tác giả Thanh Bình. Hé!

Hãy trở lại với cuốn sách!

Điều làm tôi bất ngờ hơn cả, cách viết, lối hành văn của cuốn sách đã có từng những năm 18xx. Gập sách lại tự nhiên cũng có chút ngẫm suy! Trong khi ở cái xứ Mỹ Lợi Kiên (美利堅 – ý chỉ về nước Mỹ, mượn từ trong Đại nam thực lục chính biên) đã có sách truyền cảm hứng thì nước ta vẫn đang trong giai đoạn rối ren chính trị, vừa mới qua thôi cái nôi nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn loạn đấu, rồi đến cả nhà Nguyễn, lúc này cũng mới trị vì chưa quá 4 đời (vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị,Tự Đức) thì lại bế quan tỏa cảng, đói nghèo liên miên, nông dân nhiều miền khởi nghĩa, rồi lại thêm một hai đời vua nữa, Đại Nam chính thức có nước “Mẹ đẻ” Pháp “vĩ đại bảo hộ. Đúng là cùng một thời điểm, mỗi bên mỗi khác!

Đấy là khi sách này đã ra đời thì xứ Nam ta đang như vậy, còn ở bên Tây Bán Cầu, bối cảnh một đất nước tư bản phương Tây đang trong thời dậy thì phát triển, nhịp sống “cách mạng công nghiêp” lần thứ nhất khiến mọi thứ trở nên điên rồ, hối hả, khí thế hơn cả. Đây chính là những mốc nền móng để hình thành những đô thị, phân tầng địa vị con người, các guồng máy công quyền, quy hoạch, quy trình sau này. Ở thế kỷ 19, những thị dân chân chính sống ngày ngày trong một guồng quay thần tốc, họ chứng kiến mọi thứ trở nên hiện đại hơn, nhưng ngay trong lúc “vật hình biến hóa”, có những triết học gia và cả những con người sống trong đó dần dần nhận ra họ dễ cô đơn, buồn chán, mệt mỏi, bế tắc tới nhường nào. Phố xá hoa lệ nhưng sao lòng phiền muộn, mênh mang ?!. Họ lẳng lặng, chán chường, lang thang. Họ khát khao tìm được nụ cười, niềm vui, sự tích cực, ý nghĩa sống trong chính cuộc đời. Căn bệnh tâm lý này bao giờ mới có thể nguôi ngoai trong họ ?! Ám ảnh, băn khoăn, trăn trở… có thể khiến trở nên đau khổ hơn bao giờ hết!

Thật đúng thời điểm, chính xác hơn: RẤT HAY và ĐÚNG LÚC, cuộc đời họ có sách của Orison Swett Marden.
Tôi nghĩ nếu trong hoàn cảnh vừa kể trên họ có thể cầm được trên tay cuốn sách như tôi đang cầm, họ hẳn sẽ đọc ngấu nghiến và rồi sau đấy lại chầm chậm đọc lại từng chương một. Mỗi một chương đều đáng để suy ngẫm bởi bài học tuy dung dị nhưng rất sâu cay và hay hơn cả là nó dễ nhớ dễ để thuộc lòng. Câu chuyện bao giờ cũng dễ chạm tới trái tim. Minh triết bao giờ cũng khiến người ta thấy mình trong đó!
Ai lại không mong muốn mình có cuộc sống sung túc cùng nụ cười tích cực cơ chứ

Bảy chương chính của cuốn cách cùng hơn 15 câu chuyện chính là hành trình để tìm tới “lạc quan” và “chữa bệnh” cho những người Mỹ. Biết đâu chính bạn lại thấy bóng dáng của mình trong người Mỹ đấy như cách tôi thấy liền lạc kết nối giữa không gian Việt Nam hiện đại với Mỹ Quốc thời công nghiệp lần thứ nhất!

Gấp sách lại, tôi chỉ muốn nói 2 điều

1- Tôi nhớ tên bạn rồi đó, Thanh Bình. Sách bạn dịch rất hay.
2- Một cuốn sách Tuyệt vời! Vô cùng ấn tượng.

P.s: nghĩ tới Việt Nam thời 4.0, ABCD-i (AI, Blockchain, Cloud, Data Analytics n IoT), tôi thấy thời điểm có thể đã qua nhưng tâm lý đô thị giữa những người Mỹ đầu thế 19 khi mới hình thành đô thị và tôi của thế kỷ 21 vẫn còn nhiều điểm tương đồng lắm. Mong rằng cuốn sách sẽ giúp tôi giúp bạn được chữa lành, tìm thấy nụ cười trên môi và hạnh phúc mỗi tối, có thể đắp chăn lên và biết rằng mình.

– Minh Vương (Hội Yêu Sách)

Trích dẫn

“Năm 1893, một khách sạn ở Nebraska nước Mỹ đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Người chủ khách sạn may mắn thoát chết, nhưng 5000 trang bản thảo, thành quả của tất cả số thời gian rảnh rỗi ít ỏi mà ông dành dụm trong suốt 15 năm đã tan thành tro bụi. Không có thời gian để suy sụp trước mất mát quá lớn đó, ngay khi tàn tích của khách sạn vẫn còn đang bốc khói, người đàn ông không may đã chạy đi mua một cuốn sổ tay 25 xu và bắt đầu ngồi viết lại những gì ông còn nhớ được từ tập bản thảo đã mất. Một con người kiên trì, sắt đá đến vậy hẳn nhiên phải là một tác giả thành công. Ông chính là Orison Swett Marden, tác giả truyền cảm hứng nổi tiếng người Mỹ với hàng chục bản thảo truyền động lực cho hàng triệu thanh niên Mỹ nhiều thế hệ”.

“Sự mệt mỏi trong tinh thần hiếm khi nảy sinh do những sự cố bạn đang phải đối mặt mà vì lo lắng về những khó khăn trong tương lai. Những người mải nhìn về phía trước, tưởng tượng đến những khó khăn dường như quá sức, cuối cùng sẽ tự làm mình kiệt lực. Hãy sống trong hôm nay thôi, hãy làm điều cần thiết ngay lúc này. Quá khứ dù có khó khăn, lầm lẫn, có bao điền khiến bạn hối hận, nhưng nó đã kết thúc rồi”