Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu – Ken Kesey

Bay trên tổ chim cúc cu – One Flew Over The Cuckoo’s Nest cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ Ken Kesey trình làng năm 1962 và làm dậy sóng văn đàn Mỹ. Câu chuyện về cuộc nổi loạn của những bệnh nhân tâm thần nhanh chóng trở thành hiện tượng thu hút sự chú ý của cả xã hội trong đó có các nhà làm phim. McMurphy, kẻ điên với mái tóc đỏ hung trở thành toán trưởng của cả viện tâm thần và làm đảo lộn mọi trật tự, quy tắc cứng ngắc của bệnh viện. Hắn ta được gửi đến viện vì hắn muốn trốn trại cải tạo. Và những ngày ở viện, hắn sống với tất cả sự chân thực, như chính con người hắn.

Review (2)

_ “QUY LUẬT TỒN TẠI CỦA CHÚNG TA LÀ KẺ MẠNH CÀNG MẠNH THÊM, ĂN TƯƠI NUỐT SỐNG KẺ YẾU.”_

“Bay trên tổ chim cúc cu” có lẽ là một trong những tác phẩm kỳ lạ nhất mình từng đọc. Không gian của câu chuyện, không phải ở ngôi nhà hay xóm nhỏ nào, mà lại là trong một viện thương điên.

Nhân vật kể chuyện là “Thủ lĩnh”, một người da đỏ giả vờ câm điếc. Thật lạ lùng khi rất nhiều người muốn thẳng lưng sống hiên ngang khỏe mạnh, ông thì lại co rúm người lại dưới lốt nhỏ bé và tỏ ra vô hại bằng bệnh tật. Nhưng điều lạ lùng này lại là điều bình thường ở trong bệnh viện này. Tất cả các con bệnh, từ Cấp tính đến Kinh niên, đều sống “trong một lớp sương mù” để che giấu bản thân mình bởi vì mụ Y tá Trưởng – nhân vật theo phe Ác nổi bật xuyên suốt câu chuyện.

Cuộc sống trong bệnh viện tiếp diễn như một guồng máy cũ kĩ và đều đặn cho đến khi có sự xuất hiện của McMurphy. Ngoại hình của hắn không phải là tuýp Thiện điển hình – tóc dài đỏ, bù xu, cằm vai ngực và cả nụ cười đều rộng; mặt có một vết sẹo chạy dài. Dù vậy, hắn khác biệt: McMurphy mang đến cảm giác sống so với những bệnh nhân chỉ lờ lững tồn tại ở nơi này. Từ những ngày đầu tiên, nụ cười, cách cư xử của hắn đã đem đến luồng không khí khác biệt cho phòng bệnh, và thực tế đã chứng minh sự thay đổi này không chỉ dừng ở một hai ngày đầu.

Lần đầu tiên McMurphy tham gia Họp nhóm, chứng kiến mọi người cùng nhau xâu xé các vấn đề của Harding – một gã bệnh nhân đẹp đẽ, mảnh khảnh với tính tình dễ kích động – hệt như một bầy kền kền giành nhau một chiến lợi phẩm. Từ đó, McMurphy mới nhận ra những vấn đề của xã hội bé nhỏ trong bốn bức tường trắng của bệnh viện, và cũng từ đó, hắn bắt đầu công cuộc thay đổi mọi thứ.

McMurphy không phải là một nhân vật chính diện tốt nhất ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm văn học: hắn không đẹp trai, cư xử không lịch thiệp, không có học thức cao. Nhưng ở hắn, có nhiều điểm khiến ta phải ngưỡng mộ. Hắn sống hết mình, sống thật, không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì. McMurphy đặt ra những yêu cầu tưởng chừng đơn giản trong thế giới bình thường: phòng chơi bài, đổi giờ xem tivi…; vậy mà ở đây là cả một cuộc chiến. Dần dần hắn nhận được phần thắng, nhiều người ủng hộ hắn hơn.

Tuy vậy, hắn cũng chỉ là một người bình thường. Đã có lúc McMurphy chùn bước khi nhận ra thời gian ở lại bệnh viện này của hắn được quyết định bởi chính Y tá trưởng mà hắn vẫn chống đối. Đã có lúc như thế. Cuối cùng, hắn vẫn tiếp tục đứng dậy và tiếp tục trận đánh.

Cả một câu chuyện như một cuộc cách mạng với nhiều trận chiến lớn nhỏ. Một cuộc chiến không có điểm dừng, chỉ có thể kết thúc khi một trong hai bên không thể tiếp tục chiến đấu. Xã hội ở nơi này, tưởng chừng điên khùng nhưng lại rất bình thường, hay nói đúng hơn, xã hội mà chúng ta đang nghĩ là bình thường, vốn thật ra rất điên khùng. Chúng ta chôn vùi mình trong đám sương mù, tạo ra một lớp vỏ bọc thật an toàn rồi nằm yên trong đó. Chúng ta im lặng chấp nhận điều mình ghét. Chúng ta hèn nhát tước đi niềm vui của bản thân vì không dám nở nụ cười. Vâng, chính là con người chúng ta.

Tác giả không viết truyện cổ tích, người tốt không phải lúc nào cũng hưởng hạnh phúc, hay kẻ xấu sẽ bị trừng trị thích đáng. Xã hội thực tế không dễ dàng như vậy. Nhưng có lẽ, điều tác giả muốn nói cũng chính là điều McMurphy đã nói với những bệnh nhân ở đây: “Nhưng tao đã thử. Quỷ tha ma bắt, ít nhất tao cũng đã thử, không phải sao?”.

Làm chưa chắc đã thành công. Nhưng không thử nghĩa là đã thất bại rồi.

P/s: mình có thử tìm hiểu về ý nghĩa của tựa truyện thì đọc được một lời giải thích, “Bay trên tổ chim cúc cu”, bản gốc là “One Flew Over the Cuckoo’s Nest” được lấy từ bài đồng dao về ba con ngỗng rời bầy như thế này “one flew east, one flew west, one flew over the cuckoo’s nest”. Từ lóng của cuckoo còn có nghĩa là kẻ điên. Đây có thể là phép ẩn dụ cho bệnh viện thương điên – bối cảnh của truyện.

– Gặm Sách

Thuở nhỏ, sách với tôi chỉ đơn thuần là những quyển truyện cổ tích nhỏ xíu cầm vừa trên tay. Ngày đến trường, sách cùng tôi là những vùng tri thức mênh mông không giới hạn, là những trang đời dẫu hữu hạn vẫn mãnh liệt và rực rỡ biết bao. Bạn sẽ không biết quyền năng của sách chính xác là gì đâu, cho đến khi tâm hồn bạn thực sự thấm nhuần cái thế giới tuyệt diệu mà nó tạo nên.

“Bay trên tổ chim cúc cu”, một kiệt tác văn chương có mặt trong những cuốn sách vĩ đại nhất thế kỉ hai mươi, và cũng chính là quyển sách không thôi nhắc tôi nhớ về sức mạnh của sự phá vỡ tất cả các giới hạn.

Tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, tỉnh táo và điên loạn, Mc Murphy xuất hiện giữa những lằn ranh nghiệt ngã ấy trong một nhà thương điên, để rồi lật tung mọi trật tự hiện hình, tạo ra những mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, nhắc học nhớ về cá tính, về những kẻ đã-từng-là-mình. Và Mc Murphy đã chết, chết dữ dội như cách hắn sống vì chính cuộc đời mình.

Gấp trang sách cuối cùng lại, ngây ngất trong tôi không phải là cái chết kia, mà chính là những khoảnh khắc dẫu điên cuồng, nổi loạn, Mc Murphy vẫn sẵn sàng sống là mình một cách thành thực. Giữa thế giới mà ai cũng muốn trở thành kẻ khác, là hắn điên hay những người khác điên?

Không triết lý, sáo mòn. Một chút hư cấu, một chút điên loạn, một chút lặng thầm. “Bay trên tổ chim cúc cu” không vạch nên những giới hạn bó hẹp. Nó chỉ đặt ra những câu hỏi buộc con người ta tự truy vấn chính mình…

Đã khi nào… Đã khi nào, bạn sẵn sàng sống đúng nghĩa với bản thân, dẫu chỉ là những khoảnh khắc điên rồ nhất?

Và những câu hỏi ấy, rộng mở hơn bất kì một câu trả lời cặn kẽ nào…

“Nhốt lấy bầy gà non. Đàn ngỗng có ba con. Ba con bay ba hướng. Có con bay về nhà. Có con thì bay ra. Còn một con bay qua. Tổ cúc cu và hót.”

“Chủ nghĩa hiện thực đầy sức mạnh và đậm chất thơ … đã biến chủ đề cũ kĩ về cuộc sống trong một nhà thương điên thành một phiên bản thu nhỏ hấp dẫn của xã hội loài người.” – Life.

– Thái Phương