Becoming Chất Michelle – Michelle Obama

Mỗi chúng ta đều là tổng hợp của những hoàn cảnh xảy ra trong đời. Và cũng như vậy, hành trình nào làm nên cô gái Michelle vui tính, ấm áp của ngày hôm qua và người phụ nữ thông minh, thành công và thực tế của ngày hôm nay; cũng như hành trình mà chúng ta sẽ đối diện với câu hỏi thường trực lớn nhất trong cuộc đời mình: Chúng ta là ai, và chúng ta muốn trở thành ai? Hãy để Becoming – Chất Michelle lý giải cho bạn biết điều này!

Review Becoming Chất Michelle (2)

HỌC MICHELLE ĐỂ LÀM…GÁI KHÔN

Gái Michelle, vốn sinh trưởng trong một gia đình cực thích hợp để tu luyện thành …gái khôn.

Cả gia đình suốt ngày sống trong âm thanh Lục chỉ cầm ma của bọn học trò tầng dưới, gái luyện đến mức quen tai luôn rồi. Cha gái ngoài giờ đi làm kiếm cơm, luôn hướng con cái đến chân thiện mỹ. Mẹ gái lại thực tế, là một “cao thủ võ lâm”, trải khắp giang hồ ko vực nào ko lọt nên gom đủ bí kíp, nào là Vén Khéo Tâm Kinh, Yêu Bếp Đại Pháp, Nghiện Nhà Thập Bát Chưởng, Lối Sống Tối Giản Chân Kinh bla bla…bà lại đặc biệt am hiểu Thuật Dạy Con Tâm pháp và thực hành luôn lên anh em gái, thật là ác lắm thay.

Nhà gái vốn đã như cái chợ, ba mẹ gái lại còn khuyến khích gái và anh trai làm cho nó càng như cái chợ càng tốt, ngày nào cũng đóng kịch, tranh luận. Ở nhà thì phải như…chợ xổm, ở trường thì như…chợ Bến Thành. Cho nên mọi vấn đề gái quen lật lên lật xuống lật xuôi lật ngược như mấy bà đi chợ lật mớ rau con cá, tới khi bị chửi thì gái…chửi lại, tới thắng thì thôi, cứ thế, cứ thế hình thành tính cách gái hiếu thắng từ bao giờ…

Trước năm lớp 1, bà mẹ chơi ác, dạy gái học trước một ít. Vô lớp 1, bài nào gái cũng biết, cho nên gái đương nhiên giỏi nhất lớp, thầy cô bạn bè nể nang làm gái nở mũi, rồi bà mẹ kệ, không dạy nữa, thế là gái phải ngậm ngùi ráng è cổ ra học để giữ mãi vị trí nhất lớp, không thôi tụt xuống hạng nhì thì nó… nhụt. Vốn hiếu thắng, chịu gì thì chịu chớ tụt hạng thì gái không chịu nổi. Cứ thế thành ra gái học giỏi nhất lớp suốt thời niên thiếu.

Mà mẹ gái chỉ có ác thêm chứ ko có ác nhất. Lớn tí nữa, anh em gái bắt đầu có thêm nhiều vấn đề cần giải quyết, hỏi mẹ, cái nhận được chỉ là cái nhún vai “Con nghĩ đi. Mẹ không biết”. Vậy đó. Thế là gái quen tự giải quyết mọi việc. Có biết đâu, qua mỗi lần như thế, gái dần trưởng thành, vững vàng thêm lên một tí.

Còn chuyện trai gái nữa. Mẹ nhà người ta thì lo lắng khi con cái có bạn trai. Còn cha mẹ gái thì ko đâu. Đã thế còn tạo không gian riêng tư cho “đôi trẻ” nữa cơ. Chịu nổi không chứ. Dĩ nhiên cũng như mọi vấn đề khác, tình dục và tình yêu cũng đã được mang ra phân tích mổ xẻ nát nước trong “phiên chợ” nhà gái đến chả còn gì để nói. Cho nên cha mẹ gần như tin tưởng tuyệt đối gái. Gái có quyền chọn lựa và yêu đương thoải con gà mái, đến nỗi hết tuổi niên thiếu thì bên cạnh chuyện học ra, gái cũng rành tụi con trai sáu câu luôn. Anh chàng nào đàng hoàng, anh chàng nào lăng nhăng, chỉ cần liếc qua là gái xác định được luôn.

Sinh trưởng trong gia đình như thế, trách sao khi cầm trong tay tấm bằng tiến sỹ luật danh giá từ Harvard thì gái nhận ra mình vô tròng từ thuở…lọt lòng rồi.

Mà nhờ thế gái bây giờ đã là nàng Michelle giỏi giang thông minh, tự tin, có đủ học vấn và sự độc lập để sẵn sàng bước vào tòa lâu đài rồi.

Tòa lâu đài đó sẽ là nơi giúp cho nàng gặp được hoàng tử của đời mình, chứ ở đoạn sau của hồi ký thì Michelle đã xác định nàng không thích hợp làm việc tại công ty luật cao cấp Sidley & Austin danh tiếng này.
…………..
Thế là gái khôn Michelle đã có môi trường thuận lợi để gặp những người đàn ông ưu tú. Và người nàng chọn chính là người ưu tú của ưu tú- Barack Obama, lúc này vẫn còn đang là 1 thực tập sinh.

Mọi người vẫn hay nói rằng chuyện giữa Obama và Michelle là ngôn tình. Nhưng mà ngôn tình gì chứ. Mọi người đọc kỹ lại mà xem. Obama ngày đó thường xuyên trễ hẹn và lại hay hút thuốc trước mặt Michelle. Vậy là từ đầu chàng có coi trọng mối quan hệ này đâu. Theo tôi, mối quan hệ này là do gái khôn Michelle dẫn dắt tốt mà nên, và phần 2 của cuốn hồi ký không phải là ngôn tình, mà chính xác là 1 cuốn self help mang tên LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ANH CHÀNG MÀ BẠN THÍCH NGỎ LỜI TỎ TÌNH VỚI BẠN.

Để xem chính xác gái khôn Michelle đã làm những điều đó như thế nào nhé.

Đầu tiên, hãy làm bạn với chàng: Cái này dễ. Đừng quên công ty luật mà 2 người đang làm là 1 công ty cao cấp. Và chế độ công ty chi trả cho nhân viên là cực kỳ cao. Đầu tiên nàng vờ dựa vào mối quan hệ đồng nghiệp, “Anh ơi, em…ăn mì gói nóng quá nổi mụn hết cả rồi, hay là mình đi team building 2 người ở nhà hàng 5 sao đi, hóa đơn công ty trả mà, lo gì”. Chà, còn gì hợp lý hơn, ăn chùa mà, chàng có mà thần kinh mới từ chối ấy. Trong hồi ký thì cứ mỗi tuần 2 lần họ cứ nhà hàng 5 sao thẳng tiến. (Có khi nào đọc xong hồi ký này dân tình thi nhau xin vào công ty này làm không ta) Quay trở lại bữa ăn của 2 nhân vật chính nhé, chả lẽ hùng hục ăn mà ko nói câu nào thì cũng kỳ, dù gì cũng đều là luật sư, cái gì thiếu chứ mồm mép tép nhảy nhất định không thua ai, nhất là lại có người đẹp, rượu vang xịn, nhạc nhẹ dìu dịu, tâm tình lên cao, thế là Obama nhà ta có bao nhiêu tâm sự phun ra lai láng hết cả, nào là thích gì ghét gì, rồi có ai chưa, chưa có hả, đây… em làm mai cho. Rồi…xong…, chàng thật cảm kích, có ngờ đâu, làm mai là cái bẫy tiếp theo nàng giăng ra đấy. Mấy anh chị em để ý coi, thường bà mai hay hớt luôn cái đứa được làm mai lắm nha. Vì sao ư? Thì cứ nhìn Michelle mà xem. Làm mai thì phải làm cho có tâm vào. Ví dụ zai thích bơi lội thì chọn đứa bạn cuồng…cưỡi ngựa để làm mai cho zai, zai dị ứng lông mèo thì chọn đứa cuồng…mèo để giới thiệu cho chàng, zai sợ độ cao thì, oh, chọn ngay đứa bạn cuồng…leo núi, vại đi. Cỡ 3 lần thôi là zai ngán ngẩm thỏ thẻ “anh chỉ hợp với em thôi” liền. Mà lúc đó cũng phải ráng giả vờ bình tĩnh như Michelle chớ đừng có mà vui quá nhảy cỡn lên thì có mà công cốc.

Khẩu quyết truyền đời của Ái tình tổ sư là gì các tình yêu có nhớ không nhỉ? “Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” Hậu thế dựa vào có tám chữ này viết ra bảy bảy bốn chín quyển sách bán kiếm tiền, thiên hạ đọc xong tấm tắc khen hay rồi…quên luôn, chớ thật ra chung quy cũng chỉ có tám chữ thôi hà (không tin mai mốt tôi dựa vào 8 chữ này viết ra…8 quyển để chứng minh cho mọi người coi kakaka). Gái khôn Michelle khắc cốt ghi tâm 8 chữ vàng này, nào có dám quên, dù lời yêu chàng đã ngỏ nhưng nàng vẫn làm ngơ, nàng vẫn …chạy, có điều nàng chạy từ từ, vừa chạy vừa la, ớ, đừng có đuổi theo nha, đừng có đuổi theo nha, để chi? để cho chàng biết hướng mà đuổi theo cho đúng chớ chi. Obama tội nghiệp ngày đêm vò đầu bức tóc nghĩ mãi sao điều kiện mình tốt thế, phù hợp với cô ấy thế mà cô ấy vẫn không đồng ý yêu mình. Mà khổ, đối với những người thông minh như Obama thì cái mà họ càng không hiểu thì càng suy nghĩ, nghĩ mãi nó ăn sâu vào não và thành chấp niệm khiến họ không buông được, thành tình yêu sâu đậm khiến họ trọn đời khó quên. Lúc này, khi thấy con mồi chỉ còn thoi thóp, Michelle mới nhẹ nhàng gật đầu. Ôi thương thay Obama, con thú bị săn mà cứ tưởng mình là người thợ săn thành công. Poor him

Ngày xưa, hoàng tử và công chúa cưới nhau và họ sống hạnh phúc suốt đời.
Ngày nay, hai người cưới nhau và họ chưa chắc sống hạnh phúc suốt đời.
Nhưng gái khôn thì sẽ khôn suốt đời.

Gái khôn Michelle biết chồng mình thích đọc sách, bèn dọn cho chồng mình một cái ổ toàn là sách, để anh làm chủ không gian đó, còn mình…. làm chủ toàn bộ không gian còn lại trong nhà.

Gái khôn Michelle khi thấy hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt sẽ lập tức nhờ bác sĩ trị liệu tâm lý, đôi khi bác sĩ chẳng cần làm gì, nhưng Obama ngại phiền phức, sẽ lập tức đồng ý tất cả những yêu cầu của nàng, rồi hôn nhân tự nhiên hết rạn thôi.

Gái khôn Michelle dù muốn bình yên nhưng không cản bước chồng, vận dụng mọi tài năng thuyết trình, quan hệ công chúng, để…chuông reo là bắn, giúp chồng thắng cử tổng thống, còn mình vinh quang làm đệ nhất phu nhân bên cạnh Tổng thống.
………………
“Chị Michelle ở bên Tây
Mà sao em thấy rất là Việt Nam”

Cuốn sách viết về 1 phụ nữ Mỹ gốc Phi ở bên kia thế giới nhưng lại gần gũi lạ kỳ với cuộc sống của phụ nữ Việt Nam.

Những gì Michelle trải qua là những giai đoạn mà phụ nữ VN trải qua trong đời: Học hành, hẹn hò, lấy chồng sinh con, những băn khoăn, quyết định về việc lựa chọn lùi về sau hay phấn đấu cho sự nghiệp.

Tiếc cho phụ nữ VN không có được nền tảng giáo dục từ gia đình vững chắc như Michelle từng có, nhưng những bài học từ Hồi ký Michelle thì vẫn luôn có thể hữu ích cho mọi phụ nữ trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

– Thien Van

Vô tình nhìn thấy quyển hồi ký Becoming của Michelle Obama, rồi nhất định phải đọc cho được quyển này. Và rồi cảm thấy không hề hối tiếc với quyết định này.

Bắt đầu câu chuyện là tôi được hiểu về cách giáo dục của gia đình dành cho cô bé Michelle, cô bé có cá tính, tự tin ngay từ khi còn bé nhưng điều tôi khâm phục là cô bé có thể để ý đến cảm xúc của mọi người xung quanh mình. Và đặc biệt mẹ của Michelle đã đưa ra lời khuyên: “Con không cần phải thích giáo viên của con”, “nhưng cô giáo đó có những kiến thức toán học mà con cần. Hãy tập trung vào chuyện đó và bỏ qua những chuyện râu ria khác”. Ngoài ra, câu chuyện về phím gãy của chiếc đàn piano mà cô bé đã thể hiện tài năng ngay tại nhà của người bà nhưng đến khi biểu diễn thì chiếc đàn khác hẵn, một chiếc đàn bóng bẩy, nguyên vẹn làm cô bé khựng lại, nhưng bàn tay của bà định hình cho cô bé biết nốt nào là phím gãy ở nhà và thế là cô bé hoàn thành bài biểu diễn của mình. Đến khi học trung tiểu học cô nàng vẫn là một học sinh gương mẫu, chăm chỉ và cô kết bạn với nhiều bạn, họ cùng chia sẽ, trao đổi các chuyện học hành, ngoài ra những thiếu nữ còn có hội bạn thân hay bàn về những câu chuyện ngoài lề hoặc là những chàng trai. Cho đến một ngày cô vào đại học và quen biết Barack Obama, cô thấy điểm tương đồng về làn da và ý chí, cô thấy có sự gần gũi và sức hút của chàng trai này, may mắn một thời gian hai người cùng chung một nơi làm việc và cuối cùng họ tiến đến một cuộc hôn nhân. Trước khi có con thì chính câu nói này giúp cô vững tin hơn trong công việc: Hãy lo kiếm tiền trước và lo lắng về niềm vui trong công việc sau. Sau đó họ có con gái đầu lòng Malia, và rồi nghĩ về việc đi làm khiến cho Michelle Obama gặp khó khăn vì phần công việc chiếm trọn thời gian cô chăm sóc con bé, và cô quyết định làm việc bán thời gian. Tiếp tục họ có với nhau đứa con gái thứ hai Sasha và rồi quyết định quan trọng của Barack Obama cũng đến, anh quyết định tham gia cuộc tổng tuyển cử cho cương vị Tổng thống, lần đần trong cuộc tổng tuyển cử này có thành viên là người da màu, và cũng lần đầu Barack Obama cùng vợ và các cộng sự của mình chiến đấu suốt mấy tháng trời, chong vong khắp nơi, trưng cầu ý kiến và kêu gọi tất cả mọi người kể cả những ai chưa bao giờ bỏ phiếu khi tham bầu cử và cứ như thế ngọn lửa nhiệt huyết này cũng đã chứng minh cho câu châm ngôn cũ xưa của người da màu: Để tiến xa hơn nữa, bạn phải giỏi gấp đôi, giúp họ trở thành gia đình Mỹ gốc Phi đầu tiên vào nhà trắng. Đến lúc nhậm chức, điều quan trọng mà Michelle nghĩ đến không phải là mình sẽ thể hiện là một đệ nhất phu nhân như thế nào mà quan trọng là chiếc mũ mua vội cho cô con gái thứ hai Sasha có sụp xuống và che mặt hay không, và chính điều này cho tôi ngưỡng mộ một bà mẹ chính trị nhưng vô cùng ấm áp. Và rồi cứ thế 4 năm trôi qua và biến cố về sự mất mát người bạn thân và rồi cảm tưởng rằng khi bạn sống hết mình vì điều mình muốn thì khi đó bạn là niềm hãnh diện của mọi người và bạn sẽ luôn là niềm kiêu hãnh khi họ nhắc đến bạn. Tiếp tục cuộc hành trình sau 4 năm là cuộc chạy đua lần thứ 2 trong cuộc tổng tuyển cử, lần này nghẹt thở hơn và quyết liệt hơn, giây phút hồi hộp chờ đợi kết quả vì không biết số phiếu bầu ở những ban khác nhau thì tỉ lệ như thế nào, họ cùng nắm chặt tay và cầu nguyện, và rồi một lần nữa sự vỡ òa của cả một dòng người dài hàng km đến quãng trường nơi mà Barack Obama đọc tuyên thệ nhậm chức, trong suốt quá trình là đệ nhất phu nhân bà luôn coi trọng việc dạy dỗ con cái, gắn kết chúng với mọi người xung quanh, và quan trọng hơn bà là hậu phương vững chắc cho Barack Obama. Điều ưng ý nhất khi còn ở trong nhà trắng là bà đã thực hiện việc trồng vườn cây ăn quả và rau, nuôi cún là ước muốn của các cô con gái bé bỏng của bà. Sau 8 năm, quãng thời gian tuy không quá dài nhưng bà đã chứng minh được mình đã cố gắng và thực sự nỗ lực cho chính những gì mà dường như mọi người cho rằng là không thể.

– Ngọc Châu

Tóm tắt Becoming Chất Michelle

“Chuyện đời ta là thứ mà ta có, là thứ của riêng ta, là cái gì đó mà ta sở hữu”.

Michelle Obama đã có 1 câu đối thoại nổi tiếng với chồng mình khi đi ăn ở một nhà hàng nhỏ, gặp chủ nhà hàng vốn là người từng yêu Michelle say đắm thời niên thiếu.
Barack Obama nói: “Nếu em lấy người chủ nhà hàng đó, có lẽ giờ em đã là bà chủ của nhà hàng tuyệt vời này”.
Michelle Obama đáp lời: “Không, nếu em kết hôn với anh ấy, anh ấy bây giờ có thể là Tổng thống”.

“Chất Michelle” được bình chọn là cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2019, vượt qua hàng chục nhà xuất bản trong nước để đến với First News và trở thành tác phẩm sách có giá bản quyền cao nhất lịch sử xuất bản tại Việt Nam. Đây là cuốn hồi kí chân thành, giàu cảm xúc và tràn đầy cảm hứng từ cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kì.

Khi dũng cảm kể lại câu chuyện về cuộc đời mình một cách chân thành, Michelle khiến chúng ta đối diện với câu hỏi lớn của đời mình: “Chúng ta là ai, và chúng ta muốn trở thành ai?”.

Nội dung của cuốn sách “Chất Michelle” là những câu chuyện phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời Michelle Obama do chính tác giả tự kể. Qua từng trang sách, Michelle dẫn dắt độc giả bước vào thế giới riêng của bà – những trải nghiệm đã góp phần tạo nên tố chất rất riêng của Michelle, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng áp lực giữa công việc và gia đình, cho đến 8 năm quyền lực sống tại Nhà Trắng.

Tôi

“Tôi” – Là câu chuyện trưởng thành đầy bản lĩnh, tự tin và kiên cường của cô gái nhỏ mang tên Michelle.

Thuở nhỏ, thế giới của Michelle Robinson là vùng South Side ở Chicago, nơi cô và anh trai Craig chia nhau một gian phòng trong căn hộ ở tầng trên của cả gia đình và chơi đuổi bắt trong công viên, đó cũng là nơi cha mẹ cô, ông Fraser và bà Maria Robinson, đã dạy cô tự tin thể hiện quan điểm thay vì e sợ.

“Vẫn còn rất nhiều điều tôi chưa hiểu hết về nước Mỹ, về cuộc sống, và về những gì tương lai sẽ mang lại. Nhưng tôi thật sự hiểu về bản thân mình. Cha và mẹ đã cũng giúp tôi hiểu rõ giá trị trong câu chuyện của gia đình, câu chuyện của bản thân tôi, và câu chuyện lớn hơn về đất nước của chúng tôi”.

Ít ai biết rằng trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, Michelle từng theo học tại các ngôi trường danh tiếng tại Mỹ như Princeton, Harvard, làm việc tại công ty luật danh tiếng Sidley Austin và nắm giữ vị trí cấp quản lý tại chính quyền Chicago.

Đặc biệt hơn hết, cha mẹ Michelle là những người luôn trao cơ hội quyết định cho con cái.

“Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ cha mẹ đã tôn trọng tính cương quyết của tôi, và tôi mừng vì điều đó. Họ gìn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong tôi. Mẹ không nuôi dạy trẻ con – bà nói với anh em chúng tôi. Mẹ đang nuôi dạy người trưởng thành. Cha mẹ tôi thường đưa ra các hướng dẫn chứ không phải các quy tắc”.

Vì thế, ngay từ nhỏ, cái “tôi” của Michelle được khẳng định cứng rắn bởi nguyên tắc ngầm với bản thân: “Tôi sẽ không để ý kiến của ai đó đánh bật mọi điều mà tôi cho rằng tôi hiểu về bản thân mình”. Khi nhắc về anh trai, bà cũng tự tin khẳng định “Bất cứ thứ gì anh ấy làm được thì tôi cũng sẽ làm được”.

Michelle cũng thường đặt ra những câu hỏi cho bản thân và tự trả lời: “Mình có đủ giỏi hay không? Có, thực tế là mình đủ giỏi.”

Trên giảng đường, bà học bằng hết các bài học, âm thầm theo dõi thứ hạng của mình trong lớp và hạnh phúc nhất khi là người dẫn đầu. Qua nhiều dẫn chứng sống động trong tự truyện, độc giả có thể thấy Michelle đã thành công khi truyền tải thông điệp làm chủ cuộc đời đến nhiều độc giả trên toàn thế giới.

“Bạn không bao giờ cần phải che giấu chuyện bạn thông minh chỉ vì sợ ai đó nhận xét rằng bạn nói năng như một nữ sinh da trắng. Luôn có những người bạn dẫn trước tôi một hoặc vài bước, những người có vẻ không khó nhọc gì để đạt được thành tích cao, nhưng tôi cố gắng không để điều đó khiến mình chùn chân. Tôi không phải là một học sinh xuất sắc nhưng tôi luôn cố gắng”.

Chúng tôi

Một câu chuyện tình lãng mạn, khi mà chàng sinh viên của trường Luật Harvard mang tên Barack Obama xuất hiện tại văn phòng cô và cô được phân công hướng dẫn cho cậu ấy. Sự xuất hiện của Obama đã làm đảo lộn tất cả những kế hoạch mà Michelle đã cẩn thận chuẩn bị cho mình.

Michelle đã bị thu hút bởi những điểm đặc biệt và khác thường mà chàng trai này sở hữu.

“Chúng tôi” đã rất khó khăn để có được sự công nhận và tôn trọng.

“Chúng tôi” đã cố gắng thích nghi, để đan mình thành một, và để giữ như vậy mãi mãi về sau.

Cho đến khi bà vén màn những năm tháng hôn nhân trong chương “Chúng tôi”, Michelle thể hiện nhiều cảm xúc khi phải cân bằng giữa gia đình, công việc và sự nghiệp chính trị của chồng.

“Anh ấy có thể làm không? Anh ấy sẽ làm vậy hay sao? Anh ấy nên làm vậy không?”

Khi cân nhắc về quyết định tranh cử Tổng thống, Michelle và Obama có vài cuộc trò chuyện đầy tức giận và đẫm nước mắt, vài cuộc trò chuyện khác thì chân thành và tích cực. Đó chính là phần mở rộng của cuộc đối thoại họ nói với nhau suốt những năm trước đó: “Chúng tôi là ai? Điều gì là quan trọng đối với chúng tôi? Chúng tôi có thể làm được gì?”

Từ khi gật đầu ủng hộ chồng đứng ra tranh cử vị trí tổng thống nước Mỹ, bà đã mang con đi khắp các tiểu bang để diễn thuyết nhằm tranh thủ từng lá phiếu cử tri ủng hộ chồng.

Có những lúc “Tôi như một người đang đứng tại chân núi, ngẩng đầu lên và biết mình phải leo hết đoạn đường trước mặt để có được sự công nhận và tôn trọng”. Bà luôn giữ sự tích cực cho chính bản thân và gia đình mình.

Michelle tự hào khi kể về chồng: “Anh đã quen với việc phải chứng tỏ bản thân gần như ở bất cứ nơi nào anh đặt chân tới”.

Michelle mong muốn được người khác biết tới và lắng nghe mình nhiều hơn. Bà từ một phụ nữ chưa bao giờ biết cách ứng xử trước truyền thông, đã biết lên kế hoạch và biết cách thể hiện sự thông minh và sắc sảo trước công chúng.

Bà tâm niệm phụ nữ nên hiểu được những gì mình có thể đạt được và biết mình còn có thể làm được hơn thế, bởi “Nếu không bước ra ngoài và khẳng định mình, bạn sẽ nhanh chóng bị người khác đánh giá sai lệch”.

Chúng ta

“Chúng ta sẽ làm gì cho thế giới này?”.

Cuốn tự truyện tái hiện rất chân thật những lát cắt lịch sử nước Mỹ qua biết bao thăng trầm, vui buồn lẫn lộn của Michelle Obama trong hơn một thập kỷ. Những gì Michelle Obama đã trải qua cũng chính là điều mà nhiều người dân nước Mỹ đã trải qua.

Dù phải nếm trải những mâu thuẫn nặng nề, xung đột cay đắng, nhưng bà không ngần ngại tâm sự rằng đã chứng kiến những người dân vô hình, thầm lặng, cuối cùng cũng tìm ra ánh sáng, cũng như cách bản thân bà từ một người bình thường đã trải qua những trải nghiệm phi thường trong gần một thập kỷ.

“Tôi biết điều gì quan trọng với mình. Tôi không muốn trở thành một món trang trí đỏm dáng xuất hiện tại các bữa tiệc và lễ khánh thành. Tôi muốn làm những việc có mục đích và có giá trị bền vững”.

Đó là đất nước nơi con người luôn nỗ lực tranh đấu cho tự do, bình đẳng và sự cùng tồn tại của những điều khác biệt. Đọc cuốn sách, người ta nhìn thấy một nước Mỹ rất khác trong cái nhìn cũng rất khác của một người phụ nữ trí tuệ, mạnh mẽ và hiền minh.

Đọng lại sau 500 trang hồi kí của Michelle sẽ là gì?

“Tôi là một con người bình thường được tham gia vào một hành trình phi thường. Bằng cách chia sẻ câu chuyện đời mình, tôi hy vọng có thể khơi gợi những câu chuyện khác, những tiếng nói khác được thể hiện, để mở rộng con đường cho những con người xứng đáng với con đường đó”.

Và những dòng cuối cùng của cuốn sách là những gì mà Michelle muốn gửi gắm:

“Mục tiêu không phải là trở nên hoàn hảo. Mục tiêu không phải là cuối cùng ta sẽ đi đến đâu. Sức mạnh nằm trong việc ta để cho bản thân được người khác biết tới và lắng nghe, trong việc sở hữu câu chuyện của riêng mình, trong việc sử dụng tiếng nói chỉ riêng mình có. Và sẽ tốt đẹp biết bao khi chúng ta sẵn lòng tìm hiểu và lắng nghe người khác. Đối với tôi, đây chính là cách chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của mình”.

– Thu Hiền (Đăng tại Nextbooks)

Trích dẫn Becoming Chất Michelle

“Thành công không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền – mà là sự khác biệt bạn tạo nên cho cuộc sống của những người khác”.”

“… Với tôi, hành trình hoàn thiện của một con người không phải đến được một nơi nào đó hay đặt được một mục tiêu nhất định. Trái lại, tôi thấy đó là một chuyển động luôn hướng về phía trước, một cách để phát triển, để liên tục vươn tới và trở thành một bản thể tốt đẹp hơn. Chặng đường đó không có hồi kết…

… Tất cả là một quá trình, là những bước chân tiến lên theo một con đường. Quá trình trở thành bản thế tốt đẹp hơn đòi hỏi cả sự kiên nhẫn lẫn sự nghiêm khắc ở mức độ tương đương nhau. Đó là không bao giờ từ bỏ suy nghĩ phải phát triển không ngừng…”

“Một trong những điều tôi đã học được, đó là cuộc sống là một quá trình tiến hóa không ngừng và chúng ta đang tiến hóa, chúng ta sẽ thay đổi và phát triển hằng năm. Và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ ngừng trở thành ai đó. Đó chính là tiêu đề của lời hứa. Đây là một cuộc hành trình. Tôi đã 54 tuổi nhưng tôi vẫn chưa làm xong, tôi sẽ vẫn trở thành người mà có lẽ tôi nên như thế”.