Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi – Wendelin Van Draanen

Một câu chuyện tình yêu đầy văn minh, một cô bé dở hơi cùng chàng soái ca xấu tính
… Mà không chỉ có tình yêu.
Đây còn là câu chuyện của 2 gia đình cách nhau một con đường với 2 cái sân nhà mang “phong cách” đối lập nhau, những đứa con, người mẹ và hơn hết, đặc biệt hơn cả là hai người bốvà một người ông.

Review (2)

“Bên kia đường có đứa dở hơi”, bỗng một ngày nào đó, trở thành phiên bản giới hạn. Mình lục tung cả cái thành phố lên mà không tìm được để mua. Rồi một ngày, có một bạn dễ thương đã gửi tặng cho mình. Lúc đó mình vui lắm. Và giờ là lúc mình chia sẻ đến bạn câu chuyện nho nhỏ dễ thương trong cuốn sách này…

Một câu chuyện khiến tâm hồn nở hoa, một thế giới vẹn nguyên trong sáng, “Bên kia đường có đứa dở hơi” là một cuốn sách hay ho này nọ như thế đấy.
Juli – một cô bé hồn nhiên, vô tư và vô cùng trong sáng – ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cậu hàng xóm mới chuyển đến, cô bé ấy đã như bị hớp hồn bởi đôi mắt xanh trong veo của cậu. Kể từ đó, Juli quyết tâm “theo đuổi” Bryce mà không biết rằng đối với cậu bé thì cô là một “con bé thần kinh”, một cục rắc rối to bự 🙂

Juli “dở hơi” nhưng lại “dở hơi” theo một cách đáng yêu. Mình thích được sống như em, luôn hồn nhiên, vui tươi và hạnh phúc. Em hạnh phúc khi em được ngồi trên cành cây tiêu huyền, nhìn ngắm mây trời phố xá, cảm giác như em đang ngồi trên máy bay và “lượn trên cả thế giới”. Đoạn miêu tả của Wendelin Van Draanen về cảm xúc của em, một đoạn miêu tả thật đắt: “Đấy là lúc nỗi sợ hãi khi ở trên cao dần biến mất, và rồi len lỏi trong tớ một cảm giác kỳ thú chưa từng có. Rằng tớ đang bay. Vút lên không trung, lãng đãng cùng mây trời. Và tớ chợt nhận ra hương thơm của gió. Tựa như… nắng vậy. Tựa như nắng và cỏ dại, tựa như những quả lựu mọng đỏ và tựa như mưa! Tớ cứ hít mãi, hít mãi, hít đến căng cả lồng ngực mùi hương ấy. Ngọt ngào. Và thơm mát. Đến vô bờ”. Để rồi, khi cái cây ấy bị chặt đi để xây nhà, em đã buồn biết mấy, đã đau đớn và khóc thật nhiều. Không phải cuốn sách nào cũng khiến cho người ta mỉm cười, càng không phải cuốn sách nào cũng dễ dàng làm người ta bật khóc. Vậy mà mình đã khóc khi đọc đến đây. Một cái gì đó như là xót xa, tiếc nuối.

Em hạnh phúc khi em chăm đàn gà tự tay mình ấp nở và tâm sự với chúng như những người bạn đáng yêu. Em đặt cho chúng những cái tên, chăm sóc chúng bằng cả trái tim bé bỏng yêu thương. Cái cách em nhìn cuộc sống thật khiến cho người ta ghen tị. Em trong trẻo, đáng yêu, vẻ đáng yêu gây nghiện, khiến mình đã cầm cuốn sách lên là không thể nào có thể bỏ xuống được.

Khi em biết được Bryce đã vứt đi toàn bộ số trứng mình tặng vào giỏ rác suốt hai năm trời, khi em nhận ra tấm chân tình lâu nay em dành cho Bryce đã bị cậu bé ấy khước bỏ một cách phủ phàng nhất, trái tim em như nấc lên từng nhịp. Một cô bé con đáng yêu với tình cảm mỏng manh bị khước từ.

Ấu thơ của Juli và Bryce đã trải qua như thế, với những câu chuyện dở khóc dở cười và những chuyện lằng nhằng hết sức trẻ con. Nhưng rồi, sau tất cả, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, Bryce cuối cùng đã thấu hiểu tình cảm của Juli và dành cho em tấm chân tình đặc biệt. Vậy đó, suy nghĩ và ánh nhìn của trẻ thơ luôn trong trẻo và nguyên sơ. Juli dũng cảm sống với cảm xúc của mình, cô bé ấy đã thể hiện tình cảm mình một cách chân thành nhất. Còn bạn, bạn đã dũng cảm để bày tỏ yêu thương của mình chưa?

Bản dịch khá hay với ngôn ngữ dễ thương, trong sáng, đôi khi mình bật cười sảng khoái và đôi khi cũng khóc tu tu. Câu chuyện không đơn thuần kể về rung động đầu đời của hai đứa trẻ mà còn truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, về những giá trị cuộc sống, về cách ứng nhân xử thế, về những ước mơ… Có những sự vật, sự việc ta không thể đánh giá qua cái nhìn bên ngoài mà phải thấu, phải hiểu, phải cảm nhận bằng cả trái tim.

Tin mình đi, đây là một cuốn sách vô cùng đáng yêu và ý nghĩa, là một món quà tuyệt vời để nhấm nháp bên ly cà phê ngày cuối tuần.

Hoặc nếu không là cuối tuần, bạn vẫn nên đọc nhé.

– Mỹ Trang Trần

Đây là cuốn sách mình đã đọc cách đây khá lâu và riêng về độ dễ thương của nó trong mắt mình thì khỏi phải bàn bởi đọc gần như một mạch mà không muốn rời. Thực sự thì cảm giác lúc đó với cuốn sách được bắt đầu và cũng kéo dài cho đến kết truyện nhờ vào việc cả hai nhân vật chính đều là trẻ nhóc trong phần lớn câu chuyện. Những kiểu chuyển đổi thái cực dạng như từ ghét chuyển thành thích mê tơi, từ chỉ chực đấu khẩu (tại thậm chí còn không muốn mở miệng ra với đối phương) đến nhận ra chỉ muốn ở gần, kiểu ta nhào vô một ai đó bất chấp trời đất và thực tế về người đó,… vốn không phải gu của mình nếu xét đến mảng tác phẩm lãng mạn. Hồi ấy đọc tới trang nào là phải bật cười trang đấy, thấy mọi câu nói, mọi suy nghĩ của hai đứa đều hài hước vô cùng – vì chúng đối nhau chan chát, không thể khác biệt hơn, chúng đã lấn át mối bận tâm nên có của mình đối với các tình tiết xung quanh.

Có lẽ cảm nhận bây giờ nếu đọc lại sách từ đầu sẽ khác tương đối nhiều. Truyện vẫn sẽ dễ thương, nhất định thế, song sự cuốn hút thì mất rồi; dĩ nhiên không phải bởi đã biết nội dung. Câu nói ghi nhớ nhất và duy nhất vẫn nguyên tác động lên mình tới từ ông ngoại của Bryce: “Sẽ không công bằng nếu buộc tội cho người khác điều người đó chưa làm”. Đôi lúc nghĩ đến câu ấy khi đang bực bội hay thất vọng về người khác, muốn hãm bớt những giả định, những chẳng lẽ, nếu như về người đó, muốn nhắc nhở bản thân rằng người đó nói vậy không có nghĩa sẽ thật sự làm vậy nếu rơi vào tình huống tương tự, rằng ai đó im lặng trong tình huống này không có nghĩa sẽ lại im lặng nếu đứng trước một tình huống giống thế nhưng nghiêm trọng hơn. Rằng ta đâu thể mặc định mọi phản ứng của người khác. Ngược lại, bản thân câu nói này cũng không phải dùng để trốn tránh, gạt bỏ những dấu hiệu, biểu hiện không ổn ở một người, để ta cứ trên đường đâm đầu lao vào tường mà chẳng hay biết.

Nói dài dòng lại, sau câu nói đó, có mấy câu hỏi đặt ra vẫn khiến mình không bao giờ thôi thắc mắc, nhận thấy chúng hay được đưa vào làm mô-típ:
– Làm răng mà bố mẹ Bryce khác nhau thấy ghét vậy nhưng vẫn là vợ chồng? (chưa kể cặp đôi anh Bryce cùng chị Juli nữa nhé!) Thế giới quan của họ khá tách biệt, không lẽ bởi vì “ta trót yêu nhau từ thời còn trong sáng, ngây dại”?
– Liệu nhân vật chính được nhắc tới trong câu nói có thay đổi được không? Hay sẽ theo kiểu miễn cưỡng bớt bộc lộ song trong lòng ngấm ngầm phản đối?
– Cái cô Juli mắt luôn long lanh (như anh Bryce cay đắng phán), hồ hởi, nhiệt thành này có phải hình mẫu lý tưởng cho nhân vật nữ trong lòng các tác giả không nhỉ?
– Cứ con trai thì giống bố, con gái giống mẹ (một cách vô thức?) dù được nuôi lớn bởi cặp bố mẹ khác biệt tính cách sao?
Không hiểu sao lại từng bỏ qua những vướng mắc trên, chắc tại choáng váng ngay từ đầu vì cái độ hài của cảm xúc mê mẩn phát ra từ một đứa trẻ tuổi lên 7 chăng?

‎- River Lune

Trích dẫn

“Con người…. mỗi người một vẻ. Kẻ nhờ nhờ, kẻ hào hoa, bóng bẩy… Nhưng sẽ có lúc nào đó con tìm được ai đó lấp lánh sáng, và khi đó thì chẳng gì có thể sánh nổi.”

“Một bức vẽ không chỉ là tập hợp của những thứ rời rạc. Chẳng hạn như một chú bò chỉ là một chú bò, một cánh đồng chỉ đơn thuần là cỏ và hoa dại, mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá chỉ là những tia sáng. Nhưng khi đặt chúng cùng với nhau, đó là một phép nhiệm mầu.”

Tóm tắt

Cô bé Juli Baker lần đầu tiên nhìn thấy cậu bé Bryce Loski vừa chuyển đến cùng gia đình ở đối diện nhà mình thì lập tức bị “trúng bùa”, trái tim cứ “nhảy cà tưng” trong lồng ngực. Cô “cảm nắng” cậu bé mắt xanh kia rồi. Thế là, Juli nhỏ nhắn chẳng ngại ngần gì chạy sang nhà cậu tiếp cận và làm quen ngay. Đáng tiếc, Bryce bị cô bé không chút ý tứ này dọa sợ xanh mặt đến mức phải cầu cứu bố giúp. Thật không may, trước khi trốn thoát cậu vô tình thế nào lại nắm ngay tay cô. Và Juli nhà ta nhầm tưởng rằng cậu cũng để ý đến mình. Một vòng dây định mệnh cứ thế buộc chặt cả hai.

Rồi những năm tháng tiếp theo lại là những cuộc truy đuổi vô cùng thú vị. Juli như một con chim nhỏ, có thể bổ nhào vào bất cứ nơi đâu cậu có mặt. Tất cả trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với Bryce. Cậu sợ hãi muốn trốn tránh, nhưng tất cả đều không có hiệu quả chút nào hết. Bởi Juli kia, cứ như là một đứa “dở hơi”, cho dù có bị cậu dùng cách gì đối phó đi nữa thì vẫn thản nhiên như không. Mọi chuyện không có điểm kết thúc. Bryce vô cùng bực mình với cái đuôi nhỏ rắc rối và đáng ghét này.

Đã thế, lũ bạn ngốc nghếch trong lớp còn không ngừng gán ghép cậu là của Juli. Bryce cảm thấy tổn thương lắm. Cậu chẳng hề thích Juli “dở hơi” này chút nào. Và thế là, trong một lần vô tình những câu nói dối của cậu đã tổn thương cô. Có lẽ, Bryce không hề biết, Juli – không phải là một cô bé như cậu nghĩ. Cậu lại càng bực mình cô hơn khi mà trong ngày hội chợ tại ngôi làng đó, tác phẩm núi lửa phun trào cậu dành hết bao nhiêu tâm huyết lại bị mấy cái chu trình đập vỏ trứng nở ra gà con của cô dành hết sự quan tâm của mọi người

Cái cách mà cô bé ấy nhìn cuộc sống, cách cô ấy thể hiện niềm vui sự tin tưởng và tình yêu của mình nữa, nó có thể KHÁC BIỆT nhưng hoàn toàn là những điều thật lòng. Cho nên, khi cô leo lên ngọn cây tiêu huyền và nhìn ra thế giới xung quanh. Đó không còn là những góc nhỏ bé và lộn xộn nữa. Đặt trong mắt cô, là toàn bộ một khung hình, đầy đủ màu sắc, đầy đủ âm thanh. Cảm giác như được ngắm nhìn thiên đường. Vì thế, khi gọi tên Bryce cầu cứu cậu cùng cô ngăn chặn người ta đốn hạ cái cây ấy và bị từ chối, Juli – tuyệt vọng đến nhường nào.

Hóa ra, giữa cô và cậu là những góc nhìn và mối quan tâm khác nhau đến thế.

Câu chuyện được viết theo lời kể xen kẽ của cả hai nhân vật chính, giúp ta đi từ góc độ này đến góc độ khác. Một Juli có vẻ “dở hơi” nhưng lại là cô bé thông minh, trong sáng và đầy lòng nhân hậu. Một Bryce “lạnh nhạt” nhưng quan tâm, để ý. Tất cả như những sợi len lặng lẽ dệt nên một tấm thảm có yêu thương, có giận hờn, có hiểu nhầm, có cãi vả. Và rồi, tưởng chừng như mọi chuyện đã trở nên kết thúc khi mà Juli quyết định “buông tha” cho Bryce cũng là lúc cậu lại không thể chạy thêm được nữa. Một ván bài LẬT NGƯỢC. Bryce lại truy đuổi Juli theo cái cách ngốc xít, ngây ngô và đầy hài hước. Thật ra, không phải là cậu chưa từng thích Juli “dở hơi” kia. Mà chỉ vì “Có lẽ đã đến lúc cần nhìn Juli thật đúng sáng.”

Flipped là một trong những cuốn truyện teen về học đường hay nhất và sâu sắc nhất mình từng đọc. Qua câu chuyện về cuộc truy đuổi tình yêu lúc ngây ngô tuổi học trò ấy chúng ta như nhìn thấy chính bản thân mình. Có đôi lúc, chỉ là một góc nhỏ nhưng lại nhầm tưởng là toàn bộ thế giới rộng lớn bao la ngoài kia. Chỉ đến khi thay đổi cái nhìn mới hoàn toàn thấu hiểu được những ẩn dấu đằng sau ấy. Đôi khi hào quang đã bị che lấp, nhưng chỉ cần ĐÚNG SÁNG mọi thứ lại trở nên khác biệt.

Văn phong của tác giả nhẹ nhàng, hài hước nhưng cũng không kém phần thú vị và xúc động. Đặc biệt, lối dẫn chuyện gần gũi, từ ngữ phong phú và cute như đưa chúng ta đi từ thế giới của Juli đến thế giới của Bryce đầy vui nhộn. Và cuốn sách rất đáng đọc cho những ai đang tìm kiếm một chút vui vẻ, ngọt ngào, ấm áp và ý nghĩa ạ.

– Review ngôn tình Page