Bên Rặng Tuyết Sơn không phải là hồi ký, vì các nhân vật đều không có thực. Tuy nhiên, đây cũng không phải một tiểu thuyết hư cấu vì nó tiêu biểu cho những giai đoạn đi tìm đạo vẫn thường xảy ra tại Ấn Độ suốt mấy ngàn năm nay. Đối với người Ấn, việc tầm sư học đạo là một trong những giai đoạn quan trọng của cuộc sống mà mỗi người đều phải trải qua.
Đối với người Âu, cuộc sống bắt đầu khi sinh ra và kết thúc khi chết đi; song đối với người Ấn, cuộc sống kéo dài qua nhiều kiếp, trong đó mỗi kiếp sống chỉ là một giai đoạn để trải nghiệm và học hỏi, bởi cuộc sống thực giúp chúng ta biết được mình là ai, chứ không phải là lý thuyết hay chuỗi thời gian tồn tại vô ích. Sự tự biết mình giúp ta ý thức rõ hơn về cuộc sống, đưa ta trở về với nguồn gốc thiêng liêng cao cả vốn luôn hiện hữu bên trong mỗi con người.
Review (2)
“Bên rặng Tuyết Sơn” là một trong số những cuốn sách về tâm linh của cùng dịch giả Nguyên Phong. Cuốn sách này viết khá giản dị, dễ hiểu, truyền đạt nội dung phong phú và đầy chiêm nghiệm với chỉ 136 trang sách về con đường đi tìm chân lý, tìm về với Thượng Đế. Đọc quyển này xong, mình đã lý giải được rất nhiều điều về cấp bậc của tư duy ( suy tưởng). Nhờ rèn luyện năng lực tư duy hàng ngày và nhờ kiến thức, trải nghiệm đời sống mà năng lực tư duy của một người càng ngày càng thay đổi, có thể level up và đọc được hệ tư tưởng của những người có level tư duy thấp hơn. Vậy làm thế nào để có tư duy thông tuệ, thậm chí đạt được level minh triết?
1. Thực hành Yoga: không phải tự nhiên mà các bậc thầy Yogi có năng lực thần bí đến như vậy, tất cả là do rèn luyện. Nhờ rèn luyện hàng ngày bền bỉ mà ta có thể kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực ( tham sân si)- kiểm soát tâm thức.
2. Mọi thứ từ tâm ta mà ra. Một người có năng lực tư duy tốt nhìn sẽ thấy ung dung vì họ kiểm soát tâm thức mình chặt chẽ và đạt được sự hiểu biết về chính mình, vì thế mà hiểu về người khác.
3. Chỉ khi rèn luyện bản thân vượt qua những năng lượng tiêu cực khởi sinh từ tham sân si, tự nhiên trong lòng ngập tràn yêu thương và có thể hòa nhã đón nhận mọi điều. Đây là level cao nhất, đạt được sự minh triết.
Và tóm lược lại là mỗi chúng ta đều có con đường đi riêng mình, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau cũng phải tự mình trải nghiệm, qua đó tự mình rèn luyện và đổi thay.
– Ha Ngoc
Trước khi đọc cuốn sách này, mình nghĩ yoga là những bài tập, tư thế cơ thể để cải thiện sức khoẻ. Nhưng theo cuốn sách này, yoga gồm nhiều con đường, pháp môn để đạt được sự hợp nhất với Thượng Đế (ở đây có thể hiểu rộng ra là Vũ Trụ, Đấng Sáng Tạo, Sự Giải Thoát…) Tuỳ vào năng lực của mỗi người mà có thể chọn cho mình con đường, pháp môn phù hợp.
Có nhiều quan điểm, tư tưởng trong sách này, mình cũng đã đọc từ những cuốn sách khác trước đó, ví dụ như việc mỗi tư tưởng của chúng ta đều mang năng lượng, tuỳ vào tầng năng lượng của tư tưởng mà sẽ có sự rung động với năng lượng của vũ trụ, thế nên ta phải luôn chú ý, quan sát và điều chỉnh những tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực để mang lại sự tiến bộ tinh thần, ý này làm mình nhớ đến một câu trong cuốn Nhà Giả Kim “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.”
Hay trong sách có ý rằng mọi con đường, pháp môn đều là công cụ để giúp hành giả đến gần chân lý tối thượng. Ý này làm mình nghĩ rộng ra cả Kinh Dịch ở Trung Hoa, hay Giả Kim Thuật ở phương Tây, chẳng phải chúng cũng chỉ là những công cụ hay sao?! Hay sách cũng nói có thể đến với Thượng Đế bằng lòng kính yêu, tôn sùng Thượng Đế, nó làm mình nghĩ đến Hồi giáo, hay bằng cách điều hoà hơi thở và tự biết mình, giống những gì mình biết về Phật giáo. Nói chung, cuốn sách gồm những điều phổ quát, viết dễ hiểu, khơi gợi những liên tưởng trong mình. Theo thuyết sự rung động của những tư tưởng tương đồng, thì có lẽ mình chỉ hiểu và thấy nó hay với những điều mình đã nghĩ, nhưng mình tin rằng cuốn sách còn nhiều điều mình chưa chạm tới. Đây là một cuốn sách mà tuỳ theo nội tâm của từng người, nó sẽ hay và gợi lên những thông điệp khác nhau. Một cuốn sách đáng để đọc ở mọi độ tuổi, mọi tầng lớp người đọc và đáng để đọc đi đọc lại nhiều lần.
“Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu tôn giáo, nhưng nếu tìm hiểu thật kỹ về các nguyên tắc căn bản thì tất cả mọi tôn giáo đều được xây dựng trên những quy tắc luân lý và đạo đức như nhau. Người nào đạt đến sự tận thiện của tôn giáo mình thì tất nhiên cũng đạt đến sự tận thiện của mọi tôn giáo khác vì muôn sông đều đổ vào biển cả. Chúng ta phải biết chấp nhận sự khác biệt của các tôn giáo, bởi lẽ không một người nào giống người nào, và vì còn bất toàn nên trong chúng ta, mỗi người chỉ thấy được từng mảnh rời rạc của chân lý và thấy ở nhiều góc cạnh khác nhau. Sự hiểu biết hay tin tưởng của chúng ta thường không hoàn toàn và chỉ có thể là những bản đồ chỉ dẫn cho chúng ta hành động, cư xử một cách tương đối thôi. Nếu ta bắt người khác phải tuân theo đường lối cư xử hay hành động của ta thì đó là một sự xâm phạm đến tự do ý thức của người khác.”
“Cuộc đời là một trường học, nơi người ta học hỏi, trải nghiệm để tự biết mình.”
“Sự đau khổ là một kinh nghiệm quan trọng giúp họ ý thức rõ mục đích của cuộc đời.”
“Lòng tin qua lý thuyết và nhận thức qua trải nghiệm khác nhau rất xa.”
“Hãy vui vẻ, thản nhiên; khi việc đến thì làm, khi việc không đến thì ngồi yên, bình thản trước mọi thăng trầm của cuộc đời.”
– Vương Hoàng Phụng