Lần cập nhật gần nhất May 19th, 2020 – 03:02 pm
“Bhutan – Đường Tới Hạnh Phúc” như một cuốn cẩm nang cho cuộc hành trình tìm kiếm sự bình yên và hài lòng trong cuộc sống. Hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay trong chính bản thân mỗi người.
“Đừng mãi khát khao những thứ viển vông, hãy sống với thực tại, tập trung vào hành trình hơn là chăm hướng đến kết quả”
Review Bhutan đường tới hạnh phúc (3)
Nói đến Bhutan là nói đến quốc gia cho ra đời chỉ số hạnh phúc Gross National Happiness, là nói đến vương quốc được mệnh danh là Rồng Sấm, cạnh dãy Himalaya, lọt thỏm giữa Tây Tạng và Ấn Độ, rừng cây, núi non bao phủ phần lớn diện tích; là nói đến quốc gia biết đặt giới hạn cho việc du lịch: số chuyến bay giới hạn, số khách giới hạn, số công ty du lịch giới hạn, số tiền chi trong ngày của du khách cũng phải đạt giới hạn tối thiểu 250USD/ ngày (2019). Vậy mà rất nhiều tín đồ du lịch vẫn muốn đến, muốn một lần chìm đắm trong sự an yên tĩnh tại giữa thiên nhiên của đất nước Phật giáo này.
Viết về Bhutan với góc nhìn là một lữ khách dăm ba ngày đến rồi đi thì có nhiều nhưng viết với góc nhìn của một người ban đầu là khách du lịch, sau là một người sinh sống làm việc ở đây và cuối cùng là con dâu của xứ Bhutan thì chắc khó có ai qua được tác giả Linda Leaming với cuốn sách “Bhutan – đường đến hạnh phúc” của cô.
Điểm đặc biệt của cuốn sách này có khá nhiều. Trước hết là chính tác giả.
Vốn có bằng thạc sĩ sáng tác văn học, ngòi bút miêu tả của cô khá chân thực, gãy gọn và sắc nét, đôi chỗ có tính hài hước rất tự nhiên. Cuốn sách là hồi ký, là những câu chuyện, có câu chuyện của chính tác giả, có câu chuyện là nghe được, quan sát được, trong đó cũng lồng ghép một số nội dung thuộc về kỹ năng xây dựng lối dựng hạnh phúc hơn. Điều tôi tâm đắc nhất chính là việc tác giả hầu như không hề sử dụng trích dẫn ABC của ông bà XYZ nào đó. Tôi nghĩ tác giả tin rằng nội lực của những câu chữ nhả ra từ ngòi bút của mình có đủ sức nặng để thuyết phục và lôi cuốn người khác chứ không cần vay mượn bệ đỡ từ bất cứ người nào khác. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều người viết trong nước, hơi chút là trích dẫn câu nói của một người nào đó hoặc trong một cuốn sách nào đó. Đành rằng việc trích dẫn này là không sai, có ghi nguồn, có chú thích sách gì đàng hoàng nhưng việc cứ trích dẫn rồi phân tích dễ khiến người đọc chán và coi thường khả năng người viết, có cảm giác người viết đang khoe mình đọc nhiều, thuộc nhiều, có thể tổng hợp nhiều nhưng không đủ khả năng dùng chính câu chữ của mình để viết một cái gì đó hay ho của riêng mình.
Là một người Mỹ chính gốc, tác giả có nhiều lợi thế khi viết về Bhutan vì Mỹ và Bhutan có quá nhiều điểm khác biệt, gần như là đối cực của nhau, về môi trường, kinh tế xã hội, văn hóa, lối sống, các thang giá trị, mối quan hệ giữa người và người…Và nhất là khi nhắc đến các giá trị vô hình (vốn không cân đo đong đếm được như GDP, tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế, các chỉ số…) thì khó mà nói được cái nào cao hơn cái nào (ví dụ như văn hóa Bhutan cao hơn hay ngược lại, văn hóa Mỹ cao hơn) mà chỉ có thể nói cái nào phù hợp hơn đối với một người/nhóm người cụ thể. Biết đặt mình, một người Mỹ 100%, trong bối cảnh Bhutan vẫn luôn có cái gì đó tách biệt với phần còn lại của thế giới khiến góc nhìn và những câu chuyện của tác giả nổi lên bần bật. Xuất thân từ một đất nước tư bản phát triển, là ao ước của bao người mang giấc mơ xứ sở cờ hoa, siêu cường kinh tế, bla bla bla (+ một núi từ để nói về sự giàu có, hào nhoáng, lối sống công nghiệp vội vã ngập đầy các báo và quảng cáo du học…), sự chậm rãi, hồn hậu Bhutan khiến cô đi từ bực dọc, khó chịu sang thích nghi được và cảm thấy đáng yêu. Tôi tin nếu không mang trong mình dòng máu và văn hóa Hoa Kỳ bản địa, cô khó mà cảm nhận trọn vẹn và viết nên những câu chuyện chân thật từ chính trải nghiệm của mình đến như vậy.
Thêm một điểm may mắn của cô tác giả này là có một thời gian đủ dài để sống, làm việc, yêu và cưới một người đàn ông Buhtan, đồng thời, trong thời gian ở đây cô có đi vào đời sống của họ, bằng việc dạy tiếng Anh cho trẻ và được chúng dạy lại tiếng địa phương, bằng việc đi đây đi đó, bằng việc tổ chức cuộc sống của mình giữa những người hàng xóm và trải nghiệm các dịch vụ sở tại, có những người bạn bản xứ…. Tổng hòa những thứ đó khiến cô có nhiều kết nối hơn với môi trường sống, con người và văn hóa Bhutan, giúp cô có nhiều thời gian tiếp xúc, trải nghiệm, quan sát hơn những người chỉ đến, gặp gỡ một vài người địa phương và về nhà viết ra. Những người viết như vậy sẽ có góc nhìn mới chạm đến bề nổi và ít nhiều dựa trên sự phán đoán, suy xét, suy diễn của mình hơn là những người từng trải và có thâm nhập vào đời sống của người dân ở đây. Nhưng trên hết những điều này là khả năng quan sát và thích nghi của tác giả, biết kềm cái tôi Mỹ của mình để hòa hợp với một xã hội Bhutan.
Tôi thích khá nhiều câu chuyện của cô kể ra. Đó là câu chuyện cô xử lí ra sao sau khi bán, cho tặng đồ của mình ở Mỹ, rồi góm ghém va li sang Bhutan để rồi bước xuống sân bay và đi về nhà gần như là tay không vì toàn bộ hành lí kí gửi bị thất lạc. Câu chuyện cô mang len ra đan trong khi chờ giao dịch ở ngân hàng. Câu chuyện cô học lại cách thở sau khi hụt hơi khi đi bộ leo dốc hàng ngày. Câu chuyện cô mua quần áo cho một người vô gia cư ở Bhutan rồi không đủ tiền trả phải xin khất lại trả sau, rồi phát hiện vài người khách đang mua hàng âm thầm góp tiền trả cho ông chủ tiền của chỗ quần áo đó. Câu chuyện cô ứng xử với người hàng xóm tùy tiện vào xén tỉa khu vườn lộn xộn của cô lúc mới sáng sớm mà cô nói là nếu ở Mỹ thì chắc là anh này sẽ bị kiện vì tội xâm nhập trái phép vườn nhà người khác. Câu chuyện về cái âm thanh hoang dã rừng rú của Namgay, người chồng Bhutan của cô, khi họ sắp bị đàn khỉ rừng hung dữ tấn công. Câu chuyện về việc cứu chữa cái máy giặt bị hư, máy giặt vốn là trợ thủ đắc lực của cô khi người dân ở đây đa số còn giặt tay ở bờ sông bờ suối. Rồi câu chuyện Namgay đi Mỹ với tất cả sự hồn nhiên của mình.
Thật là thiếu sót nếu không nói về Namgay. Hoàn toàn khác với tác giả, được đi học trường lớp bài bản, học tới bậc cử nhân (ngành Triết học), thạc sĩ (sáng tác văn học), đi du lịch đó đây. Namgay từ nhỏ chỉ học đạo, học chữ trong một ngôi chùa rồi khi lớn lên thì xuống núi học vẽ rồi trở thành họa sĩ vẽ tranh thangka, đồng thời cũng là thầy dạy vẽ ở một ngôi trường ở Bhutan và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Bhutan. Thỉnh thoảng, anh phải đi công tác đến những ngôi chùa nào đó để vẽ cho họ. Những bức tranh mà Namgay vẽ vừa có sự sáng tạo tung trời, vừa có sự lặp rất qui củ lề lối, nhất là bộ tranh Namgay vẽ kết hợp tàu vũ trụ và rồng, vẽ những tòa cao ốc và núi rừng Bhutan trong cùng một bức tranh. Một trong số những bức tranh kết hợp những tòa cao ốc và núi rừng được lấy làm hình minh họa cho cuốn sách gốc của Bhtuan – đường đến hạnh phúc, nhưng không hiểu sao khi bản tiếng Việt thì không minh họa bìa bằng bức tranh này.
– Hảo Hảo
Trong Bhutan Đường tới hạnh phúc, Linda Leaming chia sẻ 22 điều cô học được ở Bhutan về việc sống, yêu thương và thức tỉnh. Vào năm 1994, cô đến Bhutan lần đầu tiên trong một chuyến du lịch và 3 năm sau đó cô quyết định chuyển từ Columbia, Tennessee tới Bhutan để dạy tiếng Anh cho trẻ em ở đây. Từ đây, Linda trải nghiệm đời sống của một người dân bản địa tại Bhutan, nơi được xem là có mức độ hạnh phúc cao nhất thế giới và nổi tiếng với việc Đức vua đề cao mức độ hạnh phúc của người dân và lựa chọn đánh giá sự thịnh vượng thông qua GNH (tổng hạnh phúc quốc gia) thay cho GPD (tổng sản phẩm quốc nội) như các quốc gia khác. Linda đã gặp rất nhiều rắc rối trong quãng thời gian đầu đến Bhutan, cũng như bỏ lại hầu hết tất cả mọi thứ, gia đình, bạn bè, bán và cho đi tất cả đồ đạc ở Mỹ, thậm chí còn mất hết cả 2 vali hành lý mà cô mang theo đến Bhutan.
Khi nguồn lực và các lựa chọn bị hạn chế, Linda học cách sống với ít đồ vật hơn, hòa mình vào thiên nhiên và để các loài động vật được sống tự nhiên, làm quen với việc uống trà và nhịp sống chậm và đầy chánh niệm ở đây. Bầu không khí loãng trên dãy Hymalayas cũng buộc cô phải thở có ý thức hơn. Cô bắt đầu có niềm tin vào Phật Giáo, tin vào tác động thay đổi cuộc sống của việc hiểu và thực hành những niềm tin tôn giáo này.
Ngoài ra sách cũng mang lại một số bài học về tự nhiên và lịch sử, ngôn ngữ, v.v… Không chỉ là cuốn cẩm nang giúp người đọc tìm kiếm sự bình yên lâu dài trong tâm hồn, cuốn sách với giọng văn hài hước cùng những trải nghiệm hấp dẫn mà tác giả trực tiếp trải qua đã mang đến những phút giây vui vẻ, thư giãn sau thời gian làm việc và học tập mệt mỏi.
– Hà Vy
Hạnh phúc đơn giản là bạn “thực sự có mặt” để tận hưởng từng khoảnh khắc cuộc sống.
Ví như tối hôm nay, bất chợt gió mùa về, tất cả những gì mình muốn là một cốc trà thanh dịu, một mùi hương ấm áp và một cuốn sách hay – combo hoàn hảo khi muốn ở một mình ❤
Tối nay mình chọn đọc Bhutan – Đường tới hạnh phúc bởi mong muốn tìm một sự bình yên dịu nhẹ. Và cuốn sách đã không làm mình thất vọng. Cuốn sách này là tổng hòa những suy tư chiêm nghiệm của một người phụ nữ đã trưởng thành, sinh ra và lớn lên ở Mỹ – đất nước công nghiệp, hiện đại và sành điệu bậc nhất thế giới. Ở Mỹ, cô có sự nghiệp và những hoài bão lớn lao, có một cuộc sống đầy năng động và “trông có vẻ” thật là triển vọng. Thế nhưng cô lúc nào cũng trong trạng thái có thể “phát rồ” lên: nóng nảy, bất an, thiếu kiên nhẫn và vô cùng ích kỷ. Điều quan trọng nhất là, bất chấp những thành quả đạt được trên đất Mỹ, cô không hề cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
Thế rồi điều gì đến cũng phải đến. Sự căng cứng bởi những áp lực và mệt mỏi khiến cô muốn “chạy trốn” ngay lập tức khỏi cuộc sống đô thị gấp gáp ấy, và điểm đến cô tìm được là Bhutan.
Bhutan ban đầu quả thực đã khiến tác giả bị “sốc văn hóa” dẫn đến rất nhiều tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống hằng ngày. Sự thiếu thốn thế chỗ cho thừa mứa. Sự bất tiện thay thế cho thuận lợi. Và tất cả những gì cô ấy có thể làm, là dựa vào bản năng gốc cũng như sự khéo léo “co kéo, sắp xếp” của chính mình. Cô buộc phải bình tĩnh hơn, thông minh hơn, biết chấp nhận hơn và mở lòng hơn. Thế mà rồi cô ấy lại gặp được tình yêu đời mình, rồi dần khai mở được tâm trí từ trong những vấn đề hết sức hệ trọng của cuộc sống bao gồm: hít thở, tận hưởng cuộc sống một cách thực thụ, đối xử với những người xung quanh và học hỏi để hoàn thiện con người mình trở thành một phiên bản “TỬ TẾ”.
Những câu chuyện cuộc sống cũng như những thay đổi trong quan điểm và cách nhìn nhận về sự việc của chính tác giả được kể một cách rất hóm hỉnh khiến cho những suy tư chiêm nghiệm trở nên thật đời thường, gần gũi và dễ tiếp nhận, khiến mình đồng cảm một cách sâu sắc! Dù chưa đọc hết cuốn sách, nhưng mình đã “giải phóng” được một số suy nghĩ đã khắc khoải từ rất lâu trong lòng, về việc mình muốn trở thành ai và mục đích thực sự của cuộc đời mình là gì?
Cảm ơn các bạn đã đọc!
– Nhung Cẩm
Trích dẫn Bhutan đường tới hạnh phúc
“Tôi đã học được ở Bhutan rằng mọi thứ trong cuộc sống đi theo một trình tự tự nhiên, là nếu muốn bình tĩnh, trước hết, bạn phải phát triển một sự tự nhận thức và thể trạng và tình trạng tâm lý mà bạn đang biểu hiện ra. Nó có vẻ như khá đương nhiên, nhưng khi chúng ta ngày càng bận rộn và làm nhiều việc hơn, đôi khi chúng ta không còn nhận ra cảm xúc và cảm giác của mình như thế nào. Quan trọng là phải rèn luyện thói quen tự nhìn nhân lại bản thân: bạn đang cảm thấy thế nào? Nếu đầu bạn như đang bị dộng liên hồi và như thắt chặt lại, nếu bạn đang cảm thấy mí mắt sụp xuống dưới sức nặng vô hình, nếu chân tay bạn và lưng bạn đang căng cứng do phải gồng lên liên tục, thì có thể bạn đang khá là rã rời đấy. […] Chúng ta thường không nhận ra mình đang căng thẳng đến mức nào. Sự căng thẳng hằng ngày làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến giấc ngủ, vị giác ăn uống và cả cách suy nghĩ – tất cả mọi phần cuộc sống của chúng ta. Hãy luyện tập TỰ NHẬN THỨC vài lần một ngày và ghi lại bạn đang cảm thấy thế nào? […] Hãy kiểm tra cảm xúc của bạn 20 lần một ngày. Hoặc nhiều hơn thế. Vì khi chúng ta căng thẳng, hồi hộp và rã rời, chúng ta mất dấu về việc bản thân đang cảm thấy thế nào. Chúng ta cần phải tự kết nối lại. […] Hãy tổ chức lại cuộc sống để bạn có thể, ít nhất, là loại bỏ những con người và những điều không cần thiết nhưng lại thường khiến bạn căng thẳng và hồi hộp.”
“Học cách cười, không phải chỉ vì xem phim hài hay video mèo ngã từ bàn bếp xuống, hoặc khi nghe chuyện cười của người khác, mà là học cách cười bản thân mình vì tất thảy cái con người tầm thường và mỏng manh của mình. Điều này giúp hòa mình vào trong sự khiêm nhường và xóa bỏ đi tính tự cao của cái tôi. Tính hài hước là một nguồn sức mạnh từ tự nhiên, một hành vi đến từ ý chí kiên cường, sở hữu nó là sở hữu món quà quý giá.
Có quá ít sự hài hước trên thế giới này và khi có cơ hội để lựa chọn hoặc là nghiêm trang hoặc hài hước, tôi khuyên bạn hãy làm một kẻ pha trò cười đi và hãy làm càng nhiều người cười càng tốt.”
Người Bhutan rất giỏi ứng dụng sự hài hước. Họ dùng tính hài hước để chỉnh đốn và sửa đổi bản thân, thậm chí tính kỷ luật cũng có thể được phủ lên một lớp hài hước. Ở đây muốn cười rất dễ, vì mọi việc có vẻ thoải mái và mọi người đều có chung chiều hướng nhắm đến sự vui vẻ. Kết quả là bạn có thể nhận thức bản thân hơn rất nhiều. Nó kết nối chặt chẽ với sự khiêm nhường và chế ngự cái tôi, đây vốn là những đặc điểm của Phật giáo cũng như là một phần tính cách của người dân nước này. Hãy nhìn vào vị thánh của họ, Drukpa Kuenley, vị thánh thiêng từ thế kỷ XVII thường xuyên áp dụng khiếu hài hước vào việc giảng dạy. Những câu chuyện về ông ta khá hô thiển và khả ố, thường có phần bắn cái gì đó ra từ dương vật để kiểm soát quỷ dữ (Những bên đối chọi lại đức tin), cùng với vô vàn hành vi không đúng đắn với các bà vợ nông dân. Tát nhiên là , không phải ai cũng chịu nổi ông ta. Ông ta đã tiến đến 50 sắc thái trước khi mọi người biết ngoài kia cí nhiều hơn đôi ba sắc thái. Phần lớn các làng đều có một “anh hề”, và cả atsaras – anh hề hư đốn, là một phần không thể thiếu trong những giáo huấn mỗi kỳ tsechus (lễ hội).
Khă năng tự trào phúng, ẩn chứa một lòng khiêm nhường lớn mạnh, có thúc đẩy lòng tự tôn bản thân cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Đó là hành cu tối thượng trong sự tự tin về bản thân. Tôi đang cười vào bản thân ngay lúc này , vì tôi đang có viết m ột cách nghiêm túc về việc đừng coi mọi thứ là nghiêm trọng quá. Học cách cười, và không phải chỉ vì xem phim hài hay video mèo ngã từ bàn bếp xuống, hoặc khi nghe chuyện cười của người khác, mà là học cách cười bản thân mình vì tất thảy cái con người tầm thường và mỏng manhcura mình. Điều này giúp hòa mình vào trong sự khiêm nhường và xóa bỏ đi tính tự cao của cái tôi. Tính hài hước là một nguồn sức mạnh từ tự nhiên, một hành vi đến từ ý chí kiên cường, sở hữu nó là sở hữu một món quà quý giá. Có quá ít sự hài hước trên thế giới này và kho có cơ hội để hoặ claf nghiêm trang hài hước, tôi khuyên bạn hãy làm một kẻ pha trò cười đi và hãy làm càng nhiều người cười càng tốt.”
“Mỗi ngày trôi qua là một ngày mẹ tôi mất đi thêm một chút sức sống, và khoảng mười ngày sau tôi nhận thất bà đang vật lộn rất chật vật. Cơ thể của bà đang tan rã, dù bà chưa bao giờ than vãn một lời về nỗi đau hay bất kỳ sự khó chịu nào. Việc hay nhất chúng tôi có thể làm cùng nhau là cùng ngồi trên giường và xem những tấm ảnh cũ. bà cũng không thể xem lâu được. Bà trở nên lẩn thẩn và mệt mỏi.
Bà bảo tôi đưa mọi người ra khỏi phòng nếu có ai đến thăm bà mà bắt đầu khóc lóc. Bà vẫn biết mình thích hay không thích điều gì. Bà đang từ từ tạm biệt cuộc đời theo cách của riêng mình. Bà nói chuyện với người tổ chức tang lễ và bố tôi rồi họ cùng nhau chuẩn bị lễ tang , lựa nhạc, lựa các đoạn Thánh kinh, tất cả mọi chi tiết. Thậm chí bà còn bảo tôi mặc cho bà xem bộ tôi định mặc ngày hôm đó.Tôi làm tất cả như lời mẹ bảo, dù ngượng ngùng biết bao. “Trông được con ạ.” Mẹ tôi nhận xét.
Lúc ấy, tôi sống như để giúp bà qua đời. Tôi đã hi vọng nó sẽ không kéo dài quá lâu. Tôi dành toàn bộ năng lượng của mình vào việc tươi vui và nói những câu chuyện đùa không đúng chỗ. Mẹ tôi thích lắm.”