Lần cập nhật gần nhất January 8th, 2021 – 11:45 am
Bố Con Cá Gai kể về một người bố đơn thân nuôi một đứa con. Đứa con trai bị ung thư. Do không có tiền chữa bệnh nên người bố định bán thận của mình để cứu con. Nhưng trớ trêu thay khi kiểm tra sức khỏe để chuẩn bị bán thận thì người bố mới phát hiện ra mình bị ung thư thận. Nên đành bán giác mạc kiếm tiền. Vì không muốn đứa con biết nên ông đã đưa đứa con cho vợ nuôi rồi ra đi mãi mãi.
Review Bố con cá gai (4)
BỐ CON CÁ GAI – MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP TỰA HOÀNG HÔN
Đêm, tôi bắt đầu đọc “Bố con cá gai” với một tâm trạng đầy bất ổn, khi chính tôi cũng đang loay hoay trong mối quan hệ với gia đình mình.
Khoảnh khắc ánh mắt tôi chạm vào bìa sách, ngỡ như có một cơn gió mùa thu thổi qua, dịu ngọt và xuyến xao khó tả. Tôi đã nghĩ, hẳn đây sẽ là một câu chuyện đẹp với cái kết thật ấm áp. Thế nhưng “Bố con cá gai” lại đưa tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Thực tình là đã có lúc tôi bị choáng ngợp, đôi khi tôi còn tức giận, tự hỏi sao tác giả lại viết nên một câu chuyện đau lòng đến thế!
“Bố con cá gai” là câu chuyện kể về Jeong Ho Yeon – một ông bố đơn thân đã nỗ lực hết mình trong cuộc chiến giành lại sự sống cho đứa con 10 tuổi mắc căn bệnh máu trắng. Cuộc sống chật vật và quấn tũng khi thời kì kinh tế đi xuống, lại càng thêm khổ sở hơn khi người vợ thân yêu, chỗ dựa tinh thần duy nhất cũng rời bỏ anh mà đi. Thế giới của anh giờ chỉ gói gọn trong hai chữ “Daum”. Nhưng ngay cả thế giới bé nhỏ ấy cũng đang gần kề với cái chết, trái tim của một người bố đã chẳng còn lại gì.
Tôi đã không hiểu được ý nghĩa của nhan đề “Bố con cá gai” cho đến khi tôi bắt gặp những liên tưởng của Daum về người bố của mình. “Cá gai là một loài cá rất kì lạ. Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi, chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Nhưng sau đó đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế đi theo con đường riêng của chúng. Khi chỉ còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết.” Loài cá gai luôn khiến Daum nghĩ đến bố. Bởi mẹ đã bỏ đi từ khi em còn bé, chỉ có một mình bố cô độc nuôi nấng em. Hình ảnh người bố trong mắt Daum chẳng khác nào cá gai bố đáng thương trong câu chuyện trên.
Mà, bố Daum ấy, quả thực là một ông bố kì lạ. “Bố buồn bã và nhìn lên bầu trời xa thật xa kia, chịu ướt mưa như một tên ngốc.” Bố luôn hành động như thể mình là người dũng cảm nhất trên đời. Nhưng bố đã từ bỏ thói quen hút thuốc từ lâu của mình, từ bỏ những chén rượu cay nồng kể cả khi mệt mỏi, gạt bỏ sĩ diện để vay mượn từng đồng chạy chữa tiền viện phí, bố còn bán cả tập thơ và căn hộ mà bố trân trọng nhất. “Bố từng nói rằng, vì người mình yêu thương thì phải biết chịu đựng cả những việc mà mình ghét.” Là vì Daum, người bố ấy có thể chịu đựng tất cả.
“Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết ạ?” Tôi không biết phải đau đớn như thế nào thì cậu bé 10 tuổi ngập tràn niềm tin vào cuộc sống có thể thốt ra câu nói này. Nhưng thật may là có bố luôn bên cạnh Daum, trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao để em chiến đấu với bệnh tật. Tôi vô cùng ấn tượng với Daum bởi vì em là một đứa trẻ ngoan và biết nghe lời. Em thương bố như những đau đớn em phải chịu trong quá trình điều trị vậy.
Và tôi bỗng giật mình tự hỏi, rốt cuộc hạnh phúc thực sự là gì? “Đó là có thể sống cùng với người mình yêu thương, và có thể làm bất cứ điều gì vì người mà mình yêu thương.” Giống như lời người bố nói, Daum thực sự hạnh phúc vì được ở bên cạnh bố, hạnh phúc chính là tình yêu. “Sợi dây gắn kết có tên gọi bố và con, đó thật là một mối giao cảm quá đỗi lạ kỳ.” Chi tiết Daum khỏi bệnh còn người bố thì ra đi mãi mãi khiến tôi nhớ đến hình ảnh hoàng hôn cuối ngày. Một kết thúc đau đớn nhưng lại đẹp vô cùng. Nó khiến tôi tin rằng may mắn trên đời này buộc phải đánh đổi bằng sự hy sinh. Và bố của Daum là minh chứng cho việc dành lấy sự may mắn duy nhất cho đứa con đáng thương của mình, ngay cả khi đó là tất cả sinh mạng.
“Con người ấy mà…Khi đã để lại đứa con trên cuộc đời này, thì dù có phải chết đi, cũng không phải là chết đâu”.
Người ta thường viết về tình yêu của mẹ dành cho con thiêng liêng đến nhường nào, nhưng tình yêu của người bố lại đứng phía sau, như chiếc cột trụ vững chãi đơn độc. Có lẽ, bố hiếm khi bộc bạch tình thương, nên tình cảm bố con thường ít người nhắc đến. Thứ tình cảm lấp lánh như ánh sao ấy đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm “Bố con cá gai”. Hình ảnh tuyết trắng xóa cuối cùng giống như một cái kết của tình yêu không màu không mùi vị nhưng thanh khiết và đáng trân quý vô cùng.
Tôi đã nghĩ mình đủ mạnh mẽ để đọc cuốn sách này mà không khóc. Những câu chuyện buồn bã và thê lương hơn thế tôi đọc cũng nhiều rồi. Nhưng tôi càng cố kìm nén cảm xúc thì nước mắt nước mũi tôi càng chảy xuống, lồng ngực tôi tức nghẹn, có cái gì đó như siết chặt lấy cổ tôi khiến tôi không thở nổi. Là tôi dễ mủi lòng hay thứ văn chương của Cho Chang-in đã khiến tôi bất lực với cảm xúc của chính mình như thế?
Cách tác giả xây dựng nhân vật tuy có phần “phim ảnh hóa” và “bi kịch hóa” nhưng lại tinh tế và sâu sắc, đủ để cuốn người đọc vào câu chuyện của mình. Phải đọc đến trang sách cuối cùng tôi mới hiểu, hóa ra tuổi thơ không có bố bên cạnh và niềm hân hoan khi được làm bố của chính tác giả đã thổi hồn vào cốt truyện, để rồi cuốn sách nhỏ này cứ thế ám ảnh lấy tâm trí và lay động trái tim người đọc.
Thật khó để tôi viết ra được tất thảy những xáo động tâm hồn mình ngay khi đọc xong cuốn sách này. Tôi như được sống trong cuộc đời của hai bố con con cá gai bằng sự thấu cảm qua con chữ. Khác với phim ảnh tràn đầy màu sắc cùng âm thanh sống động, văn học giản dị và thuần khiết hơn nhiều. Tôi chẳng biết lý giải ra sao cái cảm giác những con chữ nhỏ bé được sắp xếp gọn gàng nơi trang giấy trắng vừa mới chạm tới đôi mắt đã có thể đi sâu vào tận cùng khối óc và tâm hồn tôi. Để rồi sau đó, tôi bỗng thấy sự tức giận ban đầu của mình thật vô cớ và lố bịch làm sao! Đúng là văn học luôn chứa đựng những điều diệu kỳ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.
– Jenny Nguyễn
Quyển sách này nó hợp với hai từ “Đáng ghét”. Tại sao à?
Nó làm mình rơi nước mắt chỉ từ những trang đầu tiên. Đau lòng, tức giận, ngộp thở, mình luôn phải ngửa cổ lên mỗi khi đọc tiếp, hai mí mắt cảm giác giật giật muốn đau chỉ vì mình không muốn khóc ở chỗ đông người. Sao mà nó buồn quá chẳng có một chút tươi sáng nào cả. Một cậu bé 10 tuổi-Daum trong sáng, thông minh, em vẫn luôn chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của mình.Daum mạnh mẽ lắm vì Daum đã có một người bố hết mực yêu thương đồng hành. Yêu thương tới độ cả thế giới của bố chỉ có mình em.Dù có thức ngày thức đêm, sụt cân, bạc đầu hay thậm chí bán đi phần thân thể mình bố cũng làm hết. Bố ngốc nghếch như con cá gai bố sẽ chết khi không còn cá gai con bên cạnh.
Có câu văn trong sách như này làm mình cứ suy nghĩ mãi
“NGÀY HÔM NAY MÀ BẠN VỪA TRẢI QUA THẬT VÔ ÍCH, LÀ NGÀY MAI MÀ MỘT AI ĐÓ ĐÃ CHẾT DẦN VÀO NGÀY HÔM QUA TỪNG KHAO KHÁT MUỐN ĐƯỢC SỐNG”Vào ngay thời điểm dịch bênh như thế này thì câu ấy nó lại càng thấm thía, cuộc đời vốn dĩ vô thương, sinh mệnh ngắn ngủi. Bản thân mình đã có những ngày chỉ lướt facebook, đầu vẽ ra tỉ thứ chuyện vớ vẩn để nghĩ nhưng chẳng làm gì để thay đổi cả. Mình chỉ mải mê với những thứ linh tinh mà quên đi cả tình yêu thương của gia đình.
Hãy trân trọng giây phút đang được sống, trân trọng gia đình vì chẳng có ai yêu thương mình như vậy cả. Cho đi mà chẳng mong nhận lại một chút nào.
Bản thân mình với cuốn sách có rất nhiều cảm xúc nhưng không hiểu sao khi viết review lại mình không diễn tả hết được. Hãy cứ thử đọc nó, sống trong nó đến tận trang cuối cùng nhé. Hãy thử đi….
– Bi Tồ
“Cá gai là một loài cá rất kì lạ.
Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất… Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng… Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá bố, cứ thế đi theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết.
Con cá gai lúc nào cũng làm tôi nghĩ đến bố, và nỗi buồn lại dâng lên trong lòng tôi như những đám mây đen
Ôi bố cá gai của tôi.”
_
Daum 10 tuổi, thay vì có một cuộc sống vô tư như các bạn nhỏ khác thì em phải chiến đấu với căn bệnh máu trắng. Nhưng em luôn lạc quan, em luôn cố gắng uống thuốc, xạ trị và thậm chí là chọc dò tủy. Có ngày Daum đã hỏi bác sĩ rằng khi nào em được chết. Cuộc chiến nhọc nhằn này dường như quá sức với một đứa trẻ. Nhưng em đã chọn chiến đấu, vì “bố cá gai” của em. Mình rất thích nhân vật Daum, cậu bé thật ngoan ngoãn, hiểu chuyện, cũng vì thế mà mỗi khi cậu bộc lộ sự ngoan ngoãn ấy thì lòng mình thắt lại:“Bố thật sai lầm khi quá tin tôi. Tôi ấy mà, tôi chỉ là đứa bé gần mười tuổi thôi. Nhưng tôi biết nghe lời bố, tôi chỉ được nghĩ tích cực thôi. Nhất định. Phải như thế thì tôi mới không biến bố thành con cá gai bố tội nghiệp.”
Về “bố cá gai”, truyện là những dòng suy nghĩ bao trùm bởi sự dằn vặt khi phải chứng kiến con mình đau đớn mỗi ngày. Để rồi giấu hết tất cả muộn phiền bên ngoài phòng bệnh, cố gắng để làm chỗ dựa vững chắc cho con. “Bố cá gai” quả là thật ngốc, cũng thật quá kiên cường. Truyện khắc họa nên bức tranh tình phụ tử, mà ở đó có hai con người luôn cố gắng, vì nhau.
Tác phẩm là sự lồng ghép của hai mạch cảm xúc, một của người bố và một của cậu con trai . Từ đó mà suy nghĩ của nhân vật được dịp bộc lộ triệt để. Nhịp truyện đẩy cảm xúc rất tốt. Truyện dịch ổn, kết đau lòng nhưng mình không tiếc thời gian bỏ ra đọc.
– Nguyễn Ngọc Trân
Khác với nhiều trường phái văn học hiện đại trên toàn thế giới, văn học Hàn Quốc đi sâu vào khai thác những góc tối bên cạnh đời sống hào nhoáng, hoa lệ vốn có như nhiều người vẫn nghĩ. Có lẽ bởi vậy mà khi đến với những tác phẩm văn học đương đại của Hàn Quốc, ta dường như thấy trong đó chút màu ảm đạm, u ám nhưng lại chính là phản ánh hiện thực tàn khốc của cuộc sống. Đọc cuốn sách “Bố con cá gai”, ta không chỉ thấy trong đó tình cha con mà còn thấy cả sự bế tắc, sự cô đơn, một cuộc sống khó khăn của những người tuột lại phía sau trong một xã hội phát triển chóng mặt được lột tả một cách trần trụi trong văn chương.
Ra đời vào năm 2000, câu chuyện “Bố con cá gai” đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả, trở thành một cuốn sách có sức lay động mạnh mẽ, một câu chuyện cảm động về tình cha mà Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc.
Tác giả Cho Chang-in đã lôi cuốn người đọc ngay từ nhan đề của tác phẩm – “Bố con cá gai”“Cá gai là một loài cá rất kỳ lạ.
Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết”Lật từng trang sách, trước mắt tôi như hiện lên thước phim quay chậm về những ngày tháng hai cha con cá gai bên nhau. Người bố vì có một tuổi thơ bất hạnh mà quyết luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho hai người mà anh yêu hơn cả bản thân mình: vợ và con trai anh. Thế nhưng, người vợ ấy vì theo đuổi một cuộc sống tốt hơn, hào nhoáng hơn mà bỏ hai cha con anh đi. Vốn đã thương con lớn lên không có tình yêu của mẹ, anh lại càng khổ tâm hơn khi đứa con mình nâng niu phải chịu đau đớn từng ngày đối đầu với căn bệnh ung thư máu. Nhưng cậu bé ấy không phải cậu bé hư. Bởi cậu bé Daum – chú cá gai con sớm hiểu chuyện – rất giỏi chịu tiêm, em không khóc khi bị đau, em nghe theo lời chỉ dạy của bác sĩ, em vẩn vơ nghĩ về bạn Eun Mi kẹp tóc hoa, em xếp tàu cướp biển với bạn cùng phòng và chìm vào trang truyện “Bảy viên ngọc rồng”. Dù vậy, cậu cá gai con ngoan ngoãn ấy lại nói một câu khiến tim tôi dường như nghẹn lại: “Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao lâu nữa thì mới chết được ạ?” Daum đã trải qua bao đau đớn như thế, rồi cũng có người có mẫu tủy phù hợp để hiến cho cậu. Thế nhưng lúc ấy người “Bố ngốc” mà Daum hay nói đã mắc phải căn bệnh ung thư gan, anh tình nguyện để đứa trẻ đi với mẹ mà không để cho nó biết rằng mình không thể ở bên nó được nữa.
Đọc tới đây, trong đầu tôi chợt hiện lên một ý nghĩ: Ngay từ đầu, họ cố gắng vượt qua đau đớn, vượt qua hoàn cảnh, vượt qua mọi trở ngại, chẳng phải là để được có một cuộc sống bình yên bên nhau sao? Vậy nếu biết trước nỗ lực như vậy để rồi cuối cùng phải chia lìa, hành trình của họ liệu có tới được hồi kết như vậy không?
Gia đình của Daum vì chưa sẵn sàng nên mới dẫn tới sự đổ vỡ trong hôn nhân. Chẳng có người mẹ nào là bội bạc, có chăng chỉ là tình yêu dành cho con không lớn bằng khát khao tìm tới ước mơ thời trẻ mình từng bỏ lỡ mà thôi.
Khép lại cuốn sách, trong lòng tôi đọng lại những cảm xúc bồi hồi khó tả, dường như chẳng thể diễn đạt bằng lời. Nếu cha mẹ của Daum gặp nhau đúng thời điểm, nếu họ không đến với nhau trong những năm tháng bồng bột của tuổi trẻ, có lẽ Daum đã có một mái nhà hạnh phúc. Nếu Daum không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo kia, không có một tuổi thơ thiếu vắng đi một mái ấm gia đình trọn vẹn, có lẽ em đã có thể hồn nhiên ngây thơ sống đúng với lứa tuổi. Nếu bố của Daum may mắn hơn một chút, anh đã có thể cho Daum một tuổi thơ ấm áp bên người mà cậu bé luôn tin tưởng và yêu thương.
Nhưng đã là “nếu” thì sẽ mãi chỉ là “nếu” mà thôi, và vì không có những cái “nếu” như thế thì mới là cuộc sống. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, không phải lúc nào cũng mang một màu hồng mơ mộng đẹp đẽ như truyện cổ tích. Câu chuyện cũng như một lời nhắc nhở cho chúng ta học cách biết trân trọng những điều mà mình có được.
Bởi con người ấy mà, thường thì mất đi điều gì đó rồi mới để ý rằng điều ấy quan trọng, chưa thấy được mảnh đời bất hạnh hơn mình thì sẽ cho rằng mình là kẻ bất hạnh hơn cả. Nhưng các bạn ạ, hãy luôn tin vào cuộc sống, luôn tin tưởng và trân trọng những người mà mình yêu thương, vì mất đi niềm tin chỉ làm cho cuộc sống của bạn thêm bế tắc, vì không biết giữ gìn thì mất đi sẽ chỉ để lại cho ta những hối tiếc muộn màng.
Ai còn chưa hòa hợp được với cha, hãy thử cầm quyển sách này lên và nghiền ngẫm về cuộc đời của ông bố cá gai, nghĩ xem rằng có phải người bố nào trên đời này cũng như bố cá gai kia thương con vô điều kiện, có chăng là cách thể hiện không giống nhau mà thôi? Đọc cuốn sách xong, tôi thấy như muốn trao đi yêu thương nhiều hơn nữa, học cách ngoan ngoãn như Daum bé bỏng không để bố phiền lòng, học cách tin tưởng và nâng niu những người ở bên tôi, sợ rằng một lúc nào đó rời xa có nuối tiếc cũng không còn kịp nữa rồi…
– Nguyễn Thuỳ Dương
Trích dẫn Bố con cá gai
“Bố lúc nào cũng sẽ cùng con bước trên đường đời. Khi con mệt mỏi, khi con sắp gục ngã, khi con chán nản muốn dừng bước trên con đường con đã chọn, khi con muốn quay đầu lại thì hãy nhớ, bố luôn đồng hành cùng con. Mãi mãi….”
“Có lần tôi từng hỏi bố. Rằng sau này bố thích tôi trở thành gì. Bố đã cười thật tươi rồi trả lời. Rằng bố mong tôi sẽ hạnh phúc. Vì thế nên dù tôi có trở thành gì đi chăng nữa, chỉ cần tôi hạnh phúc là bố vui rồi.”
“Sợi dây gắn kết có tên gọi bố và con, đó là một mối giao cảm quá đỗi lạ kỳ.”
“- Hạnh phúc là gì nhỉ?
– Đó là có thể sống cùng với người mình yêu thương, và có thể làm bất cứ điều gì vì người mà mình yêu thương.”
“Yêu một người cũng đồng nghĩa với hối hận.
Nhưng vì sợ mà không yêu thì cũng đau khổ vậy thôi.”
“Vào những ngày mưa, thậm chí đến cả cửa sổ bố cũng không cho tôi mở ra. Bố cứ lo tôi sẽ bị cảm. Nhưng bố thì lại dầm mưa ướt nhẹp thế kia. Nếu hỏi lý do thì chắc chắn bố sẽ nói như thế này, chắc như bắp luôn.
‘Vì bố là người lớn, còn Daum là em bé mà.’
Tôi gật đầu ngay tắp lự. Nhưng không phải tôi đến mức có thể bị lừa bởi câu nói của bố đâu. Cơ mà giọt nước mưa lại như tên lửa, chỉ nhắm mỗi trẻ con thôi chứ.”
…”Túi máu truyền chứa tủy sống được treo trên giá đỡ và nối với ống thông tĩnh mạch trung tâm. Từ túi máu truyền, tủy sống nhỏ giọt rơi xuống. Bắt đầu rồi. Đó là cố gắng thử nghiệm cuối cùng để kéo đứa trẻ từ trong bóng tối của cái chết đến vùng ánh sáng ấm áp của sự sống.
Không biết anh đã mong mỏi đến giây phút này bao nhiêu. Ôi, từng giọt tủy sống, hãy vực dậy cơ thể tàn tạ của đứa trẻ nhé!
Cả cuộc đời anh đã từng khát khao đến cháy bỏng một điều gì đó như thế chưa nhỉ? Anh vừa tì trán vào lớp kính, vừa nhìn từng giọt tủy sống chảy vào trong cơ thể đứa trẻ, hai chân vừa run rẩy, vừa nghiến răng chịu đựng cơn đau như bị một con dao sắc lẹm đâm sâu vào mạng sườn, vừa chìm đắm trong ngọn lửa của nỗi mong mỏi đang dâng trào mãnh liệt.
Đó là người cha vẫn còn đang sống. Anh mong mỏi rồi lại mong mỏi không ngơi nghỉ, rằng đến khi từng mảnh cuối cùng của thể xác và linh hồn này hoàn toàn tan biến thì cũng không còn gì phải hối hận…”