Bullshit Jobs: Đời Ngắn Lắm, Đừng Làm Việc Vô Nghĩa! – David Graeber

Lần cập nhật gần nhất April 5th, 2021 – 08:40 am

Bullshit Jobs: Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa! chỉ ra sự tồn tại và tác hại xã hội của những công việc vô nghĩa, những “nghề thừa” quanh ta. Giáo sư David Graeber cho rằng hơn một nửa công việc hiện tại là vô nghĩa, và chúng gây ra những thiệt hại đáng kể về mặt đạo đức và tinh thần, tạo nên những vết sẹo trong tâm hồn con người. Nhưng, hầu như không có ai nói về vấn đề này cả! Không đơn thuần giải thích lý do tại sao phải làm công việc vô nghĩa mà ông còn “mổ xẻ” kỹ càng để cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội như lực lượng lao động, các qui tắc hành chính quan liêu đội lốt dự án kinh tế, tình trạng tự biến chính mình thành nô lệ khi dành phân nửa thời gian để làm những việc vô nghĩa… Tất cả những điều này lâu dần trở thành sự thù ghét, oán hận và nghi ngờ đã trở thành chất kết dính gắn kết toàn xã hội lại với nhau.

Review Bullshit Jobs

David Graeber đã từ giã cõi trần vào 2-9-2020 trong độ tuổi còn sung mãn nhất. Tiếng tăm của ông không chỉ gói gọn trong ngành là một nhà Nhân học hướng về quần chúng, một người theo thuyết Vô trị (Arnachist) nhiệt thành, mà còn là người hướng về quần chúng lao động ở phương Tây. Ông còn là biên tập của tạp chí HAU – tạp chí về lý thuyết Dân tộc chí hàng đầu hiện nay. Ở Việt Nam thì tên tuổi của David Graeber ít người biết, nhất là trong lĩnh vực Nhân học.

Bullshit Jobs: A Theory (Nghề nghiệp tào lao: Phác thảo lý thuyết). Ở Việt Nam được dịch thành tựa là “Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa”. Bởi vì cách dịch này làm nhiều người hiểu lầm cuốn sách này là sách đa cấp, self-help, nhà xuất bản cố tình dịch vậy chắc dễ bán hơn. Nhưng thực tế, đây là CUỐN SÁCH NHÂN HỌC PHÊ PHÁN CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN NAY.

Khi bài viết về “Nghề nghiệp tào lao” được xuất bản trên tạp chí cánh tả Strike, lượng người truy cập đọc đã làm cho trang Strike ngẽn mạng và mém sập.

Trong cuốn sách này, câu hỏi nghiên cứu của ông đưa ra là: Có khi nào chúng ta thấy công việc chúng ta thật sự là tào lao, không giúp ích được gì cho thế giới? Và nó biến mất cũng chẳng ảnh hưởng gì cho thế giới cả?

Đây là cuốn sách sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên, và nhiều câu hỏi xung quanh cuộc sống của bản thân như là: Sao nhiều người trẻ lại cuồng công việc văn phòng có thể làm 10-12 tiếng/ngày dù không được trả thêm lương? Vì sao khoa học kỹ thuật thế kỷ 21 đã rất phát triển, các ngành sản xuất đã tự động hóa như dự đoán của Keynes, nhưng theo Keynes, chúng ta chỉ còn làm 15 tiếng một tuần, nhưng thực tế bây giờ chúng ta làm là hơn 30 tiếng/tuần?

Ông chỉ ra rằng chính ĐẠO ĐỨC và CHÍNH TRỊ, là thứ khiến chúng ta phải quay cuồng với công việc.

Đạo đức rất đơn giản: Nếu bạn không làm việc thì bạn không được hưởng điều gì. Đối với những nhà Tư bản, làm việc như là cách khẳng định giá trị bản thân của người lao động. Rốt cuộc, điều này chỉ có lợi cho chủ nghĩa tư bản mà thôi. Đây cũng là lý do vì sao nhiều CEO, SharkTank và tay chủ luôn kêu gào “Người trẻ phải cống hiến thanh xuân” của họ cho công ty.

Chính trị thì nếu mà người dân quá rảnh thì họ sẽ tham gia biểu tình đòi quyền lợi.

Vì thế, có một nghịch lý xảy ra mà tác giả chỉ ra rằng nếu chủ nghĩa tư bản tối đa hóa lợi nhuận vì sao lại thuê nhiều vị trí thực sự “vô nghĩa” và không giúp ích gì cho tư bản?

Xã hội hiện nay đang chạy theo một kiểu xã hội tiêu dùng. Khi mà công nhân càng ngày càng giảm bớt vì dây chuyền tự động hóa, nhưng lực lượng văn phòng làm dịch vụ tăng lên nhanh chóng. Thực tế, tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu giải trí của chúng ta hiện nay, lại thuê một đống đội ngũ nhân lực cho ngành dịch vụ tiêu dùng để phục vụ nhu cầu giải trí của người khác, có thể kể đến nhân viên Marketing, PR,…

Tác giả đặt vấn đề, nếu giáo viên và bác sĩ tự nhiên biến mất. Có ảnh hưởng gì xã hội hay không? (Thực tế, có lẽ sẽ ảnh hưởng kha khá đấy). Còn nhân viên PR, Marketing biến mất có thật sự gây ảnh hưởng lên xã hội không?

Thực tế rất đáng buồn cười là những nghề Giáo viên và Bác sĩ, chúng ta có thể thấy sự quan trọng nếu nó biến mất nhưng nghề nghiệp này lại được trả lương cực kỳ thấp. Trong khi nhiều ngành nghề phục vụ cho chủ nghĩa tiêu dùng thì trả lương rất là cao

Cuối cùng điều gì đang xảy ra trong xã hội Tư bản hiện nay? David Graeber tử những công trình điền dã, các đoạn phỏng vấn online, lý thuyết của Karl Marx đến Max Weber để lý giải cho một đống nghịch lý, lộn xộn của Chủ nghĩa Tư bản đang tạo ra một đống công việc tào lao mà bản thân nhiều người cảm thấy nghề họ chả có ý nghĩa gì, mà Tư bản giữ chúng ta luôn bận rộn và không có thời gian nghỉ ngơi.

– Sách Khai Minh

Trích dẫn Bullshit Jobs

“Vá víu” là những công việc tồn tại chỉ vì một trục trặc hoặc lỗi trong tổ chức; người làm công việc vá víu nghĩa là họ ở đó để giải quyết một vấn đề mà đáng lý ra nó không nên tồn tại.
Tạo ra một công việc dọn dẹp toàn thời gian kiểu như vậy thì chỉ có thể gây oán hận. Ngay cả Sigmund Freud cũng đã nói về chứng “loạn thần kinh của người nội trợ” (housewife’s neurosis) là một chứng bệnh mà ông tin rằng nó ảnh hưởng đến những phụ nữ bị buộc phải dẹp bỏ sự nghiệp riêng để dọn dẹp cho người khác, và vì thế người phụ nữ trở nên quá khích trong chuyện vệ sinh gia đình, như một hình thức trả thù. Đây thường là nỗi đau đớn về mặt tinh thần của người làm công việc vá víu.
Rất nhiều kiểu công việc vá víu là hậu quả từ một lỗ hổng trong hệ thống mà không ai buồn sửa – những nhiệm vụ hoàn toàn có thể được tự động hóa nhưng cuối cùng không được làm vì không ai buồn ngó đến hoặc vì người sếp muốn duy trì càng nhiều nhân viên cấp dưới càng tốt, hoặc vì một số nhầm lẫn trong cấu trúc tổ chức, mà cũng có thể là sự kết hợp của cả ba yếu tố này. Nó như kiểu người chủ nhà phát hiện mái bị dột, ông ta nghĩ rằng thuê một người thợ để lợp lại mái thì quá tốn kém, nên ông ta đã đặt một cái xô bên dưới và thuê một người có nhiệm vụ là lâu lâu đổ nước trong xô đi.
Không cần phải nói rằng những người làm công việc vá víu hầu như luôn nhận thức được rằng họ có một công việc vô nghĩa và thường khá tức giận về nó.
Tôi đã gặp một ví dụ kinh điển về công việc vá víu trong khi làm giảng viên tại một trường đại học nổi tiếng ở Anh. Một ngày nọ, kệ sách trên tường trong văn phòng của tôi bị sập, sách nằm rải rác khắp sàn nhà, và một khung kim loại bị trật ra treo lủng lẳng trên bàn của tôi. Một giờ sau, một thợ mộc đến để kiểm tra thiệt hại nhưng rồi lập tức nghiêm trọng thông báo với tôi rằng, vì có sách nằm tung tóe trên sàn nhà nên các quy tắc an toàn không cho phép anh ta vào văn phòng hoặc có bất cứ hành động nào tiếp theo. Tôi sẽ phải thu dọn sách và không chạm vào bất cứ thứ gì khác, anh ta sẽ trở lại ngay khi sắp xếp được công việc để gỡ cái khung đang treo lơ lửng.
Tôi đã sắp xếp chồng sách lại theo đúng yêu cầu, nhưng người thợ mộc không bao giờ xuất hiện trở lại. Sau đó, hằng ngày, sẽ có một loạt các cuộc gọi từ Khoa Nhân chủng học đến Ban quản lý tòa nhà. Mỗi ngày, một người nào đó ở Khoa Nhân chủng học sẽ gọi điện, thường là gọi nhiều lần, để hỏi về hành tung của người thợ mộc, người luôn tỏ ra có điều gì đó cực kỳ cấp bách phải làm. Một tuần trôi qua, tôi phải làm việc trên sàn nhà, trong một cái ổ nhỏ ghép từ mấy cuốn sách rơi xuống, rồi có một người của Ban quản lý tòa nhà đến văn phòng của tôi và làm đúng một việc là xin lỗi vì sự thật rằng người thợ mộc đã không đến. Anh này có vẻ là người dễ thương, cực kỳ lịch sự, điềm tĩnh, luôn phảng phất một chút u sầu, nên trông anh ta khá phù hợp với công việc. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng là anh ấy lại hạnh phúc với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mà trên hết, có vẻ như không có lý do rõ ràng để giải thích tại sao trường không thể đơn giản là cho anh ta nghỉ việc và sử dụng số tiền đó để thuê thêm một thợ mộc khác!”