Lần cập nhật gần nhất August 6th, 2020 – 03:45 pm
Chủ đề chính trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là sự khác biệt giữa thế giới của trẻ em và thế giới của người lớn. Trên nền ấy, câu chuyện trong “Cảm ơn người lớn” có sự mở rộng, đa dạng hơn với những hồi tưởng và sự ngậm ngùi tiếc nuối khi nhớ về hàng loạt “chiến công” oanh liệt, những ước mơ nhuốm màu viễn tưởng thời thơ bé của người trưởng thành.
Nhà văn cho biết, thông qua các nhân vật, ông gửi gắm những suy ngẫm, trăn trở và nỗi ám ảnh của chính mình về tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, cái chết và sự tàn phá khốc liệt của “bạo chúa thời gian”…
Review Cảm ơn người lớn (2)
CẢM ƠN NGƯỜI LỚN – Trạm dừng chân ngoái đầu nhìn tuổi thơ
Nếu bạn vẫn còn vương vấn câu chuyện của nhóm bạn cu Mùi, cái Tủn, Tí sún và Hải cò hay câu nói viral “Buồn ơi là sầu!” sau khi xếp cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” lại thì đừng bỏ lỡ “Cảm ơn người lớn” – phần hai được bác Ánh kể tiếp hấp dẫn và thú vị không kém. Là khi nhóm bạn tuổi thơ gặp mặt nhau sau khi tất cả đã là người lớn, thậm chí là “lớn hơn cả những người lớn”.
———————————
Một trong những điểm mà mình yêu thích ở các tác phẩm của bác Ánh là cách miêu tả không gian rất sinh động, sử dụng từ ngữ thân thuộc, gần gũi và giản dị. Những lời thoại của nhân vật cũng vô cùng tự nhiên, thể hiện đúng sự hồn nhiên và tinh nghịch trẻ thơ của những cô bé, cậu bé với những ước mơ nhỏ nhoi, đơn giản. Ví dụ như muốn tự mình bay trên bầu trời như chim, bốn cô cậu nghĩ thế là rủ nhau làm thật, chim bay được nhờ cánh, vậy thì cùng nhau làm cánh, hậu quả sau chuyến bay là Hải cò xuất viện với cánh tay trắng toát vì bó bột. Đến khi nhóm bạn gặp nhau và hồi tưởng lại ông Hải cò phải thốt lên đầy hậm hực rằng: “Tao mà gặp lại thằng Hải cò ngày xưa tao sẽ xáng cho nó một bạt tai vì cái tội chơi ngu!”
———————————
Ước mơ của người lớn chắc hẳn là phải kiếm được tiền. Cũng chính vì vậy mà người lớn cho rằng những việc làm của trẻ con là vớ vẩn, không phải việc “đại sự” hay làm nên trò trống gì. Cu Mùi, Hải cò, Tí sún và Tủn ở lứa tuổi đó thì lại không nghĩ thế. Bắt đầu từ năng khiếu vẽ tranh của cái Tủn rồi tài năng văn chương hoa lá của cu Mùi, cả bốn đã cùng nhau tạo nên một cuốn truyện tranh nổi tiếng khắp lớp, trường và kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời.
———————————
Tưởng chừng như quyển sách chỉ kể tiếp câu chuyện về nhóm bạn cu Mùi nhưng mình vẫn nhận thấy được những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc từ những chi tiết, những câu chuyện nhỏ. Đọc những dòng suy nghĩ, chiêm nghiệm của nhân vật “tôi” hay của chính tác giả, chúng ta sẽ thấy thấm thía, không phải theo cách nặng nề mà vô cùng nhẹ nhàng, dí dỏm bởi người lớn chúng ta cũng ĐÃ TỪNG hồn nhiên và ngây thơ như thế. “Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả”.
———————————
Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Tuy nhiên, trong câu chuyện ngoài bốn nhân vật chính cu Mùi, cái Tủn, Tí sún và Hải cò thì bác Ánh còn kể về những “người lớn dễ thương”, “Thỉnh thoảng có những người lớn dễ thương. Người lớn dễ thương thỉnh thoảng nghĩ ra những trò chơi dễ thương.” Mẩu chuyện nhỏ về người lớn dễ thương mình thích nhất ở đây là về ba mẹ của cái Lý, nhà nó là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán nước mắm lẻ, cạnh cái muỗng ống trúc đong nước mắm cho khách, mẹ nó có treo cái bảng các-tông chi chít tên người và con số – đó là sổ ghi nợ khi hàng xóm mua thiếu. Rồi một ngày mẹ con Lý rượt ba nó vì cái tội xóa sạch tấm bảng ấy. Điều đáng nói là mẹ nó rượt ba nó chạy lòng vòng chứ không đánh cái nào hết, còn ba nó thì co giò chạy mà vẫn cười hì hì, cứ vài ba bữa là lại xóa sạch tấm bảng. Lý do là ba nó thương hàng xóm xung quanh mình, ai cũng nghèo, cũng khổ, nên lâu lâu ba nó xóa bớt nợ. Chắc hắn các bạn ai cũng thắc mắc: “Vậy tại sao mẹ con Lý không ghi nợ chỗ khác rồi cất đi?” Đơn giản vì mẹ nó cũng là một “người lớn dễ thương”.
———————————
Gấp lại cuốn sách, lòng mình vui lâng lâng nhưng cũng man mác buồn, nhận ra bản thân mình cũng từng như cu Mùi, cái Tủn. Cuốn sách như một trạm dừng chân giúp chúng ta có thể ngoái đầu nhìn lại tuổi thơ một lần nữa khi “Chiếc vé đi tuổi thơ” hết rồi.
“Ở một nơi nào đấy xa xôi
Có thành phố,
ngày xưa,
có thành phố
Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó
Từ rất lâu,
đã từ lâu,
trôi qua…
…
Ở thành phố Tuổi Thơ –
bài ca ngày nhỏ
Chúng tôi hát –
Xin cám ơn điều đó!
Nhưng chúng tôi không trở lại,
Đừng chờ!
Trái Đất nhiều đường.
Từ thành phố Tuổi Thơ,
Chúng tôi lớn,
đi xa…
(trích thơ của Robert Rojdesvensky)
– Thu Hồng Hoàng
“Có hạt khô nằm chết
Bên bờ rào chênh vênh
Ngày hôm sau chỗ ấy
Chắc là hoa mọc lênCó buổi chiều nằm chết
Trên đồi thông cỏ dày
Chắc hôm sau chỗ ấy
Mọc lên một sớm mai”– Cảm ơn người lớn –
– Nguyễn Nhật Ánh –Giao’s comments:
Mình là một đứa con gái hay hoài niệm về dĩ vãng. Anh từng nói, lãng mạn tốt nhưng lãng mạn mà không có mục đích thì cần xem lại, sống không thể cứ ôm mãi cái sự lãng mạn hoài như vậy được.
Anh nói đúng, nhưng … biết sao nhỉ, lãng mạn với mình đã là cái cốt tận trong xương tủy. Mình sinh ra đã thích văn thơ, tâm hồn lại nghệ sĩ, say mê vẽ vời, ca hát và hứng lên lại cần mẫn ngồi làm dăm ba thứ nhỏ xinh. Nên, với mình, quá khứ không chỉ là khoảng thời gian đã qua, mà đó còn chính là ký ức, là một phần mình chưa bao giờ muốn mất đi.
Mình không thích đọc những trang tản văn não nề, kiểu đầy sự u uất của những câu chuyện tình yêu không hồi kết, không thích những ủy mị sướt mướt và đôi khi có phần hơi sến được tác giả cố gắng cường điệu hóa qua những câu thơ, trang văn. Mình cũng không thích cả những thể loại văn chương tự đánh lừa bản thân bằng những ca từ bóng bẩy, mông lung và sáo rỗng. Mặc dù vậy, mình không phủ nhận, những thể loại thơ văn này lại rất được lòng giới trẻ bây giờ. Những câu cap sặc mùi ảm đạm, những cre đầy chất suy tư được che đậy dưới mặt nạ giản đơn của hình thức. Ờ, chí ít ra, copy mấy dòng này mà đăng lên mạng xã hội, thể nào cũng kiếm bộn “like”, “tim” các kiểu. Mà điều làm mình kinh ngạc hơn nữa, đó lại là, “càng buồn”, càng não nề, càng ảm đạm, càng “đáng thương” , đau khổ lại càng được “nhiều like” nhất. Ơ thế hóa ra, bọn trẻ bây giờ, sinh ra chỉ để thất tình? và cả ngày chỉ quanh quẩn tình yêu – yêu tình hay sao?
Tóm lại là mình không thích, mục đích của cap chỉ là để giới thiệu một thể loại “cũ” mà không “tỏ ra bi”, chính là những trang viết về tuổi thơ của bác Ánh. Cảm ơn người lớn, chính ra, là dành cho người lớn, chứ không phải dành cho “con nít”. Giống như có quyển sách viết cho tuổi 30 nhưng kỳ thực, người nên đọc lại là lứa tuổi 20. Đọc để foreseen, đọc để nhìn ngắm những phiên – bản – có thể là mình của những ngày tháng sau. Đọc để “biết được gì thì biết”, rồi “tránh được gì thì tránh”.
Cảm ơn người lớn, chính là món quà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng tuổi trưởng thành, những đứa trẻ con đã nhiều tuổi, những đứa con nít tóc đã pha sương hay tâm hồn đã ít nhiều già cỗi. Người lớn các người luôn có những bí mật, chỉ muốn nhìn mọi việc thật phức tạ, không hề thích sự đơn giản vốn có của nó, chỉ thích nói dối và suốt ngày chạy đua theo vật chất, danh vọng, chỉ chăm chăm phủ nhận chính bản thân mình của những năm tháng cũ. Người lớn các người lại có lúc phũ phàng chối bỏ chính mình.
Nếu phần “người lớn” trong bạn đã quá già, thì xin một lần tìm đọc lại Cảm ơn người lớn, hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Để xin lỗi chính bản thân mình, để dịu dàng với con trẻ, để lắng đọng lại một nhịp giữa phố thị phồn hoa.
Sau cùng, những dòng thơ khi những đứa trẻ đã lớn lại làm mình day dứt và ám ảnh cả một ngày dài:
“Tôi không còn tuổi trẻ tặng cho em
Khi gặp gỡ bỗng giận đời quá muộn
Chuyến tàu thời gian tôi sắp xuống
Trong khi em vừa mới đáp ga đầu…”Sự day dứt trải dài từ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đến những cô cậu nhỏ ở Cảm ơn người lớn. Nó lại càng làm tim mình chùng xuống nhiều nhịp khi đúng lúc mình đang đọc lại cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn của nhóm tác giả Phạm Lữ Ân. Khi bụi thời gian phũ phàng phủ lên màu năm tháng.
Cảm ơn người lớn, lời văn giản dị và không xa hoa như nó vốn thế.Cảm ơn người lớn, lại một chiếc vé trở về tuổi thơ siêu hạng dành cho tuổi trưởng thành.
– Lam Tieu Giao
Kể từ khi “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” ra đời (2008) cho đến nay tròn đúng 10 năm. Trong 10 năm ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã làm được nhiều thứ. Đã ra thêm dăm bẩy đầu sách. Đã trở thành đối tượng của vài ba hội thảo. Đã có tác phẩm được chuyển thể thành phim…
Những chuyện như thế diễn ra như thể cần phải thế, rất đỗi tự nhiên.
Thế nhưng, cho đến hôm nay, vào những ngày chớm đông 2018 này, cuốn truyện “Cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Anh chào đời thì lại có nhiều điểm lạ lẫm, gây bất ngờ đối với bạn đọc, kể cả bạn đọc trẻ em và người lớn. “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Đó là câu đề từ của cuốn sách được trích ra từ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nói trên.
Điểm bất ngờ đầu tiên: Hóa ra “Cảm ơn người lớn” chính là câu chuyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được viết tiếp, được kéo dài, như người ta vẫn thường nói là “hậu” của cái đã viết. Vẫn là câu chuyện của bốn đứa trẻ con Tủn, Tí sún, Hải cò và cu Mùi được kể bởi người kể chuyện xưng “tôi” từ điểm nhìn ngày hôm nay, khi “tôi” đã lớn.
Khi đọc xong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, những tưởng nhà văn đã vét cạn kho ký ức tuổi thơ rồi, đã nói ra hết những điều gan ruột, và như thế cũng đã đủ rồi. Ai dè, ở “Cảm ơn người lớn”, vẫn chuyện của 4 đứa trẻ ấy thôi, mà còn diễn ra vô khối chuyện, vô khối cái nghĩ, cái cảm, tưởng như vô hồi vô tận, không có chỗ dừng. Mà cũng lại toàn chuyện bất ngờ, không kém gì nhưng pha trong tác phẩm trước. Khi đọc, tôi cứ một mình tự nắc nỏm: Sao cái ông nhà văn này giỏi chuyện đến vậy. Tập truyện gồm 19 chương, tập trung vào 4 câu chuyện nhỏ của 4 đứa trẻ: tập bay, tập vẽ bản đồ, viết và bán truyện tranh để giúp đỡ bạn mình đi học, và viết thư cho nhau. Kết thúc truyện là một tình huống có hậu: cu Hiệp (bạn của bốn đứa trẻ) được tiếp tục cắp sách đến trường. Mỗi câu chuyện nhỏ trong đó là mỗi bất ngờ. Bút pháp nhà văn cao cường đến nỗi dẫn dụ người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, gây cuốn hút.
Điểm bất ngờ thứ hai khiến tôi thích thú: Nếu như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là thông điệp hãy trở về với tuổi thơ, được sống lại tuổi thơ, tuổi thơ như những vị thuốc thần tiên để giúp mỗi người lớn sống đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, nhân bản hơn; thì đến lượt “Cám ơn người lớn”, vẫn có ý vị của những thông điệp trên, nhưng nhà văn tập trung vào ý tưởng: Làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, người lớn vẫn cứ “ngốc nghếch” mãi; nên tuổi thơ ơi, hãy biết thương người lớn, biết cảm thông cho người lớn. Té ra cuộc đời này thật lạ lùng: người lớn thì mãi mãi “ngốc nghếch”, còn trẻ con thì mãi mãi “điên điên”. Hãy cố mà hiểu nhau, cảm thông cho nhau, thì cuộc đời này bớt khổ, và đầy lên nhân ái.
Hai thông điệp của hai tập truyện trước và sau như hai chiều của một véc-tơ, dào lên lòng nhân bản của con người, dào lên nỗi yêu thương của con người và của muôn loài trên mặt đất này, vũ trụ này.
Tôi cố gắng lý giải câu hỏi vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại có thể viết mãi về tuổi thơ như thể không hề cạn bút?
Hẳn là Nguyễn Nhật Ánh đã có được một miền ký ức tuổi thơ vô cùng sâu và rộng. Thế nhưng cái vốn liếng ấy, không chỉ riêng nhà văn có được, mà hẳn nhiều người cũng có.
Hẳn là Nguyễn Nhật Ánh có một kiểu cấu trúc tâm hồn mang tính hồn nhiên, trẻ thơ mãi mãi? Cũng có thể. Điều này chắc hẳn Giời cho, có muốn cũng chẳng được.
Có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất là: Bằng cách kỳ lạ/kỳ diệu nào đó, anh đã bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ “vô nhiễm”. Vâng, tâm hồn người nghệ sĩ này không bao giờ có thể bị những thói trơ lì, vô cảm, đố kỵ, ác độc của đời sống làm cho vấy bẩn, làm cho cằn cỗi. Bằng một cách thật tự nhiên, tâm hồn này có khả năng kháng cự lại những thứ chất độc của đời sống. Nguyễn Nhật Ánh đã bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm anh minh.
Và như thế, anh sẽ còn viết mãi. Viết mãi cho bạn đọc tuổi thơ. Viết mãi cho những ai từng là trẻ thơ. Cho tất cả chúng ta.
“Cảm ơn người lớn” chắc chắn lại là một “quyền lực” văn chương nữa chinh phục và thôn tính bạn đọc.
– Cự Lộc, ngày 8/11/2018