Cái sự nghèo, sự khổ, sự ngu muội đã khiến con người ta đối xử với nhau không còn tình người. Khóc không phải vì những câu chuyện thương tâm, mà khóc vì những tình cảm quý giá, khóc vì cảm phục và ngưỡng mộ lý do vì sao người nhận nỗi buồn về mình mà thản nhiên như thế. Đọc “Cánh đồng bất tận”, bạn sẽ thấy lắng lòng lại và yêu thương mọi người xung quanh hơn, sẽ bớt thờ ơ trước ánh mắt buồn rười rượi, biết thươnh mến nhau trong tình cảm con người.
Review Cánh đồng bất tận (2)
Dường như nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, hẳn tất cả mọi người đều suy nghĩ ngay đến những tác phẩm buồn lai chút lắng đọng trong tâm hồn và sau mỗi câu chuyện đều khiến đọc giả trong đó có cả tôi một chút gì đó ngắt quãng, một nỗi niềm suy nghĩ sâu sắc về nhân vật và từng cử chỉ hành động của họ như rõ mồn một trước mắt
Và tập truyên ngắn Cánh Đồng Bất Tận cũng là một trong những tác phẩm nổi bật đó của chị Tư, tập truyện này tôi đã nghe tên bấy lâu nhưng vẫn không lựa chọn mua về đọc vì bản thân biết nó đã được chuyển thể thành phim nên trong suy nghĩ rằng tên truyện quá đỗi xa xăm u buồn nên chắc nội dung cũng sẽ giống như những bộ phim nhựa về miền quê trong thời chiến Việt Nam mà lúc nhỏ từng xem. Nhưng không, qua một lần đọc được một tập truyên khác của chị Tư, giọng văn quá đỗi chân chất, từng câu từng chữ như thể chị chính là nhân vật trong truyện khiến một người đọc giả như tôi khó lòng mà không ấn tượng được.
Sau đó tôi đã tìm đến CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN, vẫn là truyên có kết buồn, lời văn vẫn thế vẫn đậm chất Nam Bộ gần gũi thân thiết hay có khi chị Tư là người con của Cà Mau của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long này.., qua từng lời văn miêu tả sự mộc mạc giản dị ngay cả những suy nghĩ đơn thuần như là của Nương trước cuộc sống lang thang trên đồng trong CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN, là cảnh đối thoại trên ghe vào tờ mờ sáng của hai người phụ nữ cùng yêu một người trong DÒNG NHỚ… được chị Tư khắc hoạ quá đổi thành công. Tập truyên ngắn CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN được phát hành năm 2005 gồm 14 truyện ngắn. Tất cả đều kể về một hiện thực miền Nam xưa cùng những hoàn cảnh, kinh tế những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, tình yêu đôi lứa, tình cha con…
Hay việc cha Năm Nhỏ đi trộm trâu để được lên tivi nhắn với đứa con gái trong CẢI ƠI
–“Cải ơi, ba Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con tội má con vò võ có một mình…”
Hay cách đau tận sâu trong tâm nhưng không thể hiện ra khi Huệ và Thi dứt đoạn mối tình dang dở. Thi lên trường huyện dạy để dành tiền cưới Huệ nhưng rồi lại phải chuẩn bị cưới con gái trưởng phòng giáo dục huyện. Huệ ở quê lấy Thuấn, như một cách để quên Thi trong HUỆ LẤY CHỒNG
–“Lúc Huệ giở mấy trái tim coi kỹ coi có thủng lổ không thì thấy Thi đằng cuối chợ đứng nhìn. Huệ cười ráo hoảnh, tưởng Huệ không thấy, Thuấn quay qua, nhắc nhỏ, “Thi kìa, em!”. Huệ cười, ừ, Thi đó, Thi chớ ai, rồi biểu người bán hàng lựa thêm cho hai chữ Song Hỷ, mới lại gần chào, Huệ biểu “Thi đừng có nhìn tui trân trối vậy, tui cũng phải lấy chồng chớ, phải hôn. Mà anh nhớ đối xử với người ta tốt như đối xử với tui nghen”. Thi gượng gạo cười rồi cắn môi quay đi. Thuấn nhìn theo, nắm tay Huệ, nắm rất chặt, nửa như để an ủi, nữa giống như rịt lấy, như sợ Huệ bỏ chạy đi mất.”
Và cuối tập truyện là truyên ngắn CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN như được Nguyễn Ngọc Tư chăm chuốt nhất, qua từng câu từng chữ và cũng dễ hiểu vì sao nó được lấy tên để làm tựa đề cho tập truyên ngắn này
Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình ba người: cha, Nương và đứa em trai kém một tuổi – Điền. Gia đình mưu sinh với nghề chăn vịt ngày đây mai đó rong ruổi trên những cánh đồng không tên. Người cha mang trong mình nổi hận thù sâu sắc với phụ nữ, với người vợ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác.
Việc không đoái hoài đến 2 đứa con mặc cho chúng tự sinh tồn, tự trò chuyện bằng cách…đọc thấu nội tâm lẫn nhau, những gì không biết thì tự thử, tự học lấy cách sống… không phải vì chúng không ngoan, hư hỏng.. chỉ duy nhất một điều chúng là con của người phụ nữ phản bội. Nỗi hận thù ấy còn được Nguyễn Ngọc Tư khắc hoạ người cha qua hành động liên tiếp bỏ lại tất cả những người phụ nữ mà ông chiếm đoạt được, như là một cách để trả thù??
–“cha mang họ đi một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ, con đường quay về bị bịt kín”
Cuộc sống của 3 người rồi cũng sẽ bình thản trôi đi trong niềm thao thức lạnh lùng, thờ ơ của người cha và sự thèm muốn khao khát yêu thương và được yêu thương của 2 đứa nhỏ nếu như không có sự xuất hiện của “chị” – người vô tình được 3 người cưu mang trên chiếc ghe, và rồi:
–“Điền yêu chị”
–“Điền đuổi theo chị, và chị thì chạy theo cha”
Cuối truyện là hình ảnh Nương bị hãm hại, cha đối diện nhưng đành bất lực đến phát khóc, hai tiếng “Điền ơi” như trong tiềm thức gọi đứa em khiến ông đau đến sững sờ. Hành động đắp chiếc áo của mình lên đứa con gái giữa cánh đồng hoang vắng, sâu thẳm như thay một lời yêu thương, xót xa, đau khổ… của người cha đối với chính con ruột của mình mà bấy lâu nay ông đã không bận tâm đến.
–“Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ thứ gì có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rung rức chớp mở không thôi. Câu đầu tiên nó hỏi:
-Không biết con bị có con không, hả cha?
Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Diệu, Xuyến, Hường…đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tương tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời.”
– Liễu Phương
Có một nỗi buồn se sắt, buồn đến ám ảnh, khôn nguôi. Từng mẩu truyện ngắn về những kiếp người lênh đênh sông nước trên những “cái nhà” chòng chành, chòng chành như chính số phận của họ vậy. Duy chỉ có một thứ luôn “vững chãi” là…cái nghèo. Cuộc sống nghèo khổ cứ bám riết lấy người ta, ghì những phận người nhỏ bé xuống sát đất, khiến cho con người ta cứ “héo” dần đi, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhân phẩm.
Đứng trước những trăn trở, dằn vặt về miếng ăn, nhân cách con người ta cũng héo mòn, khô quắt lại. Đau đớn làm sao khi người ta nhận thức được cái sự ác của bản thân, cái hành động đê hèn vì miếng ăn của mình nhưng lại chẳng thể làm khác được, cho nên lại càng dằn vặt, tự rẻ rúng chính mình, ghê tởm chính mình.
Kiếp đời lênh đênh sông nước sao mà lắm thiệt thòi, lại càng thiệt thòi hơn khi mà người ta lênh đênh cùng cái đói, cái nghèo, cùng nỗi cô đơn khắc khoải. Có một thứ gì đó như nhói trong tim rồi lan đến từng thớ cảm xúc khi dõi theo những kiếp đời ấy. Họ thậm chí còn không dám yêu thương “để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác” dù thấy mình “nghèo rơi, nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có … ông nội để thương, thèm muốn bên đường”. Cứ tưởng cái nghèo về vật chất đã là cùng cực lắm rồi, nào ngờ còn một cái nghèo nữa còn đáng sợ hơn, làm cho người ta quay quắt trong nỗi đau số phận, cái nghèo tinh thần, nghèo tình yêu thương, nỗi thèm khát con người, thèm khát đồng loại…
Rồi cả những mối tình buồn hiu hắt, yêu lắm, thương lắm nhưng chẳng thể đến được với nhau, để rồi trong lòng cứ nhớ nhung, luyến tiếc. Cố mong chờ một cái kết viên mãn mà chẳng thấy. Muốn tìm kiếm một niềm hạnh phúc, dù nhỏ bé thôi cũng được nhưng lại chỉ có trong hoài niệm, mà hoài niệm càng vui vẻ bao nhiêu thì thực tại càng buồn đến nẫu ruột nẫu gan, chỉ có thể tự trách chính mình, trong thầm lặng…
Truyện không chỉ toàn những khổ đau, những sự ác sinh ra từ đói nghèo mà còn có những tình cảm, những yêu thương đẹp đẽ vô cùng.Những tình cảm ấy lại càng đáng quý hơn trong hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Đó là người cha lặn lội khắp nơi đi tìm đứa con gái ( dù chẳng phải con ruột), làm đủ mọi cách (kể cả trộm trâu) chỉ để được lên truyền hình gọi hai tiếng “Cải ơi”, nghe xót xa đến ứa lòng. Đó là người chồng thương vợ, vì không muốn vợ mình buồn khổ khi nhớ lại vết thương cũ mà khiến cho người ta hiểu nhầm mình là kẻ ích kỷ, cay nghiệt. Đó còn là sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu lẫn nhau giữa người với…loài vật( ở đây là loài vịt) lại càng khiến người ta nghĩ ngợi không thôi về “Những ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời…”
Thương… thương nhiều lắm những kiếp người nhỏ bé nhưng vẫn luôn kiên cường bám trụ lấy cuộc đời, bám trụ lấy sự sống của chính mình!
– Trần Thị Huế