Cây Cam Ngọt Của Tôi – José Mauro de Vasconcelos

Một cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc xong cũng sẽ phải trăn trở nhiều điều, phải nhìn nhận lại cách mình đã đối xử với con trẻ. Những điều khủng khiếp gì đã xảy ra khiến cho một đứa trẻ 5 tuổi có suy nghĩ “đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời”?

Review Cây cam ngọt của tôi (2)

Ăn cam năm mới mà không bóc vỏ được nên vừa ngọt lại vừa cay, lúc trước vừa cười lúc sau lại khóc huhu mất rồi.

Ở đầu truyện, tác giả có đề tặng khá nhiều người, trong đó có một đoạn riêng như sau: “Tưởng nhớ em trai Luís (Vua Luís) và chị gái Glória của tôi. Luís đã từ bỏ cuộc sống ở tuổi hai mươi và Glória cũng đã làm thế ở tuổi hai mươi tư, vì nghĩ rằng cuộc đời này không đáng sống.”

Và Cây cam ngọt của tôi là một câu chuyện về nỗi đau và tình yêu thương, đưa chúng ta vào một hành trình khám phá để tự trả lời câu hỏi: Cuộc đời có đáng sống không?Zezé có đủ sự hoạt bát và tinh nghịch mà một đứa trẻ năm tuổi có thể có, cậu bé cũng có đủ sự thông minh và những suy nghĩ rối ren phức tạp mà ít đứa trẻ năm tuổi nào có thể có. Sinh ra ở một gia đình nghèo, mẹ đi làm công nhân ở nhà máy, bố thất nghiệp, nhân khẩu lại đông nên mọi thứ càng vất vả, thế nhưng những sự chật vật về vật chất ấy cũng không làm giảm đi sự trong sáng và ánh mắt trẻ thơ lấp lánh của Zezé. Dường như trẻ em luôn có một thứ phép màu kiểu vậy – thứ phép màu mà cơ thể và tâm hồn đã bị đồng hóa với hiện thực không thể sở hữu – ấy là trí tưởng tượng để vui chơi. Khoảng sân sau nhà với những cá cây, móc phơi đồ, chuồng gà, con mương nhỏ dưới ánh mắt trẻ thơ của Zezé và Luís – em trai nhỏ ngoan ngoãn, vụt trở thành một sở thú với nào sư tử, nào báo, nào cáp treo, rồi thì rừng rậm Amazon, rồi thì là cả Châu u nữa! Những niềm vui trẻ thơ cứ lấp lánh bên những đứa trẻ như thế.

Không chỉ có trí tưởng tượng phong phú, Zezé còn là một cậu bé lớn khôn trước tuổi – cậu bé biết đọc từ sớm (điều khiến xóm làng phải lũ lượt kéo sang mà trầm trồ và cậu thì được đi học sớm), cậu bé luôn hỏi mọi câu hỏi có trong cái đầu của mình (thường là với bác Edmundo) để nhận được những câu trả lời hoàn chỉnh hơn. Nhưng Zezé cũng chẳng phải là một thằng bé hạng vừa. Nó nghịch đến nỗi người ta luôn gọi nó với những câu nói cửa miệng kiểu “Lại là thằng con ông Paulo đấy”, “Thằng con ông Paulo chứ đâu”,… Mà đúng là thi thoảng Zezé lại làm những chuyện kinh động xóm làng khó mà chấp nhận được – cắt dây phơi quần áo để nhìn chúng lộn tùng phèo, làm giả một con rắn bằng quần tất để dọa người đi đường, bôi sáp nến trước cửa nhà thờ để rình người khác ngã chổng vó. Nó làm với sự tinh nghịch và hiếu động, chẳng màng đến những trận đòn roi, những cú tét mông mà nó có thể nhận được. Nhưng nó cũng lại là một cậu bé có tấm lòng nhân hậu và ngoan ngoãn. Mình cứ nhớ mãi khi Zezé nói chuyện với cô giáo rằng ai cũng có hoa cả, chỉ có cô là không. Vườn hoa nọ lại có rất nhiều hoa, em nghĩ sẽ chẳng ai để ý. Mọi thứ đều thuộc về Chúa và hoa cũng vậy. Rằng cô đừng hôm nào cũng cho em tiền mua bánh ngọt, cô có thể cho người khác – một cô bé da đen còn nghèo khó hơn em nhiều, nhà cô bé có tận mười một anh chị em. Hay khi Zezé nỗ lực đi đánh giày để có thể mua cho bố một bao thuốc ở cửa tiệm với giá mười hai xu làm quà giáng sinh cho ông, với sự ân hận đau đớn khôn nguôi khi đã làm tổn thương một người bố bằng câu nói của mình. Và còn nhiều múi cam ngọt khác nữa.

Mình cũng cứ nhớ mãi những khi người ta đối xử thật hồn hậu với nhau. Khi ông chủ tiệm Đói Khổ cảm ơn Zezé lúc em mua bao thuốc cho bố; khi anh Serghino tình nguyện cho Zezé vay 2 xu để đủ tiền – dù anh có thể để Zezé đánh giày và lấy 2 xu nhưng vì cậu bé đã nói không bao giờ lấy tiền của bạn bè nên anh đành vậy (đoạn này rất hay và ấm áp, một trong những chi tiết mình thích nhất trong chuyện); cái cách mà Zezé bao bọc Vua Luís với sự bao dung vô hạn của một người anh; cái cách mà bác Edmundo giảng giải một cách chẳng hề qua loa cho những câu hỏi không rõ ràng của một cậu bé năm tuổi… Những sắc màu ấy thật dịu ngọt và ấm áp làm sao, khiến cho trái tim ta đủ để rung lên từng hồi, để thấy rằng máu vẫn đang chảy trong tim và cuộc sống thật êm dịu.Cây cam ngọt của Zezé là cái cây nhỏ nhất trong nhà. Các anh chị khác của em đều chiếm trước những cây to, thứ còn là chỉ là cây cam nhỏ ấy. Cây cam mà chị Glória đã khẳng định cậu bé sẽ không thấy buồn chút nào đâu, vì hai đứa sẽ lớn lên cùng nhau: Điều ấy nghe thật kì diệu. Và đúng là chị đã đúng. Nó trở thành người bạn tâm giao với Zezé. Nó lắng nghe em và trò chuyện với em, đồng hành với em vào thế giới mơ mộng, như cách mà chú dơi Luciano hiểu và biết những trò chơi của Zezé và Luís vậy.

Và cũng chính Cây cam ngọt, với sự hiện diện lặng lẽ và dịu êm, đã trở thành bức tường cuối cùng trong hành trình trẻ thơ của Zezé. Những cái phết mông sau các trò nghịch dại mà Zezé nhận được không phải “nỗi đau” đáng kể trên hành trình khám phá của cậu bé, mà chính là nỗi đau về thế giới mộng mơ từng chút biến mất, về những yêu thương ta có thể nhận được và cũng có thể mất đi trong đời. Từ gần cuối truyện, mình cứ khóc mãi.

“Ai đã ở trên đời, thì người đó đều xứng đáng được sinh ra, con ạ.”
Zezé đã bước lên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương như thế: Từ những mộng tưởng trẻ thơ, những trò nghịch dại, những cú tét mông; cho đến những đòn roi giận dữ của người lớn, cho đến sự mất mát của những gì mình yêu. Zezé đã bỏ lại nhiều thứ sau hành trình ấy, nhưng có một điều cậu bé vẫn giữ lại, ấy là sự bao dung và niềm tin về thế giới mơ mộng của Vua Luís. Thật là ấm áp, đúng không?

PS. Khi đọc những câu thoại gọi Chúa Hài Đồng, mình cứ tự nhớ ra mấy câu hát của Keira ghê, như thế này: “Here comes the rain, so hold your hat/ And don’t pray to God, ‘cause He won’t talk back.” Nhưng như cách mà ông Bồ đã đáp lại giọng nói của Zezé, mình tin rằng chúng ta sẽ luôn tìm được một sự an ủi nào đó – sự an ủi không xuất phát từ thiệt hơn, địa vị, sự giàu sang, mà là sự an ủi xuất phát từ tình yêu thương giữa người với người.

– Nguyen Nguyen

“Vị chua chát của cái nghèo hòa trộn với vị ngọt ngào khi khám phá ra những điều khiến cuộc đời này đáng sống”, đây là dòng đầu tiên mình đọc được khi chạm tay vào cuốn sách này tại Nhã Nam phố sách 19/12. Và sự thật là mình đã nếm được nhiều vị hơn thế khi đọc xong “Cây cam ngọt của tôi”.

Nếu mình dựa lưng vào kệ sách say sưa đọc thì trong cuốn tự truyện này, Zezé cũng dựa lưng vào cây cam ngọt nơi sau vườn – cậu bé có ước mơ lớn lên trở thành nhà thơ cổ thắt nơ bướm, khi thì líu lo kể chuyện với cây cam, khi yên ả không quậy phá, ngồi ngửa cổ ngắm mây trời, khi lại đầy tâm sự và những câu chuyện không biết nói cùng ai hay phải làm nhiệm vụ trông cậu em trai Luís, đưa chu du khắp thế gian tưởng tượng mỗi ngày.

Zezé sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, đứa lớn trông đứa bé, người bố thất nghiệp còn mẹ phải đi làm từ năm 6 tuổi. vị đắng chát của cái nghèo cứ đeo bám độc giả suốt cả cuốn tự truyện. nó len lỏi như bóng ma vô hình, ám ảnh trong suy nghĩ của một đứa trẻ nhà nghèo được dạy về việc như thế nào là tiết kiệm, tự học cách kiếm tiền, không được chê bai đồ ăn hay thích thú món gì đắt tiền… nhưng không vì thế mà cái nghèo cướp đi sự vô tư và hồn nhiên của Zezé.

Tinh nghịch với những trò chơi ngốc nghếch, háo hức học hỏi những điều mới mẻ, Zezé khiến mình cảm thấy như sống lại một phần của tuổi thơ bởi mình cũng vậy. cũng bị ăn no đòn vì nghịch dại, mình từng ước lớn lên sẽ thật giàu có để trả thù hay đơn giản là ước được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn. và cũng như Zezé, mình từng ước có một người bố khác, người bố có thể tặng quà vào dịp sinh nhật cho mình chứ không phải là một người bố nghèo với những trận đòn roi cơm chan nước mắt.

Vị chát đến nghẹn bứ cổ họng được đẩy lên cao trào như cắn phải một thứ trái cây bị “ép chín” ấy là khi thứ ngôn ngữ duy nhất mà gia đình Zezé dùng để giao tiếp với em chính là những trận đòn roi vô tội vạ, thừa sống thiếu chết thì trong sâu thẳm trái tim bé bỏng và non nớt mới 5 tuổi ấy đã sớm trưởng thành như chú chim nhỏ xổ lồng bay đi, như những người bạn tưởng tượng đã cao chạy xa bay, như cây cam ngọt ra bông hoa đầu mùa. Zezé hiểu chuyện trưởng thành là như thế nào.

Zezé hiểu chuyện đến mức đau lòng, đến mức làm trái tim cô giáo, “người bạn bí mật” trong truyện hay độc giả như mình phải thổn thức, nức nở. có những lúc, Zezé đã nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc sống khốn khổ, nghèo túng và đầy đòn roi vô lý của mình dưới tay con mãnh thú mang tên Mangratiba hay những ý nghĩ về cách trả thù – “giết chết” một ai đó… tất cả tạo nên một Zezé mới 5 tuổi nhưng đã nếm trọn mùi vị của cuộc sống nghèo và chát chúa, ngọt ngào xen lẫn đắng cay.

“Cây cam ngọt của tôi” đối với mình là một cuốn tự truyện cảm động về sự trìu mến trong đời và rất đáng tìm đọc. khi mình mới đọc những trang đầu tiên, lời mở đầu dành tặng và tưởng nhớ những người đã mang đến vị ngọt trong đời của tác giả thì lúc gấp cuốn sách lại, trong lòng mình như sực tỉnh cơn mê. mình ít khi nghĩ đến cái chết nhưng trong cơn mê nào đó, mình vẫn hoài lo sợ rằng nếu những người mình thương yêu nhất chết đi, bắt mình phải tiếp tục sống cô độc trọn một kiếp người thật kinh khủng.

Giữa gia đình ruột thịt nhưng lạc lõng, vị chua chát của sự thật làm trái tim bé bỏng của Zezé vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. vụn vỡ, em cố thủ giữ “người bạn bí mật” bên mình, dẫu cho có đôi ba phần ích kỷ bởi một lời hứa. với em, khó có ai thấu hiểu nỗi đau khi mất đi “vị ngọt duy nhất” trong đời. tất cả dồn nén lại, dâng lên một khối nặng nề, đau tức, nghẹn ngào ở câu thoại cuối truyện: “chẳng ích gì đâu cha ơi, chẳng ích gì đâu…”.

Những ngày cuối năm vội vã của năm hai không hai không sang năm hai không hai có này, mình đọc “Cây cam ngọt của tôi” và đã khóc rất nhiều. khóc vì buồn tủi và ấm ức cùng Zezé, khóc vì trái tim nhân hậu của cậu bé, khóc vì sự khôn lớn và khóc vì tuổi thơ sớm đã hiểu chuyện…

Hy vọng bạn cũng sẽ tìm thấy sự trìu mến trong đời, như cậu bé Zezé đã chỉ cho mình trong “Cây cam ngọt của tôi”.

Mến và thương,

– Thu Minhu