Chậm Mà Chill: Triết Lý Loài Lười – Jennifer McCartney

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 06:09 pm

Sở hữu các chi dài, mỗi chi có hai hay ba ngón, lông thì hơi bờm xờm và mắt thì rất to, lười là một trong những loài động vật đáng yêu (và biếng lười) nhất hành tinh. Lười trầm mặc, thong thả, thư thái và tập trung; là linh vật xuất sắc đại diện cho phong trào từ-từ-khoai-sẽ-nhừ.

Vậy nên hãy thả lỏng, gác lại những cuộc đua tranh căng thẳng, hãy cho phép mình chậm lại một chút và chill thêm nhiều chút với những lời khuyên từ bậc-thầy-sống-chậm này.

Review (2)

Mình là fan của con Lười lâu rồi, bạn bè mình cũng bảo thế. Cuối cùng sau khi bắt gặp cuốn “Chậm mà Chill” này thì mình càng vững tin vào “linh vật” trong lòng mình hơn.

Nói sao nhỉ, mọi người bây giờ sống vội quá. Mình từng đọc được một câu nói trong sách của Phạm Lữ Ân thế này: “Sống là không chờ đợi, dù chỉ mấy mươi giây” Là kể cả mấy giây cho mình thả lỏng thì người ta cũng có thể lập tức cảm thấy đó là mấy giây bản thân vô dụng. Nhưng trên thực tế thì, giá trị cuộc sống được nâng tầm và kiến tạo dựa vào phần đời sống tâm hồn rất nhiều. Vậy thì làm thế nào để nuôi dưỡng phần hồn? Là sống chậm lại, cho bản thân thời gian để yêu lấy chính mình.

“Câu cửa miệng của loài lười là “chậm lại”. Để giúp bản thân dễ dàng hòa nhâp vào thế giới này, hãy cố gắng thực hành phương pháp SLOW : Say giấc nồng, Lơ là điện thoại, về với vỏ Ốc, Wow sao phải vội” (Trích: Triết lý loài lười.)

Mình thích và tôn vinh lối sống chậm trong quyển sách này: Wow, sao phải vội!

Nếu chúng ta vội vàng chúng ta dễ tước bỏ đi những phút giây đáng giá của đời mình. Giống như là ăn vội thì làm sao kịp thưởng thức vị ngon, đi vội thì làm sao ngắm được cảnh đẹp, làm tình vội thì làm sao mà thăng hoa được? Đúng không? Mọi thứ đều cần có thời gian nhất định cho nó.

Quyển sách này thật sự thú vị và dễ thương, bởi bằng những đặc tính của loài Lười, loài đã sinh trưởng mấy chục nghìn năm trên trái đất. Lười trầm mặc,thong thả, thư thái và tập trung; là linh vật xuất sắc đại diện cho phong trào từ từ khoai sẽ nhừ. Lối sống của chúng hoàn toàn có cơ sở cho loài người “học tập”. Mà ngẫm ra thì, “Chậm mà chill” với mình cũng giống như là có chậm lại thì mới kịp chill.

Một cái dễ thương nữa là xung quanh các triết lý còn có các bài trắc nghiệm tâm lý khá vui, như là “Tính cách loài lười của bạn là gì? “Bữa ăn lười lý tưởng của bạn là gì?” “Bạn là kiểu người tình lười nào?”. Vừa để nhận biết tính cách, vừa để tìm ra một phần tính cách của bản thân. Rất vui.
Nói chung cuốn sách này không dành cho các bạn tôn sùng lối sống vật chất, danh vọng và thành công. Nó hợp với những người ưa lối sống chiêm nghiệm và gặm nhấm ( mà chẳng ai muốn làm điều này nhanh được cả). Đôi lúc, tích cực không phải cứ hùng hục lao động, “Lười” cũng là một kiểu tích cực

– Linh Linh

Chậm mà chill – Triết lý từ loài lười

Những người trẻ tuổi chịu rất nhiều áp lực từ việc phải quyết định tương lai. Bạn sẽ làm gì khi trưởng thành? Bạn sẽ học ngành gì ở trường đại học? Bạn sẽ đi thực tập ở đâu? Ý tưởng khởi nghiệp của bạn là gì và bạn sẽ gọi vốn ở đâu? Bạn đã lọt vào danh sách 30 người thành công trước tuổi 30 chưa? Chưa à? Sao mà mãi chưa thành công thế hả? Cảm thấy như bản thân đang nợ người ta lời giải thích về cuộc đời và sự nghiệp của riêng mình quả thực mệt mỏi và căng thẳng. Triết lý loài lười tin vào việc dành thời gian tìm ra câu trả lời theo tốc độ của riêng bạn. Dù có mất bao lâu đi nữa.

Hãy yên lòng với suy nghĩ rằng dù ở tuổi 14 hay 45, nếu bạn không biết chính xác mình đang làm gì ở đời, thì cũng không sao cả và bạn cũng có các đồng minh tuyệt vời. Vậy nên, khi nào cảm thấy quá sức hay bị mất phương hướng, hãy nhớ đến phương pháp SLOW và tự hỏi bản thân: “Wow, sao phải vội?” Rất nhiều người thành công không biết mình muốn gì ngay khi vừa tốt nghiệp thì sao bạn lại cần biết? Một phần của cuộc sống là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó trên đường đời, và làm vậy chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Quên chuyện bằng cấp và sự nghiệp của bạn phải trùng khớp đi, và hãy chấp nhận rằng lạc trôi, đi vòng tròn và đổi hướng là không sao hết. Tất cả đều là một phần của hành trình.

Vì vậy hãy cùng Chậm mà chill thả lỏng, gác lại những cuộc đua tranh căng thẳng. Cho phép mình chậm lại một chút và chill thêm nhiều chút với những lời khuyên từ loài lười – một bậc thầy sống chậm.

– Phuong Mai

Trích dẫn

“Chúng ta sống trong thế giới mà người ta đi bộ cho vui. Thế giới mà ứng dụng thiền phải nhắc ta hít thở sâu. Thế giới mà ta có thể mua cam bóc vỏ sẵn gói trong bọc ni-lông (Làm gì có thời gian bóc vỏ! Tôi bận lắm!). Nhưng chính vì lẽ đó mà việc xóa bỏ những rào cản ngăn trở ta đến với sự lười biếng lúc này quan trọng hơn bao giờ hết. Sống chậm cho chúng ta hàng ngàn ích lợi. Đã đến lúc giành lại sự lười biếng, lấy lại thời gian của chúng ta và phản kháng lịch làm việc dày đặc bằng cách nằm im trên giường. Và có linh vật nào xuất sắc hơn để đại diện cho phong trào từ-từ-khoai-sẽ-nhừ này ngoài các bạn lười đáng yêu, không gì sánh nổi cơ chứ.”

“Sống chậm lại và tận hưởng cuộc đời. Bạn không chỉ bỏ lỡ mất cảnh đẹp khi lao nhanh quá đâu – bạn cũng sẽ mất cả cảm giác về nơi bạn đang tới cùng lý do bạn tới đó nữa”

“Chúng ta có rất nhiều điều phải học từ cách lìa đời của loài lười. Chúng ra đi ở nơi mình yêu mến và trân trọng (cái cây), bám chặt vào thứ mà có lẽ chúng yêu nhất (cành cây). Ta còn có thể mong ước gì hơn khi nói lời tạm biệt thế giới cơ chứ?”

Cuộc đời đôi khi có thể rất khó khăn, dù bạn có là lười hay là người.

“Sống chậm lại, chết lúc nào cũng được.”

“Đời ngắn lắm – Hãy dùng nó để làm những việc mình yêu thích.”

“Tự nhiên không vội vã, ấy vậy là mọi thứ đều vẹn toàn.”

“Chấp nhận rằng mình là người không hoàn hảo. Giỏi ở khoản gì đó và không hoàn hảo lắm ở khoản khác.”

“Bạn chỉ cần xác định mình giỏi cái gì đó và cứ thế lao vào (hoặc bò vào) nó thôi.”

“Dù là tình bạn hay tình cảm đôi lứa, thì khả năng cho và nhận tình yêu một cách lành mạnh của chúng ta vẫn có thể tác động lớn lên độ hạnh phúc. Học cách sống và yêu theo chuẩn triết lý loài lười sẽ thay đổi đời bạn.”