Châu Phi nghìn trùng ra đời từ những trải nghiệm cá nhân của một con người, nhưng lại mở cho chúng ta cánh cửa tới châu Phi rộng lớn: Có thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, trao tặng nhiều song lấy đi cũng cực kì tàn nhẫn; có con người “nguyên sơ” lắm lúc đến mức khôi hài và cũng thật đáng yêu.
Review Châu Phi nghìn trùng (2)
Châu phi nghìn trùng của ISAK AFRICA giúp mình nhìn nhận về một châu Phi rất khác với những gì mình từng được nghe về nó. Thiên nhiên nơi đây đã làm nên tính cách của họ kiểu tính cách mà người da trắng, người của văn minh hiện đại không thể nào ưng thuận được. Và cũng chính vì không thể ưng thuận nên người châu Âu hàng trăm năm nay đã muốn làm thay đổi dân châu Phi, và đến tận bây giờ người da trắng vẫn còn rất mong muốn được đổi thay cách sống, nếp nghĩ của người châu Phi.
Bằng những trải nghiệm của chính bản thân mình, tác giả đã chung sống, cùng làm việc, trải qua những biến cố, thăng trầm cùng với người châu Phi trong suốt nhiều năm liền. Nữ tác giả đã có những lý giải rất độc đáo, sâu sắc về tính cách, nếp nghĩ của dân châu Phi. Theo tác giả việc hiểu đuọc về đặc điểm của những những loài thú ở đây cũng giống như việc hiểu về dân bản xứ. Tác giả không có ý chê trách hay gì cả, đấy chỉ là một kinh nghiệm mà tác giả rút ra được trong quá trình cố gắng để hiểu, chung sống với dân bản xứ.
Tác phẩm vừa như tiểu thuyết vừa như hồi kí, mỗi kỉ niệm được nhắc đến đều đong đầy cảm xúc, tình yêu, sự lưu luyến. Khi đọc tôi có cảm giác như đang xem một bộ phim điện ảnh, cảm giác như mỗi phần được viết đều có đủ cả âm thanh, màu sắc, cảm xúc, sự chuyển động, đối thoai-có khi là giữa người với người, có khi là của lòng người với cổ cây, muôn thú, rặng nói Ngong, đất trời.
Câu văn đầu tiên và cuối cùng của quyển sách đều là nói về rặng núi Ngong, nơi có đồn điền trồng cà phê của tác giả. Và rất nhiều lần trong tác phẩm rặng núi này cũng được nhắc đi nhắc lại, tôi nghĩ, ngọn núi ấy trong tình cảm của tác giả chính là châu Phi và cũng là nỗi trái tim mạnh mẽ của tác giả. Trái tim và châu Phi đã hòa lại làm một không thể tách rời được kể cả khi tác giả đã rời khỏi Ngong, rời khỏi châu Phi mãi mãi.
Mình không đọc được bản tiếng anh nên không thể so sánh bản dịch của Hà Thế Giang với nguyên tắc được. Nhưng bản dịch này đã làm trái tim mình xao xuyến với châu Phi, dù mình chưa thể chấp nhận được chuyện cư dân nơi đây, hơn trăm năm trước đã xem nhẹ mạng mình, đã nhanh chóng quên buồn đau của việc một người thân thiết vừa chết để nhanh chóng quan tâm sâu sắc tới việc người đã khiến người thân mình chết bồi thường bao nhiêu con bò, bao nhiêu con cừu. Họ cũng không suy nghĩ lý do vì sao kẻ kia lại làm chết người thân của mình… Mà làm sao mình hiểu được khi chúng ta không phải là họ, khi chúng ta lớn lên, trưởng thành với văn minh cách họ hằng mấy trăm năm. Tác giả cũng giống như người đọc, ban đầu không chấp nhận được, nhưng rồi dần hiểu ra, có cái gì đó lấp lánh trong tất cả những điều như vậy. Tác giả và mình tin rằng cả độc giả cũng sẽ không bao giờ mong muốn người da trắng làm thay đổi châu Phi theo văn minh của người da trắng. Hãy đọc Châu phi nghìn trùng để cảm nhận về những con người “nghìn trùng” cách xa với chúng ta.
Ở châu Phi không phải chỉ có sự khô hạn, nóng bức, lạc hậu, nguy hiểm, bí ẩn. Châu Phi có cả lòng trung thành, tình bạn, những người phụ nữ tuyệt đẹp từ ngoại hình đến tính cách, những tập tục xa lạ mà khiến người ta cảm động, những con người tha thiết với đất đai nơi đây, còn có cả những loài thú hoang mang linh hồn cho sức mạnh, căn tính thiêng liêng của cả vùng đất, con người.
Mình đang ước một lần được ghé qua châu Phi dẫu biết rằng từ hồi viết quyển sách này tác giả cũng đã nhận ra châu Phi cũng đã bị đổi khác đi nhiều lắm. Và mình cũng tự hỏi: hiện trạng của người Phi châu ngày nay, phải chăng cũng chính do người văn minh kiểu da trắng, kiểu chúng ta gây ra!? Chúng ta mang cái của chúng ta tới, như pháp luật, máy móc, khoa học… những cái rất quen với ta nhưng xa lạ với họ…
Cảm ơn tác giả vì tình yêu với Châu Phi của bà, vì đã ghi lại một Châu phi nghìn trùng, một châu Phi đã xa xôi không bao giờ trở lại.
– Nhân Trần
Lâu rồi tôi mới được đọc một cuốn sách làm cho trí tưởng tượng của tôi được thỏa sức đến thế. Từng trang sách như vẽ nên một châu Phi hùng vĩ nào voi, tê giác, tắc kè, linh dương… cùng những đồn điền ngút tầm mắt…Khi đọc bạn có thể tưởng tượng mình lạc vào trong 1 bộ phim của Walt Disney, rực rỡ, hút hồn…
Trong cuốn sách này con người chỉ là một nốt nhạc trong bản giao hưởng hùng tráng của đấng tạo hóa. Tôi đọc mà ngơ ngẩn cùng thiên nhiên diệu kỳ
“…Bản thân vùng núi này, một khi tiến nhập, bạn sẽ thấy vô cùng rộng lớn, đẹp tựa tranh và đầy huyền bí, với hình thế đa dạng từ những thung lũng trải dài, các bụi cây lúp xúp, những triền dốc xanh và các vách đá hiểm trở. Lên cao hơn, dưới một đỉnh núi thậm chí mọc cả một vạt rừng tre trong núi có nhiều chuối và khe nước…
… Cảnh sắc đồn điền cà phê thật tuyệt mỹ vào một số thời điểm. Đầu mùa mưa, khắp đồn điền trổ hoa làm nên khung cảnh rực rỡ hao hao một đám mây bằng đá phấn giữa màn mưa lâm thâm mịt mờ, trên cả vùng rộng 600 mẫu hoa cà phê thơm mát giống như hoa mận gai. Hay dịp cả cánh đồng đỏ ửng với vô vàn chùm quả chín …
… Tôi đã chứng kiến cảnh cả bầy voi đi ngang cánh rừng tự nhiên rậm rạp nơi mặt trời rắc rải các đốm nắng qua lớp lớp cây leo chằng chịt, bằng nhịp chân đều đặn chẳng khác nào đang kéo đến tới một cuộc hẹn ở nơi tận cùng thế giới. Cảnh tượng tựa như ở tỉ lệ phóng đại nhiều lần hoa văn trên nét viền tấm thảm Ba Tư cổ xưa tuyệt mỹ được nhuộm các màu xanh vàng cùng nâu đen. Tôi từng nhiều bận lặng ngắm bước tiến cắt ngang Miền Đồng Thảo của đàn hươu cao cổ với vẻ yêu kiểu rất mực thực vật và kỳ lạ không gì bắt chước nổi của chúng, dường như đó không phải là một bầy thú mà là một đám hoa hiếm gặp khổng lồ lốm đốm dài đang thủng thẳng cất bước. Tôi cũng có dịp bám theo hai con Tê giác đang giữa chuyến đi dạo buổi sáng khụt khà khụt khịt trong không khí ban mai lạnh buốt mũi; nom chúng giống hai khối đá tảng vuông vức đang nô giỡn giữa con thung dài, tận hưởng cuộc sống bên nhau. Tôi từng thấy loài sư tử cao sang dưới ánh trăng tà, trước lúc vầng trăng hồng ló rạng, đang băng qua thảo nguyên màu xám để về nhà từ cuộc giết chóc, vạch một lằn sậm trên mặt cỏ bạc mặt còn đỏ tới tận tai …”
– Huỳnh Thu Giang