Chỉ Sống Thôi Là Đã Đủ Tuyệt Vời – Itsuki Hiroyuki

Bạn không thể cứ mãi sống trong sự tích cực mà không đối diện với thực tại. Đó không phải sự can đảm, đó là sự sợ hãi. Tôi tin những con người can đảm nhất là người sống trong thực tại, thực tế, hiểu rõ những góc khuất, nhưng luôn cố gắng hòa hợp với chúng để hướng tới một góc nhìn tốt hơn. Và chắc hẳn sẽ không ai làm tốt việc nhìn vào những điểm hạn chế trong cuộc sống hơn một người lớn tuổi.

Review Chỉ sống thôi là đã đủ tuyệt với (2)

NỖI BUỒN CŨNG LÀ MỘT PHẦN CỦA CUỘC SỐNG!

Là một người sống nội tâm, có những thời điểm tôi dành hàng đêm trăn trở với những sự việc, suy nghĩ của bản thân. Tôi cũng tâm sự với bạn bè thân thiết những câu chuyện của mình. Nhưng đúng thật là trên đời này người gắn bó với ta nhất chỉ có ta và cái bóng của mình mà thôi. Một câu chuyện ta không thể kể quá nhiều lần cho người khác, bởi chưa chắc họ đã muốn nghe. Chỉ có chính mình mới đủ kiên nhẫn để lắng nghe bản thân, làm dịu cảm xúc của mình.

Tình cờ bắt gặp cuốn sách này, tựa như một người bạn tâm giao của tôi. Đôi khi tôi cứ trăn trở, mình hay buồn, suy nghĩ tiêu cực thế này, liệu mình có vấn đề gì không? Nhưng người bạn này đã động viên tôi rằng đó cũng là một phần của cuộc sống. Chỉ khi tôi chấp nhận nó là một phần của cuộc sống, tôi cho phép mình được trải nghiệm những cảm xúc ấy, cho phép mình được khóc, và rồi tôi sẽ thiếp đi và ngủ ngon hơn. Đó là cách để tôi cân bằng tâm hồn mình với những chiếc mặt nạ phải đeo ra ngoài xã hội. Ngày hôm sau dậy lại là một ngày mới, tôi vẫn sống và làm việc hăng say, và rồi lại suy nghĩ, đôi khi lại buồn. Nhưng tôi biết những cảm xúc ấy rồi sẽ qua đi, chỉ riêng việc tôi đang sống để trải nghiệm những điều ấy là đã đủ tuyệt vời!

– ‎Trần Hân‎

“Chỉ sống thôi đã là điều tuyệt vời” giống như một liều thuốc bổ cho những ai đang trăn trở về lý tưởng sống của bản thân hay thậm chí là đang cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống này. Các câu hỏi luôn được đặt ra để bàn luận về một vấn đề và cách viết của tác giả thực sự ấn tượng bởi những dẫn chứng vô cùng sinh động và đầy bất ngờ. Chẳng hạn như khi nói về mục đích sống, Itsuki Hiroyuki đã đưa ra minh chứng về cây lúa mạch đen. Tuy chỉ sinh trưởng trong một diện tích chật hẹp và cơ thể của nó thì còi cọc nhưng bộ rễ lại dài 11.200 km – một ví dụ hoàn toàn thuyết phục cho việc sự sống ở trên đời này là một điều hoàn toàn tuyệt vời rồi.

Ngoài ra, những cách để đi tìm mục đích của cuộc sống cũng được chỉ dẫn hết sức cụ thể mà điểm đặc biệt quan trọng chính tiếp tục trải nghiệm những điều thú vị hàng ngày xung quanh ta. Con người luôn luôn tìm kiếm những hạnh phúc xa vời và khi đạt được một điều gì đó thì tâm lý sẽ rất mau chán chường với những kết quả đã giành được. Với minh họa về vở kịch “Con chim xanh”, tác giả đã thể hiện rõ những ước muốn xa vời của con người nhưng quên mất tính chất trải nghiệm là vô cùng quý giá. Thực ra hạnh phúc rất đơn giản và chính vì sự bình dị của nó mà chúng ta có thể đi tìm niềm vui mỗi ngày, có thêm nhiều trải nghiệm quý báu và vui vẻ hơn.

Hơn thế nữa, khi đọc quyển sách, chúng ta sẽ hiểu stress là một phần của cuộc sống này và thay vì lãng tránh nó thì hãy đối diện và chấp nhận như một thực tế hiển nhiên vì nhờ có bóng tối thì ta mới biết ánh sáng ban ngày tuyệt vời ra sao. Cũng tương tự như thế, những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, đau khổ sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cần thiết cho những hy vọng lâu dài cho mai sau nếu mỗi người biết cách tận dụng chúng và trở nên mạnh mẽ hơn. Khi đủ can trường để vượt qua phong ba bão tố trong cuộc sống là lúc chúng ta đã đủ bản lĩnh để đối chọi với mọi thị phi ở đời, những lời chỉ trích của người khác không còn là chướng ngại vật nữa vì sự thành công của tôi và bạn không phải nhờ sự công nhận của khác mà là ở chính mỗi bản thân chúng ta. Vì vậy nên thay vì suy nghĩ quá nhiều vào những chuyện không đâu thì hãy giữ vững tâm thế trước những điều không may ở hiện tại và mở rộng lòng mình ra để nhìn nhận thế giới này.

Đặc biệt nhất chính là phương pháp ghi nỗi buồn, niềm vui và sự biết ơn ra giấy để có thể sở hữu chúng nhiều hơn. Tôi đã thử cách này của tác giả với chữ “niềm vui” và thực sự là khá hiệu nghiệm. Tôi nghĩ bạn cũng nên thử phương pháp này nếu như đã đọc xong “Chỉ sống thôi là đã đủ tuyệt vời”. Bởi vì chúng ta đều sống trong một thế giới bất như ý và tổn thương luôn là người bạn đồng hành nên mỗi người cần phải có một phương pháp hoặc áp dụng một cách thức hiệu quả để tiêu trừ những muộn phiền và khó chịu ấy. Bất an, bất lực dĩ nhiên sẽ cho ta thêm nhiều kinh nghiệm và việc chấp nhận nỗi buồn sẽ khiến ta trưởng thành hơn. Cứ mỗi lần trải qua những chuyện buồn vui trong cuộc sống và đều ghi chúng lại thì chắc chắn mỗi người sẽ có cái nhìn khách quan hơn và biết bản thân đang cần gì. Nhờ thế mà tôi tin phương pháp ấy giúp bạn đọc sống trọn vẹn hơn trong mỗi phút giây của hiện tại và thậm chí là cả tương lai nữa. Những bài học cuối cùng của quyển sách chính là lời khuyên về lòng khoan dung và từ bi để có thể làm cuộc đời này thêm bình yên và trù phú. Hãy sống thật viên mãn và cảm thấy hạnh phúc vì mỗi khoảnh khắc mà con người trải qua vẫn luôn đẹp đẽ và diệu kỳ lắm. Tôi thực sự thích quyển sách này vô cùng, tôi đã đọc hai lần để chiêm nghiệm thêm về những điều trong sách. Không phải vì những dòng văn của tác giả gây khó hiểu mà là vì những triết lý ấy đời thường đến nỗi chỉ cần đọc thêm một lần là có thể áp dụng vào cuộc sống mỗi ngày ngay lập tức.

– Trần Thông

Trích dẫn Chỉ sống thôi đã là điều tuyệt vời

“Dù tổn thương tinh thần là thứ không thể biến mất, nhưng tôi mong bạn hiểu rằng chúng ta hoàn toàn có thể thỏa hiệp để sống hòa bình với chúng. Chẳng phải đó chính là ý nghĩa của những tổn thương hay sao? Thực ra, việc trái tim chúng ta “bị thương” chẳng phải điều tốt đẹp gì, nhưng cũng không hẳn là điều xấu. Đó chỉ là một trạng thái cảm xúc diễn ra một cách tự nhiên. Những vết thương tâm lý cũng có thể được xoa dịu, nhưng ngay cả việc xoa dịu này cũng không nên tiến hành một cách tùy tiện.”

“Khi những điều không may liên tiếp xảy đến, thay vì cố sức phản kháng, ta nên tự điều chỉnh lại tâm thế của mình”

“‘Niềm vui’, ‘nỗi buồn’ và ‘sự biết ơn’ – chỉ khi ghi chúng ra giấy, ta mới thấy là ta sở hữu nhiều thứ hơn ta vẫn tưởng.”

“Dĩ nhiên, sẽ tuyệt vời biết bao nếu ta xác định được mục đích hay mục tiêu trong đời và rồi chinh phục được nó. Nhưng mong bạn hãy hiểu rằng dù không đạt được bất cứ thành tựu nào đi chăng nữa, sự tuyệt vời của sự sống cũng vẫn vẹn nguyên.
Chỉ riêng việc ‘sống’ đã có nghĩa là đang đấu tranh với rất nhiều thứ, đang nỗ lực hết sức để bảo vệ chính mình, đồng thời đang thích nghi, hòa hợp cùng thiên nhiên và môi trường xung quanh. Hãy trân trọng sự kiên cường của sự sống!”

“Cuộc sống không thể lúc nào cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, hay trôi qua hiền hòa như gió xuân. Tôi đã tự nhủ rằng ‘cuộc đời chính là như vậy’, chuỗi ngày khổ đau nối tiếp những ngày hạnh phúc cứ luân phiên không ngừng, như một vòng tròn bất tận. Thấu hiểu quy luật này thì suy nghĩ sẽ thông suốt hơn. Và từ ấy, có một nguồn sức mạnh đã nhẹ nhàng trỗi dậy từ đáy sâu trái tim tôi. Đây là sự tự nhận thức rằng, ‘nếu cuộc đời đã như vậy thì mình chỉ còn cách chấp nhận mà thôi’, và đây mới chính là cách tư duy tích cực nhất.
Cứ đắm chìm mãi trong những ý nghĩ tiêu cực rồi cũng sẽ đến lúc không thể tiêu cực hơn được nữa. Ngay tại thời điểm bạn lĩnh hội được quy luật cuộc sống, một nguồn sức mạnh mới sẽ được sinh ra. Theo cách này, tư duy tích cực sinh ra từ những suy nghĩ tiêu cực sẽ mang một nguồn sức mạnh lớn lao. Bởi vì nó đã được sinh ra từ một trái tim mang tâm thế sẵn sàng buông xả. Nếu những điều không may cứ liên tiếp tìm đến tấn công cuộc đời bạn. tốt nhất là không nên gắng sức tìm cách phản kháng. Ngược lại, bạn hãy nhẹ nhàng chấp nhận chúng và điều chỉnh lại tâm thế của mình. Điều chỉnh tâm thế nghĩa là sẵn sàng đón nhận mọi chuyện. Dù có mơ hồ không rõ, đây vẫn là nguồn năng lượng tươi mới được sinh ra dựa trên nền tảng là tâm thế bên trong bạn. Sao bạn không sử dụng nguồn năng lượng này và suy nghĩ tích cực theo cách của riêng mình?”