Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 – 01:45 pm
Chiến binh cầu vồng (tiếng Indonesia là Laskar Pelang) dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ quyền giáo dục cho chính mình đã giành thành công vang dội. Câu chuyện về những con người dám ước mơ trong một vùng đất đầy những con người sinh ra chỉ biết làm cu li, dám chiến đấu khi trong tay họ chẳng có gì với niềm tin mãnh liệt. Hơn hết họ có kiến thức, biết đúng biết sai để từ đó mà vị tha hơn trong cuộc sống mỗi người và đặc biệt biết đủ trong cuộc sống.
Review (2)
“Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền học hành” Hiến pháp Indonesia.
Nếu nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi có lẽ chưa hẳn đúng, theo mình nó còn là cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn, những ai đã từng đi qua tuổi thơ , và phù hợp hơn nữa là dành cho các nhà làm giáo dục. Quan điểm giáo dục của thầy giáo Harfan, hiệu trưởng một ngôi trường làng nghèo của Inđo thật sâu sắc“ học thức thể hiện long tự trọng , rằng giáo dục thể hiện sự sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có . Học tập là cao quý, là ca tụng bản thân , là niềm vui được cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh”.
Cuốn sách kể về những chuyện xảy ra quanh trường học của một làng nghèo ở Inđônesia, nơi sự nghèo nàn còn bủa vây lấy người dân, và nỗi lo cơm áo chất chồng lên đầu bố mẹ những đứa trẻ. Ngôi trường chỉ có vẻn vẹn 10 đứa học sinh, có thầy Harfan và cô giáo Mus là 2 người khơi dậy ngọn lửa học tập không ngừng trong lòng những đứa trẻ. Đó là câu bé Linhtang thông minh kiệt suất, cậu khao khát sự học tới mức nhà cách trường 40 km , đường đi băng qua bao đèo núi, qua những vùng đầy cá sấu và nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi vậy mà bao giờ cậu cũng là người đến sớm nhất.Đó là Marha một nghệ sĩ đích thực đã làm cho đời sống tinh thần của những đứa trẻ xuất thân từ nghèo khó hiểu về nghệ thuật và biết khao khát ước mơ, đó là cậu bé Akông người Hoa ít nói và hiền lành, đó là Harun một cậu bé bị down , đó là Trapani thư sinh hiền lành mà lại yếu đuối, đó là Sahara quạu cọ và Akiong khờ khạo lúc nào cũng chí chóe với nhau, đó là Borek chỉ luôn quan tâm đến việc làm cho cơ bắp phát triển … Mình có cảm giác như 10 cô cậu bé ấy như 10 cái cây leo bé dại được vun trồng chăm sóc dưới bàn tay của 2 người làm vườn cần mẫn là thầy Harfan và cô Mus: hai con người ấy hết lần này đến lần khác giữ cho ngôi trường thoát khỏi nguy cơ đổ sập vì sự vô tình của những người giàu có muốn khai thác thiếc dưới nền ngôi trường, rồi những lần đối phó với ông thanh tra giáo dục chỉ nhăm nhe đóng cửa trường.
Có lúc những cây dây leo đi không ngay hàng thẳng lối, Ikan đã biết yêu từ năm lớp 2 , cô Mus biết nhưng vẫn âm thầm theo dõi để nắn chỉnh kịp thời dù cậu ấy mãi sau này mới biết. Rồi Marha có suy nghĩ lệch lạc tìm hiểu những tin ngưỡng siêu nhiên bỏ bê học hành , những giai đoạn khó khăn đầy thử thách cô Mus phải tăng cường làm hàng may đê kiếm tiền chuộc học trò về. Những thứ dường như chỉ có những người ruột thịt mới có thể làm cho nhau thì cô giáo Mus có thể làm một cách tự nguyện và đầy nhiệt huyết, đó chỉ có thể là một thứ tình yêu mãnh liệt và sâu sắc đến nhường nào, cô yêu từng đứa trẻ, mỗi đứa là một nửa linh hồn cô, cô như một người làm vườn vừa trở che bao bọc vừa yêu thương nắn chỉnh để những cây leo được phát triển tốt nhất. Chính nghị lực sống không bao giờ chịu đầu hàng mọi hoàn cảnh của cô giáo Mus đã truyền cho những đứa trẻ niềm tin vào cuộc sống, khao khát vươn lên không ngừng.
Mỗi chương là một câu chuyện đầy cảm xúc của tuổi trẻ, những xao xuyến thưở đầu đời, những khám phá ngỡ ngàng về khả năng của từng đứa, rồi chúng ngưỡng mộ nhau, yêu thương và quý mến nhau như người một nhà… Tuy nghèo khổ nhưng trường học thực sự phát huy vai trò của nó , nó mang đến cho mỗi đứa trẻ niềm vui mỗi ngày kể cả những đứa thiệt thòi nhất bị down như Harun. Nó làm người ta được sống trong niềm khát khao tri thức của cậu bé Lintang, khát khao thay đổi cuộc đời, khát khao thoát khỏi đói nghèo…
Gấp cuốn sách lại tất cả những gì còn lại là cảm giác đấy ắp và chan chứa yêu thương. Ngoài những bất công của xã hội, những phi lý của cuộc đời cuốn sách đề cập đến vấn đề rất lớn lao thuộc về quyền con người: “Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được học hành” điều tưởng chùng như giản đơn ấy lại cần phải có rất nhiều nỗ lực và những hi sinh thầm lặng của các cô giáo thầy giáo nơi đây. Họ là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của những chiến binh…
– Nguyen Nguyen Lan Anh
— Cuốn sách tốn nhiều Tiếng Cười và Nước Mắt —
Quyển này khá nổi tiếng, rất nhiều người đã review rồi nên mình sẽ không review lại những gì mà mọi người đã nói rồi, mình sẽ chỉ nói về cảm xúc cá nhân của mình khi mình đọc cuốn sách này.
* Đầu tiên, đó là cảm giác ” thương nhớ tuổi thơ”… Không biết các bạn thế nào chứ hồi bé mình là gái quê chính hiệu. Hồi đó nghịch như quỷ cướp, chả có trò gì là không quậy. Lúc đó thế giới người lớn không hề hiện diện, chỉ có mình, đồng bọn của mình, đồng ruộng, ao hồ, cây trái, châu bò lợn gà cá mú… là hiện hữu, vô cùng tươi đẹp và vui vẻ.
Lớn lên, những điều đó gần như biến mất dần trong trí nhớ của mình, đầu óc chỉ còn toàn chuyện thực tế, tiêu cực, ngay cả cảm xúc cũng chai cứng, lạnh lùng, không còn dễ dàng cảm thụ được những niềm vui trong sáng, đơn giản. Cảm thấy càng ngày càng tách rời với tự nhiên, con người càng ngày càng khô cứng.
Vậy mà khi đọc “Chiến binh cầu vồng”, mọi thứ lại ùa về. Cảm thấy vui lây với những suy nghĩ ngô nghê, những trò nghịch tai quái, những câu thoại và triết lý ẩm ương của bọn trẻ trong đó. Hơn 30 cái xuân xanh rồi, vậy mà ngồi đọc truyện cứ cười 1 mình, ông con trai thì cứ ve ve xung quanh mẹ, thấy lạ lắm, vì chả bao giờ thấy mẹ vừa đọc sách vừa cười rúc rích.
Có thể người khác đọc sẽ không thấy buồn cười như mình, vì khi đọc, mình không chỉ cười vì bọn trẻ trong sách, mình còn cười vì nhớ lại tuổi thơ của mình. Nhớ lại cảnh mỗi lần đi học qua cánh đồng, có cây cột điện cao thế rất to, cứ sợ nó đổ vào người nên lần nào đi qua đấy cũng cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh, bao giờ chạy qua khỏi cái bóng nó đổ xuống đất mới dám dừng lại thở, yên tâm là nếu nó có đột nhiên đổ xuống thì cũng k đổ vào người mình nữa….
Rồi cảnh giữa trưa nắng chang chang, xắn quần đứng giữa ao, úp rổ lên đầu nín thở rình bắt cá công đem về nuôi. Rồi cảnh 2 chú cháu ( ông chú ruột mình hơn mình có vài tuổi) đi hái trộm trứng cá nhà hàng xóm, tranh nhau quả to nhất, ông chú rơi thẳng xuống hố ủ phân bên dưới, còn mình tỉnh bơ leo xuống chuồn thẳng về nhà trèo lên giường đánh 1 giấc, chiều dậy ra giếng vẫn thấy ông chú 2 tay 2 bàn chải đang kì cọ từ đầu đến chân…:) Rồi bắt sâu, câu cá, đuổi trâu, chăn lợn, đánh nhau, móc đất… chả thiếu trò gì, vui không tả xiết!
Trong “Chiến binh cầu vồng”, khi tác giả nói về tuổi thơ của mình, đó là giọng điệu và suy nghĩ của 1 người lớn kể lại câu chuyện của 1 đứa trẻ chứ không phải là suy nghĩ cảm xúc thực sự của 1 đứa trẻ. Vì trong câu chuyện của cậu bé 6,7 tuổi này, ta đã thấy đề cập đến bất công, đến sự phân biệt giàu nghèo, đã thấy sự chua xót cho thân phận con người.
Mình tin rằng tất cả những điều đó đều là cảm xúc và nhận định mà sau khi tác giả lớn lên mới có và rồi lồng ghép nó vào ký ức tuổi thơ của mình. Chứ còn khi mới 6,7 tuổi, bọn trẻ con sẽ chẳng để ý hay suy nghĩ gì về điều đó đâu, trong đầu chúng chỉ có 1 thế giới đầy màu sắc để khám phá và vui chơi mà thôi.
Mình biết điều ấy vì mình … cũng thế, khi bằng tuổi những đứa trẻ này, hoàn cảnh mình cũng chẳng vui vẻ gì, bố mẹ li dị, mình sống với ông bà nội, chả ai quan tâm chăm sóc cả. Nhưng giờ nhớ lại, mình nhớ là hồi đó mình chả suy nghĩ gì đâu, chỉ suốt ngày chạy nhảy nghịch ngợm, nghĩ ra đủ trò tai quái, vui k tả xiết, đầu chả vướng bận gì về cái ” hoàn cảnh” của mình cả. Đến độ mà hôm bố mình lấy vợ mới, đi nghịc chán chê về, thấy nhà sao đông vui thế, lại nhiều đồ ăn nữa. Đang ăn vụng bị túm được lôi ra chụp ảnh với cô dâu chú rể. Cái ảnh đó giờ mình vẫn giữ, một con bé gày quắt queo đen nhẻm, mặt mũi lem luốc nhưng tươi roi rói đứng cạnh cô dâu chú rể…: chụp xong lại chạy biến đi nghịch tiếp, chả để ý gì.
Còn tất cả những nhận thức về cái gọi là ” hoàn cảnh thiệt thòi”, những cảm xúc chua xót, oán trách… chỉ sau này lớn lên mới có, và rồi ta quay nhìn lại tuổi thơ, nó không còn trong suốt toàn niềm vui nữa mà đã nhuốm màu tối với những nhận thức và cảm xúc của người lớn cài thêm vào. Mình đã không nhận thức được điều đó cho đến khi đọc ” Chiến binh cầu vồng”. Mải oán trách, than thân trách phận quá mà không nhận ra rằng chả có gì để oán trách cả, vì thực sự mình đã có 1 tuổi thơ vui vẻ và đẹp đẽ nhường nào.
Bọn trẻ trong ” Chiến binh cầu vồng” cũng như mình vậy, lúc đó chắc chúng chả ý thức gì về bất công, về sự trớ trêu của số phận đâu. Chúng chỉ có niềm vui, và có thể, đó chính là cách mà bọn trẻ con dễ dàng vượt qua được những khó khăn, thử thách to lớn mà người lớn cũng khó mà vượt qua được, vì còn mải vướng mắc vào cảm xúc và suy nghĩ về đúng sai, được mất.
* Đọc “Chiến binh cầu vồng” đến đoạn cuối nói về kết cục của bọn trẻ khi lớn lên, thì kẻ chai sạn như mình cũng đã k cầm được nước mắt. Chắc cỡ vài thiên niên kỉ rồi mới có quyển sách làm cho mình xót xa đến vậy. Xót xa cho bọn trẻ, nhất là Lintang, cậu bé thiên tài với nghị lực phi thường, hàng ngày đạp xe 80km vượt qua bao khu rừng và đầm lầy đầy cá sấu để đi học, vậy mà cuối cùng cũng phải đầu hàng sự nghèo đói, bất công của xã hội trở thành 1 anh cu li trên thuyền chở cát.
Tác giả xót xa, người đọc xót xa, chỉ ước “giá như”, nếu như Lintang lớn lên ở xã hội khác, 1 thời điểm khác, có lẽ thế giới đã có thêm 1 nhà khoa học thiên tài. Có lẽ chính sự xót xa này đã khiến cho tác phẩm này trở thành tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Indonesia. Xót xa để mà mỗi người tự phấn đấu cho 1 xã hội công bằng và phát triển hơn, xót xa để từ đó mỗi người quan tâm đến người khác hơn và để biết quý trọng cái mà mình đang có hơn.
* Cuối cùng, điểm mà mình nhận thấy là, dù hiện giờ Indonesia là 1 đất nước khá phát triển, tự do, dân chủ… nhưng trong quá khứ, qua tác phẩm ta đã thấy được 1 điều kiện xã hội rất khác, sự bất công, lạm dụng bóc lột con người, sự phân cấp giàu nghèo… Tất cả cho thấy là, điều gì cũng cần 1 quá trình mà trong đó mỗi người đều phải tự phấn đấu phần của mình. Không chỉ ngồi đó than trời và đổ lỗi cho …chế độ. Ở đâu cũng thế mà thôi, đều có những thời kỳ tăm tối. Nhưng nếu bản thân không bỏ cuộc thì cuối cùng, cố gắng của mình sẽ đc đền đáp.
Đó chính là điều mà Ikal đã làm, nhưng Lintang đã không làm được điều đó. Mọi người ai cũng xót xa cho Lintang, cậu bé thiên tài phải bỏ học để đi làm nuôi gia đình. Nhưng mình thấy thấp thoáng trong đó là 1 sự đầu hàng số phận. Nếu Lintang k bỏ cuộc thì cậu ấy hoàn toàn có thể thu xếp cuộc sống và bắt đầu lại dù muộn như Ikal cơ mà? Đó chính là điều làm nên kết quả khác biệt giữa 1 bên là người đầu óc bình thường nhưng k chịu bỏ cuộc và 1 bên là thiên tài nhưng đã sớm đầu hàng số phận.
Trước đây, khi mình học tiếng Anh với 1 anh Tây, có 1 hôm mới ngồi buôn bán về tình hình của VN. Mình có nói VN là một đất nước rất nhiều điều tệ hại, tham nhũng, bất công, độc đảng chuyên chế, không có tự do, dân chủ. Nhưng anh Tây anh ấy lại phản đối lại, anh ấy bảo thực ra VN mới độc lập được có mấy chục năm, vẫn còn là 1 đất nước non trẻ, có rất nhiều điều còn cần sửa đổi, cần hoàn thiện.
Các nước phương Tây thực ra đều đã có quá trình phát triển vài trăm năm rồi, để đến được 1 xã hội như hôm nay, cũng đã phải trả giá, phải đấu tranh, phải sửa đổi rất nhiều. Các nước phương Tây thời kì đầu, xét ra còn tệ hại hơn VN bây giờ nhiều, vậy nên các bạn cần thời gian, rồi sẽ đến lúc mọi việc sẽ tốt đẹp cả thôi.
Vậy nên, đừng chăm chăm nhìn vào tiêu cực và bất công, đổ lỗi mọi thứ cho người khác. Chỉ cần mỗi người làm tốt hết sức phần việc của mình thì bản thân chúng ta sẽ tốt lên trong khi xã hội cũng tốt lên. Chỉ sợ chả làm gì, đến khi xã hội tốt lên rồi nhưng bản thân chúng ta vẫn ở dưới đáy, lúc đấy biết đổ lỗi cho ai?
– K.N
Trích dẫn
“Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lí do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh. Tôi căm ghét những đứa trẻ con nhà giàu không chịu học hành đàng hoàng.”
“Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.”
“Rốt cuộc khi bạn cũng nói ra được một sự thật giữa hàng triệu lời nói dối, thì những người khác vẫn cho rằng sự thật đó là sản phẩm của một sự nói dối nữa mà thôi.”
“Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.”
Tóm tắt
Lấy bối cảnh xã hội những năm 1980, câu chuyện về Chiến Binh Cầu Vồng diễn ra ở Belitong. Đây là hòn đảo nhỏ giàu có nhất ở Indonesia, nhưng lại có sự khác biệt sâu sắc giữa đời sống của 2 tầng lớp giàu – nghèo trên đảo.
Một bên là nhân viên của công ty khai thác Thiếc nhà nước, sống giàu có và tách biệt. Ngôi trường của con em họ đông vui, nhộn nhịp với hàng hàng dãy xe hơi đắt tiền và các lớp học đầy đủ tiện nghi.
Bên kia là những dãy nhà ổ chuột của các tầng lớp lao động nghèo khó. Đó là những cư dân Belitong Mã Lai, người Hoa, người thổ dân Swang làm culi, làm công nhân, làm thợ nào dừa, làm ngư dân đánh cá. Họ rất nghèo, tiền công một tháng lao động mệt mỏi chỉ được 12 đôla (240.000 vnd) cho một gia đình tối thiểu là 2 vợ chồng cùng 7 đứa con.
Đối nghịch với trường PN (dành cho con nhà giàu) là trường tiểu học Muhamadya, ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong, dành cho con em tầng lớp lao động. Mặc dù không bắt buộc đóng học phí, nhưng số lượng trẻ em được đi học tại trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm đó, thanh tra cấp trên ra một chỉ thị đặc biệt: “Trường sẽ phải đóng cửa nếu tuyển không đủ 10 học sinh mới”. Chính điều đó đã khiến cô giáo Mus và thầy Harfan, hai giáo viên duy nhất của trường lo lắng đến phát khóc, và niềm vui chỉ đến với họ khi cậu bé Harun (bị thiểu năng trí tuệ) đến để trở thành học sinh thứ 10 của lớp học.
Ngôi trường Muahammadiyah vừa thiếu thốn về đội ngũ giáo viên lẫn học sinh, vừa hết sức tồi tàn về cơ sở vật chất. Trường không có đồng phục, không có dụng cụ sơ cứu y tế, không có toilet, thậm chí đôi khi còn không có cả phấn để viết bảng. Nên đôi khi cô giáo Mus phải ra bãi đất trống ngoài sân để giảng bài cho học trò bằng cách dùng cành cây viết trên nền đất.
Ngôi trường này duy trì được bởi sự tận tâm của thầy hiệu trưởng Harfan, cô giáo Mus nhỏ bé mới chỉ có 15 tuổi, cùng khát khao đi học cháy bỏng của 10 học trò nhỏ.
Nhắc tới chiến binh cầu vồng, mình không thể nào quên hình ảnh cậu học trò nhỏ Lintang phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đạp chiếc xe cà tàng vượt hành trình 40km để đi học mỗi ngày. Để đến được trường, cậu phải vượt qua những khu rừng cọ, qua đầm lầy đầy cá sấu. Những ngày mưa phải bơi qua dòng nước chảy xiết, nhưng cậu bé ấy đã không nghỉ một buổi học nào, và luôn là người đến lớp sớm nhất. Cậu bé ấy còn trở thành niềm tự hào của ngôi trường nhỏ bé, một thần đồng toán học, người đã thắp lên niềm tin và ước mơ cho các bạn cùng lớp ngay cả khi cô giáo Mus mất hy vọng.
10 cậu bé ấy, là 10 câu chuyện, là 10 số phận, là 10 tấm gương về sự nỗ lực để đến trường.
Một Lintang với tài năng về Toán Học và KHTN.
Một Madhar với xúc cảm nghệ thuật thiên bẩm.
Một Trapani đẹp trai với ước mơ trở thành thầy giáo.
Một Sahara với ước mơ trở thành một nhà nữ quyền.
Và cậu bé Ikal người đã viết lên quyển sách này với mối tình đầu ngây thơ, trong sáng, với những kế hoạch A, kế hoạch B cho tương lai
Và còn Harun, A King,….
Sau mỗi cơn mưa, bọn trẻ lại leo lên cây để xem cầu vồng. Chính vì vậy, cô giáo Mus đã ưu ái đặt cho những học trò của mình cái tên đặc biệt “Chiến binh cầu vồng”.
Và không thể không nhớ thầy Harfan, cô giáo Mus những người đã gieo mầm ước mơ trong những chiến binh.
Hình ảnh cô Mus đội lá chuối dạy học trong những ngày mưa.
Đặc biệt là hình ảnh thầy Harfan trút hơi thở cuối cùng trong chính ngôi trường của mình, ngôi trường thầy đã cống hiến suốt cuộc đời.
Dù điều kiện có khó khăn, dù dường như tất cả mọi thứ trong xã hội chống lại ước mơ nhỏ bé của họ nhưng họ vẫn vượt lên tất cả để được đến trường.
Vâng, tuổi thơ của những chiến binh ấy đã không ngừng chiến đấu, họ đã không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi họ không thắng được sự nghiệt ngã của số phận họ vẫn không ngừng cố gắng.
Những đứa trẻ ấy học theo đúng nghĩa của nó, học vì thích học, vì muốn hiểu biết, muốn cuộc đời tươi sáng hơn. Không phải kiểu học cho có, cho xong.
– Nguyễn Thanh Thuyết