“Chờ em đến San Francisco” có thể nói là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự thiếu thốn của góc phố nghèo thời xưa và sự hiện đại, mới mẻ nơi phi trường, trời Tây qua lời tự sự của cô nàng nhân vật chính… Câu chuyện tình cảm giữa ba con người tuy mang phần kịch tính nhưng với giọng văn của Dương Thụy, ta lại có cảm giác như đang “phiêu” theo những dòng cảm xúc nhẹ nhàng mà đầy cảm xúc.
Review Chờ em đến San Francisco
Bạn có tin vào duyên số không? Những cuộc gặp gỡ, những mối tình, những kỷ niệm xen lẫn nụ cười và nước mắt,… cùng tất cả những thứ mà bạn đã nếm trải trên cuộc đời này, chúng đều là duyên số. Tôi đã nghe ở đâu đó nói rằng “Kiếp trước phải quay đầu nhìn nhau 500 lần, kiếp này mới có duyên gặp gỡ hay ở cạnh nhau”. Và tôi tin vào duyên số mà ông trời đã sắp đặt. Tôi tin một ngày nào đó, chúng ta – những người yêu nhau, dù có cách xa hàng nghìn cây số rồi cũng sẽ trở về bên nhau. Có lẽ, Dương Thụy cũng vậy khi xây dựng tình yêu của nhân vật An và Bình trong cuốn sách “Chờ em đến San Francisco”.
Dương Thụy đã nhắc trong Lời nói đầu rằng “Cuốn sách này không dành cho những bạn đọc tuổi teen hay những bạn trẻ dưới ba mươi tuổi” và tôi cũng không phải đối tượng của cuốn sách này. Thế nhưng, tôi vẫn khuyên các bạn nên đọc, cho cái tuổi trẻ “thanh xuân” đang tràn ngập, cho cái thời áo trắng ngây ngô nhưng khao khát tình yêu. Cuốn sách là một câu chuyện nhẹ nhàng và lãng mạn như nước Pháp, pha chút bồng bột của tuổi trẻ, nhưng vẫn rất đáng yêu và chân thành. Mạch kể câu chuyện đan xen giữa những ký ức trong quá khứ và hiện tại qua suy nghĩ cùng hồi ức của nhân vật nữ chính nay đã là một phụ nữ trưởng thành. Đọc “Chờ em đến San Francisco”, bạn sẽ được sống lại thời bao cấp ở Sài Gòn vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng tình người thì vô cùng bao la. Dưới ngòi bút của Dương Thụy, một Sài Gòn rất khác, một Sài Gòn hào hoa, không quá nhộn nhịp mà gần gũi hơn, Sài Gòn những ngày nắng và trái tim của một cô gái với những rung động đầu đời nhưng cuối cùng cũng có một kết thúc tốt đẹp. Các ký sự về hành trình châu Âu, châu Á không những cung cấp kiến thức về con người, văn hóa, lịch sử của nơi đến mà còn đan xen những cảm nhận rất riêng, rất thật, rất đặc biệt dưới con mắt của nhà văn.
Tôi đã đọc lại cuốn sách rất nhiều lần, tôi không nhớ chính xác mình đã đọc nó bao nhiêu lần khi tôi được tặng nữa. Nó thực sự hay. Cũng như những câu chuyện trước của Dương Thụy, các nhân vật trong câu chuyện này cũng có những chức vụ, địa vị khá cao trong xã hội. Ở hiện tại, An là một nhân viên của công ty dược phẩm nổi tiếng, đi đây đi đó khắp nơi như cơm bữa. Ngoài ra, sự xuất hiện của hai chàng trai là John – một doanh nhân ấm áp và lịch lãm, tự tay xây dựng doanh nghiệp của riêng mình và Bình – mối tình đầu ngây thơ của An, anh làm ở Apple với một vị trí mà “không có người để cho phép anh nghỉ” – một vị trí khá cao theo suy nghĩ của tôi, cả hai chàng trai đều đã để lại trong tôi những cảm xúc khó có thể diễn tả xuyên suốt câu chuyện.
Trong chuyến đi công tác của mình, An tình cờ quen biết với chàng trai độc thân tên John trên máy bay, giữa họ nảy sinh những rung động sau vài lần gặp gỡ ở Chicago, nhưng khi nhận ra những rung động đó, An bắt đầu băn khoăn, cô chưa sẵn sàng cho một tình yêu mới. Trong quá khứ, An là một cô nữ sinh khiến biết bao thằng con trai trong xóm “thèm” với vẻ ngoài non trẻ của thiếu nữ 18 của mình, nhưng người duy nhất cô trao tình cảm là Bình – mối tình đầu của cô. Cái cảm giác nóng rẫy khi ngồi sau chiếc xe Dream của Bình trước khi anh xuất ngoại đó mãi là phút giây ngất ngây nhất đã làm cô không thể quên trong suốt những ngày tháng sau này. Duyên số đưa đẩy, An và Bình gặp lại nhau vào mùa thu Paris với những cơn gió rét ngọn, tình cảm giữa họ năm ấy vẫn còn đó, những lần cùng nhau học tiếng pháp, thu âm những bài hát tiếng pháp lãng mạn như vừa mới xảy ra. Bình gắn với tuổi thơ của An, gắn với những hồi ức về một thời khốn khó nhưng luôn tràn ngập niềm vui. Bình là Sài Gòn trong An, và quan trọng nhất, Bình là…mối tình đầu. Mối tình đầu chỉ khiến ta thôi nhớ, chứ chẳng thể nào khiến ta mãi mãi quên. An cũng vậy. Sau một khoảng thời gian quá dài, tưởng chừng như bóng hình Bình đã phai mờ trong kí ức cô, nhưng không, anh vẫn luôn ở đấy, ở một góc sâu thẳm trong trái tim của cô gái Sài Gòn. Thật may khi cả hai đều vì những bấp bênh của cuộc sống mà chưa kết hôn. Kết thúc câu chuyện, giữa một chàng trai người Mỹ lịch lãm vừa quen như John và mối tình đầu không thể quên là Bình, An buộc phải đưa ra chọn lựa cho chính mình. Và cô đã chọn Bình. Truyện không chỉ nói về tình yêu, mà còn về những con người xóm Tân Định, cuộc sống thời bao cấp, chị Hương qua đèo, các anh “cu”, và “non-cu”,… Tôi chỉ tiếc rằng mình không sinh ra ở thời ấy để có thể cảm nhận hết những gì Dương Thụy đã viết. Nhưng khi đọc nó và nghiền ngẫm, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra một rạp phim tồi tàn cũ kỹ mang cái tên Văn Hoa đầy ắp những kỷ niệm đẹp giữa các nhân vật, có thể tưởng tượng ra một xóm nghèo như vô số những xóm nghèo bây giờ nhưng đầy ắp tình người. Thế nhưng tôi không làm sao hiểu cảm giác bị rệp cắn là thế nào, cũng không làm sao hiểu những thái độ kỳ thị nhau chỉ vì chế độ chính trị ở thời xưa.
Với lối viết văn nhẹ nhàng mà giản dị, Dương Thụy đã xây dựng tính cách nhân vật nữ chính mà tôi thực sự yêu thích. Thông qua câu chuyện của nhân vật chính, nó cho ta bài học về tự đối mặt với chính bản thân mình, đối mặt với những cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta để có thể đưa ra sự lựa chọn không phải đúng đắn nhất mà là khiến chúng ta hạnh phúc, vui vẻ nhất một cách thực sự từ trong trái tim. Và tôi cũng đã thực sự bị quyến rũ bởi những bức tranh được vẽ ra về những chuyến bay, những khung cảnh lãng mạn của Paris, Chicago… và đặc biệt là khung cảnh Sài Gòn của mấy mươi năm trước bồng bềnh hiện ra, xen giữa câu chuyện tình nóng bỏng. Thế nhưng có lẽ vì câu chuyện theo mô típ cũ trong những cuốn sách trước đây mà tôi từng đọc của Dương Thụy nên với tôi, nó vẫn chưa thực sự đặc sắc, cùng với những sự khó hiểu trong một vài chi tiết của câu chuyện mà cô ấy đã viết, nếu có sự sáng tạo hơn nữa trong cách sáng tác thì cuốn sách này của Dương Thụy sẽ được tôi đánh giá cao hơn. Tuy nhiên với tôi, nó vẫn là cuốn sách mà tôi thực sự yêu thích. Và tôi nghĩ rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được như thế khi bạn đọc được nó. Hãy đọc và cùng tôi cảm nhận.
– Nguyễn Ngọc Ánh