Chú Bé Mang Pyjama Sọc – John Boyne

Câu chuyện kể về tình bạn giữa một cậu bé được sinh ra trong cái nôi của chủ nghĩa phát xít – Bruno và đứa con của người Do Thái đang bị giam giữ tại trại tập trung Ao Tuýt – Shmuel. Tình bạn của 2 cậu bé vượt qua mọi ranh giới, rào cản, sự phân biệt sắc tộc và trở thành nỗi ám ảnh trong lòng mỗi người đọc. Thông qua cuốn sách tội ác của Đức quốc xã đối với người dân Do Thái, nỗi đau “diệt chủng” được miêu tả chân thực hơn bao giờ.

Review Chú bé mang pyjama sọc (2)

Thế chiến hai là những đau thương khủng khiếp để lại vô số những hậu quả và hệ quả cho thế hệ sau. Ngoài những tang thương chết chóc từ cuộc chiến thì một vấn đề nhức nhối khác cũng làm nhức nhối trái tim của bao người. Đó không gì khác ngoài sự bạo tàn của Đức quốc xã Nazi với người Do Thái, một nạn diệt chủng toàn bộ của ác quỉ chiến tranh Hitler với những con người tội nghiệp. Nghe sơ bộ thì có lẽ bạn đang nghĩ mình đọc một cuốn sách chứa miêu tả sự bạo tàn của chiến tranh, nhưng liệu có phải vậy? Bạn có nghĩ có sự yên bình trong đây? Hãy tự tìm câu trả lời sau khi đọc xong cuốn sách mang tên Cậu bé mặc Pyjamas sọc.

Nếu đọc cuốn sách này thì bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí chiến tranh rất ít dù rằng nó được đặt trong thế chiến hai. Nhà văn John Boyne đã vẽ nên một bức tranh rất đẹp về tình bạn và tình người trong trại tập trung. Cuốn sách nói về tình bạn của cậu bé Bruno và một đứa bé trong trại tập trung tên Shmuel. Do cô đơn không có ai làm bạn ngoài chiếc xích đu nên cậu đã đi loanh quanh và gặp được một cậu bé mặc pyjamas sọc bên bờ rào sắt. Tình bạn đẹp giữa hai đứa trẻ bắt đầu, hai em nói chuyện, chơi cờ với nhau mà không biết rằng thực chất hai người là kẻ thù. Giữa những mưu toan hiểm ác vô nhân tính trong thời chiến, tình bạn và tình người như một ánh sáng cứu rỗi từ thiên đàng mà có lẽ tác giả muốn gửi gắm. Trong Cáo và chó săn, hãng phim Walt Disney cũng muốn làm nổi bật tình bạn giữa kẻ đi săn và con mồi thông qua Tod và Cooper. Tình cảm là thứ thiêng liêng nhất, sự đối nhân xử thế giữa người và người có lẽ là lời nhắn nhủ tới những ai đang, đã và đọc xong tác phẩm.

Sự thảm khốc của thời chiến được hiện lên qua con mắt của hai cậu bé mới tám tuổi là Bruno và Shmuel. Với trẻ con tuổi còn được tự do vui chơi, không âu lo thì có lẽ chúng sẽ không hiểu được sự thảm khốc trong thời kì mà mình đang sống. Nếu như trong cuốn chiếc trống thiếc của Gunter Grass, Oscar một người tuổi đã lớn trong thân xác trẻ em được nhìn sự tang thương và cảm nhận được những đau thương mất mát và tình yêu thì hai cậu bé ở đây gần như đều hồn nhiên vô tư. Chúng không có quyền ấy ước muốn ngừng trưởng thành mà vấn phải sống với cuộc sống vốn có. Một cảnh tượng quen thuộc trong câu chuyện chính là lúc tất cả những người mặc đồ sọc bước vào “buồng tắm” với khí gas. Chính điều này tạo ra những mùi khó chịu mà sau này Bruno mới tự mình cảm nhận được. Đó có lẽ là cách nhà văn John Boyne muốn nói tới sự thối nát, mùi của tội ác xen lẫn với sự khổ đau của con người. Đi tắm sẽ mang nghĩa vui vẻ khi được gột rửa những vết bản bám trên người nhưng riêng trong thời chiến này thì đi tắm là để mang những cái dơ bẩn nhất thêm vào với sự độc ác và cứ thế lặp đi lặp lại hang ngày. Cả hai em đểu rất đáng yêu và ngây thơ, đều không cảm nhận được mối hiểm hoạ ập đến. Hai em vẫn tự nhiên chơi với nhau, vẫn hồn nhiên mỗi ngày qua một bờ rào từ cái trại tàn ác đó. Tác giả Boyne cũng đề cập tới những giá trị nhân đạo khác cũng như bản ngã suy đồi của con người trong tác phẩm. Như cách bác Pavel- một người Do Thái làm cho gia đình chăm sóc cho Bruno khi cậu bị thương dù bị bạo hành và đối xử tàn nhẫn. Có lẽ giữa họ không còn tồn tại bức tường kẻ thù hay sự oán hận mà đơn giản chỉ là một người lớn quan tâm chăm sóc một đứa trẻ. Một trong những chi tiết điểm nhấn của câu chuyện chính là sự nhút nhát đến mức phải nói dối của Bruno. Em đã không dám thừa nhận mình cho Shmuel bánh vì sợ cái ánh nhìn giận dữ của tên trung uý đáng sợ Kotler. Việc đó đã khiến bạn của cậu được “chăm sóc” sau đó. Chính cái việc này tạo nên sư dạy dứt, tạo cơ hội cho tác giả khắc họa được thêm tính cách và nội tâm Bruno. Nếu như Shmuel không có gì quan trọng mà chỉ như một người bình thường thì em có lẽ đã không cắn rứt lương tâm mà cố tìm gặp bạn để xin lỗi. Đoạn đó là sự thú tội với mong muốn không mất đi một người bạn thật sự dù mới có tám tuổi và còn rất nhiều điều đang đợi phía trước. Chi tiết cuối truyện đặc sắc là cái nắm tay khi Bruno giúp bạn mình tìm bố đang bị mất tích trong hầm. Đó là biểu tượng của một tình bạn đẹp vượt qua mọi giai cấp và địa vị hay bối cảnh xã hội bây giờ. Hai em đã như trở thành những người anh em tốt của nhau ở tuổi tám. Hình ảnh này có phần làm chúng ta liên tưởng tới Castor và Pollux trong thần thoại Hi Lạp khi hai anh em chia sẻ sinh mệnh cho nhau.

Người đọc có thể xem đây như một cuốn sách thiếu nhỉ bởi nó rất hồn nhiên, tươi sáng thông qua tình bạn của hai cậu bé. Bạn sẽ thấy được cái đẹp qua từng trang sách cũng như thấy được sự day dứt nếu đã làm điều gì sai với người bạn thân của mình. Khép lại cuốn sách có lẽ cũng là lúc bạn muốn tìm lại kỉ niệm với bạn mình khi chơi những trò chơi quen thuộc thời xưa như: cá ngựa, cờ tướng, ô ăn quan… Tình cảm là vô tận không biên giới và có thể tồn tại ở bất kì nơi đâu. Đọc từ đầu tới cuối bạn sẽ thấy được cái giá trị của tình người được tác giả gửi gắm qua hình ảnh Bruno và Shmuel. Phải chăng đó là tia hi vọng mà Boyne muốn gửi gắm về một nền hoà bình không tưởng, mong muốn về sự kết giao giữa hai phe không đội trời chung là Đức và Do Thái như cách Shakespeare đã làm trong Romeo và Juliet?

– Oba Ashoka Meghishima Somei

Một câu chuyện và cái kết day dứt! Cái chết của hai cậu bé 8 tuổi bất ngờ đến mức mình không tin vào điều đang xảy ra.

Đây là câu chuyện tình bạn của Bruno và Schmuel. Bruno 8 tuổi, là con trai của chỉ huy của một trang trại tập trung. Schmuel 8 tuổi, là con trai của một người sửa đồng hồ người do thái. Câu chuyện xảy ra vào thế chiến thứ 2, khi Đức muốn diệt trừ những người dân do thái bằng cách gom họ vào một trại tập trung.

Mình thương Schmuel, thương ghê lắm, sống trong cảnh khó khăn và khổ cực như thế, nhưng cậu nhân hậu, vị tha. Dẫu cho Bruno vì hoảng sợ nên nói dối rằng không hề biết cậu là ai, rằng cậu tự tiện lấy đồ ăn trong nhà cha Bruno ăn, cậu vẫn tha thứ ngay. Đoạn đó mình cảm động ghê lắm, rằng làm sao trong hoàn cảnh như thế, nhưng con người ta vẫn tốt đẹp như thế?Mình còn thương vì Schmuel – một đứa trẻ không may mắn sinh ra trong khoảng thời gian chiến tranh, sinh ra với cội nguồn là người do thái, để rồi phải chịu đựng khổ sở vì tất cả những thứ đau khổ của chiến tranh gây ra, của những người lớn không tốt đẹp gây nên.

Mình thương Bruno, cậu nhân hậu, cậu tò mò và thực chất không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Cậu được nghe bao nhiêu điều không tốt đẹp và người do thái, từ thầy giáo, từ chị gái… nhưng cậu luôn trăn trở và suy nghĩ, vì cậu tốt đẹp, vì cậu thương người.

Mình đọc mà mình chỉ mong là cậu hiểu ra được mọi chuyện sớm hơn, mình đọc mình chỉ mong cậu có thể thay đổi được ba của cậu, mình đọc mình chỉ mong phép màu sẽ hiện ra. Nhưng rồi, không phải như vậy, cậu chết trong chính cái chính sách và dưới chính quyền mà ba cậu là một phần trong đó.

Sách (kể cả phim cũng vậy) không hề thấy cảnh máu me, kể cả lúc hai cậu bé mất, nhưng đau mà tan thương khủng khiếp. Đoạn cuối, hai cậu bé nắm chặt tay nhau và vẫn không hề biết chuyện gì xảy ra, đau lắm, day dứt lắm và bất lực lắm, như thể trên đời này có phép màu đấy, nhưng chắc chắn nó sẽ không xảy ra ở đây.

Trong quá khứ, chiến tranh đã xảy ra, đau thương người ta cũng đã thấy đã biết đã trải qua. Mình chỉ mong, sẽ không có một lần chiến tranh nào nữa, ở bất kỳ nơi đâu.

– Ha Thuy