Lần cập nhật gần nhất August 18th, 2020 – 10:21 am
“Chủ nghĩa Khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình yên” giới thiệu về lịch sử ra đời, về những tính chất, hành động được coi là kim chỉ nam cho lối sống Khắc kỷ và những hướng dẫn thực hành lối sống này. Các chỉ dẫn cách ứng phó với những tình huống trong cuộc sống nếu muốn thực hành lối sống Khắc kỷ, bao gồm hướng dẫn đối phó với sự kiểm soát, vận mệnh, bổn phận với xã hội, đối phó với sự xúc phạm, cơn giận, đau buồn, tuổi già và cả cái chết. Cuốn sách bàn về sự giàu sang, theo đuổi danh vọng, địa vị đối với người sống Khắc kỷ và các yếu tố kiềm chế bản thân trước các ham muốn, dục vọng để hướng đến lối sống thuận theo tự nhiên, chỉ ưu tiên tiếp nhận sự tích cực, vui vẻ và tránh xa, bỏ qua những điều tiêu cực, không lành mạnh.
Review Chủ nghĩa Khắc Kỷ (3)
Rate 5/5
Đây là một cuốn sách triết học nhưng viết dễ hiểu và được dịch cực mượt nên dễ đọc lắm!Có lẽ chủ nghĩ khắc kỷ (Stoicism) còn khá xa lạ với nhiều người, hiểu một cách nôm na thì là lối sống đề cao Đức hạnh và sự bình thản (chi tiết các bạn tự gg nhé) để có một cuộc sống bình an lâu dài bền vững.
Về phần cảm nhận có lẽ các bạn đọc nhiều review khác rồi nên mình sẽ đi sâu vào việc mình học và thực hành Chủ nghĩa khắc kỷ như thế nào nhé.
1. Kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực
Ví dụ trong đại dịch Covid-19 này, mình hay nghĩ nếu mình mắc bệnh và chết thì sao? mình có thấy hối tiếc vì chưa làm được điều gì không? có ân hận vì không sống tốt hơn không? lúc này mình vẫn chưa chết, mình nên làm gì, cần làm gì để có cuộc sống như mình mong ước.
2. Phép lưỡng phân kiểm soát: chia ra gồm 3 thứ
- Những thứ mà mình có thể hoàn toàn kiểm soát: thái độ sống , kiến thức, đạo đức…, mình cố hết sức để những thứ tốt nhất
- Những thứ mà mình không thể kiểm soát: gia đình, thái độ của người khác với mình,…., buông, chấp nhận rồi sống với nó thôi, càng kiểm soát càng mệt.
- Những thứ mà mình chỉ kiểm soát được một phần: nhan sắc, giọng nói,…, cố gắng để tốt hơn thôi nhưng không đặt kỳ vọng quá nhiều
VD khi mình làm radio, mình luôn cố gắng hết sức để tạo ra những nội dung tốt nhất cho người nghe. Còn việc mọi người thích hay ghét radio của mình thì mình không thể kiểm soát được, nên kệ thôi. Thế nên mình tự do để sáng tạo theo thứ mà mình nghĩ là hay ho mà không quan tâm xem người khác có phán xét mình hay không. Còn việc youtube có đề xuất radio của mình không thì mình chỉ kiểm soát được 1 phần :))) cố gắng làm theo vài mẹo và cúng thuật toán YT, còn thiêng hay không thì vạn sự tùy duyên thôi.
3. Khổ hạnh: Ứng phó với mặt tối của Khoái lạc
Năm nay là năm Gapyear của mình, mình được đến những vùng đất mới để xem ngoài cái giếng của mình cuộc sống có gì khác. Và đương nhiên đôi khi trải qua cuộc sống thiếu thốn, tắm nước lạnh, nhà nóng, đi bộ cả mười mấy km, không có nước sạch dùng,… Mình nhận ra mình rất may mắn với cuộc sống 18 năm qua, và mình trân trọng từng thứ hơn bao giờ hết. Hơn thế mình nhận ra nếu mình mất tât cả, cuộc sống cũng không quá đáng sợ, mình mạnh mẽ hơn mình nghĩ, mình vẫn trụ tốt với cuộc sống thiếu thốn này.
4. Thuyết định mệnh: Buông bỏ quá khứ
Mình không thể thay đổi quá khứ, nên chả việc vì phải hối hận về những điều mình đã làm, việc đáng hối hận nhất trên đời là hối hận.
5. Suy ngẫm: Quan sát bản thân thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ
Thời gian vừa qua mình có apply vào một Prj, trong bài luận tư do mình đã viết bài là tưởng tượng về một biến cố xảy ra và cách mình giải quyết nó. Mình đang quan sát bản thân đã thực hành Stoicism như thế nào. Mình có giải quyết vấn đề dựa trên lý trí và giá trị đạo đức mình theo đuổi hay không? mình có túng quẫn không ? làm sao để giải quyết thông minh nhất.
6. Nhìn nhận sự việc từ tương lai
Khi mình gặp 1 biến cố siêu to khổng lồ, mình hay nghĩ rằng chắc chắn một thời gian sau nhìn lại mình sẽ thấy sự việc này bé xíu, giống như điều tồi tệ mình vừa trải qua trước đó thôi. Ngủ một giấc và xem lại phép lưỡng phân kiểm soát
7. Khi gặp khó khăn
Mình hay nghĩ rằng đây không phải mỗi bản thân mình phải trải qua điều này, có nhiều người cũng như thế. Không việc gì phải tự bi kịch hóa
VD: Gần đây mình vừa bị mất blog, buồn gần chết, sau đó mình nghĩ chả phải mỗi mình bị thế, youtuber Giang ơi hồi trước còn bị mất kênh mấy trăm ngàn lượt đăng kí cơ. Thế nên nhẹ nhõm hẳn8. Thấu cảm
Khi ai đó hành xử không tốt với mình. Thay vì xù lông nhím hay trả đũa, mình tìm hiểu vì sao họ như thế, hiểu cho họ và chọn cách giải quyết. Có thể tha thứ, hoặc có thể bỏ qua họ, dừng tiếp xúc 100% với họ
– Phạm Vy
Nói chung là bìa sách có vẻ “chán”, tiêu đề sách cũng “không thú vị” – đây là những ấn tượng đầu tiên của mình (một người khá trọng hình thức), nhưng nội dung thì vô cùng hữu ích, lời dịch cũng rất trôi chảy, dễ hiểu.
Mình là người sẽ không đọc một quyển sách nào lần hai, trừ khi đó là sách về công việc, có nghĩa là khi mình buộc phải thế, còn những quyển sách về triết học hay triết lý sống thì càng có khả năng bị bỏ dở giữa chừng. Nhưng mọi thứ thay đổi với quyển sách này – mình đã quyết định phải đọc lại mỗi tháng cho tới khi mình thành thục những kỹ năng mà quyển sách đề cập. Đó là lý do mình chọn để review nó.
Chủ nghĩa khắc kỷ, nếu yêu cầu một định nghĩa, mình nghĩ có thể gọi là “khắc chế bản thân để giữ lòng an tĩnh”. Nếu tâm trí là mặt nước, người theo triết lý này sẽ cố gắng giữ cho mặt nước của mình luôn phẳng lặng, cho dù phía trên có là mưa gió bão bùng.
Bằng cách tưởng tượng tiêu cực, bằng cách tam phân quyền kiểm soát, bằng thuyết định mệnh quá khứ và hiện tại (không phải tương lai), một người nghèo khổ tới nỗi chỉ còn một cái khố trên người cũng có thể bằng lòng với hiện tại, vì sao?
Vì anh ta còn có thể khổ hơn nữa nhưng đời vẫn giữ cho anh chưa mất mát đến thế. Đó là còn tay còn chân, còn khả năng lao động, còn ngũ quan để thưởng thức mọi thứ. Đó là việc mất đi luôn cái khố này và nghèo mạt hơn nữa. Đó là cái chết.
Vì sự nghèo là một vấn đề anh ta có thể kiểm soát một phần, có nghĩa là mặc dù anh không thể thay đổi những chuyện đã xảy ra – những chuyện đã làm anh nghèo đến vậy, hay cách mọi nguời đối xử với anh, nhưng anh ta có quyền suy nghĩ và hành động theo cách mình muốn để thoát khỏi cái nghèo và không có gì có thể ngăn cản sự tự do hưởng thụ giây phút hiện tại mà anh đang CÓ.
Và khi người này đạt được nhiều hơn trong cuộc sống, có thể là một bộ quần áo tươm tất, là bữa ăn ngon, là một ngôi nhà, một gia đình, một gia tài, anh ta cũng không sa vào cái vui quá đà, không chỉ một mực hưởng thụ, thay vào đó anh ta quý trọng những thứ đó từng ngày từng giờ, anh biết cách bằng lòng chứ không đòi hỏi nhiều hơn, bởi vì anh biết, cuộc đời có thể lấy lại những thứ đó bất cứ lúc nào, và nếu có lại mất đi, anh ta cũng không quá hụt hẫng hay rơi vào trầm cảm, bởi vì anh đã vô cùng trân trọng, và dù mất anh vẫn còn khả năng gây dựng lại.
Dù xung quanh mình đang là hạnh phúc, cũng cần giữ tâm phẳng lặng, bởi vì con người thường chỉ bằng lòng với những điều tốt đẹp một thời gian ngắn, dù trước đó đã cố gắng bao nhiêu để đạt được, tức là xu hướng càng tham lam nhiều thứ khác, và nhanh chóng mất đi sự trân trọng với những điều mình có.
Mình thấy may mắn vì ngày hôm đó giữa bao nhiêu quyển sách, mình đã chọn Chủ nghĩa khắc kỷ. Mình tin nếu đọc nó bạn cũng sẽ cảm giác tương tự.
– Trần Hồng Anh
Chủ nghĩa khắc kỷ, William B. Irvine – Một triết lý sống hoàn thiện bản thân và vượt lên trên những điều tồi tệ nhất
Vậy thế nào là điều tồi tệ nhất trong mắt các nhà Khắc kỷ?
“Khi bạn chúc ngủ ngon và hôn con mình vào buổi tối, hãy nhớ rằng đứa trẻ có thể chết vào sáng hôm sau” — Epictetus nói.
“Đừng cầu nguyện cho bố mẹ, vợ con tránh khỏi điều tồi tệ nhất. Hãy cầu nguyện rằng bạn sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng được nếu việc đó xảy ra.” — Marcus Aurelius
Còn chúng ta thì sao? Nếu sáng thức dậy phải đối mặt với việc mất đi người thân yêu trong gia đình thì sẽ làm gì để vượt qua nỗi đau đó? Chúng ta sẽ làm gì nếu không có niềm tin vào tôn giáo, vào một kiếp sau sẽ gặp lại? Một phần câu trả lời đó nằm trong cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ mà tác giả William B. Irvine tổng hợp được từ các nhà triết học Khắc kỷ nói riêng và triết học nói chung.
Vậy triết học Khắc kỷ là gì? Ai đã sáng lập ra và có ích lợi gì trong cuộc sống của chúng ta khi thực hành những gì mà triết học khắc kỷ yêu cầu?
1. Triết học khắc kỷ là gì?
Khắc kỷ – Stoic được rút gọi từ việc Zeno, người sáng lập phái khắc kỷ chuyên thuyết giảng cho học trò ở Stoa Poikile, có nghĩa là dưới mái hiên, cửa sổ. Mình hay nói vui khắc kỷ là “suy nghĩ bên cửa sổ” khi có ai đó hỏi chủ nghĩa khắc kỷ là gì.
Zeno sáng lập phái khắc kỷ dựa trên ít nhất 3 tư trưởng triết học khác vào năm 300 TCN, lúc đó ông hơn 30 tuổi. Triết học của Zeno bao gồm đạo đức, vật lý và logic. Sau này các nhà Khắc Kỷ La Mã đã thay đổi thành bắt đầu từ logic, vật lý và đạo đức.
Nói đơn giản, triết học khắc kỷ giống như một cánh đồng màu mỡ với Logic là hàng rào bao quanh, Đạo đức là cây trồng và Vật lý là đất. Và Đạo đức là trung tâm trong trong triết học Khắc kỷ: Nếu muốn có một cái cây xanh tốt, bạn sẽ phải lưu ý đến đất và hàng rào xung quanh!
Để thực hành triết học khắc kỷ, mỗi người hãy sống theo Tự nhiên. Tự nhiên ở đây là hãy sống một cuộc đời hạnh phúc, tốt đẹp, và phát triển bản thân thông qua suy luận. Suy luận cũng chính là món quà của thần Zeus, các nhà Khắc kỷ cho rằng chỉ con người mới được ban tặng. Vì thế họ suy luận, con người giống thần thánh hơn mọi tạo vật trong Tự nhiên.
Tuy Zeno và triết học khắc kỷ đến từ Hi Lạp, nhưng cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ lại đặt các nhà khắc kỷ La Mã là trung tâm. Lý do thứ nhất là bốn cái tên gồm Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius – Hoàng đế La Mã, đều là những nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng trong thời đại của mình hơn hẳn các nhà khắc kỷ Hi Lạp.
Lý do thứ hai là mỗi con người này đều có phong cách sống và làm việc điển hình cho triết học khắc kỷ chứ không chỉ là những triết gia chỉ biết suy luận.
2. Cốt lõi của triết học khắc kỷ: tập trung vào cái bạn có thể kiểm soát
Bạn hãy tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, và hiểu những gì mình không thể kiểm soát. Dù đây chỉ là một phần quan trọng trong triết học khắc kỷ, nhưng nó là điều thực tiễn nhất mình muốn chia sẻ. Những lý do khác các bạn hãy tìm đọc trong sách để nắm rõ hơn.
Tác giả William B. Irvine đã phân điều này thành tam phân quyền quyển soát.
• Những gì bạn có thể kiểm soát hoàn toàn: đặt ra các mục tiêu hoàn thiện bản thân và làm nó tốt nhất trong khả năng có thể của bạn
• Những gì bạn không thể kiểm soát: trời nắng mưa thất thường, kẹt xe không về kịp bữa tối,…
• Những thứ bạn kiểm soát một phần: bạn có thể thắng trong thi đấu thể thao nếu làm tốt hơn đối thủ.Ví dụ cụ thể:
Để thắng trong một môn thể thao đối kháng như quần vợt trong thời điểm trời quá nóng hoặc có mưa nhỏ. Thời tiết là điều bạn không thể kiểm soát. Nhưng bạn đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu là điều bạn hoàn toàn kiểm soát. Và dù bạn chuẩn bị và chơi tốt đến đâu thì cũng chỉ kiểm soát phần nào khả năng thắng của mình.
Điều rút ra được ở đây là bạn chỉ có thể chơi tốt nhất có thể trong khả năng của mình – cũng là điều bạn kiểm soát tốt nhất mà không cần quan tâm đến thời tiết hay mình có thắng hoặc thua hay không. Chiếu theo luật nhân quả, việc bạn chơi hết sức mình, đồng thời giữ được sự bình thản khi thi đấu sẽ gia tăng khả năng chiến thắng.
Kết luận là khi bạn đạt được những mục tiêu bên trong – những gì bạn kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến yếu tố bên ngoài – những gì không thể kiểm soát và kiểm soát một phần.
3. Hãy luôn tưởng tượng đến những điều tồi tệ nhất
Memento mori – Hãy nhớ ngươi sẽ chết.
Theo truyền thống La Mã, mỗi khi hoàng đế hay các tướng lĩnh thắng trận, họ sẽ được mừng lễ khải hoàn ở Roma. Phía sau họ có nô lệ hai tay cầm vòng nguyện tuế giơ trên đầu và liên tục nhắc nhở họ rằng mọi thứ vinh quang đến đâu, rồi sẽ là tro bụi.
Steve Jobs nói rằng để sống có ý nghĩa nhất có thể thì hãy coi mỗi ngày đều là những giờ phút cuối cùng của mình!
2000 năm trước, triết gia Khắc Kỷ Seneca cũng đã viết thư cho bạn mình với nội dung như vậy: Sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của bạn. Thậm chí cả ngay trong hiện tại cũng là giây phút cuối cùng.
Marcus Aurelius thì viết: Đừng sống như kiểu trước mắt bạn còn vô số năm để sống. Cái chết luôn phủ bóng lên bạn. Trong khi còn sống và còn có thể – hãy sống cho tốt.
Seneca và Marcus Aurelius trên thực tế đều giàu có, vinh quang tột đỉnh nhưng điều đó cũng không ngăn cản họ suy nghĩ về những tiêu cực, những gì tệ hại nhất có thể xảy ra, dù đó là cái chết.
Điều này sẽ làm cho không ít người nhìn nhận triết học Khắc kỷ rất bi quan và tiêu cực về cuộc sống. Thực tế là khi bạn mỗi ngày nhìn nhận về những gì xảy ra theo cách tệ hại nhất với mình, thì bạn sẽ quý trọng những cái đã có và từng giây phút tồn tại của mình.
Bạn sẽ không to tiếng với người yêu, cha mẹ khi biết một ngày nào đó họ sẽ rời xa mình. Bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn với con cái, nếu chẳng may đứa trẻ sẽ chết về dịch bệnh vào ngày hôm sau. Bạn sẽ làm hết sức những gì mình muốn nếu biết rằng mình sẽ chết bất cứ lúc nào do tai nạn, bệnh tật…
Và trên hết việc tưởng tượng về những điều xấu nhất có thể xảy ra, sẽ kéo bạn sống và làm mọi thứ tốt nhất cho mình, chứ không bị lôi kéo vào trào lưu, truyền thông và xã hội tạo ra. Như thế bạn sẽ nhận thức được giá trị nào có lợi với mình và không bỏ phí dù chỉ một giây phút. Việc bạn tập trung vào bản thân thì bạn sẽ tiến bộ là điều chắc chắn. Và việc bạn nghĩ về nỗi đau có thể xảy ra bạn sẽ nhanh vượt qua khi nó đến.
4. Bất cứ ai cũng có thể thực hành lối sống khắc kỷ
Người có tôn giáo hay ngoại đạo, sinh viên hay công chức, nhân viên văn phòng đều có thể học hỏi triết lý và thực hành triết học khắc kỷ vì tính ứng dụng cao của nó. Trong cuộc sống, tình yêu và công việc đều tồn tại những vấn đề có thể, không thể và cả nỗi đau. Triết lý khắc kỷ có thể phần nào giúp bạn đi qua được khó khăn cuộc sống khi bạn thực hành.
Hiểu rõ việc bạn làm, không quan tâm đến yếu tố bên ngoài và tránh xa những yếu tố tiêu cực và hạn chế nó bằng cách chấp nhận và bước qua nó bằng suy luận của chính mình. Bạn sẽ hạnh phúc và tiến bộ khi nhận biết được mọi thứ mình có thể và không thể, thông qua suy nghĩ và hành động để làm cuộc sống của mình trở nên tốt hơn mỗi ngày.
– Đức Nhân (Edit: Triết học đường phố)