Cuốn sách Cô Gái Trong Chiếc Thùng Gỗ đầy tăm tối này dẫn dắt người đọc đến câu hỏi: Liệu ai có thể sống sót sau 472 ngày bị nhốt trong một chiếc thùng gỗ, người đó sẽ tiếp tục chống chọi để sinh tồn hay sẽ chấp nhận số phận?
Flora Dane ban đầu không hề tìm kiếm rắc rối, mà chính nó đã tự tìm lấy cô. Bị nhốt trong chiếc thùng gỗ hơn 1 năm trời đã là điều rất kinh khủng, nhưng trở thành quái vật khát máu để trả thù còn là điều đáng sợ hơn.
Liệu ai sẽ tìm thấy cô ấy, ai sẽ cứu rỗi linh hồn cô gái trẻ sau những vết thương không thể hàn gắn trong quá khứ?
Review (2)
“Thật buồn cười, kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác”
Vậy có khi nào một người sống sót từ tay của một kẻ sát nhân lại muốn trở thành một kẻ sát nhân? Cuốn sách này có lẽ là phần tiếp theo của cuốn “ Di sản kinh hoàng”, sau khi thanh tra D.D giải quyết xong vụ án sát thủ hoa hồng.
Nhân vật chính là Flora Dane – một nạn nhân đồng thời là một người sống sót. Câu hỏi thực sự là … cô ta liệu có phải một kẻ tự coi mình là người thực thi pháp luật, săn đuổi những kẻ sát nhân để trả thù cho 472 ngày cô bị giam giữ?
Cuốn sách gồm 2 phần song song là 472 ngày bị giam giữ của Flora bởi Jacob Ness và cuộc sống hiện tại sau 5 năm.
Flora bị bắt cóc và giam giữ như một thứ súc vật trong một chiếc quan tài thông, không gian hẹp hòi đến mức cô không thể làm gì ngoài việc ngủ để đánh mất đi ý thức về hiện tại, bị Jacob Ness lạm dụng tình dục và bỏ đói trong kế hoạch hủy hoại ý thức, nhân cách và làm lại cô dưới cái tên Molly, một người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào hắn ta. Chuỗi ngày kinh khủng đó đã được chấm dứt sau 472 ngày và cô ấy vẫn sống sót.
Sau khi trở về, Flora trở nên mạnh mẽ và khác hoàn toàn với cô của 5 năm trước. Cô tự đưa bản thân mình vào tầm ngắm của những kẻ săn mồi và hủy diệt chúng với tư cách là một nạn nhân. Hãy tưởng tượng, một cô nàng tóc vàng bị trói hai tay đã đốt cháy một gã trai lực lưỡng bằng một loại bột có trong những bó hoa. Một việc tưởng chừng như vô lý nhưng lại rất hợp lý. Sau khi dính dáng vào vụ việc đó, cô ấy đột nhiên bị bắt cóc trong chính ngôi nhà với 3 lớp bảo vệ của mình và một cuộc chạy đua khác lại bắt đầu. Liệu đây chỉ là một sự tình cờ hay có liên quan gì đến quá khứ của cô?
Câu chuyện cuốn hút mình ngay từ những chi tiết mở đầu với nhịp điệu khá nhanh, gấp gáp và đầy sự tò mò. Những tháng ngày bị giam giữ của Flora thực sự là những điều mình không thể tin được, gây ám ảnh, kinh tởm và cũng thật đáng thương. Những điều con người có thể đối xử với nhau thật ngoài sức tưởng tượng của một người có cuộc sống bình yên như mình. Cuốn sách đã chứng minh một điều rằng sức sống của con người thật là mãnh liệt, làm sao một cô gái bé bỏng như vậy lại có thể chịu được những điều không tưởng đó và sống sót trở về.
P/S: Cuốn sách khá dày, một câu chuyện dài nên cũng không thể tránh được có những sự việc thừa thãi, lê thê bởi vậy mọi người cũng nên cân nhắc trước khi tìm đọc.
– Anh SoShi
Sau 472 ngày bị giam trong chiếc thùng gỗ hình quan tài, cô gái trẻ Flora Dane được giải thoát, trở về với gia đình, nhưng cô không còn là con người mà mọi người xung quanh yêu thương và mong chờ. Flora tự biến bản thân thành một dạng nữ hiệp chuyên đi tìm kiếm + giải cứu những nạn nhân bị bắt cóc khác, đồng thời nếu có cơ hội thì trừng trị thủ phạm luôn. Điều này khiến cô vướng vào những vụ rắc rối với bên cảnh sát. Thượng sĩ Thanh tra D.D. Warren là người chịu trách nhiệm điều tra vụ án nghiêm trọng mới nhất mà Flora gây ra. Ngay khi vụ án còn chưa được giải quyết thì một sự kiện tồi tệ khác lại xảy ra.
Sau ấn tượng tốt với “Săn đuổi đến cùng” thì Biển không ngần ngại mua thêm hai quyển nữa của Lisa Gardner, nhưng phải công nhận “Cô gái trong chiếc thùng gỗ” không được hay. Cốt truyện mang tính sáng tạo và ly kỳ, văn phong không nhanh nhưng đủ để cuốn hút độc giả. Tuy nhiên, có lẽ vì không hiểu nổi / không đồng tình với cách hành xử của nhân vật chính nên Biển cho rằng cốt truyện hơi vô lý. Những điều ác mà đầu óc con người có thể nghĩ ra quả thật không có giới hạn, nhưng cách mà các nạn nhân phản ứng lại với những điều ác đó đôi khi cũng nằm ngoài tầm hiểu biết + xử lý của cảnh sát.
Thanh tra D.D. Warren trong truyện là một phụ nữ tương đối chính trực, khá dũng cảm, có tư chất thích hợp để làm việc trong ngành hành pháp, cụ thể là lĩnh vực thực chiến khi truy bắt tội phạm. Vì một tai nạn mà cô bị gãy tay, không thể cầm súng, tạm thời làm một “sĩ quan giám sát bị hạn chế nhiệm vụ” (tức là công việc bàn giấy, viết và nộp báo cáo các vụ án) nhưng D.D. vẫn năng nổ đến các hiện trường vụ án hoặc tham gia truy tìm chứng cứ. Tuy vậy, theo Biển thì hình tượng và vai trò của D.D. Warren trong truyện này hơi mờ nhạt, chưa khiến độc giả ấn tượng sâu được như Tracy Crosswhite trong loạt truyện của Robert Dugoni.
Sau khi đọc cuốn “Kẻ giấu mặt” của Nicholas Sparks thì Biển có cái nhìn lạc quan hơn về chuyện làm quen với các anh chàng pha chế đẹp trai trong quán bar, nhưng cuốn “Cô gái trong chiếc thùng gỗ” sẽ gieo vào lòng người đọc yếu bóng vía nỗi sợ hãi đối với việc đi bar. Cá nhân Biển KHÔNG thích đi bar vì vừa tốn tiền vừa hại màng nhĩ, nếu cần giải trí thì Biển sẽ tự mở bài Star Sky và uống trà xanh gạo rang nóng :3
Hình bìa không vẽ thùng gỗ nhưng Biển nghĩ minh họa trên bìa sách cũng diễn đạt khá chính xác ý tưởng trong truyện. Sách to dày nhưng đọc không có cảm giác thỏa mãn mà chỉ thấy hơi lê thê. Phần dịch thuật và trình bày ổn, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn. Hy vọng cuốn “Vỏ bọc hoàn hảo” sẽ có cốt truyện lý thú hơn để tình cảm của Biển đối với truyện trinh thám của Lisa Gardner chưa bị hao mòn đi.
– Camellia Phoenix (Sea, 18-12-2019)