Con Đường Hồi Giáo – Nguyễn Phương Mai

Con đường Hồi giáo là những dòng bút kí của tác giả về hành trình đến Trung Đông của mình, vùng đất chỉ cần nghe tên là có thể liên tưởng đến điều gì? Bạo động, bom đạn, những hũ tục và tư tưởng cực đoan, … Nhưng với sự bản lĩnh, can đảm, bất chấp của mình tác giả đã đặt chân đến vùng đất mà hầu như chẳng ai dám đến với ý nghĩ “Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa”

Ngoài ra cuốn sách còn đề cập đến rất nhiều các loại hình tôn giáo ở Trung Đông như: Đa thần giáo, Nhân thánh giáo, Độc thần giáo,… và nhiều nhánh của những tôn giáo khác. Điều này sẽ giúp bạn định hình được sự khác biệt của những tôn giáo.

Review Con đường Hồi giáo (2)

Con đường Hồi giáo – Hành trình tìm phồn hoa nơi bom đạn

Tôi không định bắt đầu review sách bằng cuốn sách có phần hơi cũ như thế này. Nhưng ngẫm lại, nếu hôm nay ai hỏi tôi: “Cuốn sách nào khiến bạn thay đổi về những định kiến cố hữu?” thì tôi sẽ chẳng ngại ngần trả lời rằng: “Con đường Hồi giáo”

Tôi biết đến Nguyễn Phương Mai qua một bài báo cách đây rất lâu trên tờ Hoa Học Trò, chị (đúng ra là cô nhưng vì chị trẻ quá) gây ấn tượng với tôi bởi mái tóc bện thừng cầu kỳ và ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa. Và rồi chị ra sách, tập đầu tiên của series “Lên đường với một trái tim trần trụi” mang tên Tôi là một con lừa. Thực ra trước đó tôi không thường đọc sách du ký, nhưng với cuốn sách đó, tôi đã hăm hở đi theo từng con chữ, từng bước chân của chị, hành trình qua 23 nước Châu Phi và Nam Mỹ ấy tựa như một giấc mộng giữa phồn hoa và nghèo đói, giữa thiên nhiên hùng vĩ và sự kiêu ngạo ngu xuẩn của loài người theo góc nhìn của một phó giáo sư giảng dạy về Giao tiếp đa văn hóa.

“Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.

Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.”

Tôi như mê man khi đọc những dòng văn án đầu tiên của cuốn sách thứ hai: “Con Đường Hồi Giáo”. Cuốn sách đưa tôi đến một chân trời rất khác những gì tôi đã cảm nhận ở “Tôi là một con lừa”. Ở đó có một Trung Đông phồn hoa, một Trung Đông oằn mình trong sự chia cắt tôn giáo, định kiến và chính trị.

Hơi thở tôn giáo

Mở đầu của cuốn sách, Trung Đông hiện ra là những chiếc khăn niqab đen dài của phụ nữ và áo choàng trắng của đàn ông; một Saudi ngăn mình với thế giới và một tôn giáo – Đạo Hồi.

Đạo Hồi vốn là một từ dùng để chỉ tôn giáo của những người Hồi Hột – một dân tộc thiểu số rất nhỏ bên nước láng giềng của chúng ta. Hồi giáo, hay đúng hơn là Islam, người tuân lệnh, bắt nguồn từ vị tiên tri cuối cùng của Chúa – Muhamad cách đây 14 thế kỉ, trải qua thăng trầm, đổ máu , trải qua những xung đột tôn giáo cùng một cội nguồn, vươn lên đến đỉnh cao của văn hóa và kỹ nghệ vào thế kỉ 13, đánh thẳng vào Châu Âu khi Cựu thế giới vẫn chìm trong mông muội của đêm trường Trung Cổ. Đúng, Trung Đông là trái tim của Hồi Giáo, trong Con đường Hồi Giáo, Nguyễn Phương Mai đã lần theo bước chân của những chiến binh tôn giáo, xuyên qua lịch sử 1400 năm của Đạo Hồi.

Bạn dễ dàng nhận ra một Saudi cấm cung với những Hadith nặng nề, với những đôi mắt sâu ám ảnh giữa hai mảng màu trắng đen siêu thực; Bạn tìm thấy một Dubai giàu sang và bám víu vào tôn giáo như một cái phao để khẳng định “danh tính dân tộc” nơi một quốc gia mà người bản xứ trở thành thiểu số trong chính đất nước họ. Và hơn cả là xung đột tôn giáo, không phải là giữa Islam và Thiên chúa giáo, giữa Islam và Do Thái giáo mà là chính giữa những hậu duệ của nhà tiên tri Muhamad, hai nhánh lớn nhất của Hồi Giáo – Sunni và Shia với những khác biệt không thể dung hòa, với ngọn lửa xung đột vẫn âm ỉ cháy qua hàng thế kỉ. Và ngọn giáo của người chiến binh chưa bao bao giờ khô máu trong suốt 1400 năm.

Không chỉ là Hồi Giáo, Trung Đông, mảnh đất 7 triệu kilomet vuông này là điểm khởi nguồn của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên Trái Đất: Do Thái – Kito Giáo và Hồi Giáo, ba tôn giáo cùng thờ một tổ phụ – Abraham Tìm về nguồn cuội của nó, Nguyễn Phương Mai đưa chúng ta đến nơi được mệnh danh là “Trái tim tôn giáo” – Jerusalem

Jerusalem – địa điểm hành hương quan trọng bậc nhất của ba tôn giáo độc thần

“Theo kinh Cựu Ước của người Do Thái, cách đây 3000 năm tại Jerusalem, Vua David lập nên vương quốc Israel. Con trai của người là Vua Solomon xây một Đền Thờ Thiêng này là Tảng Đá Nền, nơi Chua bắt đầu tạo dựng lên Trái Đất, nơi Chúa vun đất tạo nên Adam ông tổ của loài người và cũng là nơi Chúa thử lòng sùng đạo của Abraham bằng cách yêu cầu ông hiến dâng mạng sống của chính con trai mình.

Có lẽ với nhiều người, tảng Kaaba còn lại duy nhất tại trung tâm Mecca là trái tim của Hồi Giáo, nơi hàng triệu tín đồ hành hương đến Saudi mỗi năm chỉ để đi vòng quanh tảng đá đen huyền bí này, nhưng chắc chắn nơi nồng đậm khí thiêng tôn giáo nhất là Jerusalem, mảnh đất với tinh hoa, đổ máu, than khóc chỉ rộng chưa đầy 1 km2 này là địa điểm hành hương quan trọng nhất của ba tôn giáo độc thần. Mảnh đất của một dân tộc đã tha hương hơn 2000 năm, trở về và xung đột với toàn bộ phần còn lại của Trung Đông khác biệt tôn giáo, mảnh đất cũng như cả Trung Đông, nơi đến tận bây giờ, dải Gaaza vẫn chưa im tiếng súng.

Trung Đông định kiến

Trước khi đọc cuốn sách, Trung Đông là định kiến, tất cả những gì tôi biết đến Trung Đông gói gọn trong: Khủng bố – Hồi giáo và tử vì đạo. Trong con mắt một kẻ vô thần có niềm tin vào thần thánh, đối với tôi bán đảo Ả-rập: bắt nguồn từ thời thơ ấu với câu chuyện Nghìn lẻ một đêm, đến khi lớn lên với những bản tin ầm ầm tiếng súng, những người phụ nữ Trung Đông quấn minh trong chiếc niqab đen chỉ để lộ ra đôi mắt sâu mê hoặc.

Nhưng Trung Đông trong Con đường Hồi giáo là nơi không chỉ có loạn lạc mà còn có cả phồn hoa; phía bên kia tiếng súng vẫn còn những dạ vũ hoan ca. Trung Đông còn tồn tại một xử sở Thần tiên như Oman, xa xỉ như Dubai bên cạnh một Trung Đông xơ xác hậu Mùa xuân Ả rập, phương Tây đến rồi đi, lật đổ một chế độ độc tài và dựng lên chế độ khác dưới lớp áo dân chủ.
Kinh Quran và những Hadith có thể đã đi ngươc lại với những gì Muhamad thực hiện 1400 năm trước, những lời răn được viết bằng “ngôn ngữ thuần khiết” trở thành kim chỉ nam cho những nhà nước Hồi giáo cực đoan, thì đâu đó ngoài kia, có những người dân vẫn hàng ngày hướng về Mecca cầu nguyện, dừng chân nơi “Bức tường than khóc” mà đau thương cho hàng ngàn năm lưu lạc; Có thể những tấm khăn trùm đã che đi thân hình của phụ nữ, nhưng phía sau tấm mạng kia có thể là một thân hình bốc lửa với chiếc áo in dòng chữ: No man, no cry!

Bán đảo Ả rập, nơi sản sinh ra tôn giáo có lượng tín đồ lớn thứ 2 thế giới, những chiến binh Hồi giáo đã đồng hóa rất nhiều nền văn minh, người Ai Cập giờ đây thờ phụng Allah và nói tiếng Ảrap, những khối Kaaba năm xưa bị Muhamad đập bỏ như dấu chấm hết của một nền tôn giáo đa thần, tượng phật ngàn năm ở Paskitan bị khủng bố kéo sập, tất cả đều không phủ nhận một Trung Đông bị chia cắt trong xung đột phe phái và lợi ích, có đất nước oằn minh gánh chịu những di chứng hậu mùa xuân Ả rập, lại có cả dòng họ được mang tên một quốc gia.

Nhưng Trung Đông cũng dễ bị tổn thương, khi những cuộc biểu tình cách mạng kéo dài hàng năm trời cũng chỉ mang đến một chính phủ hỗn loạn, người dân vứt bỏ mảnh đất từng huy hoàng trong quá khứ, bất chấp nguy hiểm hòa vào dòng người nhập cư; phó mặc cuộc đời cho dòng nước xiết ở Tussia.

Mùa xuân Ả rập

“Con Sphinx ở Giza có thể đã siết cổ giết chết nền văn minh lâu đời nhất của loài người. Bởi vì con người kiêu ngạo không hiểu một điều đơn giản là vạn vật có sinh có thác. Cũng như con người, một dân tộc hùng mạnh đến mấy cũng có thời kỳ non yếu bò bằng tứ chi, lớn lên trưởng thành vững vàng trên hai chân, để rồi suy yếu trong chiều tàn với cây gậy chống đỡ tuổi già…

Có một niềm tự hào len lỏi trong tim tôi, tự nhủ rằng dầu nền văn minh Việt không hùng vĩ và lâu đời như Ai Cập, nhưng trải qua bao thăng trầm sóng gió của đô hộ và thực dân, ít nhất người Việt mình vẫn biết ai là bạn ai là thù, dù có vay mượn ít nhiều vẫn còn một tiếng nói kia để biết rằng ngọn này còn nối liền với gốc…”

– tachtracuaxian

CON ĐƯỜNG HỒI GIÁO – NGUYỄN PHƯƠNG MAI

Đọc cuốn sách này khiến mình bị choáng ngợp đến nỗi mình không thể đọc liền mạch, mà phải đọc thật chậm, đọc dần dần để không bị bỏ sót bất cứ thông tin nào.

Những gì mà tác giả Nguyễn Phương Mai mang đến vượt qua cả kì vọng của mình. Để rồi khi vừa đọc sách mình vừa phải tấm tắc thán phục cô. Chao ôi! Người phụ nữ này khiến mình mê mẩn quá đi!

Nguyễn Phương Mai đưa mình đến với Trung Đông, đi qua 13 lãnh thổ, bắt đầu từ Ả Rập Saudi cho đến đoạn cuối cung đường là Tây Ban Nha. Đến bất cứ nơi đâu cũng khiến mình “ồ à” “hoá ra” “tưởng thế mà không phải thế”, dù chỉ là trải nghiệm qua trang sách nhưng mắt mình lúc nào cũng tròn xoe vì ngạc nhiên, không tài nào mình tưởng tượng nổi trên thế giới lại có một Trung Đông lạ lùng đến như thế!

Hoá ra, Trung Đông không phải là bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố” hay “bất bình đẳng giới” mà là tấm thảm nhiều màu sắc với trầm tích văn hoá hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến ngạt thở, với cuộc sống hiện đại và hào nhoáng đến tột cùng nhưng cũng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, rồi cả những bi kịch và những giá trị không dễ dàng phán xét đúng sai.

Tuy nhiên, điều lôi cuốn mình đọc cuốn sách này không phải những kiến thức về văn hoá, tôn giáo, chính trị và con người vùng Trung Đông mà là trái tim luôn rộng mở trước những điều tưởng chừng bị định kiến ghim chặt, là cái đầu luôn tỉnh táo trước mọi biến chuyển, là đôi chân đi không muốn ngừng nghỉ của chính tác giả. Cái cách mà Nguyễn Phương Mai khám phá Trung Đông, đi vào lòng của nó, cảm nhận nó khiến Trung Đông vừa dịu dàng vừa đau thương, để ta thấy trong bom đạn vẫn hiện hữu tình thương, tình người.

Có một vài chi tiết khiến mình càng yêu mến tác giả này hơn đó là khi cô nhắc đến Việt Nam với lòng đầy yêu thương và tự hào, mặc dù cô đã đặt chân đến hơn 80 quốc gia trên thế giới. Cội nguồn đúng là thứ chúng ta không bao giờ dứt ra được.

Dù là Tiến sĩ ngành Giao tiếp đa văn hoá nhưng văn phong của Phương Mai không quá hàn lâm học thuật, ngược lại, lại vô cùng chân thật và cuốn hút. Đôi khi cô sẽ khiến bạn bật cười vì cách hành văn có phần “ngang ngược” của mình.

Thêm một điểm cộng cho cuốn sách này đó chính là cách biên tập của Nhã Nam. Không chỉ là những trang viết đầy chữ mà còn là những bức ảnh chân thực về Trung Đông khiến chúng ta dễ tưởng tượng, dễ nhớ hơn rất nhiều.

Cuối cùng, chỉ muốn kết lại bằng một câu mà mình rất ấn tượng ở ngay phần đầu cuốn sách: “Gió to làm tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng lên ngọn lửa lớn.”

– Jenny Nguyễn