Lần cập nhật gần nhất March 19th, 2020 – 10:12 am
Một cô bé có khiếu kể chuyện, tốt bụng và bản lĩnh, dù xuất thân từ một gia đình giàu, luôn được cưng chiều hết mực và có được tất cả những thứ mà ai cũng phải ghen tỵ. Nhưng cô bé không có tính huênh hoang, coi thường người khác. Rồi khi cha cô bất ngờ qua đời, cô bé trắng tay, trở thành trẻ mồ côi, bị coi thường, bị chà đạp, bỏ đói, trách móc vô cớ, nhưng em không như những đứa trẻ khác chỉ biết khóc lóc mà lầm lì, dám đứng lên chống chọi lại những điều đó, vẫn tốt bụng và đồng cảm khi xưa.
Review (3)
REVIEW CÔNG CHÚA NHỎ – FRANCES HODGSON BURNETT
4/5
Dòng văn học kinh điển dành cho thiếu nhi đã hấp dẫn tớ khoảng thời gian gần đây, trong đó có cuốn Công Chúa Nhỏ này thích lâu rồi mà mãi đến bây giờ mới có cơ hội diện kiến chính thức. Tác giả Frances Hodgson Burnett cũng là người chắp bút viết Khu Vườn Bí Mật mà tớ rất thích luôn cho hẳn 5 sao lận, đã có bài review rồi nhen.
Công Chúa Nhỏ là câu chuyện về cô bé 7 tuổi Sara Crewe, con gái của Đại tá Crewe nên từ nhỏ bé luôn được nuông chiều, yêu thương và sống trong sự giàu có. Một ngày kia, Sara Crewe được cha đưa đi học tại một trường nữ tư thục. Vốn do là một đứa trẻ đã ngậm trong miệng chiếc thìa bạc từ khi mới lọt lòng, Sara Crewe nhanh chóng trở thành “học sinh bày tủ kính” – một cô công chúa nhỏ trong trường.
Tuy vậy đau lòng thay, cha của Sara qua đời, tài sản đồ sộ của ông tiêu tán, Sara trở thành một đứa trẻ mồ côi và hoàn toàn trắng tay. Từ một học sinh bày tủ kính, cô bé trở thành chân chạy việc vặt ở trường, bị ghẻ lạnh, bị bỏ đói và bị ngược đãi bởi chính những con người từng cưng nựng cô vì đống của cải nay đã mất trắng.
Đọc Công Chúa Nhỏ tớ cứ liên tưởng tới một phần câu chuyện Cinderella, một cô gái không cha không mẹ và suốt ngày bị đày đọa bởi mẹ con mụ dì ghẻ. Nhưng dẫu sống trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng ấy Sara vẫn luôn tự an ủi bản thân, cố gắng vượt qua khó khăn và dù có bị đối xử tàn nhẫn như thế nào, Sara vẫn luôn xử sự lịch sự và cung cách hệt như một cô công chúa nhỏ kiên cường. Một trong những “vũ khí tinh thần” của Sara đó là trí tưởng tượng của cô bé, dường như sự “giả định” chính là sức mạnh để giúp Sara vượt lên trên cả thực tại khốn cùng ấy và đưa trái tim cô bé chu du vào thế giới của Phép Màu.
Mặt khác, Công Chúa Nhỏ không chỉ là câu chuyện về một cô tiểu thư thất thế mà trên cả, câu chuyện đã ca ngợi lòng tốt, lòng hướng thiện và niềm tin vững chắc vào điều ở hiền thì gặp lành. Đó là hình ảnh của cô bé Sara dù đói lả người nhưng vẫn dùng số tiền nhặt được để mua bánh mì cho một đứa trẻ ăn xin vất vưởng. Đó là hình ảnh của cô bé Ermengarde dù ngốc nghếch nhưng sẵn sàng ở bên Sara bầu bạn. Là cô bé giúp việc Becky rách rưới nhưng lại luôn dành tình cảm thương mến chân thành nhất dành cho cô tiểu thư thất thế nhỏ tuổi.
Không chỉ vậy, câu chuyện còn phê phán những kẻ hám của, tham lam, giả nhân giả nghĩa qua hình tượng bà Minchin – một cô giáo trường nữ sinh – khi biết Sara giàu có thì dịu dàng hiền lành, nhưng khi cô bé trở thành trẻ mồ côi vô sản thì sự dịu dàng ấy đã biến thành sự ghẻ lạnh rẻ rúng đến hèn hạ.
Có thể mới đầu đọc nhiều người cho rằng sự đối nhân xử thế của Sara đôi với mọi người như là một vị thánh nhân, tuy nhiên Công Chúa Nhỏ vẫn là một tác phẩm mang hơi hướng thần tiên nhằm nhấn mạnh vào lòng tốt và ở hiền gặp lành. Và rằng đôi khi Phép Màu vẫn hiện hữu đâu đó ở trên cuộc đời này. Phép Màu chẳng phải là bà tiên, chẳng phải là từ trên trời rơi xuống mà đôi khi Phép Màu lại chính là tình yêu thương giữa người với người, là lòng trắc ẩn khi biết cho đi và là sự lương thiện hiện hữu trong tâm hồn mỗi người.
Công Chúa Nhỏ đã hội tụ đủ những Phép Màu như thế, và chắc chắn đây là một câu chuyện hay không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn dành cho cả người lớn nữa. Truyện còn kèm theo cả những trang minh hoạ vô cùng tuyệt vời và chắc chắn là sự lựa chọn tuyệt giời ông mặt giời cho “quick reading”! Highly recommend!
– Love Books Love Life
Người ta thường nói “Hoàn cảnh làm thay đổi con người” khi nói về sự tha hóa của con người dưới sự áp bức của đời sống, xã hội. Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của tác giả Nam Cao là một ví dụ điển hình cho câu nói ấy. Nhưng cô bé Sara Crewe trong cuốn sách “Công chúa nhỏ” của nhà văn người Anh Frances Hodgson Burnett lại là một trường hợp ngoại lệ.
Vốn được sống trong nhung lụa từ nhỏ, được người bố – đại úy Crewe cưng chiều hết mực, muốn gì được nấy, tưởng chừng Sara Crewe sẽ là một đứa trẻ ngỗ nghịch, chỉ biết đòi hỏi và không bao giờ chịu nghe lời người khác. Từ những trang sách đầu tiên, nhân vật Sara Crewe đã đánh bay những lầm tưởng ấy bằng cách cư xử lễ phép, đối xử công bằng với tất cả mọi người, không phân biệt cao sang hay thấp kém, nghèo hèn. Và điều đặc biệt hơn cả ở cô bé đó chính là lối suy nghĩ giàu tưởng tượng, tài năng kể những câu chuyện kì thú khiến không ai có thể sao lãng được và những lời nói kì lạ – có phần “già trước tuổi” so với một cô bé mới bảy tuổi.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày cô bé được đưa đến trường nữ tư thục của cô Minchin. Bằng số tiền trong gia sản kếch xù của mình, đại úy Crewe mua cho cô những quần áo đẹp nhất, những vật dụng và đồ trang trí lộng lẫy nhất, đồng thời dặn dò cô giáo “hãy cho nó bất kỳ thứ gì nó muốn”. Nhận ra tiềm năng của cô học sinh nhỏ, cô Minchin tỏ ra rất niềm nở, dành rất nhiều sự ưu ái cho cô bé – điều mà rất ít đứa trẻ trong ngôi trường đó có được, nhằm biến cô bé trở thành “một học sinh trong tủ kính” – đại diện và quảng bá cho ngôi trường. Với nhiều sự ưu ái như thế, Sara Crewe bỗng chốc trở thành một cô công chúa trong chính ngôi trường mình theo học – theo cả hai nghĩa ca ngợi và mỉa mai. Tất nhiên, cách cư xử của cô bé cũng chẳng khác nào một cô công chúa nhỏ.
Nhưng một biến cố trong đại xảy ra. Cha Sara qua đời, tài sản của ông hoàn toàn tiêu tán. Trong chính ngày sinh nhật của mình, Sara bỗng trở thành đứa trẻ côi cút và hoàn toàn trắng tay. Nhận ra điều đó, cô Minchin hoàn toàn thay đổi thái độ, ngay lập tức biến cô bé mới lên tám trở thành một đứa trẻ lao dịch, chạy việc vặt ở trường, bị ghẻ lạnh và ngược đãi. Từ một tiểu thư giàu có với căn phòng ấm áp và đầy đủ tiện nghi, trở thành một đứa trẻ côi cút lúc nào cũng đói bụng, sống ở một gác xép ọp ẹp lạnh lẽo chỉ trong một đêm, Sara Crewe vẫn là một cô công chúa nhỏ, kể cả bên trong lẫn bên ngoài. Cô bé vẫn giữ nguyên những phẩm chất ban đầu của mình, tốt bụng, lễ phép và giàu chí tưởng tượng. Từ những câu chuyện lạ kỳ, thú vị khi còn ở thuở sung túc, trí tưởng tượng của cô bé bắt đầu xuất hiện ở những nơi bình thường, thân thuộc như căn phòng xập xệ trên gác mái, câu chuyện về chú chuột Melchisedec sống ở trong bức tường, hay gia đình Lớn sống trên con đường cô vẫn hay chạy việc vặt. Điều đó không chứng tỏ trí tưởng tượng của Sara đã bị thui chột đi trong sự đói nghèo và ghẻ lạnh, mà chỉ là cách giúp cô bé vượt qua cuộc sống khốn khó, bữa được, bữa không của mình.
Không phải ngẫu nhiên, nhà văn viết nên câu chuyện nằm trong cuốn sách này lại lấy cái tên “Công chúa nhỏ” để đặt tên cho nó. Trong suốt khoảng thời gian mà câu chuyện này diễn ra, chưa một giây phút nào Sara Crewe không cảm thấy mình là một cô công chúa thực sự. Ngay cả trong cảnh nghèo đói đến cùng cực, cô bé vẫn tự nhủ với mình rằng:
“Một công chúa thì không nổi xung
Một công chúa thì phải lịch sự.
Một công chúa thì không trả đũa những kẻ nhạo báng mình.”Ngợi ca sự trong trẻo và can đảm của tâm hồn, trước tất cả nghiệt ngã của dòng đời, bằng niềm tin kiên định rằng ở hiền luôn luôn gặp lành, cho dù mọi thứ nhiều khi trông không phải vậy, “Công chúa nhỏ” đã trở thành một tác phẩm kinh điển, được chuyển thể thành phim truyền hình, phim điện ảnh và nhạc kịch, được đông đảo công chúng và trẻ em nói riêng đón nhận tha thiết.
– Cẩu Tức
Bản mình đọc của Nhã Nam xuất bản. Bìa sách khá đẹp, hình công chúa nhỏ mặc váy xanh sẫm khá sang chảnh. Trong sách có vài trang minh họa, nhìn xưa xưa. Tuy nhiên mình thấy khổ sách hơi hơi không phù hợp vì nó hơi to & dài. Giá thể là cỡ bình thường nhìn sẽ nhuốm màu cổ tích hơn.
Dịch giả mình cũng không nhớ tên nhưng dịch khá nuột. Tuy vậy bạn ấy dịch Sara là Nó, nghe có vẻ hơi đường phố một chút. Mình thích dịch là Em, vì thực ra Sara là một cô bé dễ thương, đáng yêu và lịch thiệp. Nghe Nó cứ sao sao ấy :))Đây là một câu chuyện cổ tích về một nàng công chúa nhỏ, một nàng công chúa dù không còn là công chúa cũng vẫn giả vờ là công chúa để sống tốt với những người xung quanh. Sara Crewe vốn là một công chúa nhỏ, mồ côi Mẹ & được bảo bọc bởi người Cha giàu có là đại úy Ralph Crewe. Đại Úy chi nhiều tiền làm con gái mình vui và đảm bảo em có mọi thứ em muốn. Sara được gửi đến trường nội trú Nữ của cô Minchin – một bà giáo khô khan ích kỷ và đầy tính toán nhưng luôn tỏ ra thân thiện trước mặt phụ huynh học sinh. Trong hoàn cảnh ấy, dù được nuông chiều hết mực, được ở phòng riêng và có những bộ váy áo diêm dúa đắt tiền cùng nhiều đồ chơi thượng hạng nhưng Sara không hề tỏ ra hợm hĩnh, thậm chí em sống rất chan hòa với bạn học, luôn lễ phép với thầy cô và thực tế là em có những suy nghĩ hết sức chín chắn, những câu nói hóm hỉnh ở tuổi lên 7.
Qua nhiều năm sống ở trường của cô Minchin, Sara đã được hầu hết bạn bè yêu quý và kết thân với Becky – một em gái mồ côi và làm đầy tớ ở trường.
Vào đúng ngày sinh nhật thứ 11 của mình, Sara nhận được tin dữ là Cha mình đã qua đời, toàn bộ tài sản cũng tiêu tán, mỏ kim cương cũng thành mây khói. Cô Minchin rất giận dữ với tin tức này vì điều ấy đồng nghĩa với việc người cha đã chết của Sara không thể chi trả số tiền cô đã ứng trước để tổ chức tiệc sinh nhật lộng lẫy cùng váy áo đã mua cho Sara.Sara từ một cô công chúa nhỏ trở thành đứa bé mồ côi, không còn xu dính túi và gánh một khoản nợ kếch xù.
Tuy thế, những tưởng Sara sẽ sụp đổ nhưng thái độ của em lại rất bình tĩnh, đón nhận & bình thản chấp nhận làm đầy tớ để chi trả cho cô Minchin. Cũng bởi vì em đã hứa với Cha là sẽ chịu đựng. Em đã chịu đựng nỗi nhớ Cha, nhớ Ấn Độ và giờ đây là chịu đựng hoàn cảnh khó khăn này. Theo mình thì đây không chỉ là tác phẩm cho thiếu nhi mà nó còn xứng đáng là một tác phẩm để những người lớn nhìn vào và học hỏi.
Chúng ta sống quá ích kỷ, coi trọng vật chất và xem thường những người không có của cải như mình mà quên đi rằng điều quan trọng nhất chính là phẩm chất tốt đẹp của mỗi người. Không phải ai cũng là những công chúa, những hoàng tử hay ông vua bà chúa nhưng chúng ta có thể giả vờ, có thể hành xử “Như Thể” chúng ta là như vậy.
Một trong những cá tính hay ho nữa của Sara chính là em Nghĩ ra & Bịa ra mọi chuyện theo hướng tốt đẹp nhất. Cô bé này khi ở hoàn cảnh khó khăn nhất cũng tự kiến thiết ra một viễn cảnh tươi sáng để tin vào đó. Ví dụ như khi Lottie đến thăm căn phòng gác mái ẩm thấp, đầy chuột nhắt của Sara, em đã biện hộ rằng ở đây em được ngắm ánh mặt trời đầu tiên, được nhìn thấy những vì sao lấp lánh và được tự do trong thế giới riêng cùng Emily – con búp bê xinh đẹp mà Sara đã hiểu rõ trước cả khi mua nó. Mình thích Sara chỉ bởi những điều này. Trí tưởng tượng và tính cách lạc quan đó thật tuyệt vời ý :))
Ở một khía cạnh nào đó, có thể vẫn hơi AQ nhưng mình cho rằng đó cũng là một loại năng lực. Con người ta cần phải hướng về phía trước, về mặt trời, về những điều tốt đẹp nên tài năng “nhìn ra điểm tốt trong điều xấu” mình cho là rất hiếm gặp :))
Sara có hàng xóm mới. Ngôi nhà sát bên trường học mới có chủ: Tôn ông bị bệnh mới hồi phục, một gia nhân người Ấn Độ và gia đình bạn bè của họ (gia đình mà Sara vẫn gặp họ đi qua và em yêu mến gọi họ là Gia đình Lớn). Một câu chuyện mới về họ được mở ra. Không còn gì bí mật nữa, Tôn ông nhà bên luôn khắc khoải tìm cho được đứa bé con của bạn cũ của mình & người cha của Gia đình Lớn đang nỗ lực giúp ông. Đứa bé không phải ai khác chính là Sara. Điều trớ trêu là Tôn ông sau khi bị bệnh não thì suy giảm trí nhớ và thực sự không biết bạn mình – Đại Úy Ralph đã gửi con gái ở đâu và đứa bé ấy tên là gì?
Sara – với bản tính thánh thiện & thương người thường xuyên thấy Tôn ông ngồi ủ rũ qua cửa kính và em thầm lo cho ông, thầm cầu nguyện cho ông luôn khỏe và vui vẻ.
Vào một đêm khi mở cửa phòng áp mái, Sara gặp người hầu Ấn Độ hàng xóm và vui vẻ nói chuyện với anh này bằng tiếng Ấn. Sau đó vì cảm mến & thương Sara chịu khổ, hàng đêm người hầu Ấn Độ vẫn leo sang gác mái của Sara và nghe được những câu chuyện do em thì thầm với chú chuột nhỏ, với bốn bức tường và với mấy cô bạn thân..
Cảm mến Sara và những câu chuyện nhỏ của em, anh người hầu trong lúc chăm sóc Tôn ông đã kể lại cho ông nghe những mong ước nhỏ nhoi đó và họ cùng nhau làm vài điều kỳ diệu cho Sara.
Qua cửa sổ của gác mái, anh bạn người phương Đông nhỏ nhắn & khéo léo đã trang trí lại căn gác mái cho Sara và mang đến đó những món ăn ngon lành, giúp em sưởi ấm những ngày giá rét, khiến em hồng hào xinh đẹp hơn và thêm phần tự tin hơn với những bộ váy diêm dúa được gửi trực tiếp về trường.
Một ngày, khi con khỉ của anh bạn Ấn Độ chui qua gác mái, Sara bế nó sang nhà Tôn ông và cũng đúng lúc đó thì người Cha của Gia Đình Lớn trở về sau chuyến tìm kiếm với tin buồn là không thấy được đứa bé kia. Tình cờ Sara cũng tới nhà Tôn ông vào thời điểm đó và đã gọi tên anh người hầu là sababb (hoặc một từ na ná thể để chỉ người hầu theo tiếng Ấn – mình không nhớ rõ từ này). Ngạc nhiên vì cô bé biết từ đó, Tôn ông hỏi thêm Sara, từ đó câu chuyện về việc em sinh ra ở Ấn Độ, có người cha quân nhân được kể lại & Tôn ông đó đã vui mừng khôn xiết khi gặp lại Sara. Điều kỳ diệu và trớ trêu là em bé ở ngay phía bên kia bức tường.
Kết thúc chuyện, Sara quay lại 1 tiệm bánh mỳ mà bác bán bánh tốt bụng đã bán cho em 6 cái bánh. Bà bán bánh vẫn nhớ Sara vì đây là cô bé đói đến muốn xỉu nhưng vẫn nhường 5 cái bánh cho đứa bé ăn mày ngồi đó. Bà bán bánh đã nhận đứa trẻ ăn mày đó về làm việc & từ nay bà sẽ rất vui lòng được làm bánh, đứa bé giúp việc kia cũng sẽ rất vui khi được mang bánh đi phát cho những em bé lang thang ở khắp Luân Đôn..
Một câu chuyện đơn giản, ly kỳ và rất đẹp, phù hợp cho trẻ con, cho người lớn và cả những người già. Đọc và củng cố thêm niềm tin, từ nay mình phải luôn cư xử như thể mình là nữ hoàng, phải cư xử tương xứng với phẩm giá nữa.
– Tiểu Khả
Trích dẫn
“Nếu mình là một công chúa… một công chúa thực sự” Em thì thầm một mình “Mình có thể đem đến cho những người nghèo khổ niềm vui và tiền bạc. Nhưng nếu mình là một công chúa giả vờ thì mình có thể làm được một số việc cho mọi người. Những việc tương tự như vừa rồi chẳng hạn. Bạn ấy rất vui khi được nghe mình kể chuyện và mình nghĩ đó là điều mà người ta thường gọi là hạnh phúc. Mình sẽ giả vờ là một công chúa để làm mọi việc miễn sao mọi người hạnh phúc. Mình là người đem hạnh phúc đến cho người khác”.
“Khi mình không nổi giận, người ta biết là mình mạnh mẽ hơn họ bởi vì mình đủ mạnh mẽ để kiềm chế cơn giận còn họ thì không”
“Tao rất hay phát cáu với nó, nhưng phải nói là nó chẳng bao giờ quên cung cách xử sự của mình. Nào là ‘Chị đầu bếp, mong chị vui lòng’, ‘Chị đầu bếp, em xin lỗi nhé, ‘Chị đầu bếp, em muốn phiền chị’. Nó thốt ra những câu ấy dễ như bỡn ấy”
“Nếu mình là một công chúa ăn mặc rách rưới thì mình vẫn có thể là một công chúa trong tâm hồn. Sẽ thật dễ dàng để làm một công chúa trong bộ quần áo dát vàng, nhưng là một công chúa mà không ai biết lại là một thắng lợi lớn hơn thế nhiều”
“Một công chúa thì không nổi xung
Một công chúa thì phải lịch sự
Một công chúa thì không trả đũa những kẻ nhạo báng mình”