Cửa Hiệu Triết Học – Peter Worley

“Cửa hiệu triết học” là một cửa hàng thực sự của những câu đố và thách thức triết học để phát triển tư duy trong và ngoài lớp học. Triết gia Socrates đã bày ra một kiểu trao đổi hoàn toàn khác, tiền của ông là các ý tưởng. Cửa hiệu sẽ đóng vai trò như Socrates đang nói chuyện với người đọc: có lúc lôi cuốn, khôi hài và hứng khởi; có lúc chọc ngoáy như một kẻ ưa châm chích, khiến chúng ta không yên; cũng có lúc nói lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng, nhưng luôn kích thích suy nghĩ của mọi người.

Review (2)

CỬA HIỆU TRIẾT HỌC của PETER WORLEY chính là một cửa hiệu khổng lồ chứa đựng một kho tàng tri thức về triết học, giúp cho trẻ em phát triển tư duy trong và ngoài lớp học.

“Cửa hiệu triết học” đã làm rõ bản chất của triết học chính là sự ngạc nhiên, ngạc nhiên với mọi thứ trong cuộc sống và bắt đầu đặt ra câu hỏi “nghi ngờ” về sự sự ngạc nhiên ấy như “Tại sao lại có cái này?”, “Tại sao lại như thế kia?”, “quả trứng có trước hay con gà có trước?”…

“Cửa hiệu triết học” chính là một cửa hàng bán mọi thứ và bạn chỉ được phép mua được món hàng trong cửa hàng đó khi bạn chạm nhẹ vào trí óc tò mò tự nhiên của trẻ em và buộc chúng phải nghi ngờ, suy ngẫm cái sâu xa hơn.

Những câu chuyện giải đáp cho những câu hỏi đó được “cửa hiệu triết học trả lời” thông qua 4 gian hàng nhỏ. 4 gian hàng ấy chính là sự nghi ngờ về thế giới quan và con đường đi đến nhận thức. Từ gian 1 đến gian 4 giúp trẻ con trả lời được câu hỏi về 4 khía cạnh: Siêu hình học; con đường nhận thức cái hiện hữu và con người có khả năng nhận thức cái hiện hữu đó không; giá trị hiện hữu; ngôn ngữ và ý nghĩa hiện hữu của nó.

Đọc “cửa hiệu triết học” bạn sẽ thấy được Peter Worley đã chỉ ra cách giúp trẻ nghi ngờ, tò mò, đặt câu hỏi kích thích bộ não và luận giải câu hỏi ấy theo nhiều cách mà bộ tư duy trẻ lựa chọn chứ không phải gò trong một khuôn khổ. Ví dụ: “Ai đó nhờ trẻ chăm sóc một quả trứng, thì trẻ sẽ tự đặt ra câu hỏi “chăm sóc trứng như thế nào?”. Và rồi hàng loạt đáp án đặt ra. Sau đó liên hệ đáp án cho từng lĩnh vực cuộc sống như: “Chăm sóc trứng” sẽ giúp trẻ hiểu hơn về “lĩnh vực đạo đức”, “về tính đồng nhất”, “trách nhiệm của một người công dân”, “sự tồn tại của nhiều trí tuệ về sự chăm sóc”….

GIÁ TRỊ THỰC CHẤT mà “CỬA HIỆU TRIẾT HỌC” mang lại cho trẻ con chính là “HOẠT ĐỘNG TRIẾT HỌC LÀ NIỀM VUI”; mang lại cho người lớn “PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ KÍCH THÍCH TƯ DUY SÁNG TẠO, TÌM TÒI VÀ HỌC HỎI”.

– Ngân Hạ

Như các bạn đã biết, thường thì những cuốn triết học rất “khó nuốt” và thực sự kén người đọc, nên nó chỉ dành cho những ai có niềm đam mê với triết học, còn với những ai mới bắt đầu tìm hiểu về triết học, cuốn sách này sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho các bạn.

Giống như với tên gọi, cuốn sách này giống như một cửa hiệu to đùng chứa đầy những thách thức và vấn đề của triết học. Khi đọc những phần đầu có thể bạn sẽ cảm thấy khá khô khan và nhàm chán với những câu hỏi nghe có vẻ vớ vẩn như:

“Khi nào một cái gì đó trở thành chính nó?”

“Cái lỗ có phải là một phần của bánh donat?”

“Cái lỗ có phải một vật thể?”

“Cái lỗ là một cái gì đó hay nó không là gì cả?”

“Kem socola màu xanh sẽ có vị như thế nào?”

Cuốn sách này hồi đáp vấn đề đó trong tinh thần trao đổi kiểu Plato. Những câu hỏi được nêu lên thông qua cuộc tranh luận xuất phát từ một câu chuyện hay một kịch, một bài thơ. Nhưng nó lại khác Plato ở chỗ cuộc đối thoại không chỉ được viết ra mà còn dùng để khiến cho người đọc tập trung vào vấn đề.

Ví dụ như trong cuốn sách có một câu chuyện tên là “Cô gái đến từ hôm qua”

Chuyện kể về Jessica, đó là ngày sinh nhật tuyệt với nhất cuộc đời cô bé, Jessica và bạn bè tổ chức sinh nhật ở một ngôi làng ven biển. Cô bé và bạn bè thuê ngựa và cưỡi ngựa dọc bờ biển suốt nhiều giờ liền. Sau đó chúng bỗng thấy một cửa hàng kẹo toả mùi hương nồng nàng khắp con đường mà chúng đang đi, khiến Jessica và bạn cô bé phát điên.

Trong cửa hàng kẹo đó có một ông lão, Jessica tiến đến lại hỏi:

“Ông ơi, ông biết gì không ạ? Hôm nay là sinh nhật cháu đó.”

“Ồ vậy à? Chà vậy thì các cháu có thể lấy bao nhiêu kẹo tuỳ thích.” Ông lão trả lời.

“Không tốn tiền hả ông?”

“Phải, không tốn tiền.”

Và đó chính là ngày tuyệt vời nhất cuộc đời Jessica và cô bé không muốn ngày hôm ấy chấm dứt, nhưng ngày hôm sau rốt cuộc vẫn đến và cô bé tiếc nuối hỏi mẹ mình:

“Ngày hôm qua đâu rồi? Con muốn ngày hôm qua.”

“Con đừng bận tâm đến ngày hôm qua, hôm nay mới là thứ con phải nghĩ đến.” Mẹ Jessica trả lời.

“Nhưng ngày hôm qua biến đi đâu rồi? Con nhớ nó.”

“Ngày hôm qua kia kìa.” Mẹ cô bé vừa nói vừa chỉ tay vào tấm ảnh ngày hôm qua.

“Đó không phải ngày hôm qua, nó chỉ là tấm ảnh thôi, nó không có thực.”

Tiếp đó chúng ta sẽ có những câu hỏi, và câu hỏi được chia thành ba loại: Câu hỏi khởi động, tiếp theo là là những câu hỏi đưa bạn đi xa hơn, từ đây trở đi sẽ là những câu hỏi thêm và trong đó có những câu hỏi chính.

Ở đây, chúng ta sẽ có các câu hỏi như:

“Ngày hôm qua đã đi đâu?”

“Quá khứ ở đâu?”

“Quá khứ có biến mất không?”

“Có phải quá khứ ở bên trong chúng ta?”

“Chúng ta có nên quên đi quá khứ và chỉ nghĩ về hiện tại?”

“Quá khứ là gì?”

“Ký ức là gì?”

Càng về sau câu hỏi sẽ càng chứa nhiều sự ẩn dụ hơn, nhân văn và thấm hơn, bạn sẽ phải sử dụng rất nhiều chất xám để trả lời hết những câu hỏi vô lý tưởng chừng như không có câu trả lời này.

“Cửa hiệu triết học” dành cho những khoá học, nhóm hội thảo chuyên đề ở đại học, câu lạc bộ… về triết học. Ngoài ra nó cũng dành cho những người quan tâm và thích đọc một mình, và càng hấp dẫn hơn với những ai thích suy ngẫm hay trầm tư sâu xa.

– ‎Nam Khánh