Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất Tiếng Gọi Từ Phương Đông – Peter Frankopan

Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất Tiếng Gọi Từ Phương Đông làm sống dậy một lịch sử thánh chiến, tác giả Peter Frankopan trình bày rõ bối cảnh về sự trỗi dậy của người Thổ theo Hồi giáo – nguyên nhân dẫn đến những chao đảo của đế quốc Kitô giáo Byzantium dưới thời hoàng đế Alexios I Komnenos trị vì. Quá trình các thành phố cùng Tiểu Á, Constantinople và nhất là Đất thánh Jerusalem dần dần bị người Thổ Hồi giáo thâu tóm trong suốt 20 năm.

Review Cuộc thập tự chinh thứ nhất

Tôi biết đến Peter Frankopan với cuốn The Silk Roads – Những con đường tơ lụa – một cuốn sách tôi vô cùng yêu thích bởi lối viết khúc chiết, dễ hiểu, mạch văn lôi cuốn. Năm nay, tôi lại may mắn được đồng hành cùng ông qua cuốn sách Cuộc thập tự chinh thứ nhất – tiếng gọi từ phương Đông.

Nếu trong Những con đường tơ lụa, Peter Frankopan dẫn dắt người đọc về ngọn nguồn khởi thủy của con đường lừng danh ấy, chuyện nó vận hành ra sao; về lịch sử nhân loại, tôn giáo, các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, sự phát triển qua từng cột mốc từ thời Ba Tư cổ đại đến ngày nay, thì trong Cuộc thập tự chinh thứ nhất – tiếng gọi từ phương Đông, ông đào xới lại nguồn gốc và nguyên nhân cuộc chiến này.

Peter Frankopan đã cố gắng bóc tách sự thật ra khỏi lớp sương mù huyền thoại. Thay vì coi thập tự chinh đơn thuần là xung đột giữa Kitô giáo và Hồi giáo, ông tiết lộ mối quan hệ phức tạp với phương Tây, Byzatium và Hồi giáo.

Theo tác giả, nhiều tư liệu nghiên cứu mang góc nhìn của phương Tây khi nói về cuộc Thập tự chinh thứ nhất nên tính chất sự kiện đã thiếu khách quan, thiếu những sử liệu có tính căn nguyên.

Peter Frankopan chọn một cách tiếp cận khác, để hiểu phương Tây từ phương Đông: Tiểu Á và Constantinople.

Khi nói về nguồn gốc cuộc thập tự chinh thứ nhất, đa phần các nghiên cứu đều đề cập đến bài phát biểu mang tính kích động của giáo hoàng Ubran. Nhưng khởi nguồn của cuộc viễn chinh đến Jerusalem lại là lời kêu cứu trực tiếp từ hoàng đế Constantinople Alexios Kommenot ở phương Đông, với nỗ lực cuối cùng để cứu đế chế của ông ta đang bên bờ vực thẳm.

Alexios là mắt xích đầu tiên trong việc hình thành nên cuộc thập tự chinh thứ nhất. Là người chiếm được quyền lực sau một cuộc binh biến, ông cai trị tuy hà khắc song cũng được lòng dân. Nhưng đến những năm 1090 Byzantium đã xuất hiện những sự suy yếu nghiêm trọng. Bấy giờ mâu thuẫn giữa Kitô giáo và Hồi giáo đã không nhỏ. Byzantium là nơi chia tách châu Âu và vùng Tiểu Á, được xây dựng hoành tráng, lộng lẫy, phát triển thịnh vượng nhưng đến khoảng giữa thế kỷ XI thì chững lại bởi sự dòm ngó của người Norman. Đến những năm 1080, 1090 thì tình hình diễn biến thật sự xấu dẫn đến lời kêu cứu của Alexios.

Lúc này lời thỉnh cầu của Byzantium trùng khớp với động cơ chính trị, lợi ích cá nhân của Giáo hoàng Ubran. Vậy là có lời đáp trả hoàn trả ngoạn mục. Lời kêu cứu của Phương Đông đã được Chúa đáp lời.
Với sự ủng hộ của các quý tộc, đội quân lính Kitô giáo hình thành bởi lòng nhiệt hành với tín ngưỡng, với Chúa. Đội quân ấy đã trải qua một hành trình dài đằng đẵng hao người tốn của mà khi biết bao nhà thơ, nhà sử học ghi lại thì được chiếu qua một lăng kính khác hoàn toàn.

Cuộc chiến càng kéo dài, phe Thập tự chinh càng kiệt quệ vì đau yếu, bệnh tật, tinh thần sa sút. Với rất nhiều nỗ lực cộng thêm may mắn họ đã chiến thắng. Khi tiến vào châu Á họ đã có những chiến thắng ngoạn mục và cả những thất bại khiến cho họ ở bên bờ vực thảm họa. Khi đó sự bạo lực và những cái tôi quá lớn đối đầu nhau, Alexios buộc phải ở lại Đế Đô do tình hình trong nước không ổn định nên mục tiêu của ông là đảm bảo vị thế của ông tại Constaninople.

Byzantium từ một đế quốc mới nổi với một nền kinh tế xập xệ, yếu kém đã phục hồi, thực sự ổn định, thịnh vượng nhờ cuộc Thập tự chinh, thương mại gia tăng với các quốc gia khác.

Vị thế của Giáo hoàng cũng được tăng lên đáng kể với những quyền lực to lớn mà cuộc Thập tự chinh đã trao cho.

Cuộc đối đầu giữa Kito giáo và Hồi giáo càng ngày càng dữ dội.

Lòng sùng đạo kiểu hiệp sĩ và sự sùng kính tôn giáo được đẩy lên cao trào.

Lời kêu gọi từ Phương Đông với cuộc Thập tự chinh thứ nhất đã định hình lại thế giới thời trung cổ, mở ra những chân trời mới về địa lý, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa của châu Âu.

– Huỳnh Thu Giang