Dám Bị Ghét – Koga Fumitake, Kishimi Ichiro

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 06:09 pm

Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, cuốn sách trình bày một cách sinh động và hấp dẫn những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler, người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Khác với Freud cho rằng quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại, Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”, và tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”.

Review Dám bị ghét (3)

Ngồi trong căn phòng trọ rộng 15m2, chàng thanh niên 21tuổi “bồ chưa có, chó không nuôi” gập cuốn sách “Dám bị ghét” do 2 tác giả người nhật là Kishimi Ichiro và Koga Fumitake và ngay lập tức muốn chia sẻ cho bạn đọc biết những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân khi đọc cuốn sách này. Vì chính chàng cũng hiện diện trong từng dòng chữ…

Gửi những bạn đọc đang tự ti về bản thân mình, sợ hãi mỗi khi có những ánh mắt soi mói hướng dồn về phía mình; mỗi ngày các bạn nhìn vào gương và tự hỏi trong tâm trạng chán ghét bản thân “Sao mình không đẹp như cô A,B,C hoặc anh X,Y,Z nhỉ?” hoặc “Tại sao mình lại kém cỏi như thế này? Mình không có điểm gì nổi bật hay sao?”. Ngay lúc này, “Dám bị ghét” chính là cuốn sách dành cho bạn.

Mở đầu cuốn sách là cuộc đối thoại giữa một chàng thanh niên và một triết gia. Ngay từ nhỏ, chàng thanh niên đã luôn cảm thấy tự ti về xuất thân, thành tích học tập cũng như vẻ ngoài của mình. Anh luôn bị bố mẹ áp đặt và so sánh với người anh trai tài giỏi. Và đó cũng chính là nguyên do anh sợ đám đông, và cố gắng tránh né ánh mắt của mọi người. Anh không thể thực lòng mừng cho hạnh phúc của người khác, đồng thời luôn ở trong trạng thái căm ghét bản thân. Trong mắt chàng thanh niên, thế giới tồn tại dưới một trạng thái đầy mâu thuẫn, không có tình yêu, không có hạnh phúc hoặc nếu có cũng không dành cho chàng. Nhưng ở vùng ngoại ô nọ, một vị triết gia đã phát biểu rằng “Con người có thể thay đổi, thế giới cực kì đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc.” Vì không thể chấp nhận câu nói đó, chàng thanh niên đã tìm đến vị triết gia để tranh luận và cuộc đối thoại tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì và Làm thế nào để con người sống hạnh phúc?” bắt đầu từ đây.

Điều đầu tiên, nhà triết gia cho rằng: “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người.” Mọi mối quan hệ đều gây cho con người những nỗi phiền muộn nhất định, và những nỗi phiền muộn nội tâm ấy luôn luôn có hình dáng của một người khác; có thể là tình yêu, là tình bạn, tình cảm gia đình hay chỉ đợn thuần là từ ánh mắt của một người xa lạ. Mọi việc chúng ta làm, chúng ta đều quan tâm đến “liệu người khác có cho như vậy là đúng?”, “anh ta còn yêu mình không nhỉ?”, “mình làm gì sai mà A lại seen tin nhắn mình mà không rep?”. Bởi vì thế, chúng ta né tránh mọi mối quan hê để né tránh áp lực về việc “ghét bản thân”.
Quan điểm thứ hai đưa ra: “Con người có thể thay đổi và cuộc đời bạn do bạn tự quyết định.”. Cuộc sống của chúng ta là do chúng ta tạo ra, đừng đỗ lỗi cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh chỉ là những cái bẫy nhỏ nhoi ngăn chặn bước chân của ta trên con đường tiến tới thành công mà thôi. Tương lai của chúng ta là do hành động từng ngày của chúng ta gây dựng nên và hoàn cảnh là gia vị, chính vì là gia vị nên nó có đủ cay, đắng, ngọt, bùi mà chúng ta phải dũng cảm đón nhận.

Hãy thử đọc ‘Dám bị ghét’ các bạn sẽ thấy những câu nói của nhà Triết gia giải đáp những câu hỏi của chàng thanh niên khiến chúng ta có những cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, bao dung hơn về cuộc đời. Chúng ta sẽ thay đổi cách nhìn nhận.

Điều thứ 3 mà cuốn sách muốn truyền tải là “Tự do thực sự là ‘Dám bị ghét’?”. Chúng ta dám sống đúng với bản thân, sống đúng với chính mình mặc kệ miệng đời chính là tự do.

Cuối cùng, một thông điệp ý nghĩa nhất được truyền tải cho bạn đọc, đó là: “Làm thế nào để sống hạnh phúc? – Sống hết mình “ngay tại đây, vào lúc này” “. Hãy can đảm sống hạnh phúc, can đảm dám bị ghét và sống một cách nghiêm túc, hết mình ‘ngay tại đây, vào lúc này’. Hãy đón nhận ‘bản thân như bây giờ’ và can đảm bước lên phía trước dù kết quả có như thế nào. Đó là cách để hạnh phúc mà bản thân mình rút ra được khi gấp lại cuốn sách ‘Dám bị ghét’.

Cuốn sách tâm lý học này khá là ngốn time bởi vì nhiều từ ngữ chuyên ngành nên đọc hơi khó hiểu, các bạn hãy dành ra chút thời gian để nhờ bác Gúc giải thích những chỗ chưa hiểu đó nhé.
“Don’t wait for the perfect moment, take the moment and make it perfect.”

– Đức Trần

Rate: 5/5*

Bạn dễ bị ảnh hưởng bởi người khác?

Bạn hay cảm thấy tự ti?

Bạn cảm thấy không hạnh phúc???

Đây là cuốn sách dành cho bạn.

Với cuốn sách này thì tớ thấy nó vừa giống Self-help, vừa giống triết học vừa giống văn học. Cuốn sách kể về cuộc trò chuyện của một chàng trai trẻ với một triết gia, lúc đọc tớ thấy cách viết giống cuốn Ba người thầy vĩ đại. Kiểu dùng văn học để khiến cuốn sách không bị khô khan ấy. Khi đọc tớ bị giật mình, vì vấn đề gì chàng thanh niên hỏi triết gia tớ cũng thấy hình bóng mình trong đó :v điều đặc biệt là nhà triết gia luôn trả lời dưới góc độ của người ngoài cuộc, giải thích nguyên nhân và hành động đó chứ không bắt mình phải làm A làm B làm C như sách selfhelp thông thường. 

Nói chung thì sách gì thì sách, quanh đi quẩn lại cũng là “người không vì mình trời chu đất diệt”, sống cuộc đời của mình và đừng quan tâm đến người khác thôi. Nhưng cuốn này diễn giải thêm nhiều điều khá hay như

Vứt bỏ nhu cầu được thừa nhận

Nói thì dễ chứ làm thì khó à nha. vì từ bé đến lớn chúng mình đã sống thế rồi. Đạt điểm cao để được bố mẹ, thầy cô yêu thương này. Thi vào đại học xịn để oách với hàng xóm này (điển hình nhiều bạn thi vào trường top chứ cũng chả biết mình thích hay không),…, vân vân và mây mây,…Cứ sống mãi như thế mình sẽ sống cuộc đời của người khác chứ không phải cuộc đời của chính mình. Thế nên là bơ đi mà sống đi các bạn ơi, thích gì thì làm chứ chưng cầu dân ý thì never end.

Cuộc sống không phải là cạnh tranh, tất cả những người xung quanh ta đều là bạn.

Chúng ta luôn cho rằng thành công của người này là thất bại của người khác, luôn có tính hơn thua. Nếu mãi sống như thế thì sẽ không bao giờ hạnh phúc nổi, vì núi cao còn có núi cao hơn cơ mà. Tập trung vào chính mình thôi, tốt hơn mình của ngày hôm qua là được. Đâu ai giống ai về mọi mặt mà phải so sánh.

Sống cống hiến

Cứ sống hết mình, tử tế và tốt đẹp. Khi mình cống hiến một điều gì đó, dù là nhỏ bé, nhận được lời cảm ơn, đó chính là hạnh phúc.
Ví dụ như lúc này tớ viết review, mất kha khá thời gian nhưng đổi lại là nhận được lời cảm ơn từ các cậu, tớ nhận lại hạnh phúc.

Cuối cùng thì thứ chúng ta đáng theo đuổi nhất là tự do, sống cuộc đời tự do mà không sợ người khác nghĩ gì về mình.

– Phạm Vy

“Dám bị ghét” là một cuộc đối thoại giữa một vị triết gia và một chàng thanh niên trẻ tuổi. Đây là cuốn sách self- help đầu tiên mà tôi đọc. Nói thật thì tôi bị thu hút bởi cái tiêu đề của cuốn sách này. Ai mà chẳng bị ghét chứ! Tưởng chừng như cuốn sách sẽ là những giải đáp về việc bị ghét, cách vượt qua,.. nhưng thực tế thì cuốn sách này mang lại cho ta nhiều hơn thế. Những cuộc tranh cãi nảy lửa của vị triết gia với chàng thanh niên kia như một cái tát mạnh vào suy nghĩ của chúng ta:

1. Vấn đề không phải là họ thế nào, mà là tôi thế nào. Tôi từng đánh giá một người qua vẻ bề ngoài hay chỉ qua tiếp xúc 1-2 lần. Và tôi từng nhận xét một người trong suy nghĩ của mình: Nó thật dị, nó thật đáng ghét,.. và lơ người đó đi trong những suy nghĩ đó. Nhưng rồi tôi nhận ra: Thật ra thì đó chỉ là cái nhìn chủ quan ở tôi, tôi chưa thật sự nhìn rộng ra, quan sát thêm về người đó, tiếp xúc thêm cũng như tìm hiểu về người đó qua một người thứ ba. Có lẽ, những người tôi từng bỏ lơ ấy có thể chính là cơ hội mà tôi đã vụt mất vì cái nhìn chủ quan của mình.Hay một ví dụ dễ hiểu hơn thì khi bạn nhìn qua một mảnh kính màu hồng bạn sẽ thế thế giới xung quanh trở thành màu hồng, trong khi sự thật không phải như thế.

2. Hiểu được chính bản thân mình là bước đầu tiên để thay đổi.Đừng quá để ý xem tại sao người ta có được cái đó mà mình lại không có. Bởi “Điều quan trọng không phải anh được trao cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào?”

3. Cuộc sống như nào là do chính bản thân mình lựa chọn: Bạn có can đảm để dám bị ghét? Có can đảm vượt qua điều ấy, chấp nhận điều ấy? Và có can đảm để hạnh phúc?

4. “Con người ưa ngụy tạo cơn giận”. Nói thật, đọc đến đây thì chắc hẳn ai cũng sẽ bất ngờ. Chúng ta thường nghĩ “giận giữ” là những cảm xúc bất ngờ bùng phát, không điều khiển được nhưng theo Adler thì chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển được cơn giận, thực tế là chúng ta chỉ dùng những cơn giận như những cái cớ cho hành động của chúng ta.

5. Cảm giác tự ti nảy sinh trong chúng ta không được sinh ra từ sự so sánh với người khác mà là sự so sánh bản thân với lí tưởng, không tin vào bản thân mình.

6. Không phải không có năng lực, chỉ là không đủ can đảm để thực hiện nó mà thôi.

7. Gía trị của chúng ta không nằm ở việc người khác định giá chúng ta như thế nào, mà nằm ở việc chúng ta vượt qua bản thân của quá khứ, hiện tại như thế nào.

8. “Sống để đáp ứng mong đợi của người khác và phó mặc cuộc đời mình cho người khác, đó là cách sống lừa dối bản thân, đồng thời lừa dối những người xung quanh”.

9. Thuyết mục đích: “Con người không bị quá khứ điều khiển mà sẽ hành động hướng tới đích mình đã chọn”. Adler đã phủ nhận hoàn toàn thuyết nguyên nhân mà nhiều người vẫn tin tưởng. Tôi cũng khá sốc khi đọc đến đây nhưng ngẫm ra thì điều mà Adler nói không hề sai.

10. Cảm thức cộng đồng gồm: “Chấp nhận bản thân”, “Tin tưởng người khác” và “Cống hiến cho người khác”.

Đọc xong cuốn sách này thì trong tôi hiện lên những nút thắt giữa thuyết nguyên nhân của Freud với thuyết mục đích của Adler. Nhưng rồi, tôi nhận ra, điều Adler hướng tới là sự hạnh phúc. Chừng nào con người ta vẫn không dám thực hiện, sợ bị ghét bỏ, vẫn quan tâm đến những điều không đáng nghĩ, coi mình là trung tâm của vũ trụ thì chúng ta vẫn chưa TỰ DO, chưa HẠNH PHÚC.

Nói chung, tâm lí học chưa bao giờ là một điều dễ hiểu, dễ cảm nhận. Nhưng “Dám bị ghét” vẫn sẽ khiến chúng ta nhận ra nhiều điều, suy ngẫm về bản thân. Chúng ta có thật sự hạnh phúc với hiện tại không? Chúng ta có thật sự Tự do không? Đây có phải điều mà chúng ta mong muốn làm?
Nếu các bạn muốn giết thời gian trong những ngày nghỉ dịch dài dằng dẵng này thì “Dám bị ghét” sẽ là một cuốn sách lí tưởng cho bạn!

– Vy Anh Tran

Sách nói Dám bị ghét

Giới thiệu
ĐÊM THỨ NHẤT: HÃY PHỦ NHẬN SANG CHẤN T M LÝ
“Người khổng lồ thứ ba” chưa được biết đến
Tại sao nói “Con người có thể thay đổi”?
Sang chấn tâm lý vốn không tồn tại
Con người ưa ngụy tạo cơn giận
Cách sống không bị quá khứ chi phối
Sokrates và Adler
Cậu không phải mãi “như thế này” mà được
Cậu bất hạnh là bởi tự mình chọn lấy “bất hạnh”
Con người thường quyết tâm “không thay đổi”
Cuộc đời cậu được quyết định “ngay tại đây, vào lúc này”

Trích dẫn Dám bị ghét

“Hãy nhớ bạn không sống để đáp ứng mong đợi của người khác, thì người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của bạn. Nếu đối phương hành động không như mình muốn, cũng không được tức giận…vì đó là điều đương nhiên…”

“Giờ thì cậu không thấy hạnh phúc, bởi vì cậu không yêu chính mình. Và cậu mong muốn ‘biến thành người khác’ như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Nhưng dù thế nào thì cậu cũng không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi. Điều quan trọng không phải là anh được trao cái gì, mà là anh sử dụng nó như thế nào.

Nếu thực sự tự tin thì không cần phô trương. Chính vì sự tự ti quá lớn nên mới phô trương, cố ý khoe việc mình tài giỏi, sợ rằng nếu không như thế, sẽ không được những người xung quanh công nhận ‘cái bản thân như thế này’.”

“Sống mà chỉ sợ những mối quan hệ bị đổ vỡ, là cách sống mất tự do, sống vì người khác.”