Demian: Câu Chuyện Tuổi Trẻ Của Emil Sinclair – Hermann Hesse

Lần cập nhật gần nhất November 17th, 2020 – 10:17 am

“Tôi biết rằng nhiều người khó có thể tin được một đứa trẻ chưa đầy mười một tuổi có thể cảm nhận được những điều đó.

Câu chuyện của tôi không dành cho họ. Nó chỉ dành cho những kẻ thực sự hiểu rõ tâm can con người.

Người trưởng thành, những người đã học cách chuyển đổi cảm xúc thành ý nghĩ, không thể thấy được những ý nghĩ đó ở trẻ con, nên họ kết luận rằng trẻ con không hề có những trải nghiệm ấy. Nhưng trong suốt cuộc đời mình rất ít lần tôi đã sống mãnh liệt và chịu đựng dai dẳng đến như thế.”

Review Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair (4)

“Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới.” – Demian – Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair.

Câu văn đó vang lên trong đầu tôi từ lần đầu tiên nghe được, cho đến lần thứ hai đối diện với nó, lần thứ ba nhớ về nó và rất nhiều lần cho đến khi có thể hiểu ý nghĩa của nó là gì.

Biết đến câu văn này thông qua một MV; và sau khi tìm được nguồn gốc của nó: một câu trong tiểu thuyết Demian của nhà văn Hermann Hesse; thay vì bỏ qua như một phần trong nghệ thuật, tôi đã tìm kiếm, đọc, khao khát hiểu được và giờ là cật lực muốn quảng bá nó. Vì sao ư?

ầu tiên, mạn phép nói như của một người có tư duy, Demian căn bản giống như một ngôi nhà thế kỉ đầu XX, hai tầng và phủ sơn đen, trên mái điêu khắc hình khuôn mặt lồng trong cánh chim- có thể nói là đẹp. Trong số những người đọc, có lẽ phần lớn sẽ trú ngụ ở tầng thứ nhất, vuốt ve những bức tranh đẹp đẽ mà Hermann dựng nên, sống cùng với những tiện nghi rất thực tế. Đúng như lời giới thiệu của Nhà xuất bản: “Cuốn sách dành cho tất cả những ai đang hoang mang trước ngưỡng cửa trưởng thành”. Phải, đó là những gì mà tôi- người ban đầu rất lười biếng để leo lên tầng thứ hai trong căn nhà ấy- cảm nhận. Tôi đã chọn yên vị cùng những người cùng trình độ, mạnh dạn trò chuyện với nhau một cách tự tin. Bức tranh chúng tôi thấy rất rành mạch: một cuộc đời, một cậu con trai, những cuộc Cách mạng nội tại và con đường giải phóng cuối cùng đã được tìm thấy. Hermann dẫn về nước Đức những năm trước Thế chiến I, để tôi gặp cậu bé Sinclair hết mực hồn nhiên và ngoan ngoãn trong “Thế giới ánh sáng”, đến khi trở nên thảm thương trước sự ân hận về lỗi lầm của mình vào năm mười tuổi, đã sa chân vào “Thế giới đối lập”. Và tôi đi theo cậu ấy một chặng đường thật dài, gặp một chàng hoàng tử đến từ thuở sơ khai: đẹp đẽ và thông minh, sáng ngời và đầy tôn kính. Tên chàng ta là Demian. Chính Demian đã tìm thấy Sinclair, và trở thành sứ giả khuyến dụ, hướng dẫn và chờ đợi Sinclair trên hành trình trở về nơi thực sự của mình. Hành trình đó gọi là con đường đến “sự trưởng thành”- như một cách nghĩ.

Thế nhưng, hệ thống câu từ trong Demian không chỉ dừng lại ở một cuốn tiểu thuyết có thể hiểu đơn thuần như vậy. Ngôi nhà này có hai tầng- và dừng lại ở tầng thứ nhất chính là lãng phí tài nguyên đã được khai thác và xây dựng nên tầng thứ hai. Hãy trở về với giai đoạn mà cuốn sách ra đời để có thêm thắc mắc: nhà văn của chúng ta viết cuốn sách trong vài tuần khi đang gặp khủng hoảng về gia đình của mình; sau đó ông đã tìm hiểu về Phân tâm học và Tâm lí học. Tầng thứ hai này là đúc kết của những đau khổ, những khẳng định lại và khai phá của Hermann. Tôi không phải là người hiểu biết rộng, nhưng có lẽ khi cheo leo trên những bậc thang đến tầng thứ hai, cũng có thể nhận ra sự liên quan với thuyết học Nhân cách trường phái Phân tâm của Carl Jung. Sự việc sa ngã khi còn nhỏ trẻ của Sinclair mang tính quyết định. Cậu bé đã “kéo đổ giàn trụ chống đỡ thời niên thiếu để bước đến chính mình” (ý trong truyện).Kromer, Demian, nàng Beatrice, Pistorious hay Knauer, và mẹ của Demian- bà Eva, đều là hiện thân của Abraxas- vị thần che chở cho một thế gian, dùng mọi cách dẫn lối cho Sinclair trở về nơi mà cậu thuộc về: bản ngã của chính cậu. Kromer là hiện thân của Quỷ dữ- một nửa tối của thế giới; đối lập với nửa còn lại bao phủ bởi ánh sáng của Cha và Mẹ. Nàng Beatrice- hình ảnh đại diện cho “Nguyên mẫu tình mẹ” (theo thuyết Carl Jung), đưa Sinclair ra khỏi cộng đồng sai lệch để trở về với con người trong cậu, tiếp đó là để Demian tìm thấy cậu và dẫn cậu về với Eva- một hình tượng của Abraxas. Trong suốt chặng đường đó, từ “mặt nạ” lặp lại nhiều lần, liên tưởng đến “Nguyên mẫu mặt nạ”, và “Nguyên mẫu bóng tối” cũng xuất hiện qua cái rùng mình trở về thời kỳ tiến hóa vạn vật sơ khai của Sinclair khi được Pistorious cho xem hình ảnh loài cá nguyên thủy…

Nếu như “Siddhartha” tựa như một cuốn kinh Đại Thừa, thì trong Demian cũng đầy rẫy những câu chuyện về đạo Thiên Chúa và các tôn giáo khác. Chúng hiện hữu trên từng trang giấy, tưởng như chỉ là hàng rào hoa lá bên đường- dẫu vậy, con đường sẽ không hình thành nếu không có hàng rào đó. Sau này, tôi mới nhận ra mình từng mua một tác phẩm của Hermann Hesse trước đó, và vì hứng thú với phong cách của ông mà đã tìm đọc một tác phẩm khác nữa, tuy nhiên chưa có thời gian đọc đến hết. Song tôi có thể nhận thấy điểm chung của các nhân vật mà Hermann xây dựng trong cả ba tác phẩm: độc nhất, và luôn khao khát tìm đường về bản ngã. Bản ngã hiện hữu cả nam và nữ, thiện và ác, Quỷ dữ và Thánh thần… Theo tôi, đây là một tư tưởng tiến bộ của tác giả: không ủng hộ duy lí; mà lấy ngã làm tâm, soi đến từng ngóc ngách tư mật nhất, những cảm giác, mơ tưởng, khát khao của tiếng vọng từ tiềm thức- cũng có thể hiểu đơn giản: bản ngã chính là một thế giới riêng trong mỗi con người.

Khi đọc xong Demian lần đầu, tôi bị ám ảnh về một chàng hoa tiêu tên Demian, một Quỷ- Thần Abraxas, và “những thế giới” trong một thế gian hỗn độn; thậm chí tôi đã vẽ một Demian cho riêng mình. Nhưng sau một thời gian, tôi nhớ lại cảm giác khi đó như một phản ứng rất khiên cưỡng. Tôi đọc lại lần hai, và bắt đầu tìm hiểu về học thuyết của Jung. Không dừng lại, tôi đọc nữa, và lại đọc nữa. Đến giờ, đã hơn bốn lần lặng người trước những con chữ, tôi vẫn ngẩn ngơ trước Demian, giống như một tấm gương mờ từ bên trong. Thật khó để tiếp nhận tất cả thông tin mà Hermann đưa vào, tỉ như: Sinclair “quên” kể việc gặp lại Demian (truyện viết theo ngôi thứ nhất); câu thoại của những nhân vật phải hiểu một cách ẩn dụ; nhắc đến rất nhiều đạo giáo; mùi hoa dạ lan hương đột nhiên ngát thơm và cũng đột ngột nhàm chán đối với Sinclair. Tất cả, tôi đều xem như những “kí hiệu” mà có lẽ thật lâu sau mới có thể “giải mã” được. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc Demian tác động rất lớn đến cuộc đời tôi: vì phải học rất nhiều, đọc càng nhiều hơn để hiểu nên cùng lúc thu nhập được một khoản kiến thức. Song song đó, tôi dần chấp nhận con người mình, mọi thứ tốt hay xấu, và bắt đầu cẩn trọng với những suy nghĩ và quyết định cá nhân. Quan trọng hơn, điều đó làm thay đổi thái độ của chính tôi về cuộc sống: cuộc sống rất đa dạng và bất cứ ai cũng đáng được tôn trọng; những mơ ước và sở thích thì đầy tính nghệ thuật và cần được nuôi dưỡng hơn bất cứ gì.

Demian, không thể đánh giá là hay hoặc dở. Nó đặc biệt; và tôi không hề muốn sự trở lại của cuốn tiểu thuyết này chỉ là tiếng đập cửa mộ phần trăm năm làm rung động một thời khắc nào đó mà thôi. Mặc dù khó ngấm, mặc dù tư tưởng được truyền đạt trong tác phẩm khá chủ quan; Demian vẫn mang nhiều triết lí và là một kim chỉ nam cho những ai muốn “đến với chính mình” hơn là muốn “trưởng thành”. Kể cả là người ở “tầng thứ nhất” hay “thứ hai” và thậm chí đủ năng lực để kiến tạo thêm “tầng thứ ba”, Demian vẫn là một tác phẩm giá trị dành cho bất kì ai muốn chiêm ngưỡng của Hermann Hesse.

– Kỳ Duyên

Văn chương của Hermann Hesse là một sự thách thức không hề nhỏ đối với người đọc, không dễ gì để có thể hiểu được hàm ý của ông vì nó đã được đan cài, cô đọng, thấm sâu trong từng chi tiết và hình tượng ẩn dụ triết học, tôn giáo…người đọc cứ miết mải tìm kiếm ý nghĩa đích thực mà tác giả muốn biểu đạt là gì. Có phải vì thế mà lại mang tới cảm giác muốn khám phá, lao động thực sự để tìm câu trả lời trong chính sâu tâm hồn và trái tim của người đọc, để rồi, mặc dù có phần mơ hồ cảm nhận được, lại vẫn thấy như cần đọc thêm, đọc lại nữa.

Thú thực tìm đọc Demian không phải vì lời quảng cáo đó là cuốn sách tạo cảm hứng cho album Wings của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, mà vì trước đó đã từng đọc cuốn Siddhartha, cuốn sách lấy cảm hứng về Phật giáo, rất ấn tượng với cách viết của Hermann Hesse. Phải công nhận một điều cuốn Demian được đầu tư khá kỹ về mặt hình thức khi xuất bản ở Việt Nam, đầu tiên là bìa màu trắng, có đục lỗ hình một chú chim cắt màu đen ở bìa chính bên trong, và thật đặc biệt, chú chim cắt kia nhìn kỹ lại thì là khuôn mặt của một người đàn ông và một người đàn bà lồng ghép vào nhau. Quá sang tạo, chưa kể sau khi đọc xong mới hiểu được biểu tượng này liên quan tới nội dung cuốn sách ra sao. Đi kèm là một bookmark cũng hình chú chim ấy, được cắt ra từ bìa đầu (tôi đoán thế vì ghép vào bìa thì vừa khít), ngoài ra có kèm thêm một cuốn mini quotes book nữa, in khá đẹp ghi lại một số trích dẫn hay.

Tiêu đề phụ là Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair, một hành trình đấu tranh để tìm ra bản chất của cuộc đời, cũng giống như bao con người trẻ khác, luôn là cuộc vật lộn trả lời câu hỏi Tôi là ai, Tôi sống vì điều gì, và điều gì mới thực sự là quan trọng? Sinclair đã phải thốt lên rằng: “Tôi chỉ muốn sống cuộc đời đang cố gắng thoát ra từ sâu thẳm bên trong mình. Cớ sao việc đó lại khó khăn đến vậy?” Ở mỗi con người, dường như luôn tiềm ẩn một hạt mầm nào đó mà chúng ta hiểu rằng mình có thể tốt hơn, bản thân bên trong ta tốt hơn những gì ta đang thể hiện bên ngoài, nhưng những hạn chế của bản thể thân xác hay hoàn cảnh bên ngoài kia đang kìm nén cái tôi ấy, như một nhà tù khó lòng thoát ra. “Cuộc đời của mỗi người là hành trình tìm kiếm chính bản thân mình, là cuộc tìm kiếm một lối dẫn, là dấu hiệu của một nẻo đường. Chưa ai hoàn toàn và tuyệt đối là chính mình; ai cũng đang nỗ lực cố gắng theo khả năng của mình, người chậm chạp ủ rũ, kẻ lại nhanh nhẹn tích cực. Chúng ta đều mang theo những dấu tích của sự khởi sinh đến cuối đời – nước nhầy và vỏ trứng từ thời nguyên thủy. Một vài kẻ trong chúng ta sẽ không bao giờ trở thành người mà vẫn là loài cóc, thằn lằn hoặc kiến. Một vài kẻ lại có nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá. Nhưng mỗi kẻ đều là một lát cắt, mỗi lần tung xúc xắc của tự nhiên vào nhân loại. Chúng ta chia sẻ chung nguồn gốc, đều chui từ dạ con của người mẹ: nhưng mỗi chúng ta – mỗi một thử nghiệm, một cú tung từ vực thẳm – lại đấu tranh cho mục tiêu riêng của mình. Chúng ta có thể hiểu lẫn nhau, nhưng mỗi người chỉ có thể nắm vững và giảng giải về chính bả thân mình.”

Chúng ta đã từ khi nào phân chia thế giới thành hai phần rõ rệt, một thế giới bừng sáng, lung linh của những điều tốt đẹp; và một thế giới của những dục vọng, cái ác, những thứ tầm thường. Chúng ta luôn cố gắng phủ nhận cái thế giới thứ hai kia, để tôn thờ thứ ánh sáng cao đẹp. Chúa chỉ tạo ra những điều hoàn mỹ, có lẽ nào đấng sáng thế đã không tạo nên thế giới thứ hai kia, thế giới thứ hai ấy tự nó xuất hiện trong bản ngã của loài người hay do ma quỷ dẫn lối. Chúng ta được dạy những điều cao đẹp để ngoan ngoãn chấp hành những điều mà tất cả số đông cho là lẽ phải, mà không dám thừa nhận sự khác biệt, trong khi chính sự khác biệt ấy, sự đối lập ấy đấu tranh, phá hủy những cái cũ, những lối mòn để tạo dựng một thế giới mới. “Hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối, không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác”. Những người trẻ được ba mẹ và đàn anh dẫn dắt chỉ lối, nhưng có vẻ như không hoàn toàn là một chân lý, bởi bản thân họ đã và đang sống ở thế giới chói lòa, trong vòng an toàn của bản thân, mà không dám bước thêm một vài bước ở bên ngoài cái ranh giới ấy, làm sao họ có thể cho chúng ta những lời khuyên về những trải nghiệm mới mẻ, tạo nên sự bứt phá mới? Tuổi trẻ, cả những người không còn trẻ sau này đều mang trong mình những câu hỏi âm thầm về sự đấu tranh giữa cái tôi bên trong và cuộc sống bên ngoài. “Mỗi người đều sẽ vượt qua những khó khăn này. Và rất nhiều người vẫn mắc kẹt trong chướng ngại vật này suốt cả cuộc đời.” Họ thường lưu luyến những kỷ niệm em đẹp đã qua, chính vì thế, khi kể về tuổi thơ, ai cũng thấy rằng đó là kỉ niệm tươi đẹp, tuyệt diệu và dịu dàng, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Càng lớn lên, càng trưởng thành, con người càng cảm thấy cô đơn, sống trên những ốc đảo lạ lùng mà ít có người khác có thể chạm tới. Ta đi học, đi làm, hòa vào dòng người hàng ngày, ta vẫn cứ sống, kiếm tiền, duy trì cuộc sống, nuôi dưỡng những đam mê, ta quên mất mình là ai, quên mất giọng nói Tôi đang âm thầm trò chuyện cùng mình, chỉ những khi tĩnh lặng, tìm về hơi thở, những đêm chằn trọc trả lời cho câu hỏi vậy rút cuộc ta đang sống vì điều gì, tại sao ta lại xuất hiện ở đây, ta mới đi tìm lại cái Tôi. “Có rất nhiều cách để Chúa khiến chúng ta cô đơn và dẫn lối ta đến với chính bản thân mình. Đây là con đường ngày đã chọn cho tôi.” “Có sự khác biệt rất lớn về việc có cả một thế giới bên trong bản thân và hiểu hết được nó!”. “Không thể gọi mọi động vật hai chân nhìn thấy trên đường phố là con người, chỉ bởi họ đi thẳng và mang em bé trong bụng chính tháng.”. “Có thể thấy rõ bao nhiêu kẻ trong họ là cá hay giun, là giun hay đỉa, bao nhiêu là kiến, bao nhiêu là ong! Bây giờ mỗi kẻ trong số họ có khả năng trở thành con người, nhưng chỉ khi họ cảm nhận được khả năng này, hoặc thậm chí mang một phần của nó vào trong ý thước của bản thân, khi ấy nó mới thực sự là khả năng của họ.”

Chúng ta lên mạng, ra ngoài đời, chúng ta không ngừng so sánh bản thân mình với những người khác, những người giàu hơn, giỏi hơn, xinh đẹp hơn. Tuy nhiên, khi bắt đầu tự so sánh mình, chính là lúc ta cảm thấy một sự tổn thương rất lớn, sự kém cỏi, ý nghĩ kém cỏi lan khắp đầu óc, trong suy nghĩ. Pistorius khuyên nhủ Sinclair về việc không nên so sánh ấy: “Cậu không thể mãi so sánh bản thân với người khác, nếu thiên nhiên đã quyết định cậu là một con dơi, thì cậu không thể biến thành một con đà điểu được. Đôi khi cậu sẽ thấy bản thân ở sai chỗ, cậu tự trách mình vì đã đi theo con đường khác với đám đông. Cậu phải loại bỏ suy nghĩ ấy đi. Hãy nhìn vào ngọn lửa, trông lên những đám mây, khi ý tưởng hay trực giác đến với cậu, những tiếng nói trong tâm hồn cậu bắt đầu cất tiếng, hãy tin tưởng chúng và đừng lo ngại về quan điểm của giáo viên, cha cậu hay bất kỳ thánh chúa bên trên nào! Nếu không, cậu sẽ hủy hoại chính mình. Rồi cậu sẽ yên vị trên vỉa hè và tuân thủ luật lệ, chỉ trở thành một hóa thạch thôi.”

Thực sự càng đọc về sau, càng thấy đây là một cuốn sách kì lạ, đặc biệt. Có nhưng lúc thấy nặng nề, đau đầu, có những lúc thấy mình cũng ngộ ra được một chút gì đó. Nhưng trên hết, là tinh thần về sự đổi mới, muốn phá vỡ những cái cũ, lối mòn để sống thành thật với bản thân mình hơn. “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết, phải phá hủy một thế giới”. “Sinh ra luôn là một việc khó khăn…Con chim phải vật lộn để thoát khỏi quả trứng. Hãy ngẫm lại và tự vấn: Con đường đó thực sự khó khăn vậy sao? Chỉ khó khăn thôi ư? Liệu có phải nó cũng rất đẹp đẽ không? Chúng ta có ước mình được trải qua mọi thứ êm đềm, và dễ dàng hơn không?”…

– Khuất Trần Thanh

Emil Sinclair sinh ra trong gia đình khá giả, nền nếp và hạnh phúc. Cậu có người mẹ, người cha đáng kính, các chị em gái hiền lành, ngoan ngoãn. Nhưng cái cuộc sống yên bình ấy kéo dài chẳng được lâu. Cậu bắt đầu lớn, cậu luôn luôn cảm thấy sự mỏng manh của cái thế giới ấm êm gia đình mà cậu thuộc về. Ngược lại, cái thế giới bên ngoài kia thì đầy rình rập, cám dỗ.

Và trong một lần nói dối về việc ăn cắp táo, cậu đã bị đứa trẻ xấu, lớn hơn tên Franz Kromer tống tiền. Trong thời gian dài cậu đã phải ăn cắp tiền tiết kiệm, lấy trộm tiền của cô hầu gái, lấy đồ ăn đưa cho Franz Kromer. Nhưng cái đáng sợ hơn, cậu phải đối diện với cái ác chính trong tâm hồn mình. Luôn luôn mơ thấy ác mộng, sợ hãi, khó thở, nôn khan. Đầu tiên, cậu sợ bị tố cáo ăn cắp táo, rồi dẫn đến cậu sợ bị tố cáo ăn cắp tiền, sợ phải đối diện với những người thân yêu của mình.

Từ tội ác này nảy sinh tội ác khác, tưởng chừng nếu kéo dài việc này mãi cậu sẽ chìm ngập trong tội lỗi. Nhưng may thay, đúng lúc đó Demian xuất hiện, anh ta lớn hơn cậu, chững chạc và từng trải. Demian có cách nhìn cuộc sống của riêng mình, lý giải mọi thứ theo như anh hiểu. Anh đã cứu cậu khỏi tay Franz Kromer hư đốn. Đồng thời, chính anh trở thành điều mê hoặc đối với Emil Sinclair.

Emil Sinclair đã đắn đo rất nhiều khi chọn Demian làm bạn đồng hành trong quá trình trưởng thành của mình. Cậu phá bỏ dần dần cái thế giới “gia đình” nơi cậu thuộc về. Cậu hòa nhập với thế giới mới của những con người khác ngoài người thân. Họ có đủ thứ tính cách và không phải lúc nào những tính cách đó cũng là tốt.

Ban đầu, cậu sợ hãi, nhưng Demian dạy cậu hãy đối diện, hãy nhìn mọi thứ theo cách của mình. Đối diện với cả sự biến đổi trong cơ thể, như tính dục, sự hiềm khích, cảm giác muốn làm cái ác, sự trả thù.

Các cuộc đấu tranh, xung đột trong – ngoài bản thân diễn ra không ngừng nghỉ trong cuốn sách hơn 200 trang. Gần một thế kỷ trước hẳn người đọc Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair cũng là người trẻ. Bây giờ, những người yêu thích cuốn sách cũng đa số là người trẻ.

– Thu Nguyễn

Cuốn sách dành cho tất cả những ai đang hoang mang trước ngưỡng cửa trưởng thành

Hermann Hesse xây dựng câu chuyện bằng cậu bé Sinclair, nhân vật chính được sinh ra trong một gia đình đầy tình yêu thương, luật lệ nghiêm khắc, là giáo dục và những hành vi gương mẫu mà cậu gọi là thế giới Cha và Mẹ. Nhưng chỉ vì một lời nối dối chỉ để ra oai (khi còn trẻ ai mà chẳng muốn ra oai với bạn mới) mà cậu dần rời xa thế giới đó, rời xa ngôi nhà ấm áp ấy, tiến vào thế giới còn lại mà cậu cho là gớm ghiếc, đầy cám dỗ, kinh hãi cùng vô vàn câu chuyện trộm cắp, giết người, tự tử.

Hai thế giới đối lập nhau, người ta có thể phân biệt rõ ràng hai thế giới ấy nhưng không bao giờ thuộc về một thế giới hoàn toàn.

Sinclair có lẽ mãi sống trong sự lo lắng, sợ hãi khiến cậu gần như không còn thuộc về thế giới Cha và Mẹ mà bị thứ bóng tối mà thế giới của ngôi nhà không hề biết đang bám lấy thân cậu vì Franz Kromer đã biết được bí mật của cậu và dọa cậu đưa tiền để giữ kín bí mật ấy, nếu không có sự xuất hiện của Demian, một người tương đối trưởng thành, siêu việt và bình tĩnh. Demian đã dẫn dắt Sinclair giúp cậu sáng tạo, có cái nhìn khác đối với tôn giáo, đào sâu vào bên trong con người cậu để tìm thấy bản ngã của mình
Có thể nói Demian chính là người bạn đồng hành trong suốt quá trình trưởng thành của Emil Sinclair.

Tiếp đó trên con đường tìm kiếm bản thân mình cậu đã gặp Alfons Beck. Khác với Demian, Alfons Beck vui hơn nhiều, hắn ta rành rõ về nữ giới thứ nhục dục mà cậu đang kiềm chế trong mình, hắn dẫn cậu sa ngã vào cạm bẫy của bia rượu, lâu dần cậu trở thành tên bợm nhậu khét tiếng, từng bị thầy cô dọa đuổi học.

Như vậy nhân vật Alfons Beck đại diện cho sự cám dỗ trong cuộc đời, là rào cản đến con người trưởng thành dù việc dụ dỗ đầy rẫy ngoài kia, vấn đề là ta vượt qua nó thế nào.

Trong giai đoạn mà cậu mãi chìm đắm trong men rượu, Sinclair bỗng gặp Beatrice, một cô gái mà cậu chưa gặp gỡ hay nói chuyện bao giờ xong cậu lại đem lòng yêu mến cô, sự mê đắm mãnh liệt, thờ phụng cô ấy đã thay đổi con người cậu hoàn toàn trở về người tu sĩ tập sự thể hiện sự thuần khiết, quý phái và ngay thẳng trong mọi hành động.

Hình ảnh Beatrice cho ta thấy được sức mạnh khủng khiếp của tình yêu có thể thay đổi một con người gần như ở dưới đáy của xã hội dù đó là tình yêu đơn phương.

Vài ba lần Sinclair dạo quanh thành phố cậu nghe được tiếng đàn trong nhà thờ, hơn ai hết cậu biết rằng người chơi đàn ấy có thể giúp mình và cậu đã gặp và làm quen với Pistorius.

Pistorius so với Demian tương đối giống nhau là người dẫn đường, an ủi, khuyên nhủ giúp cậu có thêm động lực và niềm tin vào bản thân. Pistorius đã nói với cậu rằng :

“Cậu không thể mãi so sánh bản thân với người khác, nếu thiên nhiên đã quyết định cậu là một con dơi, cậu không biến thành một con đà điểu được”

Con dơi ngưỡng mộ con đà điểu vì có sải chân dài có thể tự do chạy nhảy, con đà điểu ngưỡng mộ con dơi với đôi cánh tự do bay lượn. Suy cho cùng dơi vẫn là con dơi đà điểu vẫn là đà điểu không hơn không kém. Chúng ngưỡng mộ nhau mà không biết rằng bản thân chúng tài giỏi đến nhường nào hay dễ hiểu hơn là “đứng núi này trông núi nọ”

Chúng ta ngưỡng mộ người khác, tán dương họ mà quên bén rằng từ sâu bên trong chúng ta có một mozart với tài năng thiên phú khao khát được khám phá, bộc lộ ra bên ngoài khiến cho mọi người ngưỡng mộ, khen thưởng.

Chúng ta đều có hành trình riêng của mình, đừng nhìn vào thành công của người khác mà đánh giá thấp mình chúng ta tuyệt vời hơn hết kể cả khoảnh khắc chúng ta được sinh ra đã là điều tuyệt vời rồi.

Sau một quãng thời gian thờ phụng Beatrice (tình yêu của cậu) thì nhường như cậu không còn cảm giác thờ phụng thiêng liêng ấy nữa mà cậu gặp Eva (mẹ của Demian) khiến cho cậu tìm thấy ước mơ và tình yêu thật sự. Tình yêu mà Sinclair dành cho bà giúp cậu lớn lên và hoàn thiện bản thân mình
Phải yêu bản thân mình trước hẳn yêu người khác bằng chính con người thật của mình.

Còn một bài học hay nữa là bức thư của Demian

“Chú chim đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá hủy một thế giới. Chú chim bay tới bên chúa. Tên vị chúa là Abraxas”

Chú chim muốn sống phải phá vỡ quả trứng để ra ngoài. Quả trứng là thế giới, thế giới ở đây là thế giới có sự đùm bọc, che chở của cha và mẹ, muốn trưởng thành phải rời xa vòng tay của bố mẹ, gia đình.

Bước ra khỏi vùng an toàn của mình, sự nổ lực, kiên trì, quyết tâm là yếu tố then chốt để tìm kiếm chính mình trong xã hội phức tạp, quen với những người ngoài gia đình

“Chú chim bay tới bên chúa. Tên vị chúa là Abraxas”

Abraxas không phải người đại diện cho cái ác hay cái thiện, người đại diện cho cả hai, cho ánh sáng và bóng tối.

Bởi vậy rời xa sự quan tâm của cha mẹ chúng ta buộc phải gặp gỡ mọi người bên ngoài, có người tốt, người xấu nhưng không bao giờ gặp người tốt, người xấu hoàn toàn.

Suy cho cùng xã hội vốn là một tập thể người, trong đó người tốt và người xấu trộn lẫn với nhau, việc chúng tiếp xúc người xấu là không tránh khỏi nhưng chúng ta ảnh hưởng từ họ, học được gì từ cái xấu và cái tốt của họ là một bài học đắt giá trên con đường trưởng thành của mình.

Rồi ai cũng phải bước vào con đường trưởng thành cả, hãy để nó đến với mình đừng chống lại nó vì sau tất cả chúng ta sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

P/s: do mình chưa thấy mọi người viết về quyển này nên mình viết để mọi người tham khảo, quyển này Hermann Hesse viết thiên về tôn giáo, tâm linh, triết học nên mọi người cân nhắc trước khi đọc để không bị ngộp. Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây, chúc mọi người có một ngày tốt lành.

– Trầm Thái Tú

“Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn đươc sinh ra, trước hết, phải phá hủy một thế giới. Chú chim bay tới bên Chúa. Tên của vị Chúa là Abraxas.”

DEMIAN của nhà văn Hermann Hesse là câu chuyện về thời niên thiếu của chính ông dưới cái tên Emil Sinclair. Mọi thứ bắt đầu khi Sinclair nhận thấy thế giới của mình đang dần thay đổi, cái thế giới ngọt ngào mang tên Cha và Mẹ, bao trùm bởi sự dạy dỗ, thương yêu và những hành động gương mẫu. Cái thế giới ấy giao thoa với một thế giới khác, một thế giới tâm tối, kinh tởm, dối trá và dấy bẩn con người. Cái thế giới đen tối ấy chính là sự trưởng thành.

Khi ngưỡng cửa trường thành tìm đến, con người ta thường làm những điều chưa từng nghĩ đến, Sinclair cũng vậy. Sinclair bắt đầu có suy nghĩ khác về những gì cậu được dạy ở trường khi cậu gặp được Max Demian, một người anh khiến cậu không thể rời mắt. “ Hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối, không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác.”

Demian xuất hiện trong giấc mơ của Sinclair và luôn luôn quanh quẩn trong đầu cậu. Không nghi ngờ gì nữa, Demian chính là hiện thân của cái thế giới tâm tối ấy, cái thế giới đang tìm đến Sinclair, cám dỗ cậu, khiến cậu quy phục. Demian khiến Sinclair biết về sự dối trá, lòng thù hận, dục vọng, tình yêu, Chúa và định mệnh. Sinclair cuối cùng cũng bước vào thế giới ấy, tuổi thơ cậu vụn vỡ, thế giới xung quanh dần trở nên xa lạ. Sinclair ngày càng đắm chìm vào con người bên trong cậu. Như những người trường thành, cậu đi tìm bản ngã của mình, không ngừng đặt câu hỏi và kiếm tìm câu trả lời. “ Tôi chỉ muốn sống cuộc đời đang thoát ra từ sâu thẳm bên trong mình. Cớ sao việc đó lại khó khăn đến vậy?”

Sinclair lên đại học, gia đình không bên cạnh, Demian cũng biến mất khỏi cuộc sống của cậu, nhưng Sinclair luôn trăn trở với câu hỏi về cuộc đời, cậu thờ ơ với thế giới bên ngoài, cố gắng để hiểu thế giới bên trong. Cho đến một lần, câu bị thu hút bởi dáng hình của một cô gái, cậu gọi cô là Beatrice. Sự tôn sùng Beatrice đưa cậu về gần hơn với thế giới thực, cậu yêu Beatrice, nhưng không phải là cô gái ấy, chỉ là hình tượng của cô ta. Beatrice là một phần định mệnh của cậu. Cậu cố gắng vẽ Beatrice, nhưng những gì xuất hiện lại rất đỗi quen thuộc…

Sinclair đi theo tiếng gọi bên trong mình. Một ngày kia, cậu nghe về vị thần Abraxas, và gặp được vị mục sư Pistorius. Những chuyến viếng thăm nhà của Pistorius đã giúp Sinclair hiểu rõ hơn về bản thân mình. “ Sau mỗi lần trò chuyện vs Pistorius, tôi lại ngẩng đầu mình cao lên một chút, được tự do một chút, cho tới khi chú chim màu vàng của tôi thò chiếc đầu ra ngoài chiệc vỏ vỡ vụn của thế giới”

Cứ như vậy, Sinclair bước trên con đường tìm về chính mình. Cậu đã gặp lại Demian – người dẫn đường của cậu, và cậu gặp cả Eva – người mà cậu luôn tìm kiếm. Liệu Sinclair đã hoàn thành cuộc tìm kiếm của mình? Đó là kết thúc hay chính là sự khởi đầu?

DEMIAN là một quyển sách dành cho những ai đang hoang mang trước ngưỡng cửa trưởng thành. Mình đã tìm đến DEMIAN khi biết đó là nguồn cảm hứng cho album WINGS của BTS. Tám chương là tám bức tranh mô tả hành trình trưởng thành của Emil Sinclair, và trong đó, ta thấy hình ảnh của chính mình. Tất cả những gì mình muốn làm sau khi đọc quyển sách chính là đọc lại nó một lần nữa, bởi trong quá trình đọc, sự thay đổi trong nội tâm của Sinclair được miêu tả rất sống động, khiến mình như được sống trong những cảm giác ấy, cùng Sinclair chống chọi với ngưỡng cửa trường thành.

Đọc DEMIAN, cũng là đọc về bản thân mỗi người, là lúc chúng ta “lục” lại con người bên trong mình và sống thật với nó. Một chút lãng mạn, một chút gần gũi, một chút điên loạn, một chút hoang đường chắc chắn sẽ để lại nhiều cảm xúc và suy tư, đặc biệt là ở những tâm hồn chênh vênh, trống rỗng đang tìm lối đi cho mình. “Có rất nhiều cách để Chúa khiến chúng ta cô đơn và dẫn lối ta đến với chính bản thân mình. Đây là con đường mà Chúa đã chọn cho tôi.”

“Một chú chim khổng lồ đang vùng vẫy thoát khỏi quả trứng, quả trứng là thế giới, thế giới này phải bị tan thành từng mảnh.”

– Truong My Tran

Trích dẫn Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair

“Hầu hết những người khác chỉ yêu để đánh mất chính mình. Tình yêu của tôi dành cho Eva có vẻ là mối quan tâm duy nhất đời tôi. Nhưng nó mỗi ngày mỗi khác. Có khi tôi cảm thấy chắc chắn rằng, số phận thực sự của mình không phải là vật lộn để tiếp cận con người bằng xương bằng thịt của bà ấy, bà chỉ là biểu tượng của một thứ trong tôi, thứ đang cố gắng dẫn tôi tiến sâu hơn tới chính mình.”

“Chú chim phá vỡ vỏ trứng để ra ngoài. Quả trứng chính là thế giới. Những ai muốn được sinh ra trước hết phải phá hủy một thế giới”.

“Tôi chỉ muốn sống cuộc đời đang cố gắng thoát ra từ sâu thẳm bên trong mình. Cớ sao việc đó lại khó khăn đến vậy?”

“Cậu không thể mãi so sánh bản thân với người khác, nếu thiên nhiên đã quyết định cậu là một con dơi, cậu không thể biến thành một con đà điểu được.”

“Hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối, không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác.”