Khác với những cuốn sách chuyên sâu về kinh doanh mang tính quy tắc, giáo huấn tẻ nhạt, “Dốc hết trái tim” là nguồn cảm hứng, tạo động lực mạnh mẽ cho những người sinh ra với không nhiều điều kiện thuận lợi nhưng ôm mộng lớn làm giàu bằng chính sức mình, thông qua câu chuyện riêng của Starbucks. Một công ty có thể mang lại giá trị dài hạn cho các cổ đông mà không cần hy sinh phương châm đối xử với nhân viên bằng tấm lòng trân trọng.
“Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, hoặc bất cứ một doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu” – Howard Schultz, Starbucks
Review Dốc hết trái tim (2)
Dốc hết trái tim là câu chuyện về Starbucks, từ tiệm cà phê ở một thành phố nhỏ đến khi trở thành thương hiệu toàn cầu. Hành trình đó, luôn gắn liền với sứ mệnh mà những người tiên phong đã đặt ra.
Chúng ta học được gì từ hành trình của Starbucks?
Xin phép trích ra một vài đoạn yêu thích của mình:
“Thành công không tính bằng tiền: Nó chính là cách bạn thực hiện cuộc hành trình, và độ lớn của trái tim bạn khi kết thúc hành trình đó”
“Phải có lòng dũng cảm. Sẽ có rất nhiều người cố bản bạn rằng điều đó là không thực tế hoặc bất khả thi. Họ sẽ bảo bạn hạ thấp tầm mắt xuống một chút”
“Dù bạn có làm gì đi nữa, đừng chỉ biết đến hai từ an toàn. Đừng làm mọi thứ theo cái cách mà mọi người vẫn làm. Đừng cố ép bản thân cho phù hợp với hệ thống. Nếu bạn chỉ làm những điều người ta mong chờ ở bạn, kỳ tích sẽ chẳng bao giờ xảy ra”
Đã mơ thì hãy mơ lớn. Khi bắt đầu làm, hãy làm bằng cả trái tim. Khi muốn bỏ cuộc, hãy nhớ đến lý do bạn bắt đầu.
Bất cứ một thành quả nào cũng xuất phát từ những điều nhỏ bé. Không có thành công nào bỗng chốc xuất hiện sau một đêm nằm mơ. Nhưng mà, giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực, nếu bạn đủ tin tưởng vào nó. Sẽ có cả ngàn lần, mọi người hét vào mặt bạn, coi những ý tưởng của bạn là điên rồ. Hãy tỉnh táo lại! Ý tưởng của bạn là điên rồ thật đấy, người ta nói không hề sai, nhưng chỉ có bạn mới có thể chứng minh nó khả thi. “Đã quá nhiều lần người ta bảo tôi rằng một chuyện gì đó không thể xảy ra. Hết lần này đến lần khác, tôi phải dốc sức hết nghị lực và tìm mọi cách thuyết phục để những gì mình muốn trở thành hiện thực”.
– Tuệ Linh
Dốc hết trái tim – Cuốn sách tạo nên những rung cảm không thể lí giải trong bạn
Nội dung bài viết chỉ xoay quanh review 3 chương đầu của cuốn sách
Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, ngày ngày công việc trôi qua một cách nhàm chán, cần 1 liều doping cho tâm hồn để thổi 1 ngọn lửa đầy đam mê và cảm hứng, thì đây chính xác là cuốn sách dành cho bạn.
Làm cách nào mà 1 công ty cà phê bé nhỏ chỉ với 4 cửa tiệm đã thay da đổi thịt trở thành “một gã khổng lồ” với quy mô toàn cầu như ngày hôm nay?
Bỏ qua yếu tố bất kỳ doanh nghiệp thành công nào cũng có – sự trung thành với giá trị cốt lõi, xuyên suốt từ ngày đầu của những nhà sáng lập, thì theo mình thành công lớn nhất của họ chính là đã thuê được Howard Schultz – 1 người có tầm nhìn về triển vọng vươn mình của Starbuck và điều đặc biệt hơn cả ở con người này chính là “cá tính” luôn dốc hết trái tim để đạt được mục tiêu của mình.
Bản thân mình không phải 1 fan của cà phê hay Starbuck nếu không muốn nói là mình luôn cảm thấy việc chi 80-100 nghìn đồng cho 1 thức uống là điều quá xa xỉ, vượt hơn mức cần thiết và chưa thấu hiểu được lí do “tại sao” của phân khúc khách hàng này. Nhưng cuốn sách đã giúp thay đổi góc nhìn của mình hoàn toàn.
Nếu mình nói rằng bản thân mình chỉ qua 3 chương đầu của cuốn sách đã không ít lần “bị năng lượng” mãnh liệt của tác giả khiến nước mắt lăn dài lúc nào không hay thì liệu bạn có tin không? Quả thực phải nói, cuốn sách này đem lại cho mình quá đỗi nhiều cảm xúc, vượt xa kỳ vọng tại giây phút bắt đầu cầm cuốn sách lên. Một thứ cảm xúc khó có thể diễn tả thành lời, chẳng phải đồng cảm, chẳng phải đau buồn,… chỉ đơn giản là bị “chạm tới” mà thôi.
Cuốn sách là hồi ký kể về quá trình Howard – CEO của Starbuck, từ lúc tuổi thơ cơ cực nghèo khó, đến khi đạt được 1 sự nghiệp mà gia đình/bạn bè cho là “thành công” và cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông và Starbuck. Lí giải phần nào cho cái cách bản thân mình “bị nguồn năng lượng” của tác giả khiến cho xúc động, có thể là do cái cách ông diễn giải mỗi khi nảy sinh ra 1 ý tưởng vĩ đại nào đó. Ông cảm thấy như thể đó là sự soi sáng, sự đưa đường chỉ lối của Chúa. Chẳng hạn như giây phút ông phát hiện ra tình yêu với Starbuck, hay giây phút ông giác ngộ ra việc mình cần phải thổi luồng gió lãng mạn từ phong cách thưởng thức cà phê tại Ý để thay da đổi thịt cho Starbuck vậy.
Sự can đảm nào khiến 1 người có được 1 sự nghiệp thành công với mức lương 75.000$ cùng hàng loạt đãi ngộ của công ty, 1 cuộc sống hết sức “thành công” trong mắt người thân tại nơi xa hoa New York lại quyết tâm từ bỏ tất cả để “bằng mọi cách xin vào làm” tại 1 công ty cà phê nhỏ bé với mức lương thấp hơn, đồng thời phải chuyển tới Seatle – 1 thành phố yên bình với văn hoá hoàn toàn khác biệt, và bắt đầu tất cả lại từ đầu?
Thứ dũng khí nào khi trong suốt 1 năm dù vẫn tiếp tục công việc hiện tại của mình nhưng ông ngày ngày vẫn gọi cho Jerry – nhà sáng lập của Starbuck để đàm đạo, học hỏi thêm về cà phê, về Starbuck? Và thứ can đảm nào khiến ông khi bị từ chối bằng chính tất cả những nhà lãnh đạo của Starbuck bao gồm cả nhà đầu tư, lại có thể vượt qua được cảm giác thất vọng, tự ái mà tiếp tục kiên trì thuyết phục cho bằng được để có cơ hội bước chân vào Starbuck? Thông thường chúng ta sẽ bỏ cuộc khi bị từ chối, nhưng chỉ bằng 1 phương pháp, 1 công thức thành công duy nhất mà chính ông khẳng định rằng chỉ bằng cách làm này đã giúp ông thành công trong tất cả những câu chuyện tương tự sau đó trong cuộc đời.
Hơn cả, là thứ can đảm nào khiến cho khi ông và vợ đã hoàn tất mọi thứ, ngay chính giây phút ông chuẩn bị lăn bánh để chuyển tới Seatle thì cũng là giây phút ông nhận được cuộc gọi từ mẹ, bà vô cùng sợ hãi và đau khổ khi thông báo rằng bố ông bị ung thư và chỉ còn có thể sống được 1 năm? Tất cả mọi thứ như sụp đổ, và như cái cách ông nói “ông cảm thấy như mình bị tách làm hai”, bởi ông biết rằng mẹ cần ông trong giai đoạn khó khăn nhất này, làm sao ông có thể rời xa bà?
Tầm nhìn về việc một ngày nào đó Starbuck sẽ được toàn cầu hoá, trở thành một công ty đa quốc gia, đem thứ văn hoá “cà phê cao cấp” tới tất cả mọi người, chứ không chỉ giới hạn bởi đối tượng khách là những người mê cà phê sành sỏi. Thứ tình yêu mãnh liệt đó, đã thúc đẩy ông đi theo tiếng gọi của trái tim – tiếng gọi của “tiềm thức”, và khiến ông có 1 niềm tin tuyệt đối vào đức tin của mình.
Chưa có cuốn sách nào lại khiến mình xúc động và rung cảm đến vậy. Thứ tình yêu và cảm xúc đó phải mãnh liệt tới thế nào mà tác giả lại có thể truyền cảm xúc đó tới người đọc đến thế? Khiến cho bản thân mình không ít lần rơi nước mắt khi cùng ông trải qua cuộc hành trình đầy cam go này.
Ngay đến bản thân mình, 1 đứa vốn chẳng có chút khái niệm hay yêu thích để ý gì đến cà phê, mà qua những dòng văn, câu chữ của ông đã thôi thúc, khiến mình tò mò rốt cuộc thì thứ đồ uống kia, thứ nghệ thuật pha chê đó có gì đặc biệt mà khiến ông say đắm như thế? Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên khi chính bản thân ông đã đem thứ “văn hoá tôn sùng” cà phê này lan toả ra khắp nơi trên thế giới. Cũng như cách ông – 1 gã đàn ông New York to lớn, đã học cách hoà mình vào nền văn hoá khác biệt nơi thành phố Seatle, văn hoá công ty Starbuck để giành được niềm tin của nhân viên và lãnh đạo tại đây, mà theo cái cách ông nói rằng “họ luôn lo sợ gã trai New York này sẽ phá huỷ Starbuck” vì cái được gọi là văn hoá khác biệt, vì tham vọng mà ông muốn thay đổi Starbuck là quá lớn – đó cũng chính là lí do khiến ông bị từ chối trong thương vụ “xin việc tại Starbuck”.
Nếu có thời gian, bạn hãy thử một lần trải nghiệm cuộc hành trình đầy mê đắm này nhé – chắc hẳn nó sẽ “chạm đến trái tim bạn” theo một cách nào đó rất riêng cũng như cách nó đã chạm đến mình vậy.
– Phan Thu Trinh