Mục đích sau cùng của việc sống tối giản chính là mình có một cuộc sống thư thái thảnh thơi hơn – có nhiều thời gian để phát triển bản thân. Nhưng chúng ta nhiều khi mới giải quyết được bề nổi của vấn đề trong cuộc sống của mình đó là có quá nhiều đồ đạc, tiếp đó là các mối quan hệ. Chúng ta bắt đầu dư thừa không gian (do bỏ bớt đồ đạc), thời gian (do bỏ bớt những người không quan trọng, những mối quan hệ hời hợt xã giao), và cảm thấy trống rỗng. Nguyên nhất chính là chúng ta chưa thể tối giản chính tâm trí của mình.
Review Dọn cho gọn tâm trí
DỌN CHO GỌN TÂM TRÍ (hay ý nghĩa thật sự của Dọn dẹp và Buông bỏ)
Dù đọc khá nhiều sách về Tối giản, nhưng khi đọc “Dọn cho gọn tâm trí” – vẫn có rất nhiều khiến mình thấy thật sự ý nghĩa và muốn chia sẻ lại.
Đây không phải cuốn sách Hướng Dẫn Dọn Dẹp, và cũng không đi sâu vào cách sắp xếp nhà cửa một chút nào. Chính xác thì, cuốn sách là hành trình trải nghiệm chiều sâu của tác giả Yoko Hirose với các món đồ và sự dọn dẹp, từ đó, cũng giúp người đọc có thêm nhiều nhận định thú vị và sâu sắc về chủ đề này.
– Với đồ đạc – tác giả đưa ra một nhận định rất hay:
Không biết bạn có để ý không, tại sao trong nhà chúng ta lại là món đồ này – tại sao phải là chính nó giữa hàng trăm ngàn món đồ đắt rẻ khác chúng ta lướt qua trong đời.
Vậy “sắp đặt” một món đồ ở đây, chính là “chọn” cho nó một góc ở trong căn nhà của bạn, ở trong cuộc sống của bạn, trong trái tim của bạn.Nhìn ở góc độ khác, chúng ta sẽ còn vỡ lẽ ra rằng, “đặt” hay “chọn” cũng mang ý nghĩa “giữ lại”. Chúng ta có thể sẽ thiên về suy nghĩ bản thân mình chỉ đang “chọn” một món đồ thôi, nhưng thực chất ý nghĩa “giữ lại” lại mạnh mẽ hơn cả.
“Hiện lên trong căn phòng của bạn sẽ là những thứ bản thân bạn đã ‘giữ lại’ suốt bao nhiêu năm cuộc đời.
Đồ nhận được từ gia đình, đồ sở hữu sau khi đi làm, đồ có từ thuở ấu thơ, quà tặng từ người mà ta trân trọng… Có những thứ đắt thì cũng có những thứ rẻ. Có những thứ có giá trị lớn đối với nhiều người thì cũng có những thứ chỉ có bản thân mới nhìn ra giá trị.
Tất cả những thứ ấy đều đến từ một nơi nào đó và tập trung tại không gian này.”– Với việc dọn dẹp, tác giả không hướng dẫn chúng ta nên dọn dẹp như thế nào, nhưng lại cho độc giả hiểu hơn về ý nghĩa thật sự nằm sau hai từ dọn dẹp:
“Dọn dẹp là việc làm hàng ngày”. Vế sau còn tiếp. “Không chỉ khi bẩn bụi, mà phải thực hiện hàng ngày mới là dọn dẹp đúng nghĩa”.
Tuy nhiên, bản chất của việc dọn dẹp, hay mục đích của việc đó, không phải là vì có vết bẩn nên mới làm.
Người khai sáng cho tác giả là một vị thiền sư. Trong thế giới thiền, việc dọn dẹp rất được coi trọng và còn là một phần của tu hành. Ngoài mục đích làm sạch một nơi chốn nào đó ra, nghe nói dọn dẹp còn mang ý nghĩa thanh tẩy tâm hồn nữa.
“Dọn dẹp sẽ đem về cho chúng ta trái ngọt. Bằng việc cử động tay và cơ thể, những thứ vốn đang dừng lại sẽ bắt đầu trôi trong dòng chảy trở lại, và còn được thanh tẩy. Và sau đó, thứ còn lại là một không gian thoáng đãng.”
Việc dọn dẹp cũng không dừng lại ở ngăn tủ chứa đồ – mà nó còn cần sự thấy hiểu bản thân nữa. Bởi “Căn phòng chính là hiện thân của chủ nhân.” – bạn muốn sống trong một không gian ra sao, bạn của thời điểm này chính xác cần điều gì. Những món đồ của “hiện tại” sẽ nói lên những điều về tâm hồn của bạn.
– Cuốn sách cũng sẽ cho bạn biết: Khi nào thì cần dọn dẹp:
“Khi có hứng” – nghe rõ ràng thật “vô trách nhiệm” làm sao. Nhưng rõ ràng, “khi trái tim thật sự mong muốn, thì sẽ sản sinh ra động lực” – vì vậy việc “không có hứng” chẳng qua là do mong muốn trong tim chưa đủ mạnh mẽ mà thôi.
Trong trường hợp này, tác giả Yoko cho rằng chờ đợi chính là giải pháp. Khi “tới lúc đó”, bạn sẽ bắt đầu, và nó cũng cho thấy bản thân bạn, từ bên trong -đã thật sự đến một chu trình mới.Còn rất nhiều thông điệp nhỏ sâu sắc được diễn giải xuyên suốt sách. Sách chỉ hơn 130 trang sách, ngắn gọn, dễ đọc và “khơi gợi cảm hứng thật sự” từ bên trong cho bạn trong hành trình dọn dẹp, sắp xếp, buông bỏ và thấu hiểu chính mình. Đọc vèo một phát hết, nhưng có rất nhiều trang khiến bạn muốn dừng lại và nghĩ, ngẫm.
– Đặng Mai Linh
Trích dẫn Dọn cho gọn tâm trí
“Bản thân chúng ta là trung tâm của những thứ cần thiết, thứ không cần, thứ có giá trị, thứ vô giá trị. Ta lặp lại quy trình hút những đồ vật lại thật gần, hoặc đẩy chúng ra xa, như một thỏi nam châm vậy.”
“Trong khoảng thời gian gặp gỡ và dành thời gian bên một người, ta sẽ nhận ra những điều mà trước đây ta chưa từng biết đến. Khoảng thời gian bên người như thế rất đáng trân trọng.
Thông qua gặp gỡ và ở bên, bản thân sẽ dần trở nên hoàn thiện hơn. Cách cảm nhận, cách nghĩ, cách lựa chọn, cách giữ lại – cách ta nhìn nhận về những điều này sẽ thay đổi từng chút một.
Hoặc là thu hẹp lại, hoặc là lại nới rộng thêm, chắc là giống như vậy đấy. Tất cả về bạn sẽ trở nên có chiều sâu và phong phú hơn.
Và sự ảnh hưởng đó sẽ phản ánh lên cả không gian sống của bản thân nữa.”
“Điều tôi thực sự muốn sắp xếp lại, ấy chính là bản thân mình.
Những thứ chạm tới, những thứ lướt qua, những thứ giữ lại, những thứ buông bỏ…
Bản thân mình chính là điều tôi thực sự muốn sắp xếp lại.”
“Với tôi, ‘bây giờ’ và ‘mai sau’ quan trọng hơn. Vì thế, nếu tôi cảm thấy buông bỏ một thứ gì đó sẽ tốt cho bản thân, tôi sẽ nghe theo sự mách bảo của trái tim.”
“Tấm lòng vốn không phải là một thứ ta có thể thấy bằng mắt, tuy nhiên vẫn có thể thể hiện và cảm nhận nó dưới hình dáng khác. Trái tim và cơ thể cảm thấy nhẹ nhõm chứng tỏ chúng ta vừa cảm nhận được tấm lòng mà không hề hay biết.”
“Khi thời gian vẫn miệt mài trôi đi, thứ ở lại tượng trưng cho chính bản thân trong khoảnh khắc đó.
Khi nhìn chính bản thân mình, bạn muốn giữ nguyên, thay đổi một chút, hay là thay đổi hoàn toàn? Bạn có quyền chọn lựa.”
“Việc các sư sãi dọn dẹp ngày ngày trong chùa chiền chắc cũng nằm trong thế giới đó.
Mọi người sẽ thức dậy từ khi trời hẵng còn tờ mờ, hoàn thành việc vặt buổi sáng, rồi bắt đầu quy trình dọn dẹp đặt biệt. Họ sẽ vận động cơ thể không ngừng nghỉ, trong chùa cũng nhờ vậy mà trở nên sạch sẽ và thanh tẩy tới tinh khiết. Tôi có cảm giác đã nhìn thấy thứ mà họ nuôi dưỡng trong hàng trăm năm chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Tôi không có ý định bắt chước theo họ 100%, đơn giản là vì tôi không thể, nhưng việc mà tôi và cả bạn có thể làm, đó là đem một chút tinh tuý trong đời sống của các nhà sư áp dụng vào cuộc sống của mình. Làm như vậy, mỗi ngày chúng ta đều có thể tặng bản thân một không gian sống trong lành và mới mẻ.
Nên nhớ, làm gì không quan trọng bằng làm như thế nào. Điều này góp phần không nhỏ trong việc gia tăng giá trị cho mỗi hành động mà bạn chọn thực hiện. Nói cách khác, chọn dọn dẹp và sắp xếp như thế nào cũng góp phần hình thành nhân cách của một người.
Đúng vậy, nhân cách của một người sẽ trở thành chính cốt cách của người đó”.