Dũng Cảm Tiến Lên – Nakano Akira

Dũng cảm tiến lên – 7 bước thay đổi cuộc đời sẽ là hành trình tìm kiếm một phong cách sống vì tập thể hướng tới một phong cách sống hoàn thiện hơn và trọn vẹn hơn.

Bước 1: Chìa khóa của trưởng thành là mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh
Bước 2: Cảm giác thấp kém hơn người khác là động cơ thúc đẩy bản thân tiến xa hơn
Bước 3: Bạn có đang trở thành tù nhân trong chính logic lợi ích cá nhân của mình?
Bước 4: Mục tiêu lớn nhất của đời người là cống hiến và đóng góp cho cộng đồng
Bước 5: Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại
Bước 6: Thái độ chân thành là luôn nghĩ cho người khác
Bước 7: Với đối tác, sự liên kết tốt nhất là cống hiến hết mình.

Review

BẠN CHẤP NHẬN DIỄN VAI “KẺ THẤT BẠI” ĐẾN BAO GIỜ?

Khi để ý quan sát những người xung quanh, bạn sẽ nhận ra những người thành công thường có những ý nghĩ lạ lùng hơn những kẻ thất bại hay phàn nàn, họ có cách thể hiện ý tưởng khác biệt và họ làm việc chăm chỉ gấp 10 lần người khác.

Điều quan trọng để đạt được thành công không phải là con đường bạn đi dễ hay khó mà là bạn có chọn đúng người đồng hành dẫn đường chỉ lối cho bạn trên chặng đường đó hay không. Bạn có biết, những người không có được kết quả như mong muốn trong cuộc sông lại thường chính là những kẻ khiến tâm trí của bạn rối tung lên.

Họ hay nói về những điều bạn không thể làm được, hoặc là việc này khó lắm, hoặc là việc kia chẳng có ý nghĩa gì hết. Hãy thử một lần nói chuyện với những người thành công xem suy nghĩ của họ thế nào nhé! Sứ mệnh của bạn là làm những điều lớn lao, làm những người trẻ đầy khát vọng và hoài bão.

1. Câu nói “Tôi không thể thay đổi thế giới” không nằm trong từ điển của họ.

Không cần biết bạn sinh ra ở đâu, có bao nhiêu điều bạn đã học được, hay bạn có bao nhiều tiền để có thể bắt đầu, thành công thực chất là niềm tin của bạn vào khả năng thay đổi thế giới của mình. Mỗi chúng ta đều có một nguồn sức mạnh tiềm ẩn để làm những điều không tưởng.

Chúng ta không cần bất cứ ai tôn sùng mình lên làm một thiên tài của thế giới hay một hiện tượng của công chúng. Những người bạn thành công ấy giúp chúng ta tin vào bản thân mình, dẫn chúng ta tới những điều tốt đẹp hơn. Thay đổi tích cực là tiền đề cho những bước chuyển phát triển của con người

2. Họ không đặt niềm tin vào may mắn

“May mắn là khi hành trang gặp thời cơ” – Oprah Winfrey
Thay vì đặt niềm tin vào may mắn như một điều kì diệu, những người thành công tin tưởng tuyệt đối vào sự nhiệt huyết và cố gắng không ngừng nghỉ của chính bản thân mình.

Đừng chờ đợi một thời cơ tốt nhất bởi vì chẳng có “thời điểm vàng” để làm bất cứ điều gì. Chính chúng ta làm chủ thành công của mình, ngay cả việc chơi xổ số cũng không khiến bạn may mắn và giàu có hơn, chính tâm trí của bạn mới làm được điều đó.

3. Họ học cách vượt qua thất bại

Những người bạn thành công của bạn không bao giờ cố gắng tìm cách giải thoát khỏi cuộc sống chỉ vì những nỗi đau, họ cố gắng tìm ra nỗi đau ấy và sau đó thì ném chúng đi. Việc này có ích hơn rất nhiều so với việc ngồi ở một nơi vô bổ rồi than vãn với những kẻ thua cuộc khác, bạn hoàn toàn có thể đứng lên, bước ra ngoài và hướng tới những mục tiêu lớn lao.

Không nản lòng với bất cứ điều gì trên đời là một đức tính tốt, hơn nữa, càng làm việc chăm chỉ, ước mơ càng tới gần với bạn hơn. Bởi vậy, thay vì sống với đau khổ, hãy quên đi thất bại của mình, cố gắng khắc ghi những sai lầm của mình và chắc chắn bạn có thể học được kinh nghiệm từ chúng.

4. Họ tránh xa những người bạn tiêu cực

Hơn bất cứ điều gì, họ không gắn bó quá nhiều với những người thất bại. Họ không bao giờ ngồi hàng giờ để lắng nghe và an ủi những kẻ vô định về cuộc sống của chính mình.

Điều duy nhất khiến cho họ sẵn sàng ở bên những người gặp khó khăn trên con đường của mình là khi những người ấy sẵn sàng quay đầu và cần sự giúp đỡ. Họ luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và lời khuyên của mình.

5. Họ không tiêu tốn thời gian vô ích

Những người thành công rất tệ trong việc trì hoãn. Họ trung thành với việc cố gắng đạt được những mục tiêu mình đặt ra. Mỗi giây phút trong cuộc sống của họ đều rất đáng quý. Họ đặt rõ ràng con đường mình chọn để thay đổi thế giới và tất nhiên, họ không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì.

Khi những người bạn ấy già đi, họ muốn tự hào về quỹ thời gian mình đã đầu tư. Khi họ bước vào một căn phòng, họ muốn là người nổi trội theo lối sống riêng của mình. Họ luôn tràn đầy nhiệt huyết và luôn hướng tới những kết quả đáng tự hào.

6. Họ hạn chế tối đa sự xao nhãng

Thay vì ngồi hàng giờ lướt Youtube, họ dành càng nhiều thời gian càng tốt để hoàn thành công việc và lên kế hoạch cho những mục tiêu lớn lao. Họ dành hơn 50% quỹ thời gian trong ngày cho những công việc đem lại giá trị thiết thực. Họ luôn trong trạng thái sẵn sàng thực thi thay vì ngồi đó và nhìn những người khác vượt lên chính mình.

7. Họ từ bỏ tính ích kỉ

Họ luôn đặt tầm nhìn, gia đình và mục tiêu của mình lên trên hết. Với họ, cuộc sống đơn giản không thể hoàn hảo nếu chỉ xoay quanh chính bản thân họ. Họ luôn sẵn sàng sẻ chia và đem lại giá trị cho mọi người xung quanh bất cứ khi nào có thể.

8. Họ từ bỏ việc tiêu tốn tiền bạc vô nghĩa

Tiền bạc là một trong những chiếc chìa khóa khác biệt. Những người thành công đặt sự phát triển của bản thân lên trước tiên và đầu tư một khoản lớn thu nhập của họ cho những giá trị họ có thể nhận được.

Nhưng họ cũng không bao giờ quên việc chi tiêu cho người khác, thậm chí khi họ không có nhiều tiền để cho đi. Họ luôn tỉnh táo trong việc sử dụng tiền, họ sẵn sàng chi tiêu nếu nhận thấy những giá trị to lớn mà nó mang lại.

9. Họ từ bỏ việc không đặt niềm tin vào người khác

Bạn sẽ chẳng thể xây được thành Rome nếu bạn không có bất cứ ai giúp đỡ. Những người thành công biết cách đặt niềm tin vào đồng đội của mình. Họ nhìn thấy những tài năng tiềm ẩn và muốn mài dũa họ thành những viên kim cương lấp lánh. Họ muốn nhiều người khác có thể trở thành leader hơn là chỉ mình họ độc tài vị trí đó.

10. Họ từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực

Những người thành công từ bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực. Con người họ là trung tâm của chính cuộc sống đang diễn ra, mọi thành công đều chỉ xuất phát từ một nơi đó mà thôi. Họ rèn cho mình thói quen chống lại tất cả những ý nghĩ xấu để luôn hướng về tương lai tốt đẹp.

So với việc ôm ấp những kết quả chưa như ý muốn thì họ thích việc đẩy chúng đi như những đám mây bay ngang qua trên trời. Họ chính là những người quan sát ý nghĩ của mình, bởi vậy họ có quyền tự lựa chọn suy nghĩ thật tích cực.

– Hà Chi

Tóm tắt

Cuốn sách chính là điều mình đang cần sau khi đọc 2 cuốn sách “Dám bị ghét” và “ Dám hạnh phúc” và bị nhận chìm trong mớ bòng bong của lý thuyết tâm lý học Alder. Nó giống như một lời chỉ dẫn rất cụ thể để mình có thể thực hành và kiểm chứng lý thuyết của Alder. Và từ đó mình có động lực quay lại 2 cuốn sách kia để hiểu rõ hơn về chúng. Cuốn sách kể câu chuyện kể về anh chàng đang làm việc trong một công ty quảng cáo lớn và có cơ hội tham gia khóa huấn luyện tự trưởng thành do ông Kara hướng dẫn. Thông qua câu chuyện tác giả lồng ghép các lý thuyết căn bản trong tâm lý học Alder và cả những bài tập đơn giản nhưng vô cùng hữu ích để trải nghiệm những kiến thức đó. Vừa học vừa hành là một cách để hiểu sâu và có thể biến những kiến thức ấy thành của mình.

Cuốn sách đưa ra 7 bước thay đổi bản thân. Bốn bước đầu là quá trình tự nhìn nhận bản thân, mục đích là thay đổi bản thân từ chính bên trong. Sau khi trải qua 4 bước này thì ta sẻ có được thế giới nội tâm mới, hay nói chính xác là có một phong cách sống mới. Tiếp theo là 3 bước cuối nhằm xây dựng mối quan hệ mới với xã hội. Bảy bước đó lần lượt là:

  • Bước 1: Chìa khóa của trưởng thành là mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh
  • Bước 2: Cảm giác thấp kém hơn người khác là động cơ thúc đẩy bản thân tiến xa hơn
  • Bước 3: Bạn có đang trở thành tù nhân trong chính logic lợi ích cá nhân của mình?
  • Bước 4: Mục tiêu lớn nhất của đời người là cống hiến và đóng góp cho cộng đồng
  • Bước 5: Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại
  • Bước 6: Thái độ chân thành là luôn nghĩ cho người khác
  • Bước 7: Với đối tác, sự liên kết tốt nhất là cống hiến hết mình

Trong bước 1 “Chìa khóa của trưởng thành là mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh”, ông Kara đã đưa ra một bài tập đơn giản được thực hiện trong 1 tuần. Đó là “nụ cười luôn trên môi cả ngày và xung quanh đều là bạn bè”. Điểm cốt lõi là với trạng thái đó hãy trải nghiệm “ điều gì đó” sẽ xảy ra. Khi thực hành thì mình nhận ra rằng luôn nở nụ cười trên môi không hề dễ, nhất là tự nhiên không có điều gì tác động mà mình phải mỉm cười. Có vẻ tác giả cũng hiểu được điều đó nên cũng hướng dẫn một cách rất lạ đời để mình tập cười ban đầu. Khi mình thử làm hành động đó thì mình tự mắc cười luôn, mình dùng cây bút chì đang cầm ghi chép thay cho chiếc đũa, và mỗi khi khó mà cười nỗi thì mình lại tự nhớ lại khoảng khắc ấy. Còn nhiều thứ khác nữa bạn sẽ cảm nhận được khi tự thực hành bài tập này và theo dõi những bước đi của Matsuda đấy.

Bước 2 là “Cảm giác thấp kém hơn người khác là động cơ thúc đẩy bản thân tiến xa hơn”. Cảm giác thấp kém sinh ra khi ta so sánh thứ này với một thứ khác và nó có tính tương đối và chủ quan. Chỉ cần ta thay đổi đối tượng so sánh thì kết quả liền thay đổi. Và chính cảm giác thấp kém về chức năng cơ thể con người khi so sánh với tự nhiên đã buộc con người phải tạo ra cộng đồng để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Vậy nên sức mạnh của cảm giác thấp kém có thể sử dụng vào việc tự trưởng thành. Và ngược lại, cũng chính xã hội này đã sinh ra cảm giác thấp kém của con người. Còn bài tập của tuần này vẫn tiếp tục thực hiện quy tắc “ Nụ cười luôn trên môi, xung quanh đều là bạn bè” , thêm nữa là thử bắt chuyện với những người không quen biết và vẫn ghi nhận những trải nghiệm của mình. Một điều nữa là thử nghĩ cảm giác thấp kém của bản thân là vì điều gì.

Bước 3 “Bạn có đang trở thành tù nhân trong chính logic lợi ích cá nhân của mình?”. Sức mạnh của cảm giác thấp kém có thể đi theo hướng tiêu cực ngược lại thì có thể trở thành phức cảm thấp kém và phức cảm ưu việt. Hai loại người này đều có một điểm chung đó là làm mọi việc chỉ vì lợi ích của bản thân mà thôi và mục đích làm lợi cho cá nhân gọi là logic lợi ích cá nhân. Và bài tập tuần này là trả lời câu hỏi: Ta cần hướng năng lượng được tạo ra từ cảm giác thấp kém theo hướng nào? Mình cũng rất thích ví dụ sự phát triển của con người giống như cái cây nên đã vẽ một cái cây nho nhỏ kế bên những dòng ấy. “ Nếu cứ đi lên mãi thì cuộc sống chẳng có gì thú vị cả. Nhưng cứ đi xuống mãi thì càng không thể được. Nếu cây mọc sai hướng thì có thể sửa. Bằng cách làm như thế, chúng ta tạo ra cho cây một hình dáng đặc trưng của chính nó.” Sau một tuần, Matsuda đã hiểu ra rằng anh luôn luôn không thoải mái và tách mình ra khỏi tập thể, nhưng lại luôn khiến mình thành trung tâm khi ở cùng bạn bè là do anh luôn muốn ở vị trí thứ 1, muốn thu hút sự chú ý của mọi người. Ông Kara cũng nói rằng việc Matsuda hiểu ra được điều này trước khi chết là điều tốt.

Bước 4 “Mục tiêu lớn nhất của đời người là cống hiến và đóng góp cho cộng đồng”. Có một sự thật rằng, chỉ sau khi cống hiến cho xã hội chúng ta mới có thể nhận được tiền. Nhưng người ta thường lờ đi việc cống hiến cho xã hội mà chỉ muốn có tiền trong tay, đây là điển hình của logic lợi ích cá nhân. Và con người ở trong một cộng đồng cần hướng về “Common sense” – “ quan điểm phổ biến” là cống hiến cho cộng đồng. Từ đó ta cảm nhận được “ cảm giác tập thể” – cảm giác khi ta thấy mình có ích cho xã hội. Và ta có thể thay đổi phong cách sống vì nó chỉ là hư cấu, nhưng có ích vì là kim chỉ nam để con người có thể sống trên cuộc đời này. Theo Alder, phong cách sống là mục tiêu trong cuộc đời một người gộp chung với thái độ tiếp cận mục tiêu đó. Sau 4 tuần trải nghiệm cũng như tự suy ngẫm từ những gì được học, được thực hành thì câu hỏi cuối cùng đó là: “Ta có nghĩ rằng phong cách sống có được cảm giác tập thể là một cách sống tuyệt vời không? Nếu nghĩ nó tuyệt vời thì hãy thay đổi một chút mục tiêu cuộc đời không phù hợp ở hiện tại.” Và nếu muốn thay đổi thì các bước tiếp theo sẽ cho ta biết cụ thể mình cần làm gì trong 3 mối quan hệ giữa người với người, công việc và tình yêu.

Bước 5 “Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại” trong mối quan hệ giữa người với người. Điều cần chú ý là khi con người cho đi không có nghĩa là chỉ cho đi những thứ vật chất. Như chuyện bắt chuyện với những người không quen với tâm trạng vui vẻ, giúp họ thấy thoải mái và vui vẻ đó cũng chính là món quà tuyệt vời nhất rồi. Và còn lại chỉ cần dũng cảm và tiến thêm một bước. Nếu ai đó cũng đang dũng cảm tiến lên một bước, muốn từ một người nhận nhiều hơn trở thành một người cho đi nhiều hơn thì mình cũng nên tập chấp nhận sự cho đi từ người khác.

Bước 6 “Thái độ chân thành là luôn nghĩ cho người khác” trong mối quan hệ công việc. Luôn nghĩ cho đối phương là nghĩ đến những việc làm đối phương vui vẻ, nghĩ cho lợi ích đối phương chứ không phải nghĩ xem mình cần làm gì để lấy được gì đó từ đối phương. Tiêu chuẩn để xem hành động đó có ích cho đối phương không chính là hành động có tuân theo “ common sense” không và luôn nghĩ tới cộng đồng ở cấp cao hơn. Ví dụ như nhỏ nhất là cộng đồng gia đình, rồi khu vực, quốc gia, xã hội loài người, thế giới…

Bước 7 “Với đối tác, sự liên kết tốt nhất là cống hiến hết mình” trong mối quan hệ tình yêu. Dâng hiến là hành động không cần đền đáp cho người thực hiện. Điểm quan trọng ở đây là cả hai bên đều phải dâng hiến cho nhau. Và vì cảm giác thấp kém mà con người đã tạo ra cộng đồng và chính ngôn từ được phát minh ra để kết nối con người với nhau. Vì thế để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với đối phương thì cần phải sử dụng ngôn từ nhiều hơn. Vì chỉ cần hướng đến mục đích cuối cùng là kết nối được với nhau nên theo ý kiến của mình nên nói rộng ra là ngôn ngữ: có thể là chữ viết, lời nói, âm nhạc, hội họa… Ở đây mình có thể hiểu rằng dâng hiến nhiều khi đơn giản là mình có mặt với người đó, trò chuyện và lắng nghe nhau từ 2 phía là đủ.

Vậy là đã xong 7 tuần theo khóa huấn luyện tự trưởng thành. “Tự trưởng thành, hay nói cách khác là thay đổi quan điểm của bản thân, có nghĩa là quá trình tạo ra con người mới từ bản thân con người đó trong quá khứ. Vì vậy, quá trình này trở thành con đường “Chết đi để tái sinh” – mô phỏng lại quá trình bản thân mới được sinh ra từ con người cũ trong quá khứ bị mất đi.

Ps: Cuốn sách này còn có một điểm hay là có phần phụ lục về Tập hợp các từ khóa để lí giải lí thuyết tâm lí học cá nhân Adler, dễ cho người đọc hiểu rõ về các định nghĩa hơn.

– Vũ Ngọc