Gatsby Vĩ Đại – F. Scott Fitzgerald

“Gatsby vĩ đại” là một cuốn tiểu thuyết giàu tính biểu tượng, ám ảnh và dữ dội. Một kẻ si tình vĩ đại của nước Mỹ mang trong mình chút lịch lãm, sầu khổ, phiền muộn, phù phiếm, cùng chút ngây ngô đến khờ khạo của kẻ giàu xổi một cách bất chính… Qua con người này, người ta thấy được giá trị của tình yêu đích thực, tình người giữa cái xã hội đang bị vật chất nhấn chìm.

The Great Gatsby một chuyến du hành rực rỡ đưa khán giả ngược trở lại quá khứ đến với “Thời đại nhạc Jazz”, hòa mình vào không khí của “thế hệ mất mát” nơi “mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến trận đã diễn ra xong, mọi niềm tin của con người đã tan vỡ”.

Gatsby vĩ đại Ebook

Review Gatsby vĩ đại (2)

Câu chuyện xảy ra vào năm 1922 tại eo biển Long Island xoay quanh 3 nhân vật chính thông qua người dẫn truyện Nick Carraway anh họ của Daisy.

— Gatsby
Một đại gia mới nổi bí ẩn giàu lên nhờ hoạt động bất hợp pháp buôn lậu rượu, kinh doanh sòng bạc, lừa đảo và gian lận chứng khoán. Gatsby ở tại 1 lâu đài xa hoa khổng lồ bên West Egg, thường phô trương danh thế bằng tiệc tùng rượu sâm banh, xì gà, thuốc lá, vũ công nóng bỏng…

—Daisy
Người yêu của Gatsby cách đây 5 năm. Cô kết hôn với Tom vào năm 1919 và có 1 cô con gái. Daisy xinh đẹp kiêu sa, buồn chán, hèn nhát và không chắc chắn về cảm xúc của mình. Cô gần gũi với Gatsby để xoa dịu nỗi đau về sự lạnh nhạt do chồng phản bội. Cô đã từng yêu Gatsby và vẫn còn yêu Tom. Nhưng vào lúc này cô không còn lựa chọn chạy theo tình yêu nữa, cô cần cảm giác an toàn hơn.

—Tom Buchanan
Chồng của Daisy là một quý tộc thượng lưu. Giàu có bằng sự thừa kế, anh sống tại một dinh thự sang trọng ở East Egg. Tom có độ cứng về thể chết và tinh thần, tàn nhẫn, ngạo mạn, thích kiểm soát, ăn chơi phóng túng, phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc, có nhân tình lâu năm là Myrtle Wilson cô này đã có gia đình. Song anh vẫn lựa chọn quay về với gia đình sau những cuộc vui bên ngoài.

GATSBY VĨ ĐẠI?

Nhiều đêm dài Gatsby vẫn một mình lặng lẽ nhìn về phía East Egg, nhìn mãi vào cái Đốm Sáng Xanh. Cái đốm sáng của hi vọng, niềm tin một ngày anh có thể chạm tới được vào Daisy.

Con tim anh chất chứa sự trống trải và cô đơn, không lúc nào anh thôi nghĩ về nàng. Vật chất không lấp được nỗi cô đơn tột cùng của Gatsby. Anh luôn sống trong kí ức về tình yêu với Daisy, anh vẫn sở hữu một khao khát mãnh liệt được ở bên Daisy.

Anh sinh ra trong nghèo đói cùng cực ở Bắc Dakota không được học hành. Không còn cách nào khác tốt hơn là tham gia quân đội. Anh gặp và yêu Daisy ở Louisville —Kentucky, trước khi tham chiến.

Tất cả mọi động lực thúc đẩy để anh trở nên giàu có như ngày hôm nay là bởi mong muốn lấy lại Daisy. Gatsby từng yêu Daisy suốt 5 năm và giờ vẫn yêu cô ấy. Gatsby đã tổ chức bao nhiêu bữa tiệc hoành tráng xa hoa với hy vọng Daisy sẽ một lần đến chơi. Không có gì đảm bảo anh sẽ gặp lại cô nhưng chỉ vì cơ hội nhỏ thôi anh sẽ làm. Anh đã làm tất cả vì anh yêu cô rất nhiều và tin rằng cô vẫn cảm thấy như vậy. Bởi vì cô là điều duy nhất trong cuộc đời mà anh thực sự vẫn quan tâm…

Giây phút Gatsby bị bắn chết trong chính toà lâu đài của mình. Số phận đã cho anh câu trả lời theo cái cách mà anh muốn Daisy sẽ gọi lại cho anh, sẽ cùng anh thực hiện giấc mơ của cuộc đời mình. Một đám tang lạnh lẽo dưới màn mưa nặng hạt, ngoài cụ Gatz, mục sư và Nick ra không còn một ai gọi là bạn bè bằng hữu của Gatsby.

Gatsby vĩ đại ư? Không! Gatsby không vĩ đại…chính tình yêu mà anh dành cho Daisy mới vĩ đại.

– Nguyễn Minh Nguyệt

Một cuốn tiểu thuyết mỏng, nhỏ nhưng lại vô cùng vĩ đại, vô cùng tuyệt diệu như chính cái tên của nó – the great Gatsby – Gatsby vĩ đại – đại gia GB. Xin nói qua chút về cái tên, mình thích từ “vĩ đại” hơn là “đại gia”, nhưng bản dịch thì Trịnh Lữ bên Nhã nam dịch trôi hơn và thấm hơn, và mình cũng nhấn mạnh thêm cho các mọt rằng Nhã nam có thế mạnh rất lớn về dòng văn học dịch và làm khá tử tế mọi thứ. Ở đây, có lẽ vì dịch sau nên trịnh Lữ không thể sử dụng lại từ “vĩ đại” mà phải đổi thành “Đại gia”. “Đại gia” chỉ người giàu theo cách hiểu thông thường không nêu lên được hết tính chất câu chuyện muốn truyền tải.

Cảm nhận đầu tiên của mình khi bắt đầu đọc cũng như xem phim này, đó là “chán”. Nhịp chuyện lúc đầu khá nhanh nhưng lại dài dòng, lòng vòng khiến mình bực bội, thậm chí còn chê dở và không muốn đọc tiếp. và rồi…mình đã biết mình sai khi đọc hết tác phẩm “nhỏ bé” này.

Gatsby vĩ đại là một lời tự sự dài, đầy cảm xúc và sự chiêm nghiệm của nhân vật Tôi – Nick về một phần xã hội thượng lưu Mỹ đầu thế kỷ XX, trong đó nổi bật lên nhân vật chính của chúng ta – Gatsby.

Câu chuyện kể lại việc sau khi tìm đến đỉnh cao danh vọng trong xã hội, GB tìm lại tình yêu của cuộc đời mình – Daisy, qua quá trình đó, bộ mặt của từng con người đại diện cho từng tầng lớp người trong xã hội Mỹ được lột tẩy qua những hành động, những lời nói để rồi phơi bày cho độc giả một thực tế đầy nghiệt ngã phía sau những hào nhoáng của cái giới được gọi là thượng lưu kia mà bất cứ ai cũng mong muốn trở thành, ngưỡng mộ kính nể.

Và sau đây là 3 điểm mình cảm nhận được từ tác phẩm này.

1. Kết cấu tác phẩm và ý tưởng thể hiện.

Ba chương đầu dẫn dắt vấn đề, ba chương giữa nhập cuộc và ba chương cuối giải quyết vấn đề. Tác giả đã khéo léo kết cấu nên một tác phẩm hoàn chỉnh gần như hoàn hảo về nội dung tới tới hình thức.

Nếu như đoạn đầu GB chưa xuất hiện thì đoạn cuối anh lại không còn Sống, nhưng trong suốt tác phẩm, rõ ràng anh luôn hiện diện bằng cách này hay cách khác. Một con người vĩ đại hay không, một phần được xây dựng nên bởi cách nhìn của mọi người về anh ta. và sự vĩ đại của Gb cũng như mọi chuyện khác đã “có Chúa chứng giám”

2. Bóc trần xã hội Mỹ thông qua các biểu tượng

– Cặp mắt kính ở Thung lũng tro

Là ẩn dụ cho đói khát công lý của Thượng Đế, sự vắng mặt của thượng đế. “Nhưng sau đó ông bác sĩ Eckleburg đã rơi vào cảnh mù lòa vĩnh viễn hay đã bỏ quên cặp mắt ấy và chuyển đi nơi khác rồi”. Cuối thế kỷ XIX ở châu Âu, Niezchie đã tuyên bố cái chết của Thượng đế, và rằng niềm hy vọng của con người vào những giá trị xưa cũ và huyễn hoặc đã đến hồi cánh chúng.
Đó là tâm thức của một thời đại mà những thiết chế xã hội tỏ ra nhiễu nhương, niềm tin giữa con người với nhau bắt đầu được định giá. Tác giả đưa vào cái thung lũng tồi tàn này một “tượng thần” bỏ hoang, để nói đến cái sự bất lực của những con người như Wilson, rằng anh chẳng thể làm gì khác ngoài việc hy vọng vào một thứ đồ bỏ phế không biết đã bao lâu.
Nhưng cặp kính khổng lồ ấy chỉ tồn tại ở duy chỉ ở thung lũng tro, một ma lực bí ẩn nào đó đã bỏ quá cho sự soi xét của cặp mắt ấy vào cõi của những kẻ thượng lưu. Cái đặc quyền này được thể hiện qua sự “riêng tư” mà Jordan tỏ ra thích thú khi nói về những bữa đại tiệc của Gatsby

– Cái nóng ở chương VII

Xét về mạch truyện, nó là tín hiệu cho những cao trào, cho một thứ gì đó sắp sửa vỡ tung ra, sau những chương dài nói về cuộc sống nhàn hạ, vô vị của những kẻ thượng lưu. Nó mở ra một không gian cho các nhân vật có thể bộc lộ những cái mà bình thường khó thấy được ở họ (Wilson bị bệnh, Myrthe phát điên vì bị nhốt), Gatsby phát điên lên ở khách sạn, Daisy phát rồ mà gây tai nạn, Tom lộ ra mình là một kẻ đê tiện khi lừa gạt Wilson,…)
Nó là đại diện cho bầu khí căng thẳng của một xã hội mà mỗi con người phải sống như một kẻ đi trên dây, phải dung hòa với rất nhiều những trở lực lẫn hấp lực, khó khăn lẫn cám dỗ. Đó là một Daisy khi đứng giữa chọn lựa về với một Gatsby của cái thuở yêu đương năm nào, hay về với Tom để có một cuộc đời an toàn và nhàn hạ (mặc cho những đau khổ phải chịu)

– Đốm xanh ở phía cầu tàu nhà Tom

Cái đốm xanh ở ngoài xa mà Gatsby luôn mong ngóng chính là những hoài bão của con người, mà về mặt thời đại, nó tượng trưng cho giấc mơ Mỹ, giấc mơ hứa hẹn một cuộc sống giàu có, sung túc cho những ai dám ước mơ và dám cố gắng vì ước mơ của mình.

Nhưng cái đốm xanh ấy dường như là bất khả chạm vào, có lúc nó như quá xa, nằm bên kia của cái vịnh, nhưng với một vài người như Gatsby, cái đốm xanh ấy thực chất “đã rớt lại đằng sau anh rồi”.

Phải chăng là những gì con người tìm kiếm đều nằm ở những năm tháng xưa cũ không thể tìm về, hay vốn chẳng thứ gì có thể thỏa mãn cái điều mà tâm khảm con người vẽ ra, vẽ nơi cái hư không của bản ngã, và bằng nét mực tàn phai của ký ức.

Chính cái đốm xanh ấy, cái mờ ảo nhưng rất thực ấy, đã một phần tạo nên cái sự vĩ đại của Gatsby

3. Một thông điệp sâu sắc nhất xuyên suốt tác phẩm: vĩ đại không phải vì lắm tiền nhiều của.

Chúng ta hãy mang câu nói cuối của tác phẩm Bá tước mongtocristo để đặt vào trường hợp này: Tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ tóm gọn trong mấy chữ: HI VỌNG VÀ ĐỢI CHỜ

Vậy Gatsby của chúng ta có khôn ngoan không? Có hi vọng và đợi chờ không? xin thưa là có, anh có thừa khôn ngoan, hi vọng và đợi chờ để trở nên vĩ đại như cách mà anh muốn.

Gatsby là một kiểu người mà Scott gọi là “lãng mạn” và ngây thơ vì đã ôm mãi cái hoài niệm của tuổi 17. Đó vừa là 1 con người có ý lực sống phi thường, nhưng vì quá mê sống mà lao theo những vòng xoáy gian trá và bịp bợm (làm ăn vs Wolfsheim).

Về mặt Hiện sinh, như trong thần thoại Sisyphus của Camus thì Sisyphus vĩ đại ở chỗ dù hoài nghi và chán ngán với cái công việc vô nghĩa là vần tảng đá lên xuống liên tục, nhưng hắn vẫn biết rằng trong cái giây phút ngắn ngủi, hắn ngộ ra, nhận ra đc cái bi đát của mình, khi ấy hắn mới gọi là vì đại (chứ ko phải vĩ đại vì dám khinh thị thánh thần).

Gatsby cũng vậy, nhưng đặt trong một luồng tư tưởng thực dụng và mới mẻ hơn (Camus ở cựu thế giới, Scott là ở Mỹ), nên hẳn nhiên là nó căng tràn hơn, khốc liệt hơn.

Trong một xã hội như ở Mỹ, họ sẽ không ngưỡng mộ Sisyphus mà sẽ bảo “sao hắn ko đầu tư chứng khoán, sao hắn không tìm ra cái mưu mẹo nào đó để trốn khỏi cái kiếp đày ải đó. Nhưng đó là hai vấn đề ở hai tầm vóc khác xa nhau.

Sisyphus là bức tranh về định mệnh, xã hội Mỹ là bức tranh về sự thực dụng và khôn lỏi. Nói vậy để thấy Gatsby lọt thỏm vào cái xã hội thực dụng đó nhưng vẫn giữ nguyên cái lãng mạn. Nó là thứ ngây thơ hơn tư tưởng của Camus nhưng không tham tàn như xã hội thực dụng.

Đó là một con người sống trong thế lưỡng nan và chính con đường anh đi mà Scott tạo ra một niềm hy vọng mới, bỏ lại cái đốm xanh hư ảo tượng trưng cho cái gọi là “giấc mơ Mỹ”, để hướng con người vào một lẽ sống thật hơn, say đắm hơn.

Và đâu đó trong tác phẩm, chúng ta vẫn thấy cách xử sự của Gatsby không mấy lịch lãm khi có lúc vẫn phải thét lên như 1 tên côn đồ. Một vĩ nhân dù có cao sang tới mức nào họ vẫn là con người, và các chi tiết đó nhấn mạnh anh là một con người có cảm xúc thực sự. Con người luôn biết tự hoàn thiện bản thân nhưng không bao giờ trở nên hoàn hảo được.

Tóm lại cả tác phẩm này, mình đặc biệt thích kết cấu của nó. Với sáu chương đầu dồn dập, gấp gáp, vội vã đối lập với ba chương sau là sự tĩnh lặng, suy tư, qua đó tạo ra khoảng cách về mặt cảm xúc và chiếm gọn cảm tình của độc giả. Trong một xã hội điên loạn như thế vẫn có một Gatsby vĩ đại, và xã hội bây giờ với nhịp sống cũng vội vã, gấp gáp, cần lắm những con người vĩ đại, vĩ đại theo cách của bạn chứ không theo tiêu chuẩn nào hết, quan trọng nhất là mỗi chúng ta hãy có một trái tim vĩ đại để bao dung và yêu thương tất cả mọi người.

– Bá Tân

Trích dẫn Gatsby vĩ đại

“Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay: – Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.
Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác.
Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác.”