Gáy Người Thì Lạnh – Nguyễn Ngọc Tư

Tập truyện ngắn có đến vài ba chục chuyện, mỗi truyện đều ngắn không quá 3 trang giấy. Cô Tư lại cặm cụi góp nhặt, kể láp giáp vài ba câu chuyện thấy được, nghe được chân thật gì đâu. Dù đan xen nhiều câu chuyện, vẫn là không đầu không đuôi nhưng dễ thấy chủ đề chung của tập chuyện đều xoay quanh 2 chữ “tiếc nuối”. Bởi những gì hào hùng, hoành trang, thiên nhiên bởi đồng tiền, danh vọng, xã-hội-cần-phái-phát-triển mà đạp đổ hết mọi công sức, cái hay cái đẹp của cả một thời vàng son.
“Gáy người thì lạnh, tay người ấm không”

Review (2)

Tôi biết đến Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khá lâu trước đây, tôi cũng biết văn cô được nhiều người yêu mến. Nhưng tôi ít khi nào bỏ tiền ra mua một cuốn sách của tác giả Việt (trừ sách bác Ánh hoặc sách của bạn bè mà tôi mua để ủng hộ) bởi tôi luôn muốn khám phá những điều mới mẻ về khoa học hay về tôn giáo, thứ có trong những cuốn sách như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” hay như cuốn “Hành trình về phương Đông”. Đều là sách của nước ngoài cả. Đọc những cuốn ấy khiến tôi thích thú, mê mẩn và say đắm. Cũng giống như khi ra rạp xem phim, hiếm khi nào tôi chọn một bộ phim Việt để mà xem, bởi tôi thấy “phim bom tấn nước ngoài đáng xem hơn nhiều”.
Tôi đâu nào ngờ có một ngày tôi lại bị chìm đắm vào thứ văn chương của cô Tư – một người Việt kể những câu chuyện rất đỗi thân quen, rất đỗi Việt Nam; nhưng từng câu chữ của cô khiến lòng tôi xao động, nghẹn ngào khó tả.

Tôi đặt cuốn sách “Gáy người thì lạnh” để đơn hàng mua trên mạng đủ tiền được freeship, cũng chẳng trông đợi gì nhiều. Nhưng cô Tư khiến tôi cảm thấy mình được hời (so với giá bìa 55 nghìn của cuốn sách).

Chỉ là một cuốn tản văn, gồm nhiều bài tản mạn ngắn, vậy mà cô Tư có thể đi thẳng vào lòng tôi rồi nhen nhóm trong tôi một ngọn lửa tình mãnh liệt – tình quê hương, đất nước. Ngọn lửa ấy đem đến thứ ánh sáng giúp tôi nhìn thấy một tuổi thơ mình đã đi qua, đã khốn khó nhưng ngây thơ và hạnh phúc như thế nào. Ngọn lửa ấy soi rọi những mất mát, những đổi thay mà tôi đã quá đỗi vô tâm nên chẳng thèm dòm ngó tới. Ngọn lửa ấy còn khiến tôi như vỡ oà ra, mình đã từng vô tâm đến thế, đầu ngập tràn những định kiến đến thế. Để rồi khi gấp cuốn sách lại, tôi thấy một tôi khác hơn.

Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh như bây giờ, trong những ngày cách ly trời âm u xám xịt; tôi nghĩ cuốn sách nhỏ bé này phù hợp cho chúng ta đọc vào một chiều sau giờ ngủ dậy, để thấy trân trọng cuộc sống nhiều hơn, bất kể là thứ gì, bên cạnh chúng ta.

“Bởi chúng ta đã vô tâm quá đỗi, nên chúng ta cần những khoẳng lặng để sống chậm hơn, để trân trọng và thấu hiểu hơn!”

– Jenny Nguyễn

Khi cầm trên tay cuốn sách, bất giác mình có cảm giác như bản thân đang lạc vào một cánh đồng… màu xanh, cánh đồng ấy hoang sơ, trống trải, và “lạnh”. Cách trang trí bìa của Trẻ khiến mình cảm giác rằng, rồi khi mình lật tấm bìa này ra, mỗi trang viết sẽ là một nỗi xúc động.

Hồi mình còn học cấp Ba, cô giáo mình đã từng giới thiệu cho mình về sách của cô Tư. Nhờ lời giới thiệu ấy, mình đã bắt đầu tìm đọc các tựa sách của cô. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, hẳn ai cũng in đậm ấn tượng về thành công của “Cánh đồng bất tận”. Mình rất yêu những tập truyện ngắn của cô, song cũng phải lòng với những cuốn tản văn nhẹ nhàng mà xúc động. “Gáy người thì lạnh” là cuốn sách đầu tiên của cô Tư mà mình mua đọc. Và cho đến giờ, những cảm xúc khi đọc từng con chữ vẫn nguyên vẹn trong tâm trí mình.

Khi cầm trên tay cuốn sách, bất giác mình có cảm giác như bản thân đang lạc vào một cánh đồng… màu xanh, cánh đồng ấy hoang sơ, trống trải, và “lạnh”. Cách trang trí bìa của Trẻ khiến mình cảm giác rằng, rồi khi mình lật tấm bìa này ra, mỗi trang viết sẽ là một nỗi xúc động. Nguyễn Ngọc Tư kể nhiều câu chuyện khác nhau, những câu chuyện ấy đều rất thật, rất Nam Bộ, và cũng vì thế mà rất đỗi bình dị, thân thương. Mỗi câu chuyện là một lát cắt của cuộc sống, nhưng cũng giống như việc nhìn lát cắt của thân cây để thấy được cả đời thảo mộc, đọc mỗi câu chuyện, ta lại thấy được cái rộng lớn của tình người, của hoài niệm, mộng mơ xen lẫn hiện thực.

Văn phong của cô Tư không quá trau chuốt, hoa mỹ, những con chữ của cô bình dị, mộc mạc mà sâu lắng. Văn của Tư in đậm màu sắc Nam Bộ, đọc mà như thấy mình đang được tròi chuyện với người dân Nam Bộ nào hiền từ, chân chất, đọc mà thấy ôi sao tiếng dân mình lại thân thương, thấy yêu ghê lắm. Nhớ mãi câu chuyện “Ông Cà Bi ở xẻo Quao”, ông Cà Bi – một con người kì lạ, nhà ông nghèo tơi tả, ngày ngày đi làm thuê trong xóm, ấy vậy mà khi có tiền lại đủng đỉnh mua rượu nhâm nhi. Đoàn từ thiện đến, ông cũng chỉ giữ lại có năm mươi ngàn để mua rượu và gạo. Sự ngang tàn ấy khiến ta ra, hạnh phúc đôi khi chỉ bình dị vậy thôi, chẳng cần nhung lụa phú quý, chỉ cần được tận hưởng cuộc sống trong men rượu nồng.

Đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài có vẻ là sai lầm. Ánh mắt không có âm thanh, nhưng những điều mà ánh mắt có thể nói được có thể còn nhiều hơn cả khi người ta nói chuyện với nhau trực tiếp. Bởi thế nên, khi nhìn vào một con người, xin đừng vội đánh giá họ chỉ qua vỏ bề ngoài, xin hãy nhìn họ bằng ánh mắt của sự cởi mở, của sự cảm thông, để có thể bước vào thế giới của họ, thấu hiểu, và thấu hiểu chính mình. Xin được trích một câu mà mình rất thích của cô khi viết về “đôi mắt”:

“Ấy mà chị ấy ơi, em chỉ khao khát đọc người khác bằng đôi mắt của chính mình nằm đâu đó, không hẳn là trên mặt.” (“Những hạt mầm định kiến”)

– Đỗ Thị Khánh Băng (Đăng tại nxbtre.com.vn)