Lần cập nhật gần nhất April 2nd, 2020 – 07:46 pm
GIỮA HAI CHÚNG TA là câu chuyện đầy mê hoặc về tình yêu, tình bạn cùng những mối quan hệ phức tạp của giới trẻ. Bằng sự nhạy cảm và sắc bén, Sally Rooney đã viết một cuốn tiểu thuyết với chiều sâu, sự tinh tế, sâu sắc và cả sự đau lòng lay động tam can, đảm bảo sẽ làm mê đắm bất cứ người đọc nào. Đây có thể coi là một tác phẩm đầy xuất sắc đại diện cho ý nghĩa của tuổi trẻ và tình yêu thời nay.
GIỮA HAI CHÚNG TA là một câu chuyện tình yêu rất đỗi bình thường nhưng lại gây “náo loạn” giới văn học, giành hết giải này đến giải kia và bộ phim chuyển thể từ cuốn sách sẽ được lên sóng vào cuối mùa Xuân này. Nếu bạn tìm kiếm #NormalPeople trên insta, bạn có thể tìm ra 50 nghìn bức ảnh và review sách. Vậy, điều gì khiến nó trở nên đặc biệt đến thế?
Review (3)
Giữa hai chúng ta – bản giao hưởng trầm bổng của tuổi trẻ
Bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và nên thơ, Sally Rooney đã viết lên một câu chuyện sẽ khuấy động tâm can của bạn bằng những cảm xúc đầy rộng động, da diết. Bắt đầu từ khoảnh khắc Marianne gặp Connell, cả hai đã chia sẻ cùng nhau những bí mật, những tiếng lòng, những suy nghĩ, trăn trở. Cơn sóng cảm xúc của tình yêu chớm nở kèm sự hân hoan mãnh liệt trong tình dục đã đưa cả hai lại gần bên nhau. Tuy nhiên, bên cạnh, niềm hạnh phúc khi tìm thấy nhau, sự dịu dàng khi có người thấu hiểu mà còn là nỗi sợ hãi sẽ để lạc mất nhau, những niềm đau không cách nào thấu tỏ. Nỗi sợ hãi trước sự dồn dập của những cảm xúc không thể diễn giải khiến chàng trai, cô gái ở tuổi 17 buông tay và lạc mất nhau.
“Tớ thích cậu nhiều lắm. Marianne nói. Connell cảm thấy vừa vui vừa buồn, đến mức cậu muốn rơi nước mắt. Đôi khi những khoảnh khắc của cảm xúc đau đớn chợt xuất hiện, vô nghĩa và không thể giải mã được. Marianne sống một cuộc sống tự do, cậu có thể thấy điều đó. Còn Connell lại rối bời trong quá nhiều vướng mắc. Cậu quan tâm những gì mọi người nghĩ về mình. Kể cả suy nghĩ của Marianne, tất nhiên.”
Như một sự sắp xếp của định mệnh, Marianne gặp lại Connell ở trường đại học. Lúc này, mỗi người đều đang phải chiến đấu với những hoang mang của tuổi trưởng thành, sự lạc lối trong tình yêu, tình bạn, nỗi cô đơn của cảm giác không nơi thuộc về, sự bế tắc giữa những con đường và những nỗi đau lúc nào cũng sẵn sàng xâm chiếm chúng ta. Đứng trước tuổi trẻ mênh mông sâu thẳm, cả hai tìm đến nhau như một bến đỗ của sự bình yên. Họ biết từ bên trong sâu thẳm đó là người là mình luôn chờ đợi và tìm kiếm, nhưng những vấp ngã từ quá khứ khiến một lần nữa họ làm tổn thương nhau và tổn thương chính mình. Họ tìm đến những người khác để yêu, để làm tình dù không có sự thấu hiểu trong mối quan hệ đó. Rồi họ lại chia tay, lại đau đớn, lại quay về bên nhau lần nữa để an ủi nhau, để chia sẻ sự đồng cảm trong nhau.
Cuối cùng, chúng ta cũng chẳng biết được mối tình của Marianne và Connel sẽ như thế nào. Cũng như chúng ta không bao giờ biết tương lai phía trước của chúng ta sẽ kết thúc như thế nào. Và chính vì thế, mình nghĩ rằng đây là một câu chuyện rực rỡ nhưng cũng đau thương nhất dành cho tuổi trẻ. Sally Rooney đã chỉ cho ta những phần sâu kín nhất trong tâm hồn mỗi người thay vì chỉ kể một câu chuyện hời hợt. Khi ta trẻ, ta như những bông hoa bừng rỡ, nhưng phía dưới những cánh hoa là sự buồn bã, cô đơn, ta hy vọng rồi lại thất vọng, ta say đắm trong tình yêu và cũng ngập chìm trong tuyệt vọng cùng cực.
Một cuốn sách sẽ làm rung động bất cứ trái tim nào. Nó sẽ khiến trái tim bạn tan vỡ bởi những cú thúc mạnh, nhưng bằng cách nào đó những khiến trái tim bạn được an ủi, được xoa dịu, được thấu tỏ. Hãy đọc cuốn sách này để thấy một lần nữa mình được sống lại một thời tuổi trẻ đáng nhớ.
– Dương Dương Nguyễn
Mình đến với cuốn sách Giữa hai chúng ta này với một lời giới thiệu không mấy tự tin về tác phẩm, vậy nên mình đọc với trạng thái “tưởng không hay” nhưng hóa ra lại “hay không tưởng”. Giữa hai chúng ta không có đoạn cao trào, nhưng lại là một cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp về ngôn từ và cảm xúc của những người trẻ đi tìm bản ngã của chính mình.
Cuốn sách xoay quanh quá trình trưởng thành từ những năm cấp 3 cho đến gần năm cuối đại học của đôi bạn Connell và Marianne trong một thị trấn nhỏ ở Ireland. Mối quan hệ giữa hai người không chỉ đơn thuần là tình bạn (friendship), nhưng lại không phải tình yêu (lover), họ giống như hai người bạn tâm giao (soulmate) hơn.
Lần lượt Connell và Marianne kể về những chuyện thường ngày xảy ra xung quanh họ, nhưng bao giờ cũng có liên quan đến người kia, từ chuyện thi cử, vũ hội cuối năm, đăng ký học tại trường đại học, các bữa tiệc, người yêu, bạn cùng phòng… Những thay đổi và suy nghĩ dần trưởng thành hơn, nhưng sự thấu hiểu giữa họ càng ngày càng xa cách.
Marianne và Connell đã làm tình với nhau rất nhiều lần, cũng đã nằm cạnh nhau không biết bao nhiêu lần, họ cảm nhận hơi ấm của người kia và tìm thấy bình yên trong những khoảnh khắc đó, nhưng họ lại không trở thành một cặp đôi như nhiều người vẫn tưởng, dù mối liên kết đặc biệt giữa hai người cũng khiến bạn tình của mỗi người vô cùng khó chịu.
Ban đầu mình đã nghĩ cả Connell và Marianne đều là những kẻ ích kỷ giống nhau, nhưng khi càng đọc thì càng nhận thấy họ rất khác nhau. Connell thì luôn để ý tới tất cả mọi người xung quanh nghĩ gì về mình, về Marianne, về họ. Còn Marianne, tưởng chừng là một người vô cảm, không thèm quan tâm đến thế giới xung quanh nhưng thực chất lại là một người vô cùng nhạy cảm, mọi thứ đều dễ khiến cô ấy tổn thương nghiêm trọng, chỉ là cô ít thể hiện ra bên ngoài thôi.
Bạn sẽ nghĩ, vậy thì cuốn sách có gì đặc sắc để thấy hay cơ chứ? Mình nghĩ hay nhất chính là cách kể chuyện của tác giả. Nó là câu chuyện của những người trẻ rất đỗi bình thường, nhưng cách tác giả Sally Rooney kể lại thì khiến mình không rời mắt được. Dù diễn tiến theo thời gian từ cấp 3 đến đại học nhưng có rất nhiều phân đoạn vòng ngược lại quá khứ, nhờ đó mà làm rõ hơn tình cảnh ở hiện tại.
Có một lời khuyên nho nhỏ khi bắt đầu đọc cuốn sách này, đừng nản lòng ở những trang viết đầu tiên, bạn sẽ dần dần được khám phá ra điều mình mong muốn. Rất nhiều người sẽ mong Connell và Marianne đến cuối truyện sẽ về với nhau, còn mình thì muốn xem rốt cuộc Rooney sẽ dẫn dắt người đọc đi đến ngóc ngách nào của tâm hồn con người.
– Truong Thu Hoai
Vừa mới đọc xong cuốn “Giữa hai chúng ta” (tựa gốc là Normal People) của Sally Rooney hôm nay và muốn viết đôi lời review…
Không biết có ai trong group xem series The End of The F***ing World trên Netflix chưa? Nếu như đã xem cả phim và cả cuốn này, chắc mọi người sẽ lại có ý nghĩ giống tôi: Đó là James – Alyssa của TEOTFW và Connell – Marianne của GHCT chính là hai cặp đôi đau khổ. Họ chính là hiện thân của thế hệ Milennials – Thế hệ của những đau khổ sâu kín giữa xã hội hiện đại.
Là một người thuộc thế hệ 9x, đôi khi tôi hay được nghe người lớn hơn (thế hệ 7x, 8x) nói: “Sướng thế này rồi còn đòi hỏi gì nữa? Thế hệ chúng mày có biết ngày xưa chiến tranh vất vả kham khổ thế nào không? Giờ có suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, máy tính thôi…” Tôi không hề phản đối việc chiến tranh là một khoảng thời gian khó khăn, nhưng nó chỉ là sự thiếu thốn về mặt vật chất nhiều hơn, còn khi đó, tinh thần của cha ông dường như mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Còn thế hệ chúng tôi – thế hệ của những người trẻ sống “sung túc” – là thiếu thốn nhiều hơn về tinh thần trong khi vật chất lại có phần thừa mứa.
Vì là group sách nên tôi không nói quá nhiều về bộ phim TEOTFW, hãy tự xem nó và cảm nhận, còn tôi muốn nói nhiều hơn về Giữa Hai Chúng Ta. Nếu như đọc nửa đoạn đầu của truyện, chắc sẽ không ít người giống tôi, thấy nó không khác gì một bộ ngôn tình ngược tâm ngược thân mà trong đó nam – nữ chính thích kiểu Friend with Benefits, coi nhau là bạn bè, “chịch” với nhau nhưng lại chẳng bao giờ xác nhận là người yêu của nhau. Nhưng hãy kiên nhẫn nhé, vì ở nửa sau, bạn mới hiểu được, cả Connell và Marianne đều đang có những nỗi đau của riêng mình, và chính vì thế, họ vô tình làm đau lẫn nhau.
Với Connell, cậu dường như giữ cho mình một sự mặc cảm về phân cấp xã hội, khi mẹ cậu vốn chỉ là người giúp việc trong nhà Marianne. Cậu thích Marianne và thấy ở cô một sự đồng cảm mà không ai có với cậu, nhưng cậu lại sợ hãi khi nghĩ rằng bạn bè sẽ phán xét cậu nếu biết cậu và Marianne quen biết nhau sâu sắc hơn chỉ là qua mẹ cậu. Thế là, cậu Connell thời trung học đã làm tổn thương chính người con gái mình thích một cách vô tình…
Với Marianne, nỗi đau gia đình là điều quật ngã cô. Thực sự tôi cũng đã không thể hiểu nổi gia đình của Marianne khi có một người mẹ dường như không hề yêu quý con gái mình và để cho đứa con trai hành hạ em gái về mặt tinh thần. Có thể tôi đã không hiểu những suy nghĩ thầm kín của bà ấy cùng Alan – anh trai của Marianne, nhưng hành động của họ chính là một hình thức bạo lực về tinh thần.
Marianne cũng tìm được sự đồng cảm từ phía Connell, nhưng chính những nỗi đau sâu kín của cả hai giống như hai đầu nam châm, khi thì hút chặt lấy nhau, nhưng sau đó lại ngay lập tức đẩy nhau ra xa. Hai người tự nghĩ bản thân mình có vấn đề, họ tự làm đau chính mình cả về thể xác lẫn tinh thần. Là Connell, khi cảm thấy mình không thể hòa nhập với xã hội đại học với những con người mà cậu coi là giả tạo và sáo rỗng, rơi vào trầm cảm khi hay tin người bạn hồi trung học đã tử tự. Là Marianne, khi tỏ ra mình là một người hòa đồng khi lên đại học, hẹn hò với nhiều chàng trai và để họ đánh mình khi đang làm tình.
Sự cô đơn bao phủ lấy cả hai, và họ chỉ tìm thấy hy vọng khi ở bên nhau, nhưng họ đã để cho những hiểu lầm chồng chất lên nhau, đến nỗi kể cả khi luôn nói với nhau rằng họ yêu nhau, trong thâm tâm họ vẫn hoài nghi về lời nói đó của đối phương. Họ sợ mất nhau, nhưng rồi họ lại sợ mình đang bó buộc đối phương khiến họ thấy gò bó và khó thở, và thế lại lỡ mất nhau ở một đoạn đường nào đó trong đời.
Lúc mới đọc cuốn này, tôi đã nghĩ đến một câu rap của LK: “Anh và em như hai đường thẳng song song, không một tia hy vọng, cho cảm xúc lắng đọng, những suy nghĩ viển vông.” Nhưng tôi nhầm rồi, họ chính là dành cho nhau, bởi vì chính từ những hành động tưởng như vô thức lẫn những hành động mang tính quyết định, họ vẫn chọn nhau, chọn về bên nhau. Và làm những “Normal People” khi ở bên nhau.
– Bầu Linh
Trích dẫn
“Văn học luôn được coi là có khả năng đưa người trí thức đến với những hành trình cảm xúc đặc biệt, để rồi họ có thể cảm thấy vượt trội hơn những người ít học. Ngay cả khi bản thân chàng nhà văn có vẻ tử tế, ngay cả khi cuốn sách của anh ta thực sự sâu sắc, tất cả đám sách vở đều được bán trên thị trường dưới dạng biểu tượng và tất cả các nhà văn đều tham gia ít nhiều vào quá trình tiếp thị. Có lẽ đây là cách để ngành công nghiệp sách kiếm tiền. Văn học, theo cách nó xuất hiện tại các buổi toạ đàm, thật yếu ớt và một chiều.”
“Sự tàn ác không chỉ làm tổn thương nạn nhân, mà làm tổn thương cả bản thân kẻ đó, thậm chí sẽ là vết cắt sâu và lâu dài hơn.”
“Nhưng dù cậu thấy buồn đến thế nào vì chuyện đó, những gì xảy ra với cậu ta không phải là lỗi của cậu. Cậu không phải chịu trách nhiệm cho những quyết định không phải của mình.”
“Có nhiều người đã sống cả đời, Marianne thầm nghĩ, mà không bao giờ được cảm thấy thật sự gần gũi với một ai đến thế.”
“Cậu biết là tớ yêu cậu… Connell nói: Tớ không bao giờ cảm thấy như vậy đối với người khác.
Cô gật đầu, được rồi. Cậu đang nói thật.
Thành thật mà nói, tớ không biết phải làm gì. Chỉ cần nói rằng cậu muốn, tớ sẽ ở lại.”