Gọi Là Ổn Định, Thật Ra Là Hoài Phí Cuộc Sống – Lý Thượng Long

Có lẽ cả cuộc đời đằng đẵng của mỗi người cũng chỉ để hướng đến một điều duy nhất ngắn ngủi: Ổn. Ổn có phải là có một công việc yên ấm, là yêu được người yêu trẻ đẹp, hay có trong tay danh tiếng cuộc đời? Bạn nghĩ đó là ổn, thật ra nó chưa ổn. Bởi ổn là có thể cố gắng, nỗ lực trong hoàn cảnh khó khăn, ổn chính là nắm trong tay nhiệt huyết, ý chí bản thân, để không bao giờ phải nói câu: hối tiếc.

Cuốn sách truyền cảm hứng, nhưng chẳng cần dùng đến những câu từ khích lệ cao siêu, mà chỉ đơn giản là những câu chuyện nhỏ, của chính tác giả đã từng chứng kiến hoặc trải qua. Chính vì nhỏ mới có thể đi sâu vào lòng người, chạm đến những vùng miền thẳm sâu nhất trong tâm hồn.

Review Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống

Không biết có phải là do nguyên nhân trầm cảm tuổi “mới lớn” hay không mà có một dạo t cảm thấy chán nản với mọi thứ. Đi làm cả ngày về tắm rửa sạch sẽ lên giường ôm lap lạch cạch gõ vài trang “Chuyên đề thực tập” đến khi chán ngán lại ôm điện thoại nằm đến khi buồn ngủ thì đi ngủ, đến sáng thức dậy theo giờ báo thức và lại bắt đầu một vòng tuần hoàn nhạt nhẽo đó. Đôi khi nghĩ chẳng lẽ cuộc sống của “người lớn” hoá ra không hề thú vị mà chỉ là dần quen thuộc với cô đơn thôi. Không phải tất cả nhưng hầu hết chúng ta đang trói mình vào cái vòng quay không hồi kết đấy để rồi nhận ra rằng thời gian đã trôi qua quá nhanh với những mối quan hệ dần nhạt nhoà vì nhiều lý do bận bịu này kia, có những thứ thật sự đã thật sự đã qua đi mà KHÔNG BAO GIỜ có thể hàn gắn lại xưa được nữa.

Có lẽ là ngày hôm nay cái vòng tuần hoàn đó vẫn tiếp diễn nếu không có việc tớ đọc được quyển sách: “Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống”. Không phải tuýp người đa sầu đa cảm nhưng kiểu chưa từng có một quyển sách nào mà ngay từ đọc lời mở đầu tớ đã khóc sướt mướt không thể hiểu nổi như đọc quyển sách này. Lí do không phải vì quyển sách nó quá lâm li bi đát hay buồn thương thảm thiết gì mà chỉ vì nó quá THẬT, thật đến mức chạm được sâu vào cảm xúc của bản thân. Qua từng mẩu chuyện nhỏ nhặt mà t cảm thấy đâu đó CHÍNH BẢN THÂN mình trong câu chuyện.

Xin phép trích một mẩu truyện ngắn trong đó:
“Thời gian gần đây, khi xem bộ phim Doraemon – Đôi bạn thân, tôi vốn chỉ muốn tìm lại những ký ức tuổi thơ. Nhưng khi bộ phim kết thúc, nước mắt trong tôi vẫn trào dâng.
Lớn lên, Nobita cưới Xuka. Khi Nobita hồi còn nhỏ dùng cỗ máy thời gian đến gặp Nobita tương lai, Nobita tương lai bình thản bảo Nobita hồi còn nhỏ rằng: “Hãy quý trọng những ngày Doraemon ở bên, bởi Doraemon là người bạn tốt nhất thời niên thiếu, rất mau thôi, các cậu sẽ phải chia tay.”
Doraemon dùng chiếc túi thần kỳ của mình để giúp đỡ Nobita khi cậu cần nhất và làm bạn với cậu một cách ấm áp nhất.
Nhưng khi Nobita bắt đầu hạnh phúc và trưởng thành, Doraemon đã lặng lẽ rời xa. Cũng giống như không có buổi tiệc nào là không có hồi kết, dù là phim hay tuổi thanh xuân, luôn cần quay bước và nói câu tạm biệt.
Bộ phim này không giấu giếm, nói thẳng với chúng ta rằng, những người đang bên cạnh chúng ta kia, sẽ có ngày phải rời xa, dù có mang lại cho nhau bao nhiêu niềm vui. Đến lúc chia li rồi, bạn chỉ cần khóc lên thật to để nhớ đến những năm tháng kỷ niệm đó là được. Cuối bộ phim, một điều lặng lẽ gửi đến mọi người rằng:
Khi thời điểm đó đến, hãy mỉm cười nói với quá khứ lời chào tạm biệt.
Khi ra đi, Doraemon đã nói với Nobita rằng, không có mình bầu bạn, Nobita phải kiên cường, dũng cảm lên. Thế là, Nobita đứng thẳng người, đi tuyên chiến với Chaien. Bị Chaien đánh, Nobita không hề quỳ xuống xin tha như mọi lần, lần này, chỉ luôn miệng nói một câu: “Tớ sẽ dùng chính sức mình đánh bại cậu!”
Kỳ thực nhân vật béo tròn Chaien chính là hình ảnh cuộc sống thu nhỏ của mỗi chúng ta. Cậu ta chính là những trắc trở trong cuộc sống, là những vấp váp của thanh xuân, là khó khăn khốn khổ của số phận.
Bạn có thể nhờ Doraemon giúp đỡ đánh bại những khó khăn ấy, có thể nhờ bố mẹ bạn bè cùng giúp sức, nhưng con đường đời chính là chỉ mình mình đi được, phải học cách dũng cảm để một mình mình đi hết, học cách dung cảm một mình mình chiến thắng khó khăn.
Doraemon tất có một ngày sẽ rời xa bạn, cũng giống như những người thân, bạn bè cũng sẽ có một ngày phải từ biệt vậy. Khi không có sự trợ giúp, liệu bạn có thể vượt qua cửa ải khó khăn, chiến thắng nó một cách dễ dàng? Liệu bạn có thể dựa vào sức mình dũng cảm đứng lên?
Tôi nhớ lại ngày xưa, khi leo núi Himalaya. Trên con đường đó, tôi đã vượt qua một số người, bị một vài người vượt lên, cũng gặp những người đang đi xuống. Một số người chỉ chào hỏi nhanh vài câu, một số khác cùng đi một đoạn đường, rồi cũng vội vã từ biệt. Khi leo lên đỉnh núi, tôi mới phát hiện, chỉ có một mình mình đang vui mừng mà thôi. Khi đó, tôi đã hiểu:
Trên quãng đường đó, có thể sẽ có người cùng đi với bạn một đoạn đường. Nhưng đến cuối con đường, sẽ giống như lúc mới bắt đầu vậy: Chỉ có một người đơn độc mà thôi.
Kỳ thực trưởng thành cũng như vậy. Xa Doraemon, Nobita vẫn lớn lên, vẫn tiến lên. Còn khi có Doraemon, Nobita chỉ là không còn cô độc nữa mà thôi. Vì vậy, khi Doraemon còn ở bên bạn, hãy nhanh chóng biến mình trở nên mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn, để khi cậu ta rời xa, bạn chỉ cần mỉm cười và nói tạm biệt là được. Bởi lẽ, tự mình trưởng thành là tất yếu!”

Chỉ là một mẩu chuyện ngắn nhưng sau khi đọc thì dư âm nó còn lắng đọng lại thật nhiều. Đọc xong cuốn sách một cách miệt mài trong 2 đêm, con bé chợt nhận ra bản thân mình nên suy nghĩ lạc quan lên một chút, sống nỗ lực hơn vì hạnh phúc bản thân, hạnh phúc của gia đình bố mẹ hay chị gái. Cũng thấy thích đọc sách hơn, lượn lờ kiếm quyển nào thật sự hút hồn con người ta từ những cái chữ đầu tiên. Mọi người hãy thử đọc quyển sách này nhé vì sẽ cảm thấy không phí một chút nào chi phí đã bỏ ra đâu.

– ‎Hà Minh Anh‎ 

Trích dẫn Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống

CÁI MÀ BẠN CHO LÀ ỔN ĐỊNH, CHẲNG QUA CHỈ LÀ SỰ LÃNG PHÍ CUỘC SỐNG MÀ THÔI!

D không về Bắc Kinh được nữa rồi.

Sau khi tốt nghiệp, vào đợt phân công công tác năm đó, vì trường quân sự của D đã đủ người, nên cấp trên nói với hắn: “Cậu xuống cơ sở đảm đương công việc mới một năm rồi trở lại Bắc Kinh nhé!” Không chút lưỡng lự, D gật đầu bảo: “Chỉ cần có cơ hội về Bắc Kinh thì cơ sở xa xôi đến mấy tôi cũng đi.”

Tôi đã từng nói chuyện với D về cái gọi là ổn định. Khi đó, tôi đã là một người lao động tự do.

Hắn bảo: “Trong biên chế thì ổn định, thu xếp xong chuyện hộ khẩu, mỗi tháng có lương đều đều, khỏi phải lo cơm áo, tha hồ thời gian làm việc mình muốn.”

Tôi nói: “Thứ mày gọi là ổn định đó, tao thấy cứ thế nào ấy.”

D giải thích: “Mày xem đấy, ngày nào mày cũng phải phấn đấu hết sức mình, còn tao chả cần. Tao có thể nằm ngủ thảnh thơi, mỗi tháng có thu nhập 5.000 tệ (khoảng 15 triệu VNĐ). Nhìn lại mày xem, nếu không cố gắng dù chỉ một ngày, thì lấy đâu ra tiền tiêu?!”

Tôi đáp: “Nhưng sống chẳng phải là để phấn đấu ư?”

Hắn nói: “Nhưng ổn định vẫn hơn vì khi tao đã có cuộc sống ổn định thì phấn đấu lúc nào mà chả được!”

Tôi bảo: “Cứ cho là chúng mày tháng nào cũng được lĩnh lương, tất cả những người làm việc và không làm việc đều được trả như nhau, thế thì ai sẽ chịu làm việc tiếp đây?”

Hắn cự lại: “Ấy thế mà có khối người đang vất vả tìm kiếm cuộc sống ổn định đấy!”

Tôi cãi: “Rất nhiều người không có nghĩa là điều đó đúng. Tao không thấy mày ổn định, bởi vì cuộc sống của mày phụ thuộc vào một chính sách hoặc một câu nói của lãnh đạo, khả năng thay đổi là rất lớn. Công việc của những người lao động tự do như tao, dựa vào nỗ lực của bản thân, thị trường sẽ trả cho chúng tao những con số tương ứng một cách công bằng, chỉ cần phấn đấu hằng ngày, cuộc sống nằm trong tay mình. Còn mày thì không, cuộc sống của mày nằm trong tay lãnh đạo, trong tay cơ chế. Cái này biến số rất lớn, ai mà biết được hôm nay lãnh đạo khen mày, ngày mai có khi lại ghét bỏ mày chưa biết chừng.”

“Thế là sao?”, hắn hỏi.

Tôi bèn trêu bảo: “Ví dụ mày muốn về Bắc Kinh, mày phải tìm người giúp đỡ, phải nhờ vả, phải bỏ tiền. Còn tao, chỉ cần có cơ hội, muốn đi đâu thì đi đấy, tìm được việc thì không chết đói được.”

Hắn cãi: “Nhưng kết quả là cả tao với mày đều cùng về Bắc Kinh, không phải là giống nhau à, mà tao sẽ sống dễ dàng hơn mày đấy!”

Tôi không biết nói gì thêm nữa. Hôm đó, ngoài trời gió thổi rất mạnh, dường như thổi vào tận đáy lòng, trái tim nhiệt huyết nhưng vương một nỗi buồn khó tả. Mùa đông năm ấy, D rời Bắc Kinh về cơ sở nhậm chức.

Một năm trôi qua, quyết định được chuyển xuống. Danh sách người được điều chuyển về Bắc Kinh không có tên D.

Tôi từng tự hỏi rốt cuộc ổn định là cái gì, là một công việc ổn định, một hộ khẩu, hay là một căn nhà ba phòng ngủ? Nhưng đến tận hôm nay, tôi không thể hiểu tại sao mỗi tháng lương 5.000 tệ, đi làm đọc báo uống trà mới là ổn định. Tôi không thể hiểu tại sao một người cần phải có nhà mới dám đi yêu một người, hoặc buộc phải có hộ khẩu Bắc Kinh mới có thể sống ở Bắc Kinh.

Tôi từng nhập ngũ vài năm, do không phù hợp nên tôi đã xuất ngũ. Trong môi trường quân đội, có người cả ngày chỉ nghĩ làm thế nào để được ổn định. Cũng có người chẳng có việc gì làm, cả ngày dùng điện thoại lên mạng thật nhàn nhã. Nhưng cũng có người rất nỗ lực phấn đấu và cống hiến, làm được những điều đáng nể.

Dẫu có thế nào, chỉ vì lí do ổn định mà gia nhập một tổ chức, vì ổn định mà làm một nghề nào đó, lúc còn trẻ không cống hiến, không mạo hiểm, để tuổi thanh xuân đi qua như thế thì thực có gì đó rất không ổn.

Thế giới vẫn ngày ngày đổi thay và cái gọi là ổn định, có lẽ không hề tồn tại. Trên thế gian này, điều duy nhất bất biến chính là thay đổi bản thân, chỉ vì có nỗ lực phấn đấu hằng ngày thì mới không bị tụt lùi. Thời đại mà tổ chức giải quyết mọi thứ, nhà nước bao cấp toàn bộ cuộc sống của cha mẹ chúng ta trước kia, nay đã không còn tồn tại nữa. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Thế nhưng, xung quanh chúng ta vẫn có không ít người sẵn sàng vì hộ khẩu mà đánh đổi cuộc sống, sẵn sàng vì ổn định mà trả giá bằng tuổi thanh xuân, sẵn sàng vì sự yên ổn mà mất đi hoài bão.

Mấy hôm trước, gặp lại D, hắn kể cho tôi nghe một câu chuyện.

Người anh học cùng trường của hắn, 30 tuổi, đã ổn định được nửa cuộc đời, đã cưới vợ và chuẩn bị sinh con, nhưng đột nhiên tháng vừa rồi bị kỷ luật khai trừ khỏi tổ chức. Khi rời khỏi vị trí công tác ổn định ấy, anh ta chợt nhận ra rằng sau 8 năm tốt nghiệp, ngoài việc uống trà đọc báo, viết những công văn vô thưởng vô phạt, nịnh bợ cấp trên ra, thì chẳng biết làm gì khác. Anh ta cầm hồ sơ đi xin việc, cạnh tranh với các sinh viên mới tốt nghiệp. Nhưng ngoài việc hơn tuổi họ thì anh đã mất đi tất cả sức cạnh tranh. Đến những kiến thức máy tính đã học năm thứ tư đại học, cũng đã rơi rụng hết cùng với những ngày tháng bình ổn kia. Một năm sau, anh ta và vợ li hôn.

Một hôm, anh ta với dáng vẻ đầy mệt mỏi nói với D: “Nếu cậu muốn đi, thì đi ngay, đi sớm đi. Nếu không đi thì cũng đừng lựa chọn ổn định ở cái độ tuổi có thể xông pha nhất này, càng không nên nghĩ trên thế giới này có công việc gì ổn định. Hạnh phúc mà cậu đang hưởng thụ hiện tại đều là giả tưởng, có thể một ngày nào đó trong tương lai sẽ biến mất hoàn toàn. Cuộc sống là của bản thân mình, phấn đấu không phải là vì người khác. Hãy xông pha với mỗi công việc cần phải làm mỗi ngày, chỉ có tiến bộ của hôm nay mới là cuộc sống ổn định nhất!”

Chỉ có tiến bộ của hôm nay mới là cuộc sống ổn định nhất! Vậy thì tại sao lại phải vì cái gọi là ổn định mà từ bỏ việc khám phá thế giới, vì ổn định mà ngoảnh mặt với khả năng vô hạn của cuộc sống? Nếu trên thế gian, điều bất biến lớn nhất chính là sự thay đổi thì hãy nỗ lực bứt lên trong cuộc sống muôn hình vạn trạng này.

Đối với người bộ hành, không ai thích con đường bằng phẳng cả, dẫu hai bên đường hoa cỏ thơm ngát đi nữa. Còn những người dù bận rộn đến mấy cũng sẽ liếc mắt nhìn những cánh hoa rơi trong gió, bởi chúng không giống như bùn đất nằm yên ổn tại nơi đó, chúng đã nỗ lực bứt lên, và đã đem đến cho thế gian những giây phút khó quên. Điều đó, chẳng phải là điều bạn và tôi muốn có sao?